|
CÔNG TRÌNH ĐẠI THỦ CÔNG TRẦN QUANG CƠ – Trung Trí.
TÔN KÍNH TƯỞNG NHỚ VỀ ĐỒNG CHÍ ĐỘI VIÊN DANH DỰ TNXP TP. HCM tiếp theo và hết (Việc đào kinh ở Hóc Môn).
Cuối năm 1977, Thành đoàn TP. HCM hình thành một kế hoạch tập họp TN đào kinh, có một không trong lịch sử. Tóm lược là huy động đông đảo TN các Quận, Huyện Đoàn. Số lượng 10.000 người, được tập trung tại một địa điểm gần ngã ba Bầu, Quang Trung – Hóc Môn (phía gần xa lộ Đại Hàn, nay là phía gần đầu đường Tô Ký Q12). Dự kiến theo chiều dài, rộng, chiều sâu kinh, khối lượng đất cần đào, với số lượng người thi công theo dự tính thì khoảng nữa tháng sẽ hoàn thành con kinh ta đào! Kế hoạch được triển khai với cái tên là Công Trình đại thủ công Trần Quang Cơ. Chỉ huy trưởng công trình là đồng chí Huỳnh Tuấn Kiệt (Phó Bí thư Thành đoàn). Công trình đại thủ công ấy được thực hiện với lực lượng lao động là khoảng 10.000 người ở tất cả các Quận, Huyện Đoàn và 2 liên đội TNXP làm nòng cốt kỷ thuật ở chổ khó đào, trọng điểm. Đó là Liên đội 2 (trước có tên Liên đội Cơ động 6, thuộc Tổng đội 4 – Phạm Văn Cội, Củ Chi) và một liên đội (thuộc Tổng đội 7 – Lê Minh Xuân, Bình Chánh). Khởi đầu, Công trình được thực hiện tưng bừng nhộn nhịp. Nhưng, sau độ chừng 1 tháng thi công tình hình khác thường, sơ kết con kênh đang đào chưa được khối lượng như dự tính. Đoạn kênh đào chưa thấy gì ra hình thức con kênh. Nếu đào kênh kiểu này thì không biết tới lúc nào mới xong.
Đột nhiên, chiều hôm đó được mời các đại diện chỉ huy đơn vị thi công đi họp. Còn nhớ, lúc đó tôi làm Tổng đội phó Tổng đội 4 (được phân công phụ trách đoạn kênh Tổng đội 4), đang ngày đêm túc trực tại hiện trường. Buổi họp được tổ chức ngoài trời, mọi người ngồi bệt thành vòng tròn trên tấm tăng bạt được trãi rộng trên bãi cỏ, gần bên đoạn kinh phải đào. Đầu năm 1978, khoảng 16g, buổi họp bắt đầu với chủ trì là đại diện Ban Thường vụ Thành đoàn và đồng chí Võ Văn Kiệt. Lần lượt các đơn vị thi công báo cáo quân số và khối lượng hoàn thành. Nói chung là trừ 2 liên đội TNXP, các Quận, Huyện Đoàn đều báo cáo không nắm chắc quân số và khối lượng thi công chưa được bao nhiêu. Ấn tượng, đồng chí Phó Bí thư Quận đoàn Q4 là nữ (không nhớ tên), ngồi khóc ngất. Nội dung báo cáo tóm tắt là tới giờ ăn đơn vị, thấy rất đông quân đến tụ tập nhận bánh mì. Nhưng tới giờ làm thì không thấy đông quân như vậy, rất ít người làm. Họ đi đâu không biết.
Nói chung, tình hình Công Trình đại thủ công không thể hoàn thành trước tết âm lịch, vì thời gian còn ngắn quá, đã lâm vào cảnh bế tắc. Phải kết thúc công trình đào kinh và để cho mọi người nghỉ Tết. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi kề bên đồng chí Trương Minh Nhật (3 Vũ, Thường vụ Thành đoàn). Tôi nói nhỏ riêng với đồng chí 3 Vũ và đề xuất, dùng lực lượng TNXP tăng viện quân. Ngay trong đêm nay phải điều quân, để rạng sáng hôm sau có quân số bổ sung, TNXP thi công tích cực mới có thể hoàn thành Công Trình cho kịp trước tết như đã bàn. Đồng chí 3 Vũ đồng ý và phát biểu, được tán thành. Buổi họp kết thúc. Đồng chí Võ Văn Kiệt ra mệnh lệnh, dùng giấy viết tay ngay lúc đó, . . . Ngay sau đó (xin vắn tắc thôi):
- Đồng chí 3 Vũ và tôi cùng đi xe con (của Thành đoàn), đến cư xá Bắc Hải Q10 nhà riêng đồng chí Nguyễn Tấn Diệp (4 Được) - Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. HCM. Sau khi báo cáo tình hình, xem giấy viết của Ô. Kiệt. Đồng chí 4 Được viết cho 2 tấm giấy chỉ thị Ban chỉ huy Tổng đội 4 và 7, y lệnh điều quân, Ngay trong đêm nay phải điều quân bổ sung, để rạng sáng hôm sau có quân số khẩn trương cùng đào kinh.
- Đồng chí 3 Vũ và tôi cùng đi xe con đến bến xe Petrus Ký (đường Lê Hồng Phong, Ngả Bảy, Quận 10) nhận xe chuyển quân. Trời đã tối, đã qua bữa cơm chiều, mà tôi và đồng chí 3 Vũ đâu có được ăn gì. Không rõ mệnh lệnh Ô. Kiệt thế nào mà nghe đã có chuẩn bị xe chạy. Còn nhớ, các lái xe than phiền giờ này mà còn đi đâu? Người phụ trách chỉ ông Phó Giám đốc Sở Giao thông (không biết tên) đã trực tiếp ra bến điều xe và động viên nhau, mệnh lệnh chuyển quân quan trọng, khẩn.
- Đồng chí 3 Vũ tiếp nhận và dẫn một đoàn xe về Nông trường Lê Minh Xuân – Bình Chánh, để gặp Ban chỉ huy Tổng đội 7 điều chuyển quân.
- Tôi tiếp nhận và dẫn một đoàn xe về Nông trường Phạm Văn Cội – Củ Chi, để gặp Tổng đội trưởng Tổng đội 4 điều chuyển quân (từ bến xe quận 10 đến đó khoảng 50 Km).
- Về đến sam trại văn phòng Ban chỉ huy Tổng đội 4, Đồng chí Tổng đội trưởng (1) vừa đi ngủ. Tôi phòng vào gọi: “Anh Năm có lệnh điều quân, khẩn”. Anh Năm lồm cồm ngồi dậy, vén mùng bước đi mặc đồ, lẩm bẩm càu nhàu: “Hôm trước họp ở Thành đoàn, đã nói không được. Vậy mà cứ làm, nay làm khổ anh em quá ”. Anh nhanh chóng cùng tôi dẫn đoàn xe đi đến các doanh trại liên đội. Trong đêm tối, mọi người đã ngủ. Tiếng kẻng vang lên, ầm ĩ báo động “Tập họp”, vang dội một góc trời. Đơn vị nhanh chóng, tập họp nghiêm chỉnh theo quy định. Đồng chí Tổng đội trưởng vắn tắc nói mục đích yêu cầu, triển khai lênh điều động. Mọi người nhanh chóng mang hành trang ba lô, cuốc xẻng dụng cụ cần thiết, lên xe. Đoàn xe chuyển quân nổ máy, lại vang động ầm ĩ trong đêm thanh vắng, điểm đến ngã ba Bầu, Quang Trung – Hóc Môn.
Sáng lại, với quân bổ sung đông đảo của TNXP, chỗ đào kinh đã tưng bừng nhộn nhịp khí thế. Nghe người phụ trách vật tư của TNXP, anh cũng cầm tấm giấy viết tay của Ô. Kiệt, sang gặp Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi, xin cấp bổ sung dụng cụ đào kinh và máy bơm rút nước, đã được giải quyết nhanh chóng. Thời bao cấp lúc đó, ở ngoại thành người dân còn chưa có điện sử dụng, nhưng chỗ đào kinh lúc đó đã có điện thắp sáng để đào kinh đêm. Để gấp rút, chạy đua với thời hạn kết thúc công trình đào kinh. Mỗi đơn vị TNXP đã nhận chỉ tiêu khối lượng cụ thể, thi đua đào liên tục ngày đêm, dù ban đêm rất lạnh. Để động viên tinh thần, TNXP đã làm lễ kết nạp “Đoàn” tại hiện trường và có dàn loa với phát thanh viên nghiệp dư phóng thanh. Rất hào hứng. TNXP đã chia ca nhau, đào 6 tiếng, ngủ 6 tiếng trong các lều dựng tạm bằng tăng bạt. Ăn thì cũng cơm canh đạm bạt theo chế độ, xen lẫn bánh mì. Bình thường ngày ăn 3 bữa, ở đây ăn 4 bữa. Khoảng độ chừng 10 ngày sau đó. Rồi, Công Trình đại thủ công cũng đã hoàn tất kết thúc về cơ bản. Chiều ngày giáp Tết Mậu Ngọ, rất nhiều xe đò đến bên bờ kinh vừa đào xong, chở rước tất cả quân TNXP lam lũ về trước sân Nhà hát lớn Quận 1.
Tối đó, Thành phố đã tổ chức buổi lễ mừng công với sân khấu ngoài trời, Thành đoàn và TNXP báo cáo với người dân Thành phố: Có Công Trình đại thủ công Trần Quang Cơ đào kênh Thuỷ lợi vừa hoàn thành. Nữ nghệ sĩ “Cải lương chi bảo" Bạch Tuyết (Nay là NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết) đã đại diện các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật đêm đó, đã nói lời cám ơn và “Hun” một TNXP trên sân khấu, nhấn mạnh là “Xin hun một TNXP đại diện, cũng như hun tất cả các TNXP đang có mặt”! Sau buổi lễ toàn bộ TNXP được về phép vui vẻ, ăn Tết sum họp với gia đình hạnh phúc. Sau Tết, trở lại đơn vị trình diện công tác, sinh hoạt như trước.
Năm 1978, sau Công Trình đại thủ công kết thúc khi đó tôi vẫn chưa biết nhiều về Ô. Kiệt và Chủ tịch UBND TP là gì? Đến năm 1984, trong Hội nghị tổng kết và kỷ niệm 8 năm ngày thành lập Lực lượng TNXP TP. HCM làm tại Nông trường Nhị Xuân (Hốc Môn); Đến phần phát biểu Đồng chí Võ Văn Kiệt và Chủ tịch UBND TP, thấy ông nói rất hay, tình cảm và bất ngờ ông nói đến: “ Hãy xem tôi là ĐỘI VIÊN DANH DỰ TNXP”. Với kiến thức tôi, từ trước đến giờ chỉ biết có học hàm, học vị mới có vụ Giáo sư Tiến sĩ Danh Dự. Nay lại nghe ông nói Đội viên Danh dự TNXP! Bây giờ mới thấy ông đã sáng tạo ra danh hiệu này, thật xuất sắc. Ông đúng là một nhà chính trị hoạt động xã hội lỗi lạc; luôn đồng hành đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp phát triển, thành tựu của Thanh Niên VN và TNXP. Nhớ lại, việc ông đã quan tâm đồng hành với Thành đoàn TP. HCM; ông đã dùng trình độ và uy lực của Chủ tịch UBND TP, kỷ năng điều hành bộ máy giúp hoàn thành Công Trình đại thủ công Trần Quang Cơ đào kinh Thuỷ lợi vào đầu năm 1978. Thật là xuất sắc, có một không hai, một công trình lớn không tưởng tượng nỗi mà hoàn thành trong thời gian ngắn (khoảng hơn 1 tháng) (2). Một trường đại học lớn giáo dục Thanh Niên Thành phố.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói: “Từ chỗ lúc đầu bở ngỡ, chưa biết và còn ngán ngại lao động, nay qua thực tế lao động và rèn luyện, nhiềuđồng chí đã xác định với tình cảm và lý trí sâu sắc lao động là vinh quang, đã biết yêu quý lao động và lao động với thái độ tự giác, biết làm được nhiều việc mà trước đây không biết và không ngờ rằng mình có thể làm được như vậy”. (3)
Trung Trí.
Chú thích:
Tài liệu tham khảo: LỊCH SỬ LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH. NXB. Tổng Hợp TP.HCM. Năm 2012.
(1) Tổng đội trưởng Tổng đội 4: Nguyện Tính Thiện, Năm Thiện.
(2) Trang 43, tài liệu tham khảo: Công trường thuỷ lợi Trần Quang Cơ, 4.000 TNXP thuộc Tổng đội 4 và Tổng đội 7 làm nòng cốt phối hợp với 16.000 đào kinh thanh niên quận, huyện xung kích nhận những nơi khó khăn và gian khó nhất để dẫn nước từ sông Sài Gòn (từ kênh Rạch Dừa vào trạm bơm Tân Thới Hiệp và Trung Mỹ Tây) tưới cho 1.900 ha ruộng của huyện Hóc Môn.
Phụ chú thêm: Nên biết là quân số trên giấy theo kế hoạch bao giờ cũng cao hơn quân số thực tế. Quân số đến giờ ăn, bao giờ cũng cao hơn quân số thực tế lao động làm thực sự. Vì thế, thời gian và quân số của bài viết trên theo chứng kiến và trí nhớ có khác biệt là vậy.
(3) Trang 100, tài liệu tham khảo nói trên.
Mời xem lại kỳ 1: TÔN KÍNH TƯỞNG NHỚ VỀ ĐỒNG CHÍ ĐỘI VIÊN DANH DỰ TNXP TP. HCM – Trung Trí
Hình minh hoạ là tư liệu của người đăng tin. Xin cám ơn tác giả.
|
|