|
Kỳ 1: Tui đi thanh niên xung phong - Nguyễn Quốc Thắng.
Lời giới thiệu của NBT: Ngày 20/7/1975, bốn đại đội TNXP đầu tiên của Thành phố được ra đời, còn gọi tắt là C1, C2, C3, C4 (được biên chế từ đội viên tình nguyện của các Đội phong trào Thành Đoàn, gọi chung là 4C áo xanh), đồng phục màu xanh dương. Sau đó (ngày 26/8/1975), tiếp tục thành lập bốn đại đội TNXP đồng phục màu nâu (cũng được gọi tắt là 4C áo nâu), tất cả đều trực thuộc Thành Đoàn Sài Gòn – Gia định. Xin trân trọng giới thiệu chuyện được trích trong hồi ký ĐI QUA SƯỚNG KHỔ CUỘC ĐỜI (từ kỳ 20) của Nguyễn Quốc Thắng. Anh là đội viên của C2 áo nâu, đã nhớ và ghi lại kỷ niệm thời đó.
Những ngày tháng đầu tiên sau giải phóng 30/4/1975, thành phố Sài Gòn thật là bừa bộn, chưa có một hệ thống hành chánh quy củ, chỉ tạm thời chính quyền quân quản phụ trách các mặt, nhưng chủ yếu là an ninh trật tự . Khu phố cầu Văn Thánh của tui nhịp sống vẫn trôi đi bình lặng. Cuộc sống của tui vẫn cứ tiếp diễn một cách nhàm chán: sáng mạnh ai nấy đi làm việc riêng, chiều tối cơm nước xong, cùng nhau ra tụ tập ở khu đất trống của khu xóm, mấy anh chị trên phường, trên quận xuống hướng dẫn sinh hoạt ca hát, nhảy múa “Sol đố mì”, lồng ghép sinh hoạt chính trị cho thanh niên nam nữ, hướng, lái thanh niên quan tâm hơn về thời cuộc, tình hình nhiệm vụ của thanh niên và thông qua quá trình sinh hoạt phát triển, kết nạp đoàn viên thanh niên cộng sản HCM ... (Lúc đó, tên là Đoàn Thanh niên Lao động HCM. Phụ chú của Nhóm biên tập Website). Một ngày tháng 8/75, thằng bạn thân: Võ Văn Hòa rủ tui với mấy đứa nữa đăng ký gia nhập thanh niên xung phong. Không biết nó nhận tin của ai, từ đâu và thanh niên xung phong là cái gì .? Lúc này gia đình tui khó khăn lắm, ba má thì được trở lại nhiệm sở, nghĩa là làm lại bưu điện, nhưng những tháng của buổi giao thời này chỉ lảnh sinh hoạt phí cùng nhu yếu phẩm thôi, tất cả các khoản thu nhập của người nào thì còn chưa đủ nuôi bản thân người đó nữa, lấy đâu mà cho cả gia đình. Hết rồi cái thời lảnh lương con, lương vợ, một người làm nuôi cả gia đình ... Hơn nữa qua cái " thời tiết " trong sở làm thì người ta bóng gió sẽ thay hết nhân viên chức chế độ củ , những người củ được xếp chung vào diện: ngụy quyền. Những người củ giờ đi làm chỉ là hướng dẫn hay là bàn giao từ từ cho người mới mà thôi. Ba má tui cũng phải học tập 3 ngày trong bưu điện do cán bộ tới tập huấn. Viễn cảnh thiếu đói hiện hữu trong gia đình tui ... Lúc này bà chị đã theo chồng quê ở Tiền Giang, Anh tui thì ở bên vợ ... Đã bớt đi mấy người rồi mà áp lực cơm áo gạo tiền vẫn còn đè nặng lên gia đình. Nghe loáng thoáng thanh niên xung phong đi đào kinh, khai hoang phục hóa, chắc là có tiền công ... Tui với mấy thằng bạn Ok liền, giao nhiệm vụ đăng ký cho Võ Văn Hòa. Vài bữa thì được thông báo 26/8/75 chuẩn bị hành trang cá nhân lên tập trung ở quận đoàn. Hồi đó quận đoàn, tui cũng chả nhớ lúc này vẫn còn là quận Gò Vấp hay là Thạnh Mỹ Tây .? Hoặc không biết đã đổi qua Bình Thạnh chưa .? Nhưng quận gì thì cũng không quan trọng, cái chính là tui đã được đi thanh niên xung phong. Quận đoàn đặt tạm ở nhà hàng Thanh Thanh, sau là patin Lướt Gió, nằm trên đường Phan Thanh Giản, ở giữa ngã tư Hàng Xanh và cầu Phan Thanh Giản, bây giờ là phường 15 quận Bình Thạnh. Khu xóm tui đăng ký đi 4 đứa, sau này nhìn lại thì cả phường 21 quận Bình Thạnh chỉ có mấy đứa tui đi TNXP đợt đó. Từ khu xóm tui đến quận đoàn chưa đầy 1 cây số, hơn nửa cũng không có phương tiện nào nên 4 đứa đi bộ lên trình diện để ghi tên chính thức luôn. Khi tới nơi thì đã thấy hơn chục người, giỏ xách, túi ni lông búa xua ở đó rồi, chắc người của các phường trong quận cũng đăng ký đi TNXP giống tụi tui. Sau khi lập danh sách, điểm danh lần cuối xong, cả đám được chuyển qua trường đoàn Lý Tự Trọng, bây giờ là số 129 Đinh Tiên Hoàng Bình Thạnh. Có một chi tiết mà tui không dám chắc là: hình như anh phụ trách dẫn chúng tôi đi bộ từ quận đoàn - nhà hàng Thanh Thanh qua trường đoàn Lý Tự Trọng.? Nếu đi xuôi theo đường xa lộ rồi qua cầu Phan Thanh Giản quẹo phải ra đường Lê Văn Duyệt đi xuống thì chỉ non 2 cây số thôi, có lẽ đúng là đi bộ thì hợp lý hơn, bởi vì lúc đó đâu có xe công ... Khi tới trường đoàn Lý Tự Trọng rồi thì hóa ra đã có mấy trăm người từ các quận, huyện khắp thành phố đăng ký và tập kết về đây để tập huấn. Hết buổi sáng để sắp xếp, chia nhỏ đơn vị, chỗ ăn, chỗ ngủ, nghỉ, chỗ tắm, giặt, vệ sinh ...vv . Theo đó tất cả được chia thành 4C - sau này khi chuyển lên nông trường Lê Minh Xuân vì một số anh chị em bỏ về, không đủ sỉ số nên mới dồn lại chỉ còn 3C. Mỗi người được lảnh một bộ quần áo bà ba vãi 8 màu nâu. Áo có 2 túi, quần có vẻ hơi ngắn, nhất là những ai có cặp giò cao một chút thì hơi cũn cỡn, mỗi người 1 cái mùng chiếc, 1 chiếc chiếu đơn, không nhớ rõ lảnh ba lô hay là cái bồng .? Cái thuở ban đầu nhìn ai cũng lạ hoắc nên không nhớ rõ những ai làm chỉ huy, kể cả các C. Sau này khi đã quen rồi mới biết, mới nhớ một cách tương đối, chứ cũng không thể chính xác, bởi vì cứ chia cắt, hoán chuyển, tách nhập liên tục. Đầu giờ, sau khi ăn trưa, nghỉ trưa xong là bắt đầu vào chương trình ... Anh 5 Nghị - Phạm Chính Trực bí thư thành đoàn khi đó, nói sơ qua mục đích, ý nghĩa huy động thành lập 4C TNXP hôm nay, khái quát nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đơn vị mới thành lập. Qua đó tui mới biết là cách đây hơn tháng, ngày 20/7, Thành đoàn cũng đã tổ chức thành lập được 4C TNXP gọi là TNXP tập trung, trang phục là bộ quần áo ka ky màu xanh Yamaha, sau này thường gọi là TNXP áo xanh. Quy ước TNXP áo xanh Tập trung phục vụ lâu dài - chính quy. Còn 4C TNXP hôm nay do huy động từ nhiều nguồn, khắp các quận, huyện, đặc biệt trong đó có 56 anh chị em sinh viên đại học Văn khoa ... Nên 4C TNXP này được gọi là TNXP huy động và do được trang bị quần áo màu nâu nên sau này thường gọi là TNXP áo nâu. Quy ước TNXP áo nâu huy động phục vụ thời vụ 3 tháng ... Sau này đúng thời hạn 3 tháng, một số anh chị em tnxp áo nâu có nhu cầu học tập hoặc việc riêng được xuất ngũ trở về, nói chung là đúng với quy ước ban đầu ... Nhưng số anh chị em ở lại nhiều hơn. Trong cuộc sống, mỗi người đều có lý do riêng để đi hay ở ... Những người đủ 3 tháng trở về: có một số người tiếp tục sự học dang dở rồi đạt được thành tựu nhất định ... Có người trở về theo hướng kinh doanh cũng thành đạt. Cũng có người vô thưởng vô phạt ... Những người ở lại cũng có lý do riêng của họ ... Không biết người khác thì sao, riêng tui vẫn tiếp tục ở lại làm TNXP vì trở về cũng chẳng biết làm gì để sống ... Bản thân chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ có cái nghề " bóp cò " mà giờ đâu có hành nghề được nên không thể tự tin mà trở về. Tất nhiên một phần cũng vì yêu thích không khí tập thể, bạn bè và hơn thế nữa tui đã từng kinh qua và quen với cuộc sống tập thể, xa nhà, cực khổ ... 2 năm làm lính Cộng Hòa, giờ quăng đâu tui cũng dễ dàng thích nghi ... Chứ không như 2 thằng bạn của tui ... Như nói ở trên , khu xóm tui có 4 đứa đăng ký đi TNXP, nhưng khi vô trường đoàn Lý Tự Trọng tập trung, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, 2 thằng kia bỏ về, còn chưa kịp lảnh đồ, chỉ còn tui và Võ Văn Hòa tiếp tục cuộc hành trình, đi tới nơi, về tới chốn: “Cho trọn cuộc tình”. Chúng tôi ăn học 4 ngày ở trường đoàn Lý Tự Trọng, nội dung học xoay quanh tình hình, thời cuộc chính trị trong nước và quốc tế, nhiệm vụ của thanh niên trong tình hình mới ..vv.
Kết thúc khóa học , đến sáng ngày 30/8/75 tất cả chúng tôi được đưa xuống nông trường Lê Minh Xuân ở huyện Bình Chánh, lần này di chuyển bằng xe đò chứ không đi bộ nữa. Một số anh chị em lẫn lộn ngày gia nhập và ngày thành lập TNXP áo nâu. Sau này trong quá trình vận hành thì liên C TNXP áo nâu còn được bổ sung thêm quân mấy đợt nữa, nhưng ngày đầu tiên tập kết ở trường đoàn Lý Tự Trọng là ngày 26/8/1975, ngày kết thúc khóa tập huấn và xuất quân là ngày 30/8/1975 ... Như vậy lấy ngày 26/8/1975 làm ngày thành lập hoặc là ngày truyền thống của TNXP Huy động - Áo nâu là chính xác, bởi vì cũng trong buổi sáng ngày 26/8 đó tại trường đoàn Lý Tự Trọng, Thành đoàn đã tổ chức, sắp xếp, định danh, hình thành ra 4C kể cả chỉ định, cắt cử người chỉ huy, lãnh đạo 4C đó ... Sáng ngày 30/8 tất cả chúng tôi di chuyển bằng xe đò, đổ quân xuống nông trường Lê Minh Xuân ... Đoàn xe dừng lại bên kia cầu Bà Lát, chúng tôi đi bộ vào hướng một bên là cầu Bình Minh, một bên là cầu Hoàng Hôn. Vừa bước vô con đường đất xám đen ộp ẹp, chắc hồi khua mới mưa, nhờ trời đang nắng gắt nên cũng ráo mặt, nhìn chung quanh toàn là năng với nước, chắc nước phèn nên trong vắt và chỉ có cỏ năng mới mọc nổi ... Đa số là sinh viên, học sinh, thanh niên nam nữ mới lớn, mới “ra ràn”, nhìn khung cảnh là thấy nản lòng rồi: Nước trong leo lẻo không thấy cá Nắng nóng chan chan rọi xuống đầu Lại thêm hoàn toàn không có lán trại hay nhà cửa gì để trú ngụ cả, chỉ có duy nhất một căn nhà cỡ 4×10m vừa là nhà kho, vừa là văn phòng, và cũng chỉ có một người ở đó, là anh Năm Hồng, ảnh giới thiệu như thế. Anh Năm Hồng đón chúng tôi và tự giới thiệu bước đầu anh sẽ là người tổng phụ trách tất cả chúng tôi. Đầu tiên anh đề nghị các C tổ chức 2 việc: 1 là sắp xếp tổ hậu cần, cho người liên hệ để lảnh nồi nêu, lương thực. 2 là các C chọn vài chục nam thanh niên khỏe mạnh đi bộ lên vườn ươm cách đây khoảng 2 , 3 cây số để vác cây tràm về dựng lán. Tấm bạt xanh thì có sẵn trong kho. Làm lán trại bằng tấm bạt thì lẹ thôi, nhà tắm cho nữ cũng như tolet dã chiến cũng bằng mấy tấm bạt. Có một điều lâu quá tui không nhớ rõ là không biết thời điểm đó hậu cần dùng nước gì để nấu ăn .? Đêm đầu tiên tại Lê Minh Xuân, cả C ngủ chung một lán, 2 hàng đâu chân với nhau, bên nam, bên nữ. Dưới đất cũng được lót bạt, ai cũng được phát mùng, nhưng không ai được giăng vì không đủ diện tích cho tất cả. Ngoài trời thì mưa rỉ rả, khung cảnh thiệt là rầu thúi ruột ... Có một bạn nam tự nhiên cất lên bản Xuân tình “chế” nói về chuyện tình của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài ... Giọng ca không xuất sắc nhưng trong hoàn cảnh này hình như tất cả đều cảm thấy đầu óc như giãn ra, con tim vui trở lại ... Đến nay đã hơn 44 năm, tui luôn để ý tìm hỏi, nhưng vẫn chưa tìm ra được cái người cất lên bản Xuân Tình trong đêm mưa gió đó.
(Còn tiếp)
Nguyễn Quốc Thắng.
Mời xem tiếp: Kỳ 2: Tui đi thanh niên xung phong - Nguyễn Quốc Thắng.
Hình minh họa sưu tầm từ Facebook của Nguyễn Quốc Thắng. Xin cám ơn các tác giả.
|
|