|
ĐI TẮM GẶP MA – Trung Trí.
Kỷ niệm ngày ở TNXP công tác tại Nông trường Dừa Đỗ Hoà Duyên Hải (trực thuộc LLTNXP TPHCM). Khoảng năm 1981, Ông Văn Chiến là Phó giám đốc Nông trường đã đi tắm sông mà gặp ma.
Một buổi chiều, hoàng hôn trên tiểu đảo. Tại khu vực nông trường bộ, chúng tôi 3 người rủ nhau cùng đi tắm. (Ai từng biết chỗ này, hãy tưởng tượng nhớ lại: chỗ xà lang xi măng chứa nước ngọt, kề bên là cái cầu gỗ bắt ở bờ sông Đồng Tranh). Khác với mọi hôm, chiều nay khá vắng vẻ, chỉ có 3 người chúng tôi đã đến chiếc cầu cây để tắm.
Trong lúc tôi và Tấn Dũng còn đang đứng trên bờ sông, uốn éo khởi động, làm nóng người, thì ông Chiến đã xuống sông bơi tắm. Chẳng ai chú ý, nhìn nhau làm gì. Ông Chiến chỉ bơi chút xíu. Đột nhiên! Vội lên bờ, hốt hoảng la lên: “Ma”! Mặt biến sắc, sợ hải (không phải đùa giỡn).
Tôi và Tấn Dũng hỏi chuyện gì, ở đâu ? Lúc này, cả ba chúng tôi đều đứng trên xà lang xi măng chứa nước ngọt, cao hơn mặt nước sông khoảng 1m. Theo chỉ tay của ông Chiến, im lặng và nhìn ra sông cách chân cầu cây khoảng khoảng 3m, nhìn thấy một vật đen thui (hướng ra phía giữa sông). Cái vật đen đó xuất hiện chỗ ông Chiến đã vừa bơi. Trời đã nhá nhem tối, không nhìn rõ. Tôi phải dùng đèn Pin chiếu xem vật gì? Nhưng đèn Pin thời bao cấp nên không sáng lắm. Chỉ thấy một vật đen như khúc bập dừa nước, đang nữa nỗi nửa chìm dưới mặt nước, đang trôi dưới sông. Ai ở vùng sông nước thì biết cái bập dừa nước. Nó có một đầu nhỏ (khoảng 1 đến 2 tấc), phía đầu kia to (khoảng 3 đến 4 tấc), hai đầu cách nhau khoảng 7 đến 8 tấc. Khi người dân thu hoạch lá dừa nước, đoạn cuối nhánh lá lột võ làm lạt dừa, thường bỏ trôi sông phần còn lại này. Nước sông hôm đó không rác, không lục bình, chỉ có vật đen thui đó. Nhưng sao nó lại trôi ngược dòng nước. Cái đầu nhỏ hướng về phía trước, cái đầu phía sau lại nhìn thấy nước gợn sóng lăn tăn. Nước sông hôm đó, không chảy mạnh. Cái vật đen đó cũng xuất hiện trong chốc lát, rồi biến mất (so với khoảng thời gian ông Chiến vừa lên bờ).
Chúng tôi im lặng không bàn luận, tiếp tục tắm. Tấn Dũng và ông Chiến thì đứng trên xà lang, dùng cái thùng nhựa có cột dây, quăng thùng múc nước sông lên tắm. Tôi thì xuống chân cầu cây tắm sông. Nhưng không dám bơi xa, vừa tắm vừa nhìn ra chỗ vật lạ xuất hiện lúc nãy. Sao thấy nó lành lạnh, rợn người. Thôi, lên xà lang đứng tắm bằng thùng nhựa múc nước sông vậy. Tắm xong, ba chúng tôi đi vào bình thường. Chuyện nhỏ (như con thỏ), không có gì !
Điều đáng nói là sau này tôi đã kể lại chuyện ấy cho vài ngư dân địa phương. Họ nói là chúng tôi may mắn. Cái vật đen thui, kỳ lạ ấy là cá sấu rừng sác. Chính nó mới bơi ngược dòng nước chảy, chỉ có cái đầu nỗi trên mặt nước, thì phía sau nhìn thấy nước gợn sóng lăn tăn. Lúc đó, mới biết thêm trước đây bên nông trường Đỗ Hòa 2 (trại cải tạo trực thuộc Sở LĐ TB XH TPHCM), có một anh đang ngồi trên bờ cạnh mé sông, giặt đồ bằng thau. Một con cá sấu đói đã chồm lên, táp vào bắp vế chân anh. Anh vùng vẫy, phản ứng và thoát nạn. Nhưng anh phải đi bệnh viện cứu cấp. Khi vết thương đã lành, đã để lại nhiều dấu sẹo nhớ đời. Chợt nhớ lại, chiều tối hôm đó có 2 người tắm sông, lần lượt ông Chiến trước, tôi tắm sau. Nếu gặp con cá sấu bị đói, chắc một trong hai đã bị cá sấu táp, tiêu đời.
Chuyện kể xảy ra vào khoảng đầu năm 1981, ở tiểu đảo ấp Đỗ Hòa (chổ TNXP chúng tôi đến lập bên nông trường dừa, trước đây thuộc vùng rừng Sác) còn hoang sơ lắm. Nó nằm trên ngã ba sông lớn, sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh. Lúc đó rất hoang vắng lắm, không có ghe tàu người dân qua lại. Lúc chúng tôi mới đến vào cuối năm 1980, mặt đất tự nhiên trên tiểu đảo mỗi ngày đều bị ngập nước cao, mênh mông theo con nước lớn (2 lần 1 ngày), rất khó khăn để lao động và sinh hoạt.
Thật hú hồn ! Đi tắm sông mà gặp ma. Không phải ma da như truyền thuyết. Mà là gặp cá sấu rừng Sác ! Chuyện nhỏ, như con thỏ. Đến nay, ba chúng tôi đều may mắn, còn sống tốt. Ông Chiến sau này chuyển công tác khỏi TNXP có thời gian bị bệnh mất ngủ, rồi lại bệnh tai biến, nay đã dần hồi phục. Chúc ông Chiến bình phục nhanh hơn nữa, sớm mạnh khỏe và gia đình hạnh phúc.
Trung Trí.
Hình minh họa sưu tầm từ Internet và FB của Nông trường Dừa Đỗ Hoà. Xin cám ơn các tác giả.
|
|