Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

Chuyện bây giờ mới kể

Ghi theo lời kể của chị Nguyễn Thị Huệ ( 0902.666.002)

        Còn nhớ khi lên tới Rừng Nhum  (Tây Ninh), tôi ở trung đội 3 của đại đội 3 Liên đội 303. Khi đại đội trưởng Ngô Đức Minh dẩn đầu đơn vị về Kokisom trên đất Campuchia thì tôi được biệt phái về cơ quan chính trị và tham mưu của Quân đoàn 4. Tại đây suốt ba tháng mùa mưa tôi được học tiếng Khơme và được tập huấn kỹ công việc hỏi cung tù binh.

       Buổi thẩm vấn đầu tiên do tôi trực tiếp thực hiện tại cứ sư đoàn 7 ở Men Chay theo biểu mẩu các câu hỏi bằng tiếng Khơme đã được phiên âm bằng tiếng Việt. Tôi hỏi, tù binh trả lời, tôi nghe và viết vào biên bản thẩm vấn câu trả lời cũng bằng tiếng Khơme phiên âm thanh bằng tiếng Việt. Thường là tôi ngồi bên một cái bàn nhỏ đối diện với tù binh. Nội dung có thể tóm gọn vào các vấn đề: đương sự thuộc đơn vị nào, quân số bao nhiêu, người chỉ huy là ai, đã tham gia những trận đánh nào, ở đâu, có giết người hay không ? Tôi đã trực tiếp thẩm vấn rất nhiều tù hàng binh, có cả sĩ quan chỉ huy và tù binh nữ, đại đa số còn rất trẻ. Công việc thầm lặng này ít ai hiểu rõ, nhưng khích lệ chúng tôi nhiều nhất là những buổi thẩm vấn đem lại nhiều tin tức giá trị giúp bộ đội ta chiến đấu thắng lợi. Tôi được biết đã có 4 trận đánh quy mô lớn mà bộ đội ta làm chủ chiến trường từ lúc khởi sự giao tranh cho tới khi kết thúc, kể cả lúc địch phản kích.

        Bắt được tù binh lúc nào hỏi cung ngay lúc đó, bất kể là ban ngày hay ban đêm. Tôi cũng đã không ít lần thẩm vấn tù binh vào lúc 1, 2 giờ khuya. Và từ kết quả khai thác tù binh, các bộ phận nghiệp vụ của quân đoàn sẽ tổng hợp, đối chiếu làm cơ sở cho trinh sát đeo bám, nắm địch tình phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch tác chiến. Công việc có những ngày dồn dập từ sáng tới tối. Những trường hợp tù binh quyết liệt không khai báo thì báo cáo với cấp trên. Tôi nhớ có lần thẩm vấn 2 nữ chỉ huy Khơme đỏ, còn rất trẻ nhưng luôn tỏ thái độ ngang bướng, chống đối và trả lời khẩu cung bằng tiếng Pháp. Khi tôi cố gắng thuyết phục bằng mọi cách họ mới chịu khai bằng tiếng Khơme.                 

       Giải phóng xong Phom Penh, bộ đội ta thiết lập một trung tâm giam giữ tù binh ngay giữa thủ đô. Nhưng tôi vẫn đi theo cánh quân của Quân đoàn 4 truy kích Khơme đỏ. Tôi đã  phục vụ hết chiến dịch này đến chiến dịch khác từ các tỉnh Tây Bắc Campuchia, qua các tỉnh Đông Bắc và lên tới tận biên giới Thái Lan.

       Ở tỉnh Battambang, có lần xe chúng tôi đi công tác thì cán phải mìn. Anh tài xế tên Cương bị mìn xé nát từ chân đến háng, hy sinh ngay tại chỗ. Cả 3 người trong tổ công tác gồm tôi, chú Luyện cán bộ quân báo và anh y tá đều bị hất xuống ruộng đang ngập nước. Chúng tôi leo lên bờ và bám theo con đường đất duy nhất với hy vọng kiếm được nhà dân. Trời chiều rồi sập tối. Chúng tôi mò mẫm đi trong đêm, mệt lã người thì tới một cái nhà sàn. May mắn là chúng tôi gặp được người dân lành. Cả gia đình gồm một cụ bà và hai phụ nữ trông đã đứng tuổi là người Khơme mặc tòan sàrông đen lấy lúa ra giả gạo rồi nấu cháo cho chúng tôi ăn đỡ đói. Đây là một gia đình Khơme nghèo nhưng sẳn lòng nhường nhịn phần ăn ít ỏi của mình để cứu bộ đội Vịêt Nam. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết các vị ân nhân của mình bị ly tán dưới thời Pôn Pốt nay vừa trở về đoàn tụ dưới mái nhà xưa yêu dấu, tuy còn thiếu vắng nhiều con cháu. Sau bao nhiêu năm hoang phế, cái nhà sàn cũ kỷ này chưa đến nổi rách nát tơi tả nhưng cũng giúp chúng tôi có được giấc ngũ ấm áp, tránh được cái lạnh cắt da của sương gió miền biên thùy. Nơi chúng tôi tạm trú qua đêm có lẻ là một sóc nhỏ chỉ rải rác vài cái nhà cũng mái lá, vách lá đơn sơ và nghèo khó. Chúng tôi nán lại thêm một buổi sáng, ăn thêm được một bửa cháo lỏng rồi nói lơi tạ ơn trước khi từ giã ra đi. Chúng tôi ra đường đi một lúc lâu đến xế chiều thì đón được xe cứu thương xin đi nhờ về đơn vị bộ đội gần nhất.

        Cũng ở Battambang,  tổ công tác của chúng tôi lần này gồm 6 người bị  tàn quân Khơme đỏ bao vây suốt tuần trong một ngôi chùa lớn giáp biên giới Thái. Chúng tôi chỉ có súng tiểu liên AK và không biết hỏa lực của địch là như thế nào. Chúng tôi cố thủ trong chùa, cơ động qua từng vị trí chiến đấu, tác xạ từng phát một còn địch thì không hiểu vì lý do gì mà không dám tấn công. Ở xứ người, khi đối mặt với hiểm nguy đang cận kề cướp đi mạng sống của mình thì mới thấu hiểu được tấm lòng của người dân đối với bộ đội Việt Nam. Thương nhất là bà con Việt kiều buôn bán qua lại biên giới Thái- Miên lén lút vào chùa tiếp tế cơm nước và giữa sống và chết, thông tin cho chúng tôi biết về tình hình địch. Bà con rất dũng cảm mặc cho lính Khơme đỏ dọa lấy mác chặt đầu bất cứ ai bị phát hiện vào bên trong chùa. Bà con sinh sống đã lâu ở đây, mới nhìn tưởng là người bản xứ, thông thuộc địa hình, địa vật và căm thù chế độ Pôn Pốt nên sẳn lòng giúp tổ công tác trốn ra khỏi chùa. Khi tình hình bên ngòai tạm lắng dịu và được người dân chỉ đường, chúng tôi bí mật men theo những bờ tường, hàng gạch um tùm dây leo hoang dại, núp bên những gốc cây thốt nốt lớn, nép mình dưới những bờ ruộng rậm rạp cỏ hoang và thóat được an tòan ra khỏi vòng vây của đám tàn quân địch.

        Phải trông cậy vào dân thì mới tiếp tục sống được và trở về chiến đấu với đồng đội. Chúng tôi quyết định tìm kiếm nhà dân. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp một chiếc xe bò nằm lật ngang trên mặt ruộng. Ưu tiên tôi là nữ đã chịu đựng quá nhiều gian khổ, các anh cho tôi lên xe ngồi để các anh đẩy đi. Đến nhà dân, chúng tôi đổi chiếc xe này lấy một con chó nhờ người dân làm thịt và cùng ăn. Thịt chó luộc không có muối, bà con Khơme nhổ rể tranh đốt lấy tro thay muối. Rất khó ăn nhưng đành phải nuốt để có sức bương chải. Sau đó, chúng tôi lên đường, ngày đi, đêm nghĩ, đói thì hái rau rừng, gặp lá gì  ăn được là ăn, khát thì uống nước suối, nước ruộng, ròng rã gần chục ngày không gặp được một người dân hay một cái nhà nào. Đến lục gần kiệt sức, chúng tôi mới đón được một chiếc xe reo chở liệt sĩ. Ôi thế là các anh đã cứu chúng tôi rồi, chúng tôi leo lên quên hết mệt nhọc và lên xe  theo các liệt  sĩ về doanh trại của bộ đội./.

                                                                        Nguyễn Văn Nghĩa

                                       Viết : 25-26/5/2010. Điều chỉnh, bổ sung: 20/8/2015


Ảnh minh hoạ do tác giả cung cấp.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á