Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

ĐỐI MẶT - Tập 9 : Tinh thần xung phong khắc phục gian khó.

Sau Tết, Liên đội của Việt được điều động về Tân Phú Trung, huyện Củ Chi để gia cố cho hệ thống Kinh tưới Tam Tân, lúc này tình hình cung cấp lương thực của cả nước đang gặp thiếu hụt. Gạo không đủ ăn, nhà nước buộc phải cung cấp thay thế bằng Bo bo, nuôi, khoai lang, khoai mì, nhưng vẫn không đủ số. Lao động vất vả , điều kiện vệ sinh kém cộng với chất lượng ăn uống bị giảm suốt đáng kể nên sức khỏe đa số đôi viên trong đơn vị đều sa sút. Việt Cận và Sáu Già là hai cán bộ chỉ huy đại đội phải luôn tìm mọi cách cải thiện đời sống đội viên, giúp đơn vị vượt qua gian khó đi lên và hoàn thành nhiệm vụ.

Tập 9 : Tinh thần xung phong khắc phục gian khó

Sau Tết Liên đội Việt được điều động về Tân Phú Trung, huyện Củ Chi để gia cố cho hệ thống Kinh tưới Tam Tân, lúc này tình hình cung cấp lương thực của cả nước đang gặp thiếu hụt, Gạo không đủ ăn, nhà nước buộc phải cung cấp thay thế bằng Bo bo, nuôi, khoai lang, khoai mì, nhưng vẫn không đủ số.

Mỗi ngày sau khi tập thể dục sáng xong mỗi người chỉ nhận được một củ khoai mì luộc bằng nắm tay thay cho suất ăn sáng, không có gì thêm cả .
Lao động nặng nhọc mà chỉ lót lòng có một củ khoai luộc nhỏ thì làm sao không đói cho được.
Có thể vì phải cung cấp một lúc cho cả trăm người ăn hay sao mà khoai mì luộc không được lột vỏ nên nó tím ngắt, chổ tốt thì còn ăn được gặp củ sùng sượng thì coi như lúa luôn.
Trưa, dừng tay ăn trên hiện trường khi thì được vài chắn cơm trộn lẫn bông cỏ, đôi lúc có cả sạn cứng làm mẽ răng, thức ăn thì rất đạm bạc, chủ yếu là vài cộng đậu que xào với dăm miếng đậu hủ nhỏ như đồng xu mà anh em hay gọi là “Lồ ô xào gạch thẻ”.

Tiêu chuẩn cung cấp trong 1 tháng chỉ có nữa ký thịt heo cho mỗi người, gọi là thịt nhưng thật ra thì cộng cả xương, da lẫn mở, tiền ăn 10 đồng một tháng thì làm gì có thể mua nhiều thức ăn thêm được.
Trước đây tiêu chuẩn lương thực mỗi tháng được cấp 23 kg sau đó bớt xuống 21 Kg rồi 19Kg và sau là 17kg nhưng chỉ có 9 kg gạo, phần còn lại là Bo bo, nuôi, khoai, sắn, bí đỏ.
Do phải độn thêm nhiều thứ nên mỗi ngày chỉ còn được một cử cơm trắng vào buổi trưa , chiều thì có lúc ăn cơm có lúc ăn Bo bo “mì hạt” khô cứng và khó nuốt.

Tân Phú Trung là vùng đất cứng như thép, nhiều nơi toàn là đá ong và đất sét pha cát, nắng gió mỗi khi có lốc thì bụi bay mù trời, đang bữa cơm mà gặp cơn gió cát thì coi như bữa đó bị nhịn đói vì cơm trộn cát thì làm sau nuốt được.

Khu vực đóng quân là vùng đất nhiễm phèn, nên nước uống hàng ngày đươc xe chở từ Trường đua Phú Thọ mang lên đổ vào các bồn nước dự trử, do lượng nước ngọt cung cấp hạn chế nên chỉ được dùng để uống và nấu ăn mà thôi, các nhu cầu tắm giặc điều phải dung nước kinh nhiểm phèn hoặc nước trong các giếng nước tưới của dân đào trên các rẫy thước lá.

Lao động vất vả , điều kiện vệ sinh kém cộng với chất lượng ăn uống bị giảm suốt đáng kể nên sức khỏe đa số đội viên trong đơn vị đều sa sút.

Trong buổi họp của ban chỉ huy Đại đội với các Tiểu đội, Việt hỏi : “ Đề nghị bộ phận Y tế báo cáo vì sao trong những ngày qua quân số bệnh được cho nghĩ ở doanh trại lại quá nhiều như vậy.
Quân số đại đội là 80 quân thì sáng nay đã hơn 10 người được Y tế cho nghỉ lao động ở nhà là sao? Nếu cộng thêm tình hình một số anh em tự ý bỏ về thành phố nữa thì hỏi rằng chúng ta còn đủ quân số để thi công hay không ?”.

Y tá Linh trả lời : “ Báo cáo Đại đội trưởng, nếu chúng ta ăn ở như thế này thì có thể tình hình sức khỏe anh em sẽ còn xấu hơn trong những ngày tới. Mấy ngày trước đoàn kiểm tra vệ sinh và dinh dưởng của Sở Lao động kết hợp Sở Y tế có đến khám, làm các khảo sát kiểm tra, kết quả là chế độ ăn hiện nay của chúng ta chỉ có thể bù đắp hơn 50 % nhu cầu năng lượng cho làm việc của một người trong 24 giờ, lượng rau xanh và thức ăn tươi sống còn quá ít chưa phù hợp nhu cầu chất khoán vi lượng, sinh tố tối thiểu cần thiết cho mỗi người, cộng với môi trường sống khắc nghiệt, vệ sinh kém thì hệ quả trước mắt và lâu dài là bệnh hoạn tăng, sức khỏe kém.

Anh em chúng ta bây giờ còn trẻ nên sức lực còn chống chịu được, nhưng về lâu dài sống như thế này sẽ để lại di chứng, khi chúng ta đã lớn tuổi, nhiều chứng bệnh sẽ xuất hiện tàn phá cơ thể chúng ta nhưng nào ai biết được là nguyên nhân ban đầu từ đây ” .

Phát -Tiểu đội trưởng phát biểu : “A1 của tôi sáng nay thiếu mất 2 đội viên do bỏ về thành phố, tôi có tìm hiểu và được biết là gia cảnh của họ đang gặp nhiều vấn đề khó khăn cần họ về trợ giúp, cộng thêm vừa qua tình hình ăn uống của chúng ta quá kém, lao động thì nặng nhọc, chổ ở thì quá sức kém, nói thật chứ người tôi lúc nào cũng cảm giác thèm ăn nhưng chẳng có gì để mà ăn”.
Các tiểu đội trưởng khác phát biểu nhưng chung quy gần như ý của Phát .

Việt nghe mọi người nói xong thì kết luận : “Ban chỉ huy củng thấy như anh em, ngặt nổi khó khăn hiện nay là tình hình chung của cả thành phố do thiếu lương thực, Bo bo mà chúng ta ăn là do Liên Xô viện trở khẩn cấp cho dân Việt Nam, may ra vẫn còn có cái ăn được cho qua cơn đói chứ chê khó nuốt thì lấy gì mà ăn , không ăn thì sao có sức để làm ra cái ăn khác cho ngày mai.
Nhưng không phải cứ đổ thừa cho khó khăn, anh em chúng ta phải tìm ra cách gì tốt nhất làm được để cải thiện tình hình hiện nay”.

Sáu Già nói thêm : “Để tăng lượng rau xanh cho mỗi bửa ăn Đại đội, tôi đề nghị tranh thủ thời gian nghỉ lao động cho anh em phá dở các vùng đất trồng quanh doanh trại, lên luống trồng cải bẹ béo, rau muống cạn thu hoạch ngắn ngày, mỗi tiểu đội có 1 lu được nước tiểu trong chòi vệ vinh, mỗi ngày 2 lần người trực sinh sẽ lấy pha với 10 lần nước sạch, dùng để tưới cho các luống rau thay cho bón phân đạm”.

Đại đội liền cử người về thành phố mua một số dây nhợ và lưỡi câu nhỏ về phát cho các tiểu đội. Mỗi buổi chiều sau khi ăn cơm để lại một ít, anh em ra mé bờ kênh móc cơm vào lưởi câu thả xuống một lát sau thấy sợi nhợ động đậy, giật lên thì có một chú cá chốt dính mồi bị tóm.
Nhiều ít khác nhau nhờ may mắm nhưng các A đều thu hoạch mỗi buổi kha khá không ít hơn một tô cá cho mỗi tiểu đôi bổ sung vào nguồn thực phẩm đang khan hiếm lúc này.

Tiểu đội nào trong một tuần lể, có số lượng thu hoạch cộng dồn nhiều nhất sẽ được đại đội trích quỷ tặng thưởng cho một lon sữa bò ông thọ và 1 ký đường cát để nấu chè.

Bên cạnh đó trong các hố bom ngập nước ở vùng bưng thấp, thường thấy một số rắn nước làm tổ rất nhiều, những con rắn nước này là món ăn tuyệt hảo để bồi bổ thể chất nhất là cho người bị đau lưng nhức mỏi khi lao động quá mức.
Rắn nướng trui trong cỏ khô được anh em bóc da bỏ ruột chặt đầu, chấm với muối tiêu chanh ngon cực kỳ không có sơn hào hải vị nào sánh kịp nhất là trong những thời điểm thiếu đói này.

Các loại Bo bo được mang đi xay ra hoặc đổi thành bột bì mang về làm bánh để dể ăn hơn, khoai lang, khoai mì được bóc vỏ bỏ các đoạn sùng hư mới chế biến, xen kẻ bữa cơm bữa khoai cho đở ngán.

Doanh trại được củng cố và tăng cường vệ sinh phòng bệnh.
Mỗi tối thứ bảy đơn vị tổ chức nấu chè đậu, có khi là chè đậu đen, đỏ hay xanh người thì nhiều mà đậu thì ít, nên ai có nghệ thuật thì chén chè sẽ được nhiều đậu, vụng về thì húp nước nên có câu:
“Thò sâu, quậy nhẹ, cập sát vành” tới lược ai múc chè mà áp dụng đúng khẩu quyết này thì sẽ không tệ. Vừa ăn chè vừa luân phiên nhau các tiểu đội cử người ra tham gia đóng góp đờn, ca, đọc thơ , kể chuyện, chơi trò chơi quanh đống lữa trại.

Đơn vị bước đầu đã vượt qua khó khăn, số anh em bỏ về nhiều người đã quay lại đơn vị, số ca bệnh đã giảm, quân số lao động ra hiện trường mỗi ngày một tăng, cái được lớn nhất có lẽ là “Tinh thần xung phong khắc phục gian khó” của Đại đội đã được khôi phục lại như xưa.

Trong lúc đơn vị đang chuyển biến tốt lên thì bất ngờ Việt nhận được một lá thư do vợ gủi đến :
“Anh Yêu! Cả tháng nay không biết có chuyện gì mà không thấy anh về phép nên em và con rất lo lắng. Ở nhà Má vẫn khỏe nhưng Ba thì có vấn đề với chính quyền ở ngoài quê.
Do không chịu giao rạp hát cho họ theo quyết định cải tạo công thương nghiệp nên họ tạm giam Ba, không biết khi nào mới cho ra, Má vẫn vừa chạy gạo hàng ngày để lo cho cả gia đình, vừa phải thường xuyên tiếp tế cho Ba nên rất vả, em chỉ phụ giúp coi hàng khi Má cần đi công việc chẳng làm gì được nhiều hơn, bé Hoàng lúc này đang bệnh và yếu lắm cần tiền để chữa trị và mua thêm thức ăn bồi dưỡng cho con, nhưng tình hình kinh tế nhà mình lúc này thật khó khăn, một mình em không thể lo nổi.
Thật tội nghiệp cho nó khi chúng ta là Cha là Mẹ sinh nó ra mà không lo được cho nó đầy đủ.

Anh đi Thanh niên xung phong từ mấy năm nay rồi nhưng cũng chẳng có thu nhập gì nhiều để lo cho vợ cho con cả.
Em biết anh là một người có chữ nghĩa, học cao hiểu rộng, nhưng lúc này thời cuộc biến đổi người trí thức không được trọng dụng, có học cũng như không.

Em mong anh sớm thu xếp công việc về giúp em giải quyết các khó khăn trong gia đình hiện nay.

Vợ của anh”.

Như một gáo nước lạnh giội vào lòng nhiệt huyết của Việt Cận. Khi tham gia Thanh niên xung phong, anh nguyện sẽ đem sự hiểu biết và quyết tâm của tuổi trẻ đóng góp những gì tốt nhất cho đất nước, giúp mang lại cơm ăn áo mặc cho mọi người sau khi đất nước đã qua mấy mươi năm bị chiến tranh tàn phá.
Nhưng lúc này đứng trước trách nhiệm với gia đình với vợ con nghĩ lại thấy mình còn quá nhiều thiếu sót. Mình đã ra đi và để lại vợ ở lại thành phố, vừa lo chạy gạo lo cho gia đình cha mẹ mình vừa phải chăm sóc cho con nhỏ,

Thanh niên xung phong thì không có lương , chỉ có vài đồng sinh hoạt phí cộng phụ cấp trách nhiệm C trưởng chẳng được bao nhiêu, thu nhập dồn lại cả tháng có khi không đủ chi trả một lần tiền thuốc cho con khi bệnh hoạn.

Lúc này gia đình rất cần mình về để lo cho Ba khi ông ấy đang bị kẹt trong vòng lao lý, thằng Hoàng đang bệnh, trong khi vợ mình ngoài việc chăm sóc con bệnh thì làm sao có thể phụ giúp Mẹ chạy chợ. Ba không có ở nhà thì mình là người đàn ông trụ cột còn lại, phải có trách nhiệm đùm bọc chở che cho những người còn lại.

Nhưng lúc này đơn vị vừa trải qua khủng hoảng mới bắt đầu vực dậy lại được, mình khuyên các anh em đồng đôi khác cần hy sinh việc riêng để chung tay xây dựng cái chung của Đại đội, bây giời đến lượt mình vì khó khăn riêng mà bỏ đơn vị về nhà thì hỏi còn ai dám tin vào chỉ huy tin vào tập thể nữa, nếu xin nghĩ phép đột xuất thì theo chế độ cũng chỉ được về vài ngày sẽ không làm được gì cả.
Còn việc xin chuyển hẳn công tác về làm tại thành phố để có thể làm thêm việc phụ giáp gia đình thì lúc này chưa được.

Việt chưa tìm ra cách nào để giải quyết tình trạng rối rắm như hiện nay, nếu vì vợ con và gia đình thì sẽ phụ lại tất cả những kỳ vọng của anh em đồng đội đang trông chờ người chỉ huy của mình đưa đơn vị vượt qua thời kỳ khó khăn. Bên nghĩa bên tình làm sao trọn vẹn cả hai đây ?

Lúc ấy Sáu Già cũng vừa bước vào.
Sáu Già là một anh chàng gốc nông dân Nam bộ, ít nói nhưng chịu làm, anh tham gia Thanh niên xung phong từ năm 1975 với các đội áo xanh của Thành đoàn, trải qua nhiều vị trí đến nay được Tổng đội điều về làm C phó thi công phụ giúp cho Việt.

Mấy tháng trước khi dẫn quân đi thu mua rơm rạ tại Vùng Gò Đen – Long An, khi Đại đội của Việt trong một đêm đã có 80 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải cá nục hấp, cả đội chỉ còn lại vài người khỏe mạnh nhưng cũng không thể chăm sóc hết cho mọi người. Đơn vị của Việt đóng quân trong Đình Gò Đen cách thành phố gần 20km, phương tiện xe cộ đi lại không có, điện thoại liên lạc cũng không, nên khi xãy ra sự cố phải tự lo cho nhau, chờ trời sáng mới đón xe đưa những người bệnh nặng về thành phố điều trị được.

Lúc này Đại đội của Sáu Già đóng cách đó khoản 2 km, sau khi nhận được tin báo đã cho người mang thuốc men đến ứng cứu, giúp chăm sóc cho người bệnh, nhờ có đơn vị Sáu Già hổ trợ kịp thời nên không có ai bị tử vong, từ đó về sau, hai người ngoài tình đồng đội, họ còn xem nhau như bạn thân.

Ngoài tính chịu khó Sáu Già còn là tay sưu tầm những món ăn độc đáo cho anh em. Đình Gò Đen là một nơi thờ Thần Hoàng, dân chúng trong vùng cho là rất linh thiên.
Tại đây có rất nhiều Rết nâu đen to như ngón cái, có con dài trên 15cm, nó trú ngụ trên các cột đình hoặc trong các ngóc ngách dưới bệ thờ, vào ban đêm hoặc lúc vắng người chúng chạy đi chạy lại khắp nơi một các tự nhiên bởi lẽ dân cư tại đây tin rằng chúng là binh tướng của Thần Hoàng, nên không một ai đám đụng đến.

Là người có kinh nghiệm về các loại rắn rết, biết được chúng là thứ đặc sản, ăn rất ngon và bổ, nhất là trong lúc thiếu thực phẩm như thời gian này.
Lúc đầu chỉ bắt vài con ăn thử, cắt càng nộc rồi đêm nướng trên bếp than hồng, khi chín tỏa ra mùi thơm phức không chịu nổi, thịt thì ngọt lịm, chấm với muối tiêu chanh, cay cay chua chua ăn vào tuyệt diệu hơn hẳn các loại hải sản, tôm cua nướng rất nhiều, ăn ngon quá nên anh em trong đơn vị tổ chức săn lùng sạch số lượng rét ở đây.

Ngoài đặc sản này ra thì trên các cánh đồng lúa sau mùa gặt có rất nhiều chuột đồng, con nào con nấy mập ú lông vàng mượt, chiều tối sau giờ họp nội bộ các A là chia nhau đi đặt bẩy chuột. Sáng sớm cử ngưởi đi thu dọn thì đã có chục con mang về làm khìa cho buổi cơn trưa.

Sáu Già thấy Việt Cận trăn trở nên thử lên tiếng hỏi : “Có việc gì khó xữ, mà tao thấy mày bồn chồn dữ dậy”.

Suy nghỉ một lát Việt trả lời : “Vừa lo xong chuyện đơn vị, chưa kịp vui thì tiếp gia đình có chuyện phải lo”. Việt thuật lại tình cảnh của mình cho Sáu Già nghe.

Sáu Già : “ Đã lâu tao thấy mày chưa đi phép về quê thăm ông bà già, hay lần này có chuyện thì đi luôn”.

Việt Cận : “ Đơn vị mình vừa qua cơn khủng hoảng cần người đứng mũi chịu sào dẫn dắt anh em cùng vượt qua khó khăn”

Sáu Già : “ Chuyện đơn vị tao sẽ ở lại lo, với lại lúc này cũng đã qua giai đoạn tồi tệ rồi, mày yên tâm mà đi phép về lo cho gia đình”.

Biết gia đình Việt đang gặp khó khăn, nên anh em trong Liên đội cũng đóng góp được một ít quà để cho Việt mang về cho gia đình, người góp lon sữa kẻ góp bịch đường, người khác có ít tiền thì gửi tiền cộng với quỹ hổ trợ của Liên đội cũng được dăm lon sữa, vài ký đường, chục ký gạo và một số tiền nho nhỏ. Còn tiếp.

FB Duy Linh


Ảnh do tác giả cung cấp. Những việc liên quan bản quyền, xin liên hệ FB Trương Duy Linh.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á