LIÊN ĐỘI 303 - MÙA KHÔ 1979 Ở CAMPUCHIA.
Ngày 30/12, Đại đội 3 đang dưỡng quân ở rừng cao su Trảng Lớn (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) được lệnh cấp tốc cử một trung đội phối thuộc với Tiểu đoàn 29 Vận tải sẳn sàng lên đường nhận nhiệm vụ,
6 giờ 30 sáng 1/1/1979, pháo binh hạng nặng đồng loạt khai hoả mở màn chiến dịch có quy mô lớn nhất và có tính chất quyết định nhất trong mùa khô 1979. Ngày 3/1, tuyến phòng thủ Đường 10- Đon So của Khơme đỏ tan vỡ.
Ngày 5/1, Trung đoàn 165 của Sư đoàn 7 làm chủ hoàn toàn bờ bên này của bến phà Neak Lương trên sông Mékong. Tại đây người dân bị Khơme đỏ dồn về quá đông, cả một biển người; trên đường rút chạy, chúng bỏ lại rất nhiều xe pháo ngổn ngang làm ùn tắc đội hình hành quân của bộ đội, xe quân sự nối đuôi nhau hàng cây số. Lúc này, trung đội TNXP của Đại đội 3 đã có mặt cùng với lực lượng bộ đội ra sức giải toả bãi xe pháo của địch và mở kho lúa, kho muối cứu đói người dân Khơme, hướng dẫn người dân trở về quê cũ.
11 giờ 30 phút ngày 7/1, Sư đoàn 7 cùng đơn vị bạn và lực lượng cách mạng Campuchia chiếm xong toàn bộ các mục tiêu quan trọng và đến 12 giờ làm chủ hoàn toàn Phnom Penh sớm hơn thời gian dự kiến một ngày.
Ngày 10/1, trung đội nói trên của Đại đội 3 TNXP đến Phnom Penh sớm nhất trong các đơn vị của Liên đội 303. Tại đây anh em nhận nhiệm vụ bảo vệ Nhà hát lớn, kho đạn, kho bom và kho xăng. Thành tích đầu tiên của TNXP ở thủ đô Phnom Penh là đã gìn giữ an tòan các mục tiêu này cho đến ngày bàn giao cho bộ đội: đã không có bất cứ một vụ cháy nổ, tai nạn hay tập kích nào của Khơme đỏ.
Sau Tết 1979 khoảng mười ngày, tất cả các đơn vị của Liên đội 303 lần lượt vào Phnom Penh. Ban Chỉ huy gồm Liên đội trưởng Trang Thành Tâm, hai liên đội phó Lê Văn Thọ và Trịnh Văn Sáu. Chỉ huy trưởng 3 đại đội là Nguyễn Anh Tuấn (đại đội 1), Nguyễn Thanh Dũng (đại đội 2) và Đặng Đức Thắng (đại đội 3). Lúc này quân số của Liên đội được tinh gọn thành 3 đại đội nhận lãnh trách nhiệm như sau :
- Đại đội 2 phối thuộc Tiểu đoàn 25 Công binh chốt chặn bảo vệ các con đường tiếp vận huyết mạch cho các trung đoàn bộ binh.
- Đại đội 1 và 3 phối thuộc Tiểu đoàn 29 Vận tải bảo vệ kho tàng, bảo đảm hậu cần cho các đơn vị ở tuyến trước, thực hiện công việc khâm liệm liệt sĩ.
Lực lượng quân sự của Khơme đỏ tan rả nhưng chưa bị tiêu diệt, rút vào vùng rừng núi hiểm trở, làng mạc xa xôi hẻo lánh, củng cố lực lượng nhằm phản kích cắt đứt các trục giao thông, chiếm lại các thị trấn, thị xã chiến lược trên các điạ bàn then chốt, hòng siết chặt vòng vây tái chiếm Phnom Penh. Phán đoán đúng ý đồ của địch, ngay sau ngày giải phóng Phnom Penh, Sư đoàn phân công cụ thể từng mục tiêu trong thủ đô cần phải bảo vệ, chủ động triển khai các kế hoạch tiến công trước và đánh thẳng vào hang ổ của chúng trong vùng rừng núi của các tỉnh ở hướng tây bắc và tây nam Phnom Penh.
Chỉ trong hai đợt tiến công giải tỏa đường số 5 và triệt phá các căn cứ địch ở Kompong Speu trong tháng 1 và tháng 2/1979, Sư đoàn 7 đã đánh 56 trận từ cấp tiểu đoàn đến cấp sư đoàn. Cuối tháng 2/1979, thêm nhiều TNXP tự hào đón nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7. Sự tuyên dương này khẳng định một lần nữa công lao của TNXP trong chiến dịch đánh địch phản kích và bảo vệ thủ đô Phnom Penh, là nguồn động viên mạnh mẽ TNXP tiếp tục cùng với bộ đội tiến lên giành nhiều chiến thắng mới.
Cuối tháng 3/1979, các đ/c Phó Chỉ huy trưởng Lực luợng TNXP Lê Thanh Hải (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) và Huỳnh Xuân Lũy vào Phom Penh trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba cho Liên đội 303 theo ủy nhiệm của cấp thẩm quyến. Anh chị em TNXP vô cùng phấn khởi đón nhận vinh dự to lớn này: Đảng và Nhà nước ghi nhận và tuyên dương công lao của TNXP ngay tại chiến trường. Thời điểm này, thủ đô Phnom Penh là mục tiêu quan trọng nhất mà Sư đoàn 7 và Liên đội 303 chung sức bảo vệ đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng nhất mà Khơme đang siết chặt vòng vây để chiếm lại sau khi củng cố lực lượng.
Các mũi tiến công của Sư đoàn 7 mở rộng đến đâu thì ở đó có TNXP. Những điạ danh ghi dấu ấn chiến công của Sư đoàn 7 cũng là những địa danh mà nơi đó TNXP đã nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào: chốt chặn bảo vệ an toàn đường tiếp viện huyết mạch cho các đơn vị ở phiá trước, trực tiếp đánh địch giải vây cho bộ đội, vận chuyển hoả tiển và đạn pháo xe tăng xuyên núi rừng. Đó là những điạ danh mà anh em TNXP không thể nào quên: Kompong Speu, KomPong Chnăng, đường số 5, đường số 4, rừng già Amleng và Udong, núi Ural… Suốt nhiều tháng trời, ngày nào TNXP cũng có mặt trên những chuyến vận tải lương thực ra tuyến trước và chuyển chở đạn dược tịch thu của Khơme đỏ về kho quân giới của sư đoàn ở tuyến sau. Có nhiều chuyến được thực hiện cả ban đêm và kéo dài nhiều ngày./.
Nguyễn Văn Nghĩa
Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet.
|