Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

ĐỐI MẶT - Tập 1 : Chia tay

Khởi đăng truyện dài nhiều tập của tác giả : Trương Duy Linh. Anh là cựu TNXP, thành viên của Liên đội 303 biên giới. Trong thời gian được sống và làm việc ở TNXP, anh đã có được rất nhiều đồng đội cùng nhau chia ngọt sẻ bùi vào sinh ra tử, nhiều câu chuyện cảm động và hấp dẫn mà đã được trực tiếp chứng kiến hoặc được nghe đồng đôi kể lại, đã làm anh nhớ mãi cho dù nó đã gần 40 năm trôi qua. Cố gắng nhớ và viết lại dưới dạng truyện kể, thêm vào một vài gia vị được hoặc lắp gép nhân vật từ nhiều người thành một so với thực tế đã xãy ra. Một số tên nhân vật được giử lại nhưng có vài người do hư cấu thêm. Câu lạc bộ cựu TNXP trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc.

Lời giới thiệu : Trong thời gian được sống làm việc trong Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc, tôi đã có được rất nhiều đồng đội cùng nhau chia ngọt sẻ bùi vào sinh ra tử, nhiều câu chuyện cảm động và hấp dẫn mà tôi được trực tiếp chứng kiến hoặc được nghe đồng đội kể lại, đã làm tôi nhớ mãi cho dù nó đã gần 40 năm trôi qua. Cố gắng nhớ và viết lại dưới dạng truyên kể nên có thêm vào một vài gia vị được hoặc lắp gép nhân vật từ nhiều người thành một so với thực tế đã xãy ra. Một số tên nhân vật được giử lại nhưng có vài người do hư cấu thêm nên mạn phép phải đổi danh tánh đi. Một số đoạn văn hay tư liệu lịch sử chiến tranh được lấy từ các bài viết của đồng đội TNXP hoặc các nguồn khác được đăng tải trên Internet. Hy vọng qua truyện này sẽ giúp nhiều người hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử mà anh em Thanh niên xung phong chúng tôi đã trải qua, hy sinh cống hiến tuổi trẻ cho đất nước Việt Nam .

Tập 1 : Chia tay

Mùa thu năm 1954 khi hiệp định Genever ký kết đã kết thúc gần một trăm năm nước Việt Nam bị người Pháp xâm chiếm, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp. Theo hiệp định này các bên tạm thời lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia đôi hai miền Nam- Bắc Việt Nam, trong vòng từ 2 đến 3 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước để thống nhất đất nước. Các đơn vị của Việt Minh được yêu cầu phải tập kết ra Miền Bắc và ngược lại quân đội Pháp, các tổ chức đối lập với Việt Minh được di cư vào Miền Nam.
Tại một vùng quê thuộc xã Long Phụng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Hai Quang – Huyện đội trưởng được lệnh tập kết ra Miền Bắc cùng với các đơn vị kháng chiến chống Pháp tại Miền Nam.

Lần này Hai Quang được giao làm Đoàn phó hậu cần nên trách nhiệm rất lớn, ngoài việc liên lạc với các đơn vị trong các khu vực khác như khu Rừng Sác, Cần Đước, Sài Gòn Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Thủ Thừa, Bến Lức lo chỗ trú quân, hậu cần cho một lượng lớn bộ đội và gia đình đi theo, ngày lên đường đã gần kề, mọi người đang khẩn trương và rất háo hức chuẩn bị cho chuyến đi thì một chuyện bất ngờ xảy đến cho gia đình Hai Quang.

Hoa - cán bộ phụ nữ của huyện, là vợ của Hai Quang thủ thỉ bên tai chồng : “Anh ơi ! thằng Trường con mình sáng nay sao nóng quá, em đã qua chỗ y tá Huyện đội xin thuốc hạ sốt về cho nó uống rồi nhưng vẫn chưa thấy đỡ chút nào cả”.
Hai Quang : “Được rồi để anh qua nhờ mấy Y sỹ bên trạm xá huyện đến khám xem sao”.
Nói rồi Hai Quang đi nhanh, tuy là một vị chỉ huy mưu trí và dũng cảm trên chiến trường nhưng Hai Quang lại là người nặng tình thương vợ yêu con, khi hay tin con bệnh ông rất lo lắng.
Trong thời suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, Cần Giuộc là một trong số các an toàn khu quan trọng của vùng ven Đô thành Sài Gòn, đây là căn cứ xuất phát các cánh quân thường xuyên tấn công tập kích các đồn bốt của bọn lính Pháp trấn đóng vùng cửa ngỏ phía nam Sài Gòn – Chợ Lớn.
Kể từ ngày Mười Trí hy sinh trong một trận tấn công của địch vào Cần Giuộc, Hai Quan được bố trí từ Chi đội trưởng Chi đội 10 Rừng Sác chuyển về thay thế Mười Trí làm Huyện đội trưởng, từ đó Cần Giuộc trở thành an toàn khu.
Ông tổ chức mạng lưới an ninh nhân dân để quét sạch lực lượng mật thám của phòng nhì Pháp cài vào, triệt hạ các đồn bốt gần khu vực và thường xuyên tấn công tiêu hao sinh lực địch làm chúng luôn lâm vào thế bị động phải phòng bị chống trả.
Ngoài ra ông còn tổ chức lực lượng binh vận trong khu tạm chiếm để thu thập thông tin quân báo , nhiền lần quân pháp huy động các đơn vị lính Lê Dương Bắc Phi phối hợp lính người Việt với sự yểm trợ của xe bọc thép, máy bay tiến đánh Cần Giuộc, nhưng hầu như các cuộc tấn công ấy đều bị rơi vào trận địa mai phục của Hai Quang.
Sau những lần thất bại nặng nề quân pháp co cụm lại, không còn dám manh động tân công nơi này nữa .

Một lát sau, Y sỹ Trâm theo sau Hai Quang đến, thấy có Trâm, mừng trong bụng Hoa nói:
“May quá em đã tới! khám cho cháu giúp chị, không biết sao hôm qua thấy cháu kêu mệt bỏ ăn, đến sáng nay thì nóng sốt, đã cho uống thuốc hạ sốt rồi, không bớt mà hình như thằng bé càng lúc cùng đờ đẫn hơn”.
Sau khi đo huyết áp, kẹp nhiệt và khám bệnh, Y sỹ Trâm quay qua nói với Hoa :
“ Chị à theo chẩn đoán của em thì cháu đã nhiễm thương hàn rồi, cần đưa về trạm xá ngay để cách ly điều trị, nếu để lâu sẽ không tốt cho cháu và mọi người chung quanh”.

Đã năm ngày trôi qua Trường không còn sốt nữa, đã ra khỏi khu cách ly, nhưng sức khoẻ vẫn còn rất yếu, chưa ăn gì được chỉ có thể húp nước cháo loãng lọc kỹ pha với ít đường mà thôi, Hoa phải thường trực chăm sóc bên con ngày đêm nên trong ra hốc hác hơn nhiều, thỉnh thoảng Hai Quang tranh thủ mới ghé được một chút thăm con rồi phải đi ngay vì càng gần đến ngày lên đường thì công việc và trách nhiệm gánh vác của một người Đoàn phó càng thêm nặng.
Lúc này số lượng người tập kết về Cần Giuộc ngày càng đông, cán bộ, bộ đội và gia đình đi theo đến vài ngàn người nên việc chăm lo tổ chức sinh hoạt ăn ở cho số người này đối với Huyện đội là một nổ lực phi thường, ngoài ra phải vấn đề an ninh, an toàn cho chuyến đi làm sao phòng chống gián điệp của địch trà trộn vào phá hoại. Quả là cả một vấn đề lớn nhiều phức tạp đặt nặng trên vai Hai Quang và đồng đội.
Việc cháu Trường bất ngờ bị bệnh cũng làm ông lo lắng không ít. Sau cơn bạo bệnh Trường còn rất yếu khó có thể chịu nổi một chuyến đi xa, Hoa nếu phải chăm sóc con đang bệnh thì không thể đi theo chồng được.
Như vậy chỉ còn đứa con trai đầu là Chiến mới lên năm tuổi cùng cha lên đường mà thôi, nhưng lại không ổn vì ông là Đoàn phó hậu cần phải lo cho cả ngàn người đi chuyến này ra Bắc nên làm sao còn đủ thời gian để coi sóc cho con trai mình được.
Tuy là một người chỉ huy rất giỏi trong chiến trận, nhưng lúc này trong lòng ông rối như tơ vò, vẫn chưa tìm được cách gở, sáng mai là lúc toàn đoàn phải di chuyển đến huyện Cần Đước rồi nhưng vợ chồng Hai Quang bối rối suy nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra được cách nào để giải quyết cho ổn thỏa cả.
Hoa suy nghĩ và đưa ra đề nghị với chồng :
“ Thằng Trường mới vừa qua cơn thương hàn còn quá yếu, tuy đã qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, nhưng thầy thuốc bảo không thể đi đường xa được . Hay là mình đề nghị tổ chức bố trí cho gia đình mình đi chuyến sau được không ?”
Hai Quang :
“ Kỳ này tàu sẽ cập cảng Kinh Nước Mặn ở Cần Đước , đây là chuyến tàu cuối ở vùng này, chúng ta được bố trí đi cùng các đơn vị còn lại vùng Long An, Gò Công và Mỹ Tho. Các chuyến sau sẽ phải tập kết ở Cần Thơ, Rạch Giá và Hà Tiên, muốn đến đó phải đi qua vùng địch kiểm soát nên rất khó đi”.
Thình lình bà Bảy Nga – mẹ Hai Quang từ dưới bếp đi lên, bà nói :
“ Bây đừng lo, nảy giờ tao ở dưới bếp nhưng nghe rõ mồng một hết, việc tập kết thì không thể chậm trể được, tàu thuỷ họ phải chở nhiều người chứ đâu chỉ riêng gia đình mình, họ không chờ được đâu, hay là vợ chồng bây mang thằng Hai đi trước cho kịp chuyến ra Bắc, còn thằng Ba thì gửi lại cho Má chăm sóc. Tao nghe nói là chỉ tạm chia tay đôi ba năm, khi nào tổng tuyển cử sẽ đoàn tụ lại thôi mà, có lâu đâu mà sợ”.
Không còn cách nào hay hơn nên Hai Quang đành nghe theo lời mẹ, thu xếp hành lý và sáng hôm sau cùng vợ và thằng Hai lên đường ra đi để lại đứa con trai thứ ở lại quê nhà cho mẹ già chăm sóc.

Ngày lại ngày trôi qua, Trường lớn lên nhanh dưới sự chăm sóc chở che của bà nội, thời gian 2 năm rồi 3 năm trôi qua, nhưng tổng tuyển cử vẫn không đến, người đi biền biệt không biết bao giờ mới sum họp được như xưa. Kẻ Bắc người Nam cách biệt không tin tức của nhau .

Nhiều năm sau chiến tranh lần nữa tràn về vùng quê Mỹ Phụng. Để loại bỏ lực lượng Việt Minh còn cài lại ở huyện Cần Giuộc, Tỉnh trưởng Long An đã cho tổ chức các chiến dịch tố Cộng và bình định nông thôn, một mặt thanh lọc những gia đình có người thân đi tập kết, chuyển họ vào ở trong các Khu Ấp Chiến Lược để dể dàng kiểm soát, mặt khác đánh phá các vùng căn cứ củ của Việt Minh, làm cho các cánh đồng trồng lúa nơi đây bị bỏ hoang không thể canh tác được nhằm cắt đứt nguồn lương thực của kẻ địch.
Không thể sống yên ổn ở quê nhà bà Bảy Nga thu dọn toàn bộ tài sản của mình chuyển lên sinh sống ở quận 8 – là một vùng ven đô Sài Gòn, tại đây bà mở một quán chạp phô bán những món đồ gia dụng và nhu yếu phẩm cho cư dân là nhưng người lao động làm cu li cho các nhà máy xay lúa ven Kinh Đôi. Còn tiếp.

Duy Linh


Ảnh do tác giả cung cấp.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á