Chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ Quốc (07/01/1979)
Nhằm kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh, bảo vệ tốt biên giới Tây Nam Tổ Quốc (07/01/1979 -07/01/2019). Xin giới thiệu bài viết CÁC LIÊN ĐỘI 1, 2, 3, 4 - TỔNG ĐỘI 4 (CỦ CHI) RA TRẬN. Tác giả : Nguyễn Giáo Hóa. Nguyễn Văn Nghĩa tổng hợp và đưa tin trên Facebook ngày 29/06/18. Đã có biên tập và phụ chú thêm. NBT.
Tháng 5/1978, Ban chỉ huy Lực lượng TNXP đã điều động các Liên đội 1, 2, 3, 4 thuộc Tổng đội 4 (đang công tác tại khu vực ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh) lên tham gia phục vụ chiến đấu trên mặt trận biên giới Tây Nam để thay thế cho các Liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí.
Từ tháng 5 đến tháng 7/1978, Liên đội 1 và Liên đội 4 (Tổng đội 4) phối thuộc với Đoàn 476 bộ đội Công binh thực hiện khẩn trương tuyến đường mới xuyên rừng Nhum từ Bắc Bến Cầu đến Nam Bến Sỏi (mỗi Liên đội ở một đầu tuyến đường). Làm đường mới dọc tuyến biên giới nhằm dễ cơ động đễ bảo vệ lảnh thổ và tạo thuận lợi cho việc truy quét Khơme đỏ.
Cuối tháng 7/1978, Liên đội 1 và Liên đội 4 được sáp nhập lại thành Liên đội 309 thuộc Tổng đội 3 Biên giới.
Ngày 22/7/1978 đồng chí Nguyễn Văn Giang, đội viên Liên đội 4 đã anh dũng hy sinh tại Bến Cầu – Tây Ninh khi đang làm nhiệm vụ.
Liên đội 2 và Liên đội 3 – Tổng đội 4 (từng Đại đội biệt lập) được tổ chức phối thuộc với Đoàn Đặc công 429, Sư đoàn 302, Trung đoàn 25 Công binh của Quân khu 7, giai đoạn đầu phục vụ chiến đấu tại mặt trận Kà Tum – Tây Ninh; Sau đó tiếp tục hành quân sang Mi Mốt, Snoul – Campuchia cho đến tháng 11/1978 thì 2 Liên đội được lệnh rút về nước.
Trong 7 tháng cùng tham gia phục vụ chiến đấu, đã có 04 đồng chí hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Đó là các anh: Nguyễn Phước Để (Liên đội 2) hy sinh ngày 04/7/1978, Trần Văn Sáng (Liên đội 2) hy sinh ngày 23/8/1978; Võ Văn Đông (Liên đội 3) hy sinh ngày 17/8/1978 và anh Nguyễn Minh Triều (Liên đội 3) bị sốt rét cấp tính tại mặt trận, đưa về tuyến sau và đã qua đời tại Bệnh viện Lộc Ninh ngày 14/9/1978.
Ngoài 4 đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc, 3 đồng chí khác cũng đã vướng phải mìn khi chuyển quân, bị thương nặng, được đưa về tuyến sau để điều trị và đến nay vẫn đang hưởng chính sách Thương binh.
Tác giả: Nguyễn Giáo Hóa. Nguyễn Văn Nghĩa tổng hợp và đưa tin trên Facebook ngày 29/06/18. Nhóm Biên Tập trang Web đã có biên tập và phụ chú thêm.
Phụ chú:
1. Liên đội 2 tham gia phục vụ chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam có nguồn gốc phiên hiệu củ là Liên đội 6 (1976), Liên đội cơ động 6 (1977). Từ tháng 9/1977 đến năm 1980 là Liên đội 2 – Tổng đội 4 Củ Chi TP.HCM. Chú thích này để không nhằm lẫn với Tổng đội 4 Đắc Min được thành lập sau này, đóng quân công tác ở tây nguyên (Năm 1980, Tổng đội 4 Củ Chi đã giải thể, sáp nhập cùng Tổng đội 2, thành lập Nông trường Dừa Đổ Hòa - Duyên Hải).
2. Bổ sung của Nguyễn Văn Những: Tôi công tác ở chung tiểu độianh từ trước, khi còn đào kênh Ba Gia - Phạm Văn Cội. Khi tham gia chiến dịch biên giới, Đ/c Nguyễn Phước Để là Tiểu đội trưởng của tôi, thuộc Đại đội 2 – LĐ2. Hôm đó, đơn vị đang đóng quân ở một khu rừng thưa Mimot, phối thuộc đơn vị Bộ đội đặc công 429. Chiều hôm đó, khoản hơn 3g nhận lệnh trên, Đ/c Để và tôi cùng mang AK47 đi trinh sát và cảnh giới chung quanh khu vực đóng quân. Đi được khoản đường 300m, Đ/c Để bảo tôi quay về, chỉ đi một mình được rồi. Tôi quay về đến khu đóng quân, thì nghe một tiếng nỗ lớn của mìn và sau đó được biết Đ/c Để đã hy sinh. Đ/c Nguyễn Phước Để cao khoản 1,65 m, da hơi đen, dáng người khỏe mạnh, sống hòa đồng, được lòng tập thể. Đồng chí ra đi với bao luyến tiếc, nhớ thương của đơn vị.
3. Phụ chú của Lê Thanh Bình: Liên đội 2 tham gia phục vụ chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam có 2 hy sinh nêu trên, còn có 2 thương binh là: Nguyễn Văn Những và Võ Văn Quỳnh, đã có hưởng chính sách, chế độ cụ thể. Liệt sĩ Nguyễn Phước Để đã hy sinh tại Mimot – Campuchia và an táng tại nghĩa trang Liệt sĩ Kà Tum (VN). Sau đó, đã được chuyển hài cốt về nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Hiện nay, mộ phần Liệt sĩ Để được đặt phía sau lưng tượng đài chính ở nghĩa trang, tượng Bà mẹ VN anh hùng. Vị trí sơ đồ mộ chí, Ls Nguyễn Phước Để khu M4, nhóm 36; Ls Trần Văn Sáng khu M1, nhóm 36.
Mời xem thêm bài mới:
Đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Sưu tầm (2018-12-22)
Hình minh họa sưu tầm từ internet và tư liệu của trang Web. Xin cám ơn các tác giả.
|