|
HỒI ỨC VỀ QUÁ TRÌNH THAM GIA PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU
BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM TỒ QUỐC CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC LỰC LƯỢNG TNXP TP. HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Giáo Hóa
Phần I: Giai đoạn từ tháng 10/1977 đến tháng 4/1978 :
Tiếp theo cuộc đột kích vào các đảo Thổ Chu và Phú Quốc vào đầu tháng 5/1975, bên cạnh nhiều cuộc đột kích nhỏ, Khmer Đỏ đã tiến hành hai cuộc xâm nhập qui mô lớn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm 1977, quân chính quy Khmer Đỏ tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào ngày 25 tháng 9 cùng năm, lần này 4 sư đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, làm gần 800 người dân bị giết, bị thương hoặc mất tích.
Với lòng căm thù giặc sâu sắc, hàng ngàn TNXP đã viết đơn tình nguyện ra tiền tuyến đánh giặc; nhiều “Huyết tâm thư” của cán bộ, đội viên TNXP đã thể hiện rõ tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.
Thực hiện yêu cầu phục vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, từ tháng 10/1977 đến tháng 4/1978, các đơn vị đã được giao nhiệm vụ:
* Liên đội Trung Kiên đã được điều động lên mặt trận Xa Mát – Tân Biên – Tây Ninh, phối thuộc với Trung đoàn 4, Trung đoàn 16 thuộc Sư đoàn 5 và Trung đoàn 25 Công binh thuộc Quân khu 7; Liên đội Thống Nhất cũng được điều động lên một cánh khác của mặt trận Xa Mát, phối thuộc với Đoàn 476 công binh, Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 5 và Cục Hậu cần Quân khu 7 để làm đường, chống lầy, làm ngầm, làm cầu, tiếp lương, chuyển thương, tải đạn.
* Liên đội Dũng Chí cũng được điều lên mặt trận Kà Tum – Tây Ninh, phối thuộc với Đoàn 476 công binh, Sư đoàn 5 – Quân khu 7 để tiếp lương, chuyển thương, tải đạn, phục vụ chiến trường.
Các Đại đội TNXP ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, chống lầy, làm ngầm, làm cầu cho xe cơ giới của bộ đội ra chiến trường; còn được giao nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn dược, vũ khí ra chiến trường, xây dựng công sự phòng thủ, cùng bộ đội trực tiếp đánh địch và chuyển thương binh, tử sỉ về tuyến sau.
Qua hơn 07 tháng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam, các đơn vị TNXP đã được tặng thưởng: 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 03 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 03 Huân chương Chiến công hạng Ba; Cờ “Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc” và nhiều Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những thành tích trong phục vụ chiến đấu đã được ghi nhận, đồng đội TNXP luôn tưởng nhớ người đội viên TNXP đầu tiên hy sinh vì Tổ quốc là đồng chí Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1951 - Tiểu đội trưởng của Đội 3, Liên đội Thống Nhất, hy sinh ngày 11/11/1977 tại mặt trận Tân Biên – Tây Ninh; Liệt sĩ thứ hai hy sinh trong giai đoạn đầu này là đồng chí Lương Văn Sáu - Đội viên thuộc Đội 1, Liên đội Dũng Chí, hy sinh ngày 07/01/1978 tại mặt trận Kà Tum – Tây Ninh.
* Cũng từ giữa tháng 10/1977, theo yêu cầu của bộ đội, Liên đội Quyết Tâm đã phân công 02 Đại đội (Đội 5 và Đội 7) do hai Đội trưởng trực tiếp chỉ huy, hành quân bộ từ Suối Dây, qua Tha La, Đồng Ban đến Xa Mát để thực hiện nhiệm vụ: xây dựng 01 khu Trại để giam giữ tù binh Pôn Pốt bị bắt giữ, đưa về từ tuyến trước. Sau khi xây xong khu trại, 02 Đại đội trên đã được yêu cầu tăng cường công tác giam giữ tù binh cho đến cuối tháng 12/1977 mới hoàn thành nhiệm vụ và trở về đơn vị.
Như vậy, ngay từ năm 1977, đã có 04 Liên đội TNXP tham gia phục vụ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
(Còn tiếp)
* Dấu sao đỏ: Địa bàn phục vụ chiến đấu của 03 Liên đội: Trung Kiên , Thống Nhất, Dũng Chí . Dấu tam giác đỏ: Địa điểm Liên đội Quyết Tâm xây dựng Trại giam giữ tù binh Pôn Pốt
|
|