Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN.

Bóng cây dưới mặt đường càng dài thêm bao nhiêu, bụng Oanh càng lo bấy nhiêu. Kẻng chiều sắp gõ rồi mà hàng họ bao thứ vẫn còn ngổn ngang trước mặt cô tổ trưởng nuôi quân nổi tiếng đảm đang nhất nhì đơn vị này. Trên con đường đất đỏ trước cổng đại đội vẫn không xuất hiện cái dáng cao cao lênh khênh cùng với chiếc xe đạp nổi danh của Thắng. Toàn đại đội chỉ có mỗi chiếc xe đạp nên trăm chuyện đều phải nhờ đến ông giao liên bông phèng, ưa la cà này. Chẳng đặng đừng lắm Oanh mới phải liên hệ công việc với Thắng. Biết làm sao bây giờ?

Hết chiến dịch, cả đại đội của Oanh rút về căn cứ cũ ở ngoài này, sinh hoạt lại như thường lệ. Sợ đầu năm bắt tay vào không kịp các đơn vị đông quân số hơn. Ban chỉ huy C đã cài lại 3 tiểu đội ăn ở hẳn trong chốt lãnh trách nhiệm phát hoang trước để sau này toàn đại đội sẽ thuận lợi trong việc vận chuyển cây gỗ, lồ ô ra ngoài này. Tội nghiệp ở đây mọi người tíu tít lo chuyện ăn tết, chơi xuân, mức độ cũng khá đầy đủ, thậm chí có người còn tranh thủ về thành phố vài ba hôm; còn các đồng chí trong đó mỗi bữa cơm, vẫn phải quơ quào cải thiện thêm rau rừng, măng nấm. Chắc anh em bây giờ đang mong quà tết lắm. Có gì là cao sang đâu, chỉ một ít trà mứt là cũng đủ vui xuân giữa rừng rồi. Trước tình hình đó, Oanh quyết định đưa thêm một số mặt hàng khác nữa: bánh tét, thịt kho và cả dưa hấu, để động viên tinh thần những người tuyến trước.

Oanh lại đưa mắt ngắm bóng nắng để ước lượng thời gian. Cái bóng bấy giờ đã bò gần tới bên kia đường rồi. Trong bụng Oanh bực lắm. Mang tiếng là tổ trưởng nuôi quân, quản lý 6 – 7 ông hậu cần đại đội nhưng thực chất có là tổ trưởng gì đâu, bất quá mấy ổng coi Oanh như đứa em gái khó tính trong nhà vậy thôi, chấp hành lệch lạc chẳng qua để con nhỏ nó vui lòng vậy mà. Vâng vâng dạ dạ trước mặt chứ sau lưng lại bụm miệng cười với nhau thôi. Đã dặn phải làm heo cho sớm, vậy mà cà rà đến gần trưa mới gút xong khâu bánh tét, chưa kể đến mấy đòn nhão nhoẹt như cơm nếp nát. Ai đau lòng xót dạ đây? Lại thêm ông C phó chính trị có máu nghệ sĩ nữa. Mới nghe C nữ có nhã ý sang sinh hoạt, chính ủy hào hoa đã hộc tốc khuân hết phần củi dự trữ ra đốt lửa trại sạch bách. Bây giờ lại réo Oanh ơi, Oanh hỡi. Thu xếp đâu vào đấy đàng hoàng thì trời cũng xế rồi. Kiếm một người phụ đưa quà vào cho anh em đóng chốt bây giờ rất khó, ai cũng lo cái tết của mình. Cuối cùng ban chỉ huy chỉ định ông Thắng giao liên bởi vì ông có cái xe đạp thồ hàng ngon lắm. Nhưng với Oanh thì đi cùng người khác tốt hơn. Còn với Thắng… 

- Oanh, ngồi làm gì đó. Chuẩn bị Tết chưa?

- Ngồi coi bói cầu “chàng” hả?

Rồi, lại đụng A năm bên C nữ rồi. Giọng chua loét đứng cách xa ba cây số vẫn còn chua của Hoa “nhí” Oanh còn lạ gì.

Đám bạn gái ùa lại bên Oanh, cô nào cũng một xô đầy quần áo mới giặt, mặt mày tươi như trái cây vừa chín tới. Mùi xà bông thơm quyện với mùi nước suối mát rượi. Hoa đồng cỏ nội, suốt ngày dãi nắng dầm mưa thế mà Tết đến cũng như ai. Có hai ba cô còn ngắt lan rừng cài tóc làm duyên nữa chứ. Oanh nhìn bạn, bụng thấy khuây khuây.

- Đố mi biết bông gì đây?

Hoa chìa ra trước mặt Oanh một nhánh dày những búp hoa hồng hồng, mùi thơm dịu. Oanh chưa thấy hoa này, hoặc có trông thấy thì cũng chẳng nhớ vì cô ít khi để ý đến cây cỏ, chim chóc chung quanh mình. Công việc là trên hết.

- Xời ơi, sống trong rừng gần hai năm rồi mà không biết thứ của quí trời cho này. “Bông ma-ki-nhê” đó.

- “Bông ma-ki-nhê”? – Oanh đưa tay bấm một nụ đưa lên mũi – Thơm dễ chịu quá.

- Thấy mấy chị ngoài xã ưa ngắt bông này về vò lấy nước để làm mặt, nghe nói rất mát da – Hoa cười rúc rích – Tụi tao bắt chước thử, không ngờ có lý quá, đặt luôn là “bông ma-ki-nhê” cho dễ nhớ.

Oanh nhìn sát vào mặt Hoa. Hèn chi, mấy bữa nay…

- Muốn thử hôn? Đẹp mê hồn.

Chưa kịp trả lời, Oanh đã bị lôi xuống đám hoa mười giờ sát cổng trại, mấy cô ôm cứng lấy Oanh, Hoa vò liền một nhúm hoa trong tay và xát lên mặt Oanh. Xong, Hoa chống nạnh, đứng nghiêng đầu ngắm lại tác phẩm của mình. Oanh xô mấy đứa đang ôm lưng, ôm cổ mình ra, vừa cười vừa dở nón tai bèo chùi mặt.

- Thấy chưa? Hiệu quả như thần. Vừa trang điểm xong đã thấy điều ứng nghiệm.

- Rút lui, quân sĩ!

Cả bọn ré lên cười, bỏ chạy. Oanh quay đầu nhìn ra đường. Thì ra thế!

- Đừng nói bậy. Tao cấm…

Câu nói của Oanh không đuổi kịp mấy chiếc đuôi sam chạy lăng quăng dưới nắng chiều. Con gái Thanh niên xung phong…

Từ trên dốc, Thắng đang đủng đỉnh thả xe xuống. Nhác thấy bóng Oanh, Thắng – rất vô tình – vẽ luôn mấy đường thật “bay” trước khi chấm dứt bằng một cú thắng thật gắt trước mặt Oanh đầy ấn tượng. Bụi đỏ tung mù mịt! Một phong kẹo đậu phụng bọc giấy kính chìa trước mặt Oanh. Oanh vờ đi. Thấy lỡ bộ, Thắng tháo phong kẹo, bẻ một miếng cho vào miệng nhai rau ráu, mặt vẫn tỉnh như không.

- Hồi sáng sao Oanh không dặn trước. Đang phụ lợp nhà cho bác Sáu thì anh Huỳnh ra báo. Mình lập tức vô đây liền. Hàng họ gì đâu, Oanh?

Vừa chạm mặt, Oanh đã cảm thấy khó chịu. Thôi, công việc trước đã. Mặt trời là đà trên ngọn cỏ rồi. Không hiểu ông Thắng này làm ăn ra sao đây.

… Mọi thứ chất lên xong, Oanh kiểm tra lại các mối dây cột cho chắc chắn. Xong, hai người bắt đầu đẩy xe hướng vào rừng. Từ cơ quan Liên đội bộ, hồi kẻng báo chiều vang lên. Đại đội nào đó nôn ăn tết, đã đốt trước một tràng pháo giòn rụm.

Đi như thế này, Oanh ngại quá. Chỉ cần gặp một hai cô bạn trông thấy là sẽ có ngay vài mẩu chuyện được truyền trong đơn vị liền. Muốn xóa sạch những lời đồn đãi ấy cũng gian nan lắm. Ai còn lạ gì Thắng giao liên C một này nữa. Chỉ cần một hai nụ cười xã giao vô tình là nhận được thư ngay. Đã gần ba mươi tuổi đầu rồi mà tính tình cũng chẳng thay đổi chút nào. Thấy đâu chụp đó nhưng chẳng việc nào ra hồn cả. Vậy mà cũng làm thơ nữa chứ. Đã có lần dám thức đêm suốt hai tháng trời gọt giũa được một tập thơ dày trăm trang, đại loại có những câu như thế này: “Đêm nay trăng sáng hơn gương. Anh càng suy nghĩ càng thương em nhiều” hoặc là “Đêm nay trăng sáng như đèn. Anh càng suy nghĩ anh bèn yêu em”, lén nhét vào ba lô người ta, chắc mẩm phen này người ta sẽ ngây ngất vì được một thi sĩ tài hoa chiếu cố. Nào ngờ sự đời oái oăm. Hôm đó có một buổi thảo luận tai hội trường liên đội về đề tài “bài trừ nọc độc văn hóa đồi trụy”, lúc dẫn chứng, diễn giả đã đọc một lúc ba bốn câu trong tập thơ bí mật kia, cả hội trường cười muốn vỡ chợ, tuy nhiên người thuyết trình cho biết những câu thơ này chưa đáng gọi là đồi trụy mà chỉ là nhảm nhí mà thôi! Từ dạo ấy, thi sĩ đã thôi không còn làm thơ công khai nữa. Và mối tình ai cũng lặng lẽ rút vào căn cứ mật. Tuy vậy, đôi khi mất cảnh giác cũng có những cuộc đột kích, như thí dụ kẹo đậu phụng nói trên. Dù sao thì vết thương cũng đã lành. Chỉ cái thẹo là gây khó chịu thôi. Lâu lâu lại có người đọc lại những bài thơ ấy để bỡn cợt với nhau. Oanh rất ân hận vì hành động quá đáng của mình, muốn có dịp thuận lợi để xin lỗi Thắng, nhưng suy nghĩ kỹ lại thôi. Xét cho cùng thì phải có những vố như thế để chừa bớt căn bệnh bông lông của Thắng giao liên này. Đấy, lại nhìn người ta cười rồi kìa. Muốn chết nữa phải không? Nhưng dù sao không nên chạm nọc ông thần lúc này, chủ yếu là xe đưa hàng vào chốt an toàn cho anh em ăn Tết.

………………………………

Đoạn đường mỗi lúc một khó đi hơn. Đôi bánh xe cứ lọt vào mấy cái rãnh do xe be tạo nên. Những lúc như thế, Thắng phải bở hơi tai mới đun xe lên nổi. Quỉ tha mấy chiếc xe be làm biếng. Cũng may là bố trí Thắng, nếu người khác không biết có nổi không. Oanh nhìn trộm bộ ngực vồng lên như cái ức chim của Thắng. Vô địch đẩy cây toàn liên đội mà. Oanh thì lúc này chỉ vịn vào xe để giữ thăng bằng cho Thắng đẩy. Mồ hôi đọng quầng ở lưng cô. Mệt thấy mồ vậy mà còn phải nghe tiếng huýt sáo liên tu bất tận của Thắng. Hết nhạc ta đến nhạc tây; vừa dứt “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” là tiếp liền “Proud marry”. Giá lúc lên sân khấu mà được như thế này thì hay quá. Chơi nhạc dở ẹt mà cứ khoe hoài!

Nhìn mặt Oanh, Thắng tức cười quá, đi thồ hàng mà lại trang điểm đỏ choét thế kia. Từ trước tới nay có trang điểm lần nào đâu. Hay... là vì mình? Đừng hòng. Chớ nên lạc quan vô căn cứ thế. Chẳng lẽ lại vì cái thứ gió Xuân gờn gợn khắp núi rừng ở đây? Điều này lại càng phi lý hơn. Vì, như mọi người ai cũng biết, Oanh từ lâu đã nổi tiếng là một cô gái lạnh như… như cái gì quên mất rồi, thì đừng hòng nói đến tính lãng mạn ở đây. Sống giữa núi rừng, hoa lá gần hai năm trời, vậy mà chưa hề hiểu hết cái hay của một giọng chim đồ nhịp, hoặc cái buồn của một chiều mưa rừng da diết. Tối ngày chỉ biết lu bu mấy thứ tiêu – hành – bột ngọt – cải bẹ xanh – bí đỏ đều đều đến buồn ngủ. Đâu vào đấy răm rắp, đừng hòng ai chấm mút của công một món gì… Nhưng dù sao thì cũng đáng yêu lắm. Lúc nào cũng vì người khác. Tập thể trên hết. Như cái việc lặn lội thồ hàng cho anh em như vầy cũng đáng làm thơ ca ngợi lắm rồi. Nếu không vì chuyện cũ, chắc chắn sẽ có ngày bài thơ đánh dấu kỷ niêm hôm nay.

- Đồng chí cười gì mà cười hoài vậy? Giọng Oanh hơi gắt. Có lẽ do mệt và sốt ruột.

- Thì thôi.

Ngọn lửa mảnh mai vừa nhóm lên trong lòng Thắng đã bị gáo nước lạnh của Oanh dội tắt ngoém.

………………………………

Lúc này trời chỉ còn hai phần sáng, tám phần kia là tối. Cây cối dày hơn. Con đường mòn gần mất hẳn. Chiếc xe cứ liên tiếp chồm lên chúi xuống. Chốc chốc chân Oanh lai bật vào một gờ đất đau điếng.

Năm nay ai xông đất nhà ông bà ngoại đây. Có thể là cu Tính, còn mình thì kỵ tuổi, không nên. Cây mai của Ba chắc nhiều nụ lắm. Giá mà ở nhà mình chụp một tấm hình bên chậu mai ngày mồng một thì hết ý. Ai cũng cho mình là đứa con gái khô khan. Còn lâu. Người ta cũng đa cảm lắm chứ. Nhưng phải đúng chỗ, đúng lúc. Công việc mà xen cảm tình vào thì thất bại ít nhất bảy tám chục phần trăm. Vả lại con gái lẳng lơ quá chỉ còn có nước hư thân. Không hiểu liệu ông Thắng này có đưa xe vào kịp không? Trời tối quá rồi. Mấy ụ đất quỉ này làm mình vấp hoài.

- Còn xa không, đồng chí Thắng?

- Không hiểu nữa. Lâu quá tôi không đi con đường này. Bây giờ rối tinh rối mù lên, cắt đường hết. Không biết con đường nào mà dò.

Thắng bỗng ghìm xe lại.

- Cái gì vậy? Oanh hỏi. Lúc này mà xe hư…

- Nghe gì không? Chim “bắt tép kho cá” đó. Thắng nghiêng nghiêng đầu chăm chú lắng nghe tiếng chim. Lâu lắm rồi mới nghe lại giọng con chim này.

- Tầm phào. Oanh chủ động đẩy rấn xe lên trước. Chiếc xe quắt ngang một cú. Thắng hoảng hốt ghì tay lái lại để giữ cho xe khỏi ngã đè vào người Oanh.

- Đường xấu như vậy mà đẩy xe nhanh là không còn gì cho tụi nó ăn Tết đâu. Anh thở hổn hển.

Oanh hiểu phần lỗi của mình, nhưng vẫn cứ ấm ức. Hết thấy đường rồi, vấp đau chân muốn chết, ở đó mà cá với tép.

- Nghỉ một lát. Thắng rút chàng nạng ra định chống xe.

- Tôi chưa mệt. Oanh cố đẩy cho xe tiến thêm một hai bước nữa. Thắng nhấn mạnh tay lái, ghị chặt hai bánh xe xuống mặt đất. Anh trừng mắt nhìn Oanh:

- Oanh đuối lắm rồi. Tôi chẳng có gì quan trọng lắm đâu. Đừng tự ái với tôi. Thắng chống chàng nạng cho xe đứng vững, gỡ nhẹ tay Oanh ra khỏi ghi-đông, rồi ngồi xuống một vạt cỏ mọc bên đường, mắt vẫn không rời Oanh.

Oanh hít một hơi dài, bắt đầu cho mấy cọng tóc vướng trước mặt nằm gọn lại. Bằng bất cứ giá nào cũng không được khóc. Bây giờ thì tôi hiểu rồi. Cơ hội trả mối hận cũ đã tới. Được, bắt đầu đi.

Thắng tháo bình toong nước đeo bên hông ra, anh giơ mời Oanh. Không thấy cô động đậy gì, anh bước đến, nhấn bình nước vào tay Oanh. Oanh xòe tay, để chiếc bình rơi xuống, nện lên đất một tiếng khô khan. Thắng lồm cồm lượm lại. Xong, anh đứng bật dậy, nhưng rồi lại lúng túng trước khuôn mặt đanh như thép của Oanh. Ông bà mình nói đúng quá. Con gái trán dồ bướng lắm. Riêng mình thì lại đụng nhầm bướng chúa rồi. Được, sau này với phải một tay có máu vũ phu. Thắng mở nắp bình ra, ngửa cổ tu một hơi dài, khà một phát như uống được rượu ngon, mắt vẫn liếc Oanh.

Chiếc xe thồ gân guốc của đại đội một lại tiếp tục chuyển bánh giữa sự yên lăng căng thẳng. Không một câu trao, chẳng một câu đổi, cả tiếng huýt sáo lạc giọng cũng tắt queo. Lúc này thì trời tối đến mức báo động. Mọi vật nhận ra nhau chỉ nhờ viền sáng bọc bên ngoài mỗi vật. Con người nhận ra nhau nhờ cử động. Hai người lại không nhìn nhau. Tiếng xe cót két nghe buồn não ruột. Oanh nghe mằn mặn ở môi. Cô khóc. Còn Thắng thì thèm thuốc lá ghê gớm. Nhưng lại không còn điếu nào. Anh không có can đảm chờ Oanh ứng trước một gói. Chợt nhớ đến phong kẹo hồi chiều, Thắng móc ra nhai rau ráu. Trong chốt giờ này phải biết là buồn đến mức độ nào. Yên chí, anh đang có ba mươi chuyện tiếu lâm nóng hổi vừa thổi vừa nghe để sẵn trong bụng đây. Chưa kể mấy cái thư đang ngọ ngoạy trong túi xách. Chắc chắn là toàn thư tình. Anh xin lỗi mấy chú, đêm qua anh có vô phép duyệt sơ qua hết rồi. TNXP tụi mình đáo để lắm.

………………………………………

- Lạc đường rồi. Chắc ngủ rừng đêm nay thôi. Câu nói đầu tiên của Thắng kể từ chuyện chiếc bình toong đến giờ. Với Oanh câu đó lại hết sức có ý nghĩa, bắt buộc Oanh cũng phải lên tiếng.

- Không còn cách nào khác nữa sao!

- Còn cách gì nữa. Ngã lên ngã xuống mười mấy lần rồi mà chưa thấy đau sao. Đừng làm bộ. Cứ như là yêu đồng đội lắm vậy. Cứ nói trắng ra là sợ mang tai tiếng chứ gì? Cô đánh giá tôi thấp quá, Oanh à.

- Chỉ còn cách cắt rừng đi tắt. Tôi nghe hình như có tiếng suối. Làm sao đem hàng qua cho được?

- Anh em trong đó…

- Oanh cứ ngủ ở đây đi. Tôi không ăn thịt đâu mà sợ. Anh em người ta cũng không muốn mình phải lội suối băng đèo vì mấy gói mứt này đâu. Nói xong câu này trong lòng Thắng cảm thấy nhẹ nhõm hả hê quá!

- Đồng chí Thắng! Thắng giật mình vì nghe giọng Oanh ứ trán nước mắt.

- Có tôi!

- Tại sao đồng chí lại coi thường tôi như vậy? Đồng chí trả thù chuyện cũ phải không. Được, đồng chí hãy vì mọi người mà làm tròn công tác này đi. Tôi thề là sẽ xin lỗi đồng chí trước mặt tất cả mọi người!

Trong bóng tối nên Oanh không nhìn được mặt Thắng lúc này. Nó không hẳn là trắng, không hẳn là xanh mà nó màu xám. Đó là sắc mặt của những người từ trên trời rơi xuống đất. Trời ơi, Oanh, Oanh hiểu lầm tôi quá rồi. Không lẽ nhỏ mọn đến mức độ đó sao? Tôi thấy Oanh đuối, tôi muốn Oanh nghỉ, sợ Oanh vượt suối nguy hiểm, tôi cản Oanh. Chứ tôi làm gì có cái ý khốn nạn đó. Chẳng qua tính tôi ưa giỡn cợt, khôi hài, mà Oanh thì không thích cái sinh hoạt đó. Còn chuyện anh em trong chốt, đồng đội nào lại chẳng yêu mến nhau. Chỉ có loại sinh vật hạ đẳng mới dửng dưng trước nỗi thống khổ của đồng loại mình. Còn đây là bạn bè chí cốt cả. Oanh có biết rằng ngoài đồng đội, tôi chẳng còn ai thân thiết trên đời này không?

- Oanh hiểu lầm rồi. Thắng nói gần như rên.

- Anh có đưa hàng vào chốt đêm nay không? Oanh hỏi mà chẳng cần trả lời Thắng.

- Đi không được đâu. Tôi nói thật mà…

Chiếc xe đạp đột ngột bị giật mạnh khỏi tay Thắng, tuột thẳng trong đêm tối. Thôi chết rồi! Thắng lao theo xe. Trán anh bị 1 nhánh cây quật trúng bật ngửa ra sau. Anh nằm lịm đi một lúc.

- Oanh! – Thắng chồm dậy ngay, anh dò theo tiếng xe nghiền bánh trên mặt đá sỏi. Sát bên suối rồi. Tiếng nước reo khiến tai Thắng không còn nhận ra âm thanh nào với âm thanh nào. Anh tuột liều xuống dốc. Hơi lạnh và bọt nước tung lên lạnh buốt. Đêm tối gần như đặc kẹo lại trước mặt Thắng. Thò tay vào túi dết, Thắng móc chiếc quẹt máy ra bật liền mấy lần mới được ngọn lửa. Cũng chẳng thấy gì ngoài vài nhánh dương xỉ lòa xòa trước mặt. Anh thò tay vào túi rút ra một tập sách dày: tập thơ đang làm dở dang của mình! Không ngần ngừ, anh xé liền một nắm giấy và châm lửa. Anh lần dọc theo bờ suối với ngọn đuốc giấy trên tay. Thắng cảm thấy sự tỉnh táo đã dần trở lại với mình. Trên mặt đất có dấu bánh xe. Chiếc xe nằm ngã ngang sát bên mặt nước!

- Oanh ơi!

Có tiếng rên khẽ. Thắng đốt thêm nắm giấy nữa. Với ngọn đuốc trên tay, Thắng nhìn được một khoảng không gian khá rộng. Oanh đang nằm tựa vào một gốc cây lớn sát mặt nước, người ướt đẫm, mái tóc ép sát vào trán. Thắng quăng bớt nắm giấy đã cháy sát bàn tay và nắm lấy tay Oanh. Oanh quyết liệt gỡ tay mình ra khỏi tay Thắng. Anh đứng ngần ngừ không còn cách nào khác, Thắng ném luôn bó đuốc kia rồi cúi xuống bế thốc Oanh lên trên tay. Oanh vùng vẫy nhưng không rời được khỏi hai vòng tay cứng như thép của Thắng.

- Hèn lắm. Bỏ tôi ra! Oanh rít lên.

Mặc kệ Oanh muốn làm gì thì làm, Thắng hít một hơi dài và bương ngược lên dốc thật nhanh. Sỏi trượt dưới chân anh rào rào.

……………………………………………

Ngọn lửa sáng rực và thật ấm áp. Thắng lần trong bóng tối quơ thêm một ôm lớn nhánh khô đem đặt lên bếp lửa. Oanh ngồi nhìn đăm đăm vào không gian trước mặt. Bàn chân bị sai khớp đã được nắn lại và kẹp bằng hai thanh nẹp mỏng. Oanh mặc bộ đồ của Thắng và bộ đồ của cô đang được hơ kề bên ngọn lửa. Thắng cũng ngồi gần đấy.

Trên người anh là chiếc áo lót còn quần là chiếc giẻ thường dùng để lau xe! Đêm đang rón rén bước vào một năm khác.

… Mình đã nói với Oanh hết lời. Chắc cô ấy cũng đã hiểu. Nếu cô ấy vẫn đánh giá mình như thế thì có thể mình sẽ xin chuyển công tác đến vùng đất khác mất. Mọi người nói đúng. Mình có máu nghệ sĩ, phải ai thật hiểu mình mới thông cảm cho những sinh hoạt phóng túng và hành động bốc đồng của mình. Đời sống tập thể rất hợp với mình, chỉ còn thiếu một ít tình cảm riêng tư. Mà thôi, ba mươi tuổi còn sớm chán. Quan trọng phải thật là hợp với nhau. Còn cô gái bướng bỉnh này… suốt đời mình chắc sẽ không quên nổi. Còn chuyện đó thì… Nếu có trời, mình sẽ để mặc cho ông ấy muốn vẽ hươu vẽ vượn gì đó thì vẽ. À, ngày mai phải kể cho tụi nó nghe đủ ba mươi chuyện tiếu lâm mới sưu tầm được ngoài kinh tế mới. Bảo đảm “phi tục bất tiếu”. Hà hà, mỗi chuyện phải trả đúng hai suất đấm lưng, đấm đủ mười hai món đàng hoàng. Bây giờ… Ngoài liên đội chắc vui lắm đấy. Giá mà… Thôi, không tiếc chi một đêm giao thừa. Người ta nói tướng mình sống thọ lắm, ăn ít nhất cũng tám, chín chục cái tết nữa, nhằm nhò gì. Chậc, uổng tập thơ quá. Mất ngay mấy bài “độc” mới chết chứ!...

Tiếng một con chim nào đó, đánh thót bóng đêm một cái. Một làn gió phây phẫy từ hướng suối đưa lên. Hương cây hương cỏ lẫn vào nhau bao lấy khoảng không gian, có thể là thời gian nữa, xung quanh nơi hai người ngồi. Hương rừng mỗi mùa mỗi khác. Hương này đúng là chỉ có riêng ở mùa xuân: đã bước qua năm rồi!

… Lại huýt sáo nữa. Cái máy hát vĩnh cửu. Nguồn lạc quan ở anh chàng này không hiểu bao giờ mới cạn đây? Mình đánh giá sai người ta, bậy quá. Một người như thế ít nhất cũng phải có một vị trí gì trong cuộc đời, nhưng với điều kiện phải có người động viên, kềm cặp luôn luôn. Tại sao? Lại nghĩ ngợi lung tung rồi… Không hiểu đám con Hoa còn đơm đặt gán ghép thêm bao nhiêu chuyện nữa đấy? Thây kệ. Hoa gì mà thơm quá? Đúng rồi: Bông Ma-ki-nhê của mấy đứa A năm. Ngày mai hái thử một ít về xem sao? Lửa ấm quá. Tội nghiệp, anh ấy cứ lay hoay lo lắng cho mình. Không biết kiếm ở đâu ra cái quần giống như giẻ rách. Còn cái chuyện trán u nữa. Người coi gầy mà khỏe thật. Chắc phải giấu kín chuyện “bế trên tay” này. Ấm quá. Qua năm mới rồi. Ngày mai phải kho lại nồi thịt. Bánh tét thì…

Mọi vật bừng sáng lên như một đoạn chuyển cảnh trên sân khấu. Ánh nắng dọi vào mặt Oanh. Oanh ngồi dậy. Thắng đang tập thể dục trên một mô đất cao. Tay chân quơ loạn xạ.

- Biết đây là đâu không? Thắng đưa tay chỉ qua bên kia con suốt. Thì ra chốt nằm sát bên cạnh không hay!

Oanh nhìn mình, nhìn Thắng và bật cười khúc khích. Thắng chưa hiểu Oanh đang cười vì chuyện gì, nhưng hấp tấp cười vuốt theo liền.

- Tức cười quá phải không, Oanh? Vậy mà lội vòng vo gần sái gân cẳng. Anh quay mặt về phía mấy chiếc lán nằm dưới chân đồi, hét lên “ah, ah" mấy tiếng. Con chim đang lục sâu trong vạt cỏ gần đấy giật mình tung cánh lên trời, kêu két két.

Thắng tháo hết mấy gói hàng xuống xe, gom lại một chỗ. Xong xuôi, anh lại rất thản nhiên, bế thốc Oanh đặt lên sau yên xe. Oanh ngơ ngác và chưa kịp có lấy đến một phản ứng.

- Vô người không chúc tết trước. Còn hàng để tụi nó ra đem vô. Nụ cười, chuyện rộng đến mang tai coi láu cá hết sức! Ôm cho chặt, nghen!

Chiếc xe tuộc xuống dốc giữa hai hàng hoa… Hoa gì? À, “bông ma-ki-nhê”! Oanh với tay chụp lấy một nhánh đưa lên mũi ngửi. Thắng nhảy phóc xuống, ghì xe lại, chạy vội đến một cây to, leo thoăn thoắt lên. Nửa phút sau, anh chìa một bó bông to tướng ra trước mặt Oanh. Vừa gỡ mấy con kiến vàng đang cấu xé trên cổ, vừa nhíu mày suy nghĩ, Thắng toét miệng cười, đọc:

“Đêm qua là đêm giao thừa,

Sáng nay chắc chắn phải là mùa xuân”.

Xong, lại nhảy lên yên xe, đạp nhanh. Mùa xuân đẹp quá!

Đào Công Điện - 18.12.1986


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên Internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)
GHI CHÉP VỀ MỘT CHIẾN DỊCH TRÊN BIÊN GIỚI TÂY NAM - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-15)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á