Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

A NỮ CHÚNG TÔI Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM - NGUYỄN QUANG MINH.

Khi bọn Pôn-Pốt –Iêng Xari tiến hành cuộc chiến tranh chống phá nước ta ở biên giới Tây Nam, Đại đội chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên của Lực Lượng Thanh Niên Xung Phong được điều đến phối hợp với bộ đội bảo vệ biên giới. Trong Đại đội chỉ có một A nữ tám cô. Lúc đó, có ý kiến cho rằng nên “gửi” tám cô này ở lại, xong chiến dịch về “đón”, vì nữ “phức tạp” lắm, ra biên giới chả khéo lại “nhè” đòi về thì… đổ nợ!

Bọn con gái chúng tôi không chịu. A trưởng Mai thị Tuyết nói rất khéo: “Đề nghị các anh cho chúng tôi thực hiện quyền nam nữ bình đẳng. Tất nhiên nam nữ bình đẳng không có nghĩa là hễ nam làm được cái gì thì nữ phải làm bằng được cái đó. Nhưng ở một tỉ lệ tương xứng thì chúng tôi có khả năng hoàn thành được nhiệm vụ”. A phó Thu Thanh thì dùng tình cảm mà… đấu dịu: “Mình cùng đơn vị đã trên một năm, từng chia sẻ với nhau biết bao gian khổ lẫn ngọt bùi, nay các anh bỏ tụi em mà đành sao!”. Còn Hoàng nhão thì rưng rưng nước mắt mà… nhõng nhẽo: “Thôi! em hổng “chiệu” ở lại đâu!”.

Bàn qua tính lại mãi rồi thì chúng tôi cũng được cho đi cùng các anh. C trưởng nói rất… nghệ sĩ: “Ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng cần có những bông hoa, các đồng chí ạ!”. Thế là bọn tôi hăm hở cùng các anh lên đường. Thấm thoát mà đã qua ba tháng vào chiến dịch biên giới, bọn con gái chúng tôi cũng cáng thương, tải đạn, lấp hố mở đường ngon lành chớ có thua chi các anh! Bọn tôi còn đóng góp rất tích cực trong những khi… nấu chè bồi dưỡng! Ôi, tài nêm nếm thì các anh bì thế nào với cánh con gái chúng tôi cho được.

Hoàng nhão là một con bé nhõng nhẽo số một trong Đại đội. Hễ ai động đến một tí là nó đã đớt: “Thôi, em hổng “chiệu” vậy đâu”. Ở biên giới, các anh thương cho bọn tôi khỏi gác đêm. Nhưng Hoàng nhão thì cứ đòi chia ca gác cho biết mùi… sương gió đêm trường! Nó đòi riết, các anh cũng phải cho. Trong một ca gác lúc nửa đêm, ngay chốt của con nhỏ bị một tên trinh sát địch dò thám. Hoàng nhão chĩa súng la lên bằng một cái giọng nhão nhè nhão nhẹt: “Ai! Đứng lại hông… bắn à nhe!”. Tên địch nghe tiếng la bỏ chạy, Hoàng nhão bắn theo nhưng súng không nổ vì chưa… mở khóa an toàn! Sáng ra, anh em được một bữa cười bò càng.

Vậy chớ con nhỏ rất dễ thương, nó có tài cạo gió và biết kính trên, nhường dưới nên trong Đại đội ai cũng thương nó.

Mười sáu giờ chiều một ngày cuối năm 78, trung đội 3 gồm A nữ chúng tôi và hai A nam được điều đi đắp lại một đoạn đường đã nát vì bị ngập nước. Chúng tôi phải đắp xong đoạn đường đó vào lúc 19 giờ để đoàn xe vận tải quân dụng và kéo pháo kịp qua trong đêm. Đoạn đường này dài khoảng 50 mét, vốn trũng thấp lại nằm ven một con suối lớn, qua mấy cơn mưa tầm tã nước suối dâng tràn chảy qua làm nó bị lầy nặng. Mặt đường nhão ra, một vài anh lội tới… đo thử, thấy sình ngập gần tới thắt lưng! Anh Thanh B trưởng phân công. Hai A nam vào rừng đốn cây để làm ngầm, còn A nữ thì “quét” hết bùn trong đoạn đường đó. Khi bùn đã được quét sạch thì trải cây. Trung đội cố gắng làm xong trong hai giờ đồng hồ.

A nữ chúng tôi tiến vào đoạn đường sình nhão. Chúng tôi sẽ quét bùn từ chỗ cạn đến nơi sâu dần. Chị em chia làm hai đầu mà quét. Bên kia thì Tuyết A trưởng, Hoàng “nhão”, Ngọc Vân, Kim Ngọc, còn bên này thì Thanh A phó, Thu Loan, Lệ “Lì” và tôi. Chúng tôi làm rất tích cực nhưng mấy cái xẻng ở đây bỗng trở nên vô dụng. Mặt xẻng như một bàn tay nhỏ hất bùn đi rất chậm. Nếu làm theo kiểu này thì tới mai cũng chưa xong.

Tuyết A trưởng vốn là một đứa giỏi tháo gỡ. Nó đứng suy nghĩ một chút rồi chạy vụt lên lấy xuống bốn cái thau đựng cơm canh của tiểu đội, chia đều cho hai nhóm. Hoàng nhão, Ngọc Vân, Thu Loan, Lệ lì chộp lấy, quét bùn vùn vụt, năng suất lên thấy rõ. Tuyết A trưởng bỏ xẻng gỡ chiếc mũ tai bèo xuống hốt bùn. Mái tóc dài óng ả của nó bung ra đen mượt trong nắng chiều. Tôi, Kim Ngọc, Thu Thanh bắt chước Tuyết A trưởng cũng hạ mũ xuống mà hốt. Chúng tôi lần từng bước tiến tới cùng với lượng bùn được hất qua hai bên đường, nham nhở phủ lên những đám cỏ xanh. Chị em ai cũng phấn khởi vì với đà này thì tuyến đường sẽ được “sấy” khô đúng thời hạn.

Lệ “lì” là một đứa con gái rất lì! Người nó thấp, mập tròn, đen trũi. Trước đây nó từng là dân chợ trời chuyên chạy mánh, sau vào trường xây dựng cuộc sống mới rồi chuyển qua Thanh niên xung phong. Ở đây chị em thương yêu nhau, đối xử với nhau rất chân tình, bình đẳng và chẳng có ai bươi móc quá khứ của nó làm gì. Nó chịu môi trường này nên làm ăn tới lắm. Hồi còn ở Công trường Ninh thạnh Lợi, Minh Hải, nó đào kênh một ngày tới mười sáu mét khối, cỡ kiện tướng nam cũng phải ngán. Ít khi nào nó tỏ ra mệt mỏi mà thường tuyên bố rất… lì: “Ai làm tới đâu em theo tới đó!”. Ục ịch là vậy mà nó chạy ki thì khó ai theo kịp. Trong các chiến dịch thi đua, nó là người chiến đấu tới giờ phút cuối cùng. Lì vậy nên chết tên là Lệ “lì”.

Trong A nữ, Lệ lì được chị em thương ở tính bộc trực và hay tếu. Cô ả tát bùn một hồi thì nóng máy và bắt đầu… quậy bằng một cái giọng ong óng chua lè:

- Ở giữa rừng đâu có gương soi. Làm sao em có nhíp nhổ lông mày trong túi…

Bài ca “Những bông hoa trên tuyến lửa” được Lệ lì sửa lời, từ “làm sao em thấy được vết bầm trên má” thành “làm sao em có nhíp nhổ lông mày trong túi” làm chị em cười rộ cả lên. Nhưng vẫn có một gương mặt đượm buồn. Đó là Thu Loan, cô bé trắng trẻo má phinh phính đỏ, tóc xinh như búp bê. Lệ lì liếc thấy, ghẹo liền:

- Rồi, chàng “dìa” rồi cái nàng ủ rũ!

Thu Loan quay lại, nguýt Lệ lì. Tâm tư nó chị em đã rõ. “Bồ” nó là anh Thanh Long ở A1 đã bỏ ngũ. Trước khi đi, ảnh có rủ mà nó không theo. Nó nói, nó không thể bỏ đồng đội được, nếu anh thật lòng thương nó thì phải ở lại. Nhưng đó là một anh chàng nhát gan… Và mối tình đầu của nó đã phải chấm dứt.

Tuyết A trưởng nhìn Lệ lì có ý nhắc đừng ghẹo Thu Loan nữa nhưng Lệ lì vẫn ong óng ngâm nga:

- Nếu hai ta không cùng chung lý tưởng. Thì chung đường chỉ làm bận lòng nhau.

Đám con gái chúng tôi đang vừa đùa vui vừa hốt bùn thì “Véo! véo! ầm” – Địch pháo kích. Có lẽ bọn chúng đã đánh hơi được ta đắp đường thông xe nên tổ chức pháo chặn. Chúng không dám trực tiếp tiến đánh chúng tôi vì phía trước con đường là những chốt bộ đội đóng chặt. Hai A nam vào rừng đốn cây vẫn chưa thấy về. Đám con gái chúng tôi ngã rạp xuống bùn. Tuyết A trưởng hướng dẫn chị em bò tới núp dưới một hầm dã chiến địch bỏ lại bên cánh phải con đường. Căn hầm sâu nhưng không rộng, tám chị em chúng tôi chồng chất lên nhau, sình bùn bê bết. Véo ầm! véo ầm! Địch pháo càng lúc càng đầy. Con đường trúng đạn, sình văng tung tóe. Chúng tôi nắm lấy tay nhau, chuyền cho nhau nghị lực để chống chọi. Một trái pháo địch chụp trúng đỉnh hầm, cát bay rào rào phủ cả lên đầu lên mặt chúng tôi.

Giặc pháo thưa dần sau hơn nửa giờ đồng hồ cấp tập. Trời đã sụp tối rồi mà phần việc vẫn chưa được làm xong. Số bùn chỉ còn khoảng một phần tư nữa là dứt điểm mà chúng tôi cứ phải nằm bẹp dí. Lòng chúng tôi, đứa nào cũng nóng như lửa đốt nhưng chân cứ quíu cả lại. Bất chợt, Tuyết A trưởng vùng dậy bước ra khỏi hầm chạy về phía tuyến đường. Một trái pháo nổ xé không gian. Chúng tôi thấy Tuyết lảo đảo quỵ xuống. Không hẹn mà tất cả ào ra. Chúng tôi chạy đến bên Tuyết nhưng nó ngoắt tay ra dấu không sao rồi chụp lấy cái thau nhôm quét bùn lia lịa. Chúng tôi xúm cả vào và thật may địch đã ngưng pháo. Con đường được sấy khô kịp lúc hai tiểu đội nam vác cây về. Đúng 19 giờ, đoàn xe của bộ đội rì rầm chạy tới, vượt được đoạn lầy đó một cách an toàn. Qua ánh đèn pha sáng lóa, bất chợt tôi thấy bắp tay trái của Tuyết A trưởng đẫm máu.

Tôi vội dìu Tuyết quỳ xuống bên đường, mở túi sắc lấy băng cứu thương. Trong khi tôi quấn băng, Tuyết quay lại và hơi thở của nó ấm một bên má tôi: 

- Cũng may, mảnh không trúng xương, Hương à!

*

Mấy đứa trong A nữ chúng tôi sạt sạt tuổi nhau, cỡ trên dưới hai mươi và chưa đứa nào có chồng. Nhỏ nhất là Kim Ngọc mười tám tuổi, lớn nhất là A phó Thu Thanh hai mươi ba. Còn tôi và A trưởng Mai Thị Tuyết đồng tuổi nhau, vừa chẵn hai mươi.

Trong A, người mà tôi thân nhất là Tuyết A trưởng. Con nhỏ thoạt nhìn thấy nhu mì, hiền thục và ít nói. Coi vậy, chớ nó rất cứng. Trong mọi công tác của Tiểu đội, nó luôn xung phong đi đầu, gặp khó thì nghĩ cách gỡ cho bằng được chớ ít khi chịu bó tay. Trong A, chị em ai cũng thương và phục nó. Hồi còn đào kênh ở Ninh Thạnh Lợi có một anh chàng ở Chính “si” nó lắm. Anh ta thường cố dứt điểm sớm chỉ tiêu của mình rồi vác leng chạy qua A chúng tôi… mần phụ! Kiên nhẫn vậy mà suốt trong thời gian chiến dịch dài gần hai tháng anh chỉ mới xác lập được mối quan hệ… tình bạn! Ngày Đại đội chúng tôi lên đường, anh chàng buồn rượi. Khi chuyến xe lăn bánh, nhìn anh đứng ở sân liên đội vẫy tay chào, Tuyết A trưởng thấy cũng tội. Nhưng nó vẫn khuyên chúng tôi rằng chớ nên lầm lòng thương hại với tình yêu. Con nhỏ văn hóa chưa phải là chững lắm, mới tốt nghiệp cấp ba như tôi mà nói nghe rất… triết: “Trong tình yêu, chớ nên vực dậy những con người đáng thương”.

Nhà Tuyết A trưởng nghèo lắm, nơi một xóm lao động bên bến Vân Đồn, quận 4. Tôi và Tuyết thân nhau vì ngoài những phù hợp về tính nết, tâm hồn, chúng tôi còn có chung ước mơ là sau ba năm cống hiến sẽ trở về thi đại học.

Sau buổi chiều chống lầy tuyến đường, A nữ chúng tôi được cho nghỉ dưỡng sức ba ngày, chuẩn bị nhận công tác mới. Thời gian này đủ cho vết thương của Tuyết A trưởng ổn định. Cũng may, nó bị rất nhẹ, chỉ như một vết xước nên thật mau lành.

Sau đó, A nữ được biệt phái qua làm nhiệm vụ hộ lý ở bệnh xá tiền phương của trung đoàn phối thuộc. Công tác này tuy không phải trực diện với những hiểm nghèo của tầm đạn giặc, nhưng coi vậy mà chị em có phần “dội” hơn nhiều. Vì các anh thương binh vào bệnh xá thường máu mủ đầy người, có anh lại luôn miệng chửi mắng; trong khi bọn con gái chúng tôi trong đời chưa từng bao giờ phải chăm sóc những con người như vậy, nên đứa nào cũng nản.

Có lần đang rửa vết thương cho một anh thương binh bị phỏng nặng, Kim Ngọc bị anh hất đổ khay thuốc và quát mắng. Đêm về, nó khóc tấm tức. Lệ lì đổ quạu. Nó nói với Tuyết A trưởng:

- Chị cho tui về lại chiến trường đi. Dân này sợ gì ai mà phải vô đây cho người ta xài xể!

Tuyết A trưởng vỗ vỗ vai Lệ lì, nhỏ nhẹ:

- Các anh bị thương, đau quá mới sinh nóng nảy. Lúc đó các anh không tự chủ được mới la mắng như vậy. Mình nên thông cảm, nên thương chớ đừng giận, chị em à.

Nghe Tuyết, Lệ lì nguôi lại, nhưng Kim Ngọc thì vẫn thổn thức. Tuyết bấm tay tôi:

- Thôi, ngày mai Thu Hương vào phụ mình chăm sóc các anh. Lệ và Kim Ngọc qua giặt quần áo cho các anh nhé.

Tôi nắm chặt tay Tuyết, thấy mình có trách nhiệm phải chấp nhận sự phân công để hỗ trợ cho nó, dù thật lòng tôi cũng hơi ngại. Ôi, con nhỏ thật là cừ, tài điều động của nó hơn tôi cả một cái đầu. Đêm lục đục dần êm lại…

Những khó khăn ban đầu rồi cũng trôi qua. Các y, bác sĩ của bệnh xá thường đến động viên chúng tôi, nhắn nhủ cố gắng hỗ trợ cho họ để chữa trị cho thương binh mau lành. Chúng tôi thấy các đồng chí ấy làm việc chuyên môn quần quật đêm ngày, nhiều khi thức trắng liên tiếp nhiều đêm để chữa trị những ca hiểm nghèo mà không hề than thở nên đứa nào cũng cảm phục, tự động viên mình khắc phục những trăn trở riêng tư.

Ngoài việc rửa vết thương, chúng tôi còn làm nhiều việc khác như bưng cơm, cháo, lấy nước, giặt giũ quần áo cho thương binh… Đối với các thương binh nặng, chúng tôi đút cho các anh từng muỗng cháo, bưng đổ các bô phân, giăng mùng, quạt muỗi, bắt kiến…

Ở rừng có một loài kiến hôi rất lạ, thường hay bu lại cắn vết thương các anh. Ở đây Hoàng nhão không trổ được tài cạo gió nhưng nó chuyển qua nghề bắt kiến rất cừ. Nó đi từ giường này tới giường nọ, quỳ xuống bên các anh. Đôi tay nhỏ bé của nó thật khéo léo, rón rén túm đi những con kiến, cả những con dòi mà không làm cho các anh bị đau. Thương binh ai cũng thấy thích thú khi được nó tới bắt kiến cho mình. Riết rồi, ở bệnh xá người ta gọi nó là chuyên gia… bắt kiến!

Chiến trường ngày càng ác liệt, số thương binh chuyển về bệnh xá tăng lên, có hôm đến trên 50 ca. Chị em chúng tôi thấm mệt nhưng không đứa nào dám lơi lỏng công tác. Các anh vì ai mà phải chịu mang thương tật? Và mình phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của các anh?... Những câu hỏi này làm chúng tôi quên cả mệt nhọc, làm hết sức mình mà không cần điều kiện gì. Nhiều anh bị phỏng nặng không thể tự thay quần áo được. Chúng tôi đã phải cắn răng ép đi nỗi thẹn thùng con gái để giúp các anh thay quần áo… Ôi, làm sao có thứ bút mực nào miêu tả cho hết được chiều sâu của những phút giây ấy!

Thấm thoát mà đã một tháng trôi qua. Một số anh thương binh mới hôm nào còn la mắng chúng tôi nay đã bình phục. Chiều nay, các anh đến thăm chúng tôi, gọi là chào trước khi lên đường trở ra tuyến lửa. Đoàn-thương-binh-bình-phục đến sam chúng tôi khoảng 10 người. Dẫn đầu là anh Trí, người đã la mắng Kim Ngọc dạo trước. Anh nhìn Kim Ngọc, mặt hằn nét mến thương:

- Anh xin lỗi em nghe. Bữa đó, anh đau quá chịu không thấu… Thấy em khóc, anh ân hận quá mà chẳng biết làm sao… Mai anh đi rồi, tha lỗi cho anh nghe, Kim Ngọc.

Kim Ngọc thật là một con bé đa cảm. Nó lí nhí dạ nhỏ rồi nhìn dáng người gầy ốm của anh, lại rơi nước mắt. Ai thấy nó khóc cũng cảm động rồi sinh ra lặng lẽ. Lệ lì phải xen vào, dùng cái lì của nó mà vực dậy “không khí”.

- Dạ không có chi đâu anh. Các anh bình phục, được xuất viện là bọn em “dui” rồi! Chúc các anh lên đường mạnh giỏi, chiến đấu an toàn, “hổng” bao giờ phải “quành” lại đây nữa!

Các anh thương binh bật cười ha hả. Ai cũng hào hứng trước cái “lì” mà rất “duyên” của Lệ.

Anh Trí cỡ ba mươi ngoài, là trung úy đại đội trưởng. Anh có dáng người cao, gầy, đôi mắt sâu nên có vẻ khô khan. Nhưng qua tiếp xúc nãy giờ, chúng tôi thấy anh vui vẻ và cởi mở lắm. Anh chợt hỏi chúng tôi một câu thật bất ngờ:

- Là con gái, các chị giúp chúng tôi thay quần áo như vậy… hẳn là phải… cố gắng ghê gớm lắm… Vì sao mà các chị lại không bỏ chúng tôi?

Câu hỏi đột ngột của anh làm tụi tôi thảy đầu bất động. Ngay cả Lệ lì mà cũng á khẩu luôn. Tụi tôi lén nhìn nhau, má râm ran đỏ…

Mãi một lúc sau Tuyết A trưởng mới cất tiếng:

- Dạ, những lúc đó… tụi em coi các anh như là anh ruột vậy…

Một giọt nước mắt chợt ứa ra, lăn qua gò má khắc khổ của anh Trí. Anh vội giơ tay áo lên thấm, giọng nghèn nghẹn:

- Thay mặt các anh em thương binh, anh hết sức cảm ơn các em… Các em cho bọn anh địa chỉ. Dù xa và gian khổ đến thế nào đi nữa, bọn anh cũng cố gắng gởi thơ về.

Tuyết A trưởng đón lấy cuốn sổ tay của anh, ghi vào:

“Địa chỉ chúng em-A nữ C3 liên đội Dũng Chí”.

Anh Trí nhận lại cuốn sổ tay, nhìn nét mực chưa kịp khô, lại đỏ hoe con mắt. Anh nói:

- Thôi, trước khi chia tay, bọn anh hát tặng các em một bài. Bài “Đẹp sao những người con gái” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Anh tằng hắng bắt giọng, các anh thương binh hát theo, nghe lõi chõi không đều mà chứa chan xúc động:

- Đẹp sao những người con gái

Đội mũ tai bèo đi dép cao su

Khó khăn nào đều cười vui bước tới

Dấn thân vào cuộc đời mới hôm nay…

Bài hát này là một trong những bài “tủ” của A nữ chúng tôi. Chúng tôi vỗ tay hát theo các anh, nghe nóng ấm trong tim tình đồng chí.

 

Nguyễn Quang Minh - 01.08.1986


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên Internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á