|
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ NAM THIÊN ÔNG VĂN CHIẾN – Lê Minh Quốc Vĩnh biệt nhà thơ Nam Thiên Ông Văn Chiến (5.12.1951- Từ trần lúc 21g đêm 24.9.2023. Lễ viếng anh tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 đường Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) - từ 9g sáng ngày 25.9.2023 đến 6g sáng ngày 27.9.2023. Anh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ TNXP tại Sài Gòn-TP.HCM sau năm 1975.
LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập thơ "GIỮA ĐỜI MÊNH MÔNG" của ÔNG VĂN CHIẾN (NAM THIÊN).
Không thể chối bỏ một suy nghĩ, một tự hào đã được lưu giữ trong ký ức của một thế hệ: Chỉ sau 1975, đến nay đã có một nền thơ của TNXP - cụ thể, TNXP tại TP.HCM. Trước đó, lực lượng này đã ra đời từ năm tháng chiến tranh trong cả nước nhưng chỉ sau 1975 mới hình thành một lực lượng viết xuất thân từ TNXP. Và “ma lực” hấp dẫn của TNXP cũng đã lôi cuốn cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ khác, kể cả đại chúng yêu thơ.
Nói cách khác, chính TNXP đã khơi dậy và cưu mang; là chất liệu và kinh nghiệm sống để văn nghệ sĩ và người yêu thơ hoặc “thâm canh”; hoặc “cỡi ngựa xem hoa” tìm đến. Và họ đã có những sáng tác vừa phục vụ TNXP và cũng vừa phục vụ đại chúng. Mà dù tài năng thế nào, họ vẫn là “người ngoài cuộc”, liệu chừng có thể phản ánh hết được từ chân tơ đến kẻ tóc trong đời sống của anh em TNXP?
Với suy nghĩ này, thú thật, tôi hào hứng khi đọc những sáng tác của anh em đội viên từng gắn bó, một thời gắn bó năm tháng tươi đẹp nhất đời mình với TNXP. Bởi họ là “người trong cuộc”. Cái nhìn của họ bao giờ cũng gần với hiện thực. Dù vần điệu thơ, nhịp thơ, cấu trúc thơ của họ còn thô ráp, mộc mạc nhưng chắc chắn ở đó vẫn lấp lánh từng giọt mồ hôi, tâm tư và trí tuệ của chính họ. Như thế, há chẳng phải là điều đáng quý sao? Và tôi luôn nghĩ đến các anh Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên, Phạm Trường Phục, Ông Văn Chiến, Lê Văn Lộc, Lã Văn Cường, Bùi Nguễn Trường Kiên…
Với những tên tuổi trên, riêng Ông Văn Chiến là một “ca” đặc biệt.
Trước lúc tìm cảm hứng từ TNXP, anh đã có thơ in trên báo chí Sài Gòn. Đọc Giữa đời mênh mông, ở mảng thơ này, anh đã cất lên tiếng nói phản chiến, rất gần với tâm thế các anh Trần Quang Long, Đam San, Nguyễn Kim Ngân, Võ Quê, Hoàng Thoại Châu… “Vườn của ai bên đường thiên lý/ Nằm ngổn ngang cành dấu đạn bom/ Cháy khét trong lòng rưng nước mắt/ Biết người còn hay cỏ mồ xanh” - một tiếng thơ trữ tình, đậm đà tình nghĩa quê hương, hướng về ngày thống nhất. Ở mảng thơ này, còn là những bài thơ viết về thân phận của chàng trai trẻ lớn lên cùng cuộc chiến, cái nhìn gần với hơi thơ của các anh Nguyễn Nho Sa Mạc, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nho Nhượng… “Úp mặt vào tay nghe muốn khóc/ Lời buồn run rẩy ở bờ môi/ Chao ơi! Đêm đã đi vào tối/ Ngơ ngẩn lần tay đếm tuổi đời”. Bên cạnh đó, ở tuổi mới lớn, tất nhiên, thơ của anh cũng chạm đến tình yêu lứa đôi, rất gần với tiếng lòng của các anh Mường Mán, Hạc Thành Hoa, kể cả “mưa đụng tim” của Từ Kế Tường: “Thứ sáu trời mưa, mưa đụng tim/ Trời mưa anh chẳng được bên em/ Nén vòng tay ấm buông hờ hững/ Vũ trụ trong mưa cũng lặng chìm”.
Nói rành mạch như thế, để thấy rằng mới mười tám, đôi mươi xuân xanh bát ngát đi giữa dòng thời cuộc thuở ấy, Ông Văn Chiến đã sớm bộc lộ khả năng thi phú. Đang giữa lúc trải lòng qua thơ, nhiều tìm tòi, thể hiện các cung bậc thi ca thì sóng gió ập đến: anh ngồi tù Côn Đảo do tham gia phong trào sinh viên - học sinh tại Đại học Khoa học Sài Gòn.
Sự cố này, có ích gì cho thơ?
Nếu không, tiếng thơ của anh sẽ thế nào?
Không thể có câu trả lời, bởi trong cõi nhân gian này, không bao giờ có từ “nếu”. Tôi chỉ dám quả quyết rằng, từ nền tảng đã có từ năm tháng trước 1975 sống và làm thơ tại Sài Gòn, TNXP mới có được tiếng thơ của Nam Thiên Ông Văn Chiến. Những bài thơ này, có thể tìm đọc ở tập Giữ mãi màu xanh (Nam Thiên, NXB Hội Nhà Văn, 2014). Tuy nhiên, bạn đọc có thể tìm thấy trong tập thơ này, qua phần đã thơ phổ nhạc của các nhạc sĩ Lã Văn Cường, Trương Quang Lục, Quỳnh Hợp….
Với Giữa đời mênh mông, lại là một sắc màu khác. Một ngóc ngách khác của tâm hồn đa cảm, nhiều cảm hứng trong tình đời, tình người, mẹ cha và quê nhà yêu dấu. Một làng quê Quảng Nam hiện lên rõ nét, nơi ấy, tôi cũng đã sống trong những ngày niên thiếu, do đó, rất đồng cảm với anh. Đã khép lại tập thơ mà tưởng như còn nghe văng vẳng tiếng gọi đò vọng về từ xa xăm quá khứ: “Miếu Bông đường lúa mùa trăng thắm/ Cất giọng hò khoan vỡ đất mềm/ Gió hôn hồng má cô thôn nữ/ Du khách nghe lòng say đắm thêm”. Đúng thiệt. Quê nhà xa lắc xa lơ đó, với Ông Văn Chiến, với những người con xa quê, bây giờ nhớ về, hỡi ôi, mình cũng là “du khách” đấy thôi. Ngậm ngùi quá đỗi.
Mà ngậm ngùi, đau đớn nhất bao giờ cũng là lúc nhớ về quê nhà, lại nhớ đến cha mẹ: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Với Ông Văn Chiến, anh đã khái quát trong một tứ tuyệt hoàn chỉnh ý tứ, cấu trúc: “Những nỗi niềm đau từ vạn thuở/ Không bằng khuất núi cả song thân/ Chông chênh mình bước đời hư ảo/ Tình vọng về đâu mỗi gót thầm”. Ngay cả căn phòng, cái giường cha mẹ đã nằm cũng là một cảm hứng, một xúc động không nguôi: “Giường xưa / nơi ấy Ba nằm/ Nửa năm một chỗ / trở trăn chuyện đời/ Cũng giường nơi ấy/ Ba rời/ Trần gian / còn đám con côi / quê người/ Giường in đậm vết mồ hôi/ Là đau đớn của một thời riêng Ba/ Ước gì sen sớm nở hoa/ Cho con thôi mộng đêm về trọn vui”. Trong tâm tưởng, tiếng thơ ngân vang không dứt.
Ở phần cuối tập thơ này, lạ thay, lại là cái nhìn khác, rất khác về tình đời. Cay đắng. Và bẽ bàng. Ngơ ngác. Và thấu hiểu. Chẳng lạ gì, có những tâm hồn trong sạch quá, khi va chậm với lem luốc của đời, họ không chịu đựng nổi, không thể kháng cự mà cũng không thể dung nạp, thỏa hiệp. Ông Văn Chiến là một “ca” tiêu biểu của thế hệ làm thơ chúng tôi: “Một mình đóng hai vai/ Nhớ thương và quên lãng/ Lòng xòe một que diêm/ Cả đêm thâu đỏ nến/ Vườn chưa kịp trổ hoa/ Bướm muôn vàn bay lượn/ Thật giả trọn đêm dài/ Mưa đời chưa ráo tạnh/ Còn riêng lòng trìu mến/ Một mình đóng hai vai/ Đối thoại cùng hư ảnh”. Ai hiểu cho nỗi lòng này? Mọi ngươi rất hiểu để rồi cảm thông, chia sẻ cùng anh.
Để rồi, ai cũng mừng cho anh. Mừng nhất là lúc anh tếu táo về vợ: “Loài chim én không biết bay mà chỉ biết đi xe đạp”. Mừng cho anh, khi anh đã trò chuyện, dặn do cùng con: “Chưa vấp, chưa suy: chưa đủ lớn!/ Miễn lòng giữ được trái tim son/ Gia đình làm một vầng trăng dịu/ Mặt trời khát vọng thẳng đường con”. Thế hệ sau lại tiếp nối. Cuộc sống cứ lại mở ra một chặng đường mới.. Yêu thương và hy vọng. Kết thúc cảm nhận về Ông Văn Chiến giữa đời mênh mông, tôi mượn lấy câu thơ của Dương Hữu Phước: “Tôi sẽ đứng lên, một mình, và cất bước/ Này cuộc đời, hãy đánh cuộc cho vui cùng người/ Tôi sẽ vẫn là tôi - sẽ nói, sẽ cười/ Sẽ cay đắng yêu người, yêu cuộc sống”.
Không riêng gì độc giả yêu thơ, ngay cả Ông Văn Chiến lúc đọc đến đây ắt cũng gật gù, đồng tình.
Thế là vui.
L.M.Q
(Nguồn: Tập thơ Giữa đời mênh mông - NXB Trẻ - 2018 của Nam Thiên Ông Văn Chiến).
Chia sẽ theo Facebook ngày 25/9/23 của Lê Minh Quốc
Phụ chú: Phụ chú này với mục đích không nhầm lộn với tên chính khách, doanh nhân, trùng tên! Lê Minh Quốc (SN 1969) là Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ. Năm 1977, Lê Minh Quốc khi đủ 18 tuổi, nhập ngũ và phục vụ tại chiến trường Campuchia, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Năm 1983, anh ra quân và nhập học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Ra trường cầm bút nghiên. Lê Minh Quốc là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Hình minh hoạ sưu tầm trên Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|
|