Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

HỒI ỨC VỀ QUÁ TRÌNH THAM GIA PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU (Tiếp theo)

BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM TỒ QUỐC CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC LỰC LƯỢNG TNXP TP. HỒ CHÍ MINH.

Nguyễn Giáo Hóa

Phần II: Giai đoạn từ tháng 4/1978 đến tháng 7/1978:

(Giai đoạn trước khi hình thành các Liên đội thuộc Tổng đội 3 Biên giới)

Đầu tháng 12/1977, Khơme đỏ công khai tuyên bố đánh sang Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương: “ Mặt trận Tây Nam tiến hành phản công và tiến công đồng loạt trên tuyến biên giới, đưa chiến tranh sang đất địch, buộc chúng phải đối phó với ta ở bên kia biên giới...”.

Hạ tuần tháng 4/1978, Quân đoàn 4 quyết định mở chiến dịch tiến công lớn trên địa bàn ba huyện Sầm Rông, Pra Sốt và một phần Kông Pông Rô thuộc tỉnh Soài Riêng, có chính diện từ 40 - 50 km, chiều sâu từ biên giới vào đất địch từ 25 - 30km. Đối với địch, địa bàn này cũng là chiến trường trọng điểm nên Khơme đỏ đã tăng binh lực lên gấp đôi so với tháng cuối năm 1977. Chiến dịch kéo dài gần 2 tháng, từ 26/4/1978 - 14/6/1978 và kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực chủ yếu của địch, phá thế địch bu bám, chấm dứt việc pháo binh địch bắn vào hậu phương ta và bảo đảm cho tỉnh Tây Ninh xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Quân đoàn 4 chiếm giữ gần 1.500 km 2 trong dãy địa hình có lợi cho ta ven biên giới tỉnh Soài  Riêng.

Tháng 5/1978, Ban chỉ huy Lực lượng TNXP đã điều động các Liên đội 1, 2, 3, 4 thuộc Tổng đội 4 và Liên đội 3 thuộc Tổng đội 7 (đang công tác tại khu vực ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh) lên tham gia phục vụ chiến đấu trên mặt trận biên giới Tây Nam để thay thế cho các Liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí.

* Từ tháng 5 – tháng 7/1978, Liên đội 1 và Liên đội 4Tổng đội 4 phối thuộc với Đoàn 476 bộ đội Công binh thực hiện khẩn trương tuyến đường mới xuyên rừng Nhum từ Bắc Bến Cầu đến Nam Bến Sỏi (mỗi Liên đội ở một đầu tuyến đường) nhằm bảo vệ tuyến biên giới, tạo thuận lợi cho việc truy quét quân thù.

Cuối tháng 7/1978, Liên đội 1 và Liên đội 4 được sáp nhập lại thành Liên đội 309 – Tổng đội 3 Biên giới.

Trong ngày 22/7/1978, Liệt sĩ thứ ba của Lực lượng TNXP là đồng chí Nguyễn Văn Giang, đội viên Liên đội 4 đã anh dũng hy sinh tại Bến cầu – Tây Ninh khi đang làm nhiệm vụ.

* Liên đội 2 và Liên đội 3Tổng đội 4 (từng Đại đội biệt lập) được tổ chức phối thuộc với Đoàn Đặc công 429, Sư đoàn 302, Trung đoàn 25 Công binh của Quân khu 7, giai đoạn đầu phục vụ chiến đấu tại mặt trận Kà Tum – Tây Ninh; Sau đó tiếp tục hành quân sang Mi Mốt, Snoul – Campuchia cho đến tháng 11/1978 thì 02 Liên đội được lệnh rút về nước.

Trong 7 tháng cùng tham gia phục vụ chiến đấu, đã có 04 đồng chí hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Đó là các anh: Nguyễn Phước Để, Liên đội 2, hy sinh ngày 04/7/1978; Võ Văn Đông, Liên đội 3, hy sinh ngày 17/8/1978; Trần Văn Sáng, Liên đội 2, hy sinh ngày 23/8/1978 và anh Nguyễn Minh Triều, Liên đội 3 bị sốt rét cấp tính tại mặt trận, đưa về tuyến sau và đã qua đời tại Bệnh viện Lộc Ninh ngày 14/9/1978.

Ngoài 04 đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc, 03 đồng chí khác cũng đã vướng phải mìn khi chuyển quân, bị thương nặng, được đưa về tuyến sau để điều trị và đến nay vẫn đang hưởng chính sách Thương binh.

          * Cũng trong tháng 5/1978, Liên đội 3 – Tổng đội 7 (tên gốc là Liên đội Lê Minh Xuân) được điều lên phối thuộc với Sư đoàn 5, Quân khu 7 phục vụ chiến đấu tại mặt trận Kà Tum – Tây Ninh, sau đó chuyển sang mặt trận Lộc Ninh – Sông Bé và đến tháng 7/1978 thì được đổi tên thành Liên đội 301 – Tổng đội 3 Biên giới.

          Trong thời gian phục vụ chiến đấu tại mặt trận Kà Tum – Tây Ninh, đã có 04 đồng chí (01 Đội trưởng, 03 Tiểu đội trưởng) của Liên đội 3 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

          Từ giữa tháng 7/1978, Liên đội 301 tiếp tục hành quân, chuyển địa bàn phục vụ chiến đấu sang mặt trận Lộc Ninh – Sông Bé.

           Từ tháng 7 đến tháng 8/1978, trong sự ác liệt của mặt trận Lộc Ninh – Snoul, vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, 04 đồng chí của Liên đội 301 cũng đã anh dũng hy sinh, để lại nhiều nuối tiếc cho đồng đội TNXP không chỉ riêng ở Liên đội 301 mà cả trong toàn Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh; Bên cạnh 04 đồng chí hy sinh, 02 đồng chí khác cũng bị thương nặng, được đưa về tuyến sau để điều trị và đến nay vẫn hưởng chính sách như Thương binh.

          Như vậy, chỉ riêng trong giai đoạn còn mang phiên hiệu Liên đội 3 – Tổng đội 7, đơn vị đã có tất cả 08 Liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc và 02 đồng chí được xếp hạng Thương binh.

* Ngày 14/6/1978, Liên đội 5 – Tổng đội 7 đã được điều lên phục vụ chiến đấu tại mặt trận Bến Cầu – Tây Ninh. Ngay chiều ngày 14/6/1978, toàn bộ Liên đội 5 (500 quân) đã đỗ quân tại Ngã ba đường đắp Thầy Tư, cạnh bìa Rừng Nhum thuộc Xã Long Phước, Huyện biên giới Bến Cầu, Tỉnh Tây Ninh (chỉ cách cột mốc biên giới khoảng 500m); kịp thời tham gia vào chiến dịch quan trọng thứ nhì của Sư đoàn 7 trên tuyến biên giới Tây Nam: chiến dịch Đông – Đông Bắc Soài Riêng.

Là hướng tấn công quan trọng, với đặc điểm địa hình vùng trũng, lầy lội, theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7, Liên đội 5 đã tổ chức từng Trung đội trực tiếp phối thuộc với các đơn vị bộ đội theo 04 cánh, thực hiện nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, thông đường, chống lầy – đưa pháo vào trận địa, bốc xếp đạn dược – lương thực thực phẩm, vận chuyển thương binh, tử sỉ về trạm phẩu hậu cứ Sư đoàn.

          Lên biên giới vừa hơn 01 tháng, ngày 19/7/1978, Tiểu đội trưởng Trần Quốc Hoa đã anh dũng hy sinh vì bị địch tập kích khi đang cùng đồng đội đắp công sự chiến đấu; Anh là Liệt sĩ đầu tiên của Liên đội 5 – Liên đội 303.

          Chiều ngày 21/7/1978, do yêu cầu phải bám sát theo bộ đội đang vận động tấn công quân Khmer đỏ, Trung đội 3 thuộc Đại đội 3 (có đ/c Đội trưởng Ngô Đức Minh đi kèm) đã di chuyển lên chốt chặn gần Ngã ba Koky Som (Campuchia) để chống lầy, giữ an toàn cho tuyến đường huyết mạch của mặt trận.

Chính tại nơi đây, đã xảy ra một sự kiện rất đau buồn, để lại trong lòng từng cán bộ đội viên TNXP của Liên đội 5 cũng như của toàn Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh một dấu ấn sâu sắc, mãi mãi không thể nào quên.

Rạng sáng ngày 22/7/1978, (với ý đồ tập kích vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7) đang đóng quân tại Menchay), 01 Tiểu đoàn đặc công của Khmer đỏ đã luồn sâu vào phía sau mặt trận, trên đường đi chúng đã chạm trán và tấn công vào Trung đội 3. Do kinh nghiệm chiến đấu còn non nớt, chưa được trang bị đầy đủ vũ khí, phần bị tập kích bất ngờ, nên mặc dù chống trả quyết liệt để chờ bộ đội chi viện; nhưng khi Sư đoàn 7 điều quân đến bao vây, tấn công đến gần 16 giờ chiều mới kết thúc cuộc chiến, tiêu diệt toàn bộ quân địch gồm 96 tên thì 24 đồng chí (trong đó có 07 nữ) đã anh dũng hy sinh, chỉ còn 02 người sống sót và bị thương nặng là chị Nguyễn Thị Lý và anh Nguyễn Văn Tuấn.

Ngay trong chiều và đêm 22/7/1978, Ban Chỉ huy Liên đội phối hợp với bộ phận chính sách của Sư đoàn7 tổ chức quy tập và khâm liệm thi thể của 24 đồng đội TNXP đưa về chôn cất tại Nghĩa trang Huyện Bến Cầu, đến 04 giờ sáng ngày 23/7/1978 thì hoàn tất toàn bộ việc hậu sự.

24 đồng chí hy sinh trong ngày 22/7/1978 đều được Đảng và Nhà Nước công nhận là Liệt sĩ;  Hài cốt các Liệt sĩ nay đã được đưa về an táng trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, mộ chí ở vị trí ngay phía sau tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đồng chí Nguyễn Thị Lý và Nguyễn Văn Tuấn hiện vẫn đang hưởng chính sách thương binh.

Cũng trong ngày 22/7/1978, tại mặt trận Mean Chay, đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn – Tiểu đội trưởng, đã bị mất tích khi đang phục vụ chiến đấu, đồng chí Phạm Tài Tạ cũng đã bị thương nặng do trúng đạn M79, được đưa về tuyến sau để điều trị và đến nay vẫn đang hưởng chính sách Thương binh.

Đến đầu tháng 8/1978, Liên đội 5 chính thức thay đổi phiên hiệu thành Liên đội 303 – Tổng đội 3 Biên giới.

Như vậy, chỉ trong giai đoạn tham gia phục vụ chiến đấu từ tháng 4/1978 – tháng 7/1978, với sự ác liệt của chiến trường, tại 06 Liên đội, đã có 39 đồng đội TNXP anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và 06 đồng chí đã bị thương, để lại một phần thân thể trên chiến trường biên giới Tây Nam.


(Số 1 đỏ trong vòng tròn): Địa bàn phục vụ chiến đấu của LĐ 2, 3 - TĐ 4 và LĐ 3 - TĐ 7. Cùng 02 nhánh chuyển quân từ Kà Tum sang Mi Mốt, Lộc Ninh, hội quân tại Snoul



CÁC TIN TỨC KHÁC :
LIÊN ĐỘI 303 CỰU TNXP – HỌP MẶT KỶ NIỆM 45 NĂM THAM GIA BIÊN GIỚI TÂY NAM (1978- 2023). (2023-06-13)
ĐƠN VỊ TRUYỀN THỐNG CỰU TNXP LIÊN ĐỘI 303 BG HỌP MẶT ĐỊNH KỲ NĂM 2022 – Trung Trí. (2022-05-24)
LIỆT SĨ Nguyễn Thị Kim Mai, TNXP Liên đội 309. (2019-10-28)
LIỆT SĨ Nguyễn Quang Vinh, TNXP Liên đội 309. (2019-10-28)
Trung ương Đoàn tặng cặp đôi Huỳnh Ngọc Điều- Ngô Thị Vui kỷ niệm chương TNXP VN. (2015-11-30)
Tặng quà thương binh Cựu TNXP Liên Đội 303 Biên Giới. (2015-07-30)
Hội Cựu TNXP VN Kiến Nghị Thành Lập LL.TNXP Bám Biển. (2014-09-23)
Mời xem phim Online - Cuộc chiến tranh độc đáo nhất lịch sử. (2014-01-24)
Kết Quả Quyên Góp giúp Trung tâm Bảo trợ Người tàn tật (2014-01-20)
MỘT THỜI XUNG PHONG (2013-07-15)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á