CHÚNG TÔI VÀ NGUYỄN BỈNH KHIÊM - Lê Minh Quốc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt (tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ (được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.
Chưa già để bạc tóc râu
Ngồi ngâm thơ cùng mây trắng
Cổ thi chập chờn bóng nắng
Để học đòi Nguyễn Bỉnh Khiêm
Chiều ơi ! chiều ngọt tiếng chim
Bập bùng giữa trời ngọn lửa
Hiền sĩ ngày xưa cưởi ngựa
Ngâm thơ rượu cạn lưng bầu
Chúng tôi lại đứng bên nhau
Hát nghênh ngang trong nắng gió
Đường dốc trợt chân bụi đỏ
Gấu quần rách toạc, cần chi
Không ở ẩn, chúng tôi đi
Lên rừng, rừng xanh tiếng hát
Hiền sĩ một thời tóc bạc
“Ngồi chờ gió thổi tinh hoa”
Rượu nhạt phèo buông tiếng khà
Hiền sĩ toan được hóa bướm
Chúng tôi quý ngày đang sống
Cười rung nắng gió qua đèo
Màn che cửa ngõ trăng treo
Hiền sĩ lợi danh xa lánh
Chúng tôi thời trai khỏe mạnh
Cứ đi ngang dọc núi rừng
Hiền sĩ ngâm thơ rưng rưng
Đau đời lệ buồn chực ứa
Chúng tôi nhen lên ngọn lửa
Đọc thơ sảng khoái lạ lùng
Xin biết ơn đến vô cùng
Được đau nỗi đau người trước
Niềm vui bây giờ có được
Hiền sĩ đã một lần mơ
Chúng tôi đi dưới bóng cờ
Lồng ngực con trai mười tám
Đỏ như mặt trời buổi sáng
Đi tìm bóng dáng mùa xuân
Lê Minh Quốc - Tháng 5.1986.
Bài viết do Ô. Ông Văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình ảnh sưu tầm từ internet. Xin cám ơn các tác giả.
|