|
VIỆT NAM - MỘT DÂN TỘC ANH HÙNG VÀ NHÂN ĐẠO -ThS. Nguyễn Thị Thu Hương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói và viết: “Nhân dân ta rất anh hùng. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng”. Nhân ngày lễ Quốc Khánh nước ta (2/9/1945 - 2022), xin trân trọng giới thiệu bài viết “VIỆT NAM - MỘT DÂN TỘC ANH HÙNG VÀ NHÂN ĐẠO” của ThS. Nguyễn Thị Thu Hương cùng bạn đọc. NBT.
Anh hùng là một con người, đã chiến đấu với nghịch cảnh thông qua những chiến công của sự khéo léo, can đảm hoặc sức mạnh trong khi đối mặt với các nguy hiểm.
Nhân đạo làđạo đức thể hiện ở tình thương yêu với ý thức tôn trọng giá trị, phẩm chất của con người. Là một đạo lý thể hiện lòng tốt, từ thiện, và nhân ái con người một cách vô tư.
“VIỆT NAM - MỘT DÂN TỘC ANH HÙNG VÀ NHÂN ĐẠO” của ThS. Nguyễn Thị Thu Hương.
Truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc bao giờ cũng được phát huy cùng sự trường tồn của dân tộc ấy. Quá trình đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam minh chứng cho một dân tộc anh hùng đối mặt với mọi thế lực xâm lược, nhưng cũng luôn nhân đạo trước kẻ thù. Đó cũng chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Ngược dòng lịch sử, sau đại thắng trận tuyến Như Nguyệt, quân Tống đại bại, bị tiêu diệt đến năm, sáu phần mười. Lý Thường Kiệt vẫn rất khiêm tốn, giữ thể diện cho địch; đã chủ động phái người sang sông gặp tướng chỉ huy quân Tống, đặt vấn đề hòa giải nhằm sớm chấm dứt chiến tranh, với điều kiện là toàn bộ quân Tống phải rút khỏi đất Việt. Trận tuyến Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2. Chỉ huy quân Tống đang lúc hoang mang cực độ trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng vội vàng nhận điều kiện trên và lập tức rút quân hồi tháng 3/1077, không cần chờ lệnh của triều đình nhà Tống.
Ở vào thời điểm nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan đạo quân tiếp viện của nhà Minh, giết chết tướng Liễu Thăng, quân và dân ta thừa cả thế và lực để tiêu diệt quân địch trong thành Đông Quan.Một dân tộc sau 20 năm chịu cảnh nô lệ, người dân bị đô hộ rên xiết thấu cả trời xanh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ….Độc ác thay, trúc Nam Sơn không nghi hết tội, Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Thế nhưng sau khi giành được chiến thắng đã đại nghĩa tha chết cho hơn 10 vạn đội quân của triều đình phương Bắc đã từng đô hộ mình. Không chỉ thế, dân tộc ta còn sửa sang đường xá, cung cấp ngựa, thuyền cũng như lương thực đầy đủ để đội quân này về nước. Tấm lòng đại nhân đại nghĩa ấy tưởng như chỉ là chuyện hoang đường, nhưng đã được người dân Đại Việt thực hiện, khiến kẻ xâm lăng chỉ có thể cảm kích đến chảy nước mắt, dù nhục nhã thua trận vẫn chỉ có thể cúi đầu tâm phục, khẩu phục. Đó chính là cái kết “đại nghĩa” và “chí nhân” mà Nguyễn Trãi nói đến trong câu thơ: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Có thể nói, đó là một tinh thần nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh sâu sắc. Vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng với quân dân Đại Việt đã kiên quyết thi hành một đường lối kết thúc chiến tranh rất sáng tạo, rất nhân nghĩa: “nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hùng binh. Tái thiết lập hoà hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời”.
Ở thời Vua Quang Trung, sau đại thắng Đống Đa (30/1/1789), Quang Trung không hề tự đắc tự mãn, mà lại muốn bày tỏ lòng nhân đạo và tinh thần hiếu hòa của mình nên đã ra lệnh đối xử tử tế với tất cả tù binh, hàng binh trước khi tha họ về quê hương, lại cho thu nhặt hài cốt giặc trên chiến trường, chôn thành 12 gò đống và lập đàn cúng tế. Chỉ trong vòng nửa năm sau Đống Đa, nước Đại Việt của Quang Trung đã lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh để dân ta được sống trong độc lập và hòa bình.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân Việt Nam. Đối mặt với các thế lực lớn mạnh hơn rất nhiều, nhưng dân tộc Việt Nam không hề nao núng, với chiến lược chiến tranh nhân dân đã làm cho cả Pháp và Mỹ lần lượt sa lầy và thất bại phải rút quân về nước.
Kết thúc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu. Ngay sau trận đánh mở màn quyết liệt tại cứ điểm Him Lam, khi ta đã làm chủ cứ điểm, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định cho phía Pháp ra nhận thương binh. Nhưng chúng chỉ nhận một chuyến rồi bỏ số thương binh còn lại. Số thương binh bị mắc kẹt này nguyền rủa Đờ Cát thậm tệ. Sau đó họ được ta chăm sóc cho ăn uống thuốc men tử tế rồi đưa về tuyến sau, tiếp tục hưởng chính sách nhân đạo khoan hồng.
Ngay sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã phóng thích 858 thương binh. Tuy vậy vẫn còn nhiều thương binh được ta cứu chữa nhưng Đoàn đại biểu Bộ tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp không chấp nhận. Lập tức Bộ chỉ huy Mặt trận ra lệnh lập Trại tù thương ở vùng Tuần Giáo, nằm sát Đường 41. Trại được chia thành nhiều khoa điều trị các vết thương, các loại bệnh. Một đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn giỏi được rút từ các binh đoàn chủ lực, điều động về Trại tù thương cùng một số bác sĩ quân y tù binh Pháp, khẩn trương bắt tay ngay vào việc chăm sóc, điều trị tù thương với một chế độ ăn uống hợp lý theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, việc trao trả tù binh giữa hai bên được hoàn tất.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đế quốc Mỹ đưa bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, thay chân thực dân Pháp về miền Nam lập ra Chính phủ tay sai, rồi chính thức xâm lược nước ta. Dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước bất khuất, đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ và bè lũ tay sai. Sức mạnh Việt Nam là kết quả tổng hợp của sự hy sinh phấn đấu trực tiếp của đồng bào miền Nam, cộng với sự hy sinh phấn đấu của Nhân dân miền Bắc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện mọi mặt cho cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam. Dưới ngọn cờ của Đảng, hơn bao giờ hết truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc từng bước được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, nay càng được phát huy mạnh mẽ, phong phú và sáng tạo, đã lập được những kỳ tích vĩ đại, vẻ vang bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Tư tưởng nhân văn, lòng nhân đạo đối với tù binh, hàng binh địch của ông cha ta được Nhân dân ta vận dụng rất thành công trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tù binh và hàng binh Mỹ đều được đối xử rất nhân đạo, được giáo dục và trả về đoàn tụ cùng gia đình, có người sau này trở thành thượng nghị sĩ và Đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Nhiều tù binh có tình cảm tốt với Nhân dân ta và chính họ đã bắc nhịp cầu nối lại tình đoàn kết giữa hai dân tộc, mở ra phương hướng hợp tác mới giữa hai quốc gia. Truyền thống đại nghĩa và nhân văn gắn liền với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thể hiện qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là thông điệp mà Nhân dân ta muốn gửi tới các tổ chức và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; đồng thời cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các thế lực thù địch có âm mưu chống phá công cuộc đổi mới trên đất nước ta, hoặc xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương.
Nguồn:
1/ Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng | PHẦN 2: HCM-DANH NHÂN VĂN HÓA KIỆT XUẤT (nlv.gov.vn)
2/ VIỆT NAM - MỘT DÂN TỘC ANH HÙNG VÀ NHÂN ĐẠO - Khoa Xây dựng Đảng (truongchinhtritinhphutho.gov.vn)
3/ 15 danh nhân anh hùng dân tộc Việt Nam xưa nay (plo.vn)
Hình minh hoạ sưu tầm trên Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|
|