Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

Giới thiệu bài: 40 năm giải cứu Campuchia – Sưu tầm.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh, bảo vệ tốt biên giới Tây Nam Tổ Quốc (07/01/1979 - 07/01/2019). Các Cựu TNXP cũng gian khổ và đã góp phần làm nên công trạng này. Nhóm Biên tập trang Web CLB Cựu TNXP xin giới thiệu loạt bài trên báo Tuổi Trẻ online của tác giả My Lăng và Tiến Trình.

Kỳ 1: Tiến vào Phnom Penh (02/01/2019).

Lúc đó, sau hơn một tuần Việt Nam tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, nhiều sư đoàn chủ lực của Pol Pot bị tiêu diệt. 

Chúng lui về lập tuyến phòng thủ tại khu vực đường 10 Don So. Để vào Phnom Penh, trung đoàn bộ binh 209 và tiểu đoàn xe tăng 2 của Quân đoàn 4 phải chọc thủng tuyến phòng thủ này. 

“Trận đánh ở đường 10 Don So từ ngày 1 đến 3-1-1979 rất ác liệt. Mất ba ngày mình mới diệt được nó” - ông Trần Ngọc Giao, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, giờ đã 65 tuổi, nhớ lại.

Ông cho biết: “Lợi thế của địch là mương dẫn nước cao 1,5m tạo thành bức tường phòng thủ. Địch đặt các loại pháo chống tăng trên bờ đất cao để diệt mình, còn ta chỉ có đường độc đạo, xung quanh là ruộng. 

Sau hai ngày giao tranh, trung đoàn 209 bị thương vong rất nhiều. Qua ngày thứ ba, sau khi bổ sung một tiểu đoàn dự bị mới đập tan tuyến phòng thủ Don So. 

Trận này ác liệt vì gần biên giới mình nên Pol Pot phòng thủ rất dữ. Chúng tôi là lính xe tăng hi sinh ít, chứ bộ binh mình hi sinh nhiều lắm”.

Sau khi chọc thủng phòng tuyến Don So, Quân đoàn 4 hành quân hướng về phà Neak Loeung để tiến vào Phnom Penh. 

Sư đoàn bộ binh 7 được chọn hướng chính diện tiến vào Phnom Penh. Hai sư đoàn bộ binh khác đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ sườn cánh trái và cánh phải ở hướng nam và bắc, hỗ trợ sư đoàn 7 hoàn thành nhiệm vụ. 

MY LĂNG

Mời xem thêm chi tiết:  Tiến vào Phnom Penh.

Kỳ 2: Giải cứu dân lành (03/01/2019).

Nhiều cán bộ, người dân Campuchia vẫn không quên những ngày được bộ đội Việt Nam cứu giúp, khi số phận của họ nằm bên bờ vực...

“Lúc nguy khó nhất của Campuchia, các nước rao giảng dân chủ không nước nào đứng ra giúp đỡ. Chỉ có Việt Nam là nước duy nhất không bỏ rơi chúng ta trong lúc khốn khó” - Thủ tướng HUN SEN.

“Có những nhóm dân bị bỏ lại trong rừng sâu, mà nếu chúng tôi không kịp giải cứu chắc họ chết hết” - Thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên phó tư lệnh - tham mưu trưởng QK9, nhớ lại những ngày chiến đấu với các cánh quân Pol Pot, giải cứu nhiều nhóm dân bị chúng khống chế trong rừng sâu nước độc.

“Có lần truy đuổi quân Pol Pot, bộ đội phát hiện một nhóm dân rách rưới tận trong rừng sâu. Họ không có gì trong tay để duy trì sự sống. Gặp binh lính họ lo sợ, van xin... Nhiều người đã không đi nổi vì đói khát, bệnh tật...

Thế là bộ đội vừa chiến đấu, vừa giải cứu cho họ khỏi vùng nguy hiểm. Chúng tôi không nhớ hết đã cứu giúp bao nhiêu người, bởi lúc đó mình cứu dân an toàn rồi tiếp tục chiến đấu”.

Thiếu tướng Neang Sat (phó chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân cảnh, Quân đội Hoàng gia Campuchia) cho rằng tâm trạng của những người dân Campuchia vô tội dưới ách Pol Pot lúc đó là sợ hãi. Họ không biết điều gì xảy ra xung quanh, ngoài cái chết đang diễn ra trước mắt.

Theo ông, khi hai tỉnh vùng đồng trũng là Kampong Chhnang và Pursat được giải phóng, toàn bộ lao động ở các trang trại bị tan rã. Một số bị ép vào rừng cùng quân Pol Pot, số khác chạy ngược ra với quân giải phóng.

Lúc ấy, họ nhận được truyền đơn kêu gọi tránh xa quân Pol Pot, nhưng họ chưa đủ tin. Cho đến khi gặp được quân tình nguyện Việt Nam, họ mới cho rằng “đó là thần thánh mà chúng ta chờ đợi trong vô vọng từ nhiều năm qua”.

“Trong cuộc chiến tranh với bọn diệt chủng Pol Pot để giải cứu Campuchia, mình phải chứng kiến tận mắt mới thấy quân tình nguyện Việt Nam hi sinh to lớn đến mức nào. Đánh giặc rồi, cứu dân rồi, còn phải lo xây dựng cuộc sống mới cho dân”. Ông Dot Narin, bí thư Kampong Chhnang, đã không kìm được nước mắt nói với tôi: “Chỉ có anh em ruột mới lo cho nhau như vậy”.

TIẾN TRÌNH

Mời xem thêm chi tiết:  Giải cứu dân lành.

Kỳ 3: Người bạn tình nghĩa (04/01/2019).

Sau ngày 7-1-1979, tàn quân Khmer Đỏ bị đánh bật khỏi Phnom Penh đã kéo về các tỉnh vùng xa, vùng rừng núi, những vùng giáp Thái Lan để nuôi dưỡng lực lượng.

“Tôi nhìn cách bộ đội Việt Nam cứu chữa cho quân thù, cho họ ăn uống mà học hỏi, dù rằng tôi biết Việt Nam đâu có dư dả gì. Muốn kết thúc chiến tranh, chấm dứt hận thù thì nên đối xử bằng lòng bao dung”. Ông DOI SƠI.

Đến đâu, Khmer Đỏ cũng bắt dân làm con tin. Khi bộ đội Việt Nam có mặt thì người dân không còn đơn độc nữa, họ đã sát cánh cùng lính tình nguyện để đánh quân Pol Pot.

Khi hỏi về những người bạn Campuchia cùng chiến tuyến với bộ đội Việt Nam đánh Khmer Đỏ, Thiếu tướng Lê Xã Hội (nguyên phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu 9) nói: “Muốn biết vùng đất đó như thế nào, muốn biết tấm lòng của bạn thế nào, hãy tìm ông Sởi”.

Ông Doi Sơi, mà người Việt quen gọi ông Sởi, nguyên phó tỉnh trưởng tỉnh Koh Kong này, đã kể lại bằng chính cuộc đời ông, về sự sợ hãi và khát vọng đấu tranh của người dân Campuchia phải sống dưới ách cai trị Khmer Đỏ.

Khi tiếp khách Việt Nam thì ông Doi Sơi nói tiếng Việt, bằng chất giọng miền Bắc với những câu từ gọn gàng. Ông là người được nể trọng trong vùng, bởi những gì ông đã sống và làm cho người dân ở vùng biển xa xôi này.

Chúng tôi biết ông qua lời kể của các sĩ quan từng chiến đấu và giúp người dân các tỉnh phía Nam Campuchia.

Ông Doi Sơi nói: “Ơn nghĩa của Việt Nam còn lớn hơn ơn cứu mạng. Bởi cứu sống người dân rồi, bộ đội Việt Nam còn tiếp tục nuôi ăn chúng tôi trong thời gian khó khăn nhất”.

“Khmer Đỏ thì lùa dân vào rừng bỏ đói, bộ đội Việt Nam giải cứu dân rồi cho ăn uống, thuốc men... Khmer Đỏ giả dân để xin gạo, xin thuốc. Ăn no rồi thì chúng đánh lén bộ đội. Như người ta là không giúp nữa nhưng Việt Nam vẫn giúp.

Các anh tổn thất nhiều lắm nhưng vẫn giúp chúng tôi. Chứ các anh mà đánh Phnom Penh xong rồi bỏ về nước ngay thì chúng tôi chết hết” - giọng run run, người chiến binh già Campuchia vẫn liên tục nhắc về những gì bộ đội giúp cho người dân Koh Kong của ông.

Nhắc chuyện 40 năm trước, ông Sởi nói ông nhớ tất cả như mới vừa hôm qua. “Người ta nói người cao tuổi hay sống bằng ký ức. Nhưng tôi không đợi lúc này mới nhớ, mà phải luôn nhớ vì ơn nghĩa. Ơn nghĩa của người Việt Nam không chỉ dành cho riêng tôi mà còn cho mọi người dân ở đây”.

TIẾN TRÌNH

Mời xem thêm chi tiết:  Người bạn tình nghĩa.

Kỳ cuối: Cái giá của sự hi sinh (06/01/2019).

Để giải cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt vong, cái giá hi sinh của Việt Nam không hề nhỏ.

“Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay. Dứt khoát là thế!” - Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin.

“Thời gian giúp bạn ở Kampong Chhnang, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện đau lòng. Người mẹ chiến sĩ từ Việt Nam sang thăm con. Bà tới nơi lúc con trai của bà đang hành quân, truy đuổi tàn quân Pol Pot. Bao nhiêu náo nức chờ được gặp con, để rồi khi đoàn quân kéo về thì con của bà đã hi sinh” - Ông Trần Văn Tư (nguyên trưởng đoàn chuyên gia 9902, giúp tỉnh Kampong Chhnang) cho biết.

Đó là cuộc chiến bắt buộc. Khi quân Pol Pot liên tục gây hấn, giết hại trên 5.230 đồng bào sống ở biên giới, khi địch đã huy động 10 sư đoàn tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam và khi người dân Campuchia đang đứng trước nguy cơ bị diệt chủng chạy sang cầu cứu quốc gia láng giềng.

Bà Võ Thị Ái Xuân, bí thư Tỉnh ủy An Giang, nói rằng khi các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến vào giải phóng hai tỉnh giáp biên giới là Tà Keo và Kandal, có trên 400.000 người dân ở hai tỉnh này được giải cứu khỏi bàn tay quân Pol Pot. Thiếu tướng Nguyễn Huy Cảnh, Tư lệnh Quân đoàn 2, cho biết trong cuộc chiến giải cứu Campuchia, bên cạnh những số liệu tiêu diệt địch, binh đoàn cũng đã giải cứu trên 85.000 dân. Thượng tá Nguyễn Bá Lực, sư đoàn trưởng sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), kể rằng khi Quân đoàn 3 giải phóng các tỉnh Battampang, Siem Reap, Pursat, Kampong Thom... đã có hàng trăm ngàn dân được giải thoát, hơn 2 vạn dân được đưa về quê để xây dựng lại cuộc sống mới...

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui chiến thắng, xóa sổ quân diệt chủng, giải cứu dân thường khỏi cái chết trước mắt, cũng đã có rất nhiều người con đất Việt nằm lại trên đất bạn Campuchia, cho đến nay vẫn chưa về cùng đất mẹ. Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam (Tư lệnh Quân chủng Hải quân) cho biết trong chiến dịch Tà Lơn, để xóa sổ lực lượng hải quân của Pol Pot, làm chủ hoàn toàn vùng biển phía Nam Campuchia, lực lượng hải quân đã hi sinh 373 người, bị thương 661, mất tích 65... 

Con số này chưa phải là lớn nếu so với những tổn thất của Quân đoàn 4, đơn vị hiển hách nhất với cánh quân tiến về giải phóng Phnom Penh. Năm 1989, Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã rút về nước. Kết thúc chiến tranh, Campuchia được giải cứu, biên giới Tây Nam yên bình. Chế độ diệt chủng bị xóa, người dân Campuchia bắt tay vào xây dựng tương lai đất nước mình.

Nhưng trong từng thớ đất, dòng sông, cánh đồng của Campuchia, có xương thịt hi sinh của hàng vạn người con Việt Nam nằm lại, góp phần cho đất nước này được hồi sinh. Nhắc lại chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cho rằng: “Việt Nam đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi bờ vực của thảm họa diệt chủng, giành lại quyền sống, quyền làm người cho họ”.

TIẾN TRÌNH - MY LĂNG

Mời xem thêm chi tiết:  Cái giá của sự hi sinh.

Nhóm Biên tập trang Web CLB Cựu TNXP xin cám ơn báo Tuổi Trẻ Online và các tác giả My Lăng - Tiến Trình. Các bài viết khác mời xem trực tiếp trên báo Tuổi Trẻ Online.


Hình minh họa sưu tầm từ Internet của báo Tuổi Trẻ. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG CHI HỘI 75 CỰU TNXP NĂM 2018 - TRẦN VIỆT SƠN. (2018-07-21)
Vài lời tâm huyết về thực hiện “Kỷ yếu 4C”. (2016-07-20)
Kỷ Yếu 4C. (2016-07-11)
Bản dự thảo “Kỷ Yếu 4C” (2015-12-25)
SƠ LƯỢC VỀ 4 ĐẠI ĐỘI ÁO XANH TNXP ( C1, C2, C3, C4 ) (2012-03-18)
DANH SÁCH ĐẠI ĐỘI 1 TNXP (C1) TẬP TRUNG NĂM 1975. (2012-03-18)
DANH SÁCH ĐẠI ĐỘI 2 TNXP (C2) TẬP TRUNG NĂM 1975 (2012-03-18)
DANH SÁCH ĐẠI ĐỘI 3 TNXP (C3) TẬP TRUNG NĂM 1975 (2012-03-18)
DANH SÁCH ĐẠI ĐỘI 4 TNXP (C4) TẬP TRUNG NĂM 1975 (2012-03-18)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á