Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG
       Thông tin sinh hoạt  
       Văn-Thơ-Kể chuyện  
       Hướng dẫn sử dụng  
       Liên lạc - Góp ý  

Hồi ức [ trích ] - Đỗ Trung Quân.

Năm 1979, Đỗ Trung Quân (vừa là bút danh vừa là tên thật) tham gia Thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Sau này, Ông từng công tác tại báo Sài Gòn tiếp thị. Một số bài thơ do ông sáng tác trở thành nổi tiếng như Hương tràm (1978,Vũ Hoàng phổ nhạc). Bài học đầu cho con (1986, Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương” và Anh Bằng phổ thành bài hát “Quê hương bài học đầu cho con”). Chút tình đầu (1984, Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài Phượng hồng (1988)). Khúc mưa, Phú Quang phổ nhạc). Những bông hoa trên tuyến lửa (Nguyễn Cửu Dũng phổ nhạc). Xin trân trọng giới thiệu một đoạn trích từ “Hồi ức” của Ông, được sưu tầm trên Facebook. NBT.   


8- 1-1979. Quân tình nguyện Việt Nam đã vào tới Phnom Penh – Campuchia kết thúc cuộc chiến tranh có khởi đầu từ tháng 12 -1977 – 1978.
Nhưng không phải tất cả các sư đoàn của lính tình nguyện việt nam đều vào cả Phnom Penh, đơn vị thanh niên xung phong nơi tôi đang có mặt theo một đoàn xe quân đội không rõ thuộc sư đoàn nào trở ngược về theo hướng phà Neak-Leung về bằng cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh. Lịnh của bộ chỉ huy thanh niên xung phong anh em TNXP cứ theo xe quân đội về tập trung ở lòng hồ Dương Minh Châu khi ấy là nơi đóng quân của tổng đội 5 nơi sẽ làm công tác thu dọn rừng cho lòng hồ Dầu Tiếng sau này.
Xe vào thị xã Tây Ninh. Tây Ninh có đường biên giới sát Campuchia lại thời chiến khá vắng vẻ và buồn chỉ nắng, bụi đỏ mù mịt.  Tôi hỏi đường vào lòng hồ Dương Minh Châu té ra nó còn cách thị xã đến 50 cây số không thể đi bộ, tôi quyết định quay về Sài Gòn thăm nhà, nghỉ ngơi sẽ trình diện tại nơi ra đi năm ngoái 922 Nguyễn Trãi. Bến xe Tây Ninh thưa vắng, một vài tay buôn bán biết từ hướng K (tên nói tắt của Campuchia) về kéo vào hỏi “có gì bán không ?”. Tôi cũng được biết nhiều người lính đã mang vàng từ K về, lời đồn rằng lấy vàng từ K hoăc sẽ tử trận vì đạn, mìn hoặc sẽ gặp nhiều khốn đốn, dù vậy cũng không thiếu người mang về làm giàu. Nhưng đấy là quân đội bọn tôi thanh niên xung phong khác gì lao công chiến trường thứ thường “lấy về” ngoài mặt trận là thương binh, xác chết…Bị con buôn níu kéo quá bực mình tôi tháo ba lô xổ xuống đầy đất “đấy mua đi !” lổm ngổm toàn lưu đạn mini, thứ mà vài hôm nữa khi mẹ tôi quét gầm giường nó cũng bò ra lăn lóc “con mang thứ này này về nhà làm chi, ra phường nộp lại ngay !” mẹ tôi nói. Hôm sau tôi mang thứ “quý báu” ra phường nộp, biết tôi vừa từ K về phường thu nhận không có gì khó dễ.
Một tuần sau tôi vào 922 Nguyễn Trãi, bộ chỉ huy của lực lượng TNXP thấy Cao Vũ Huy Miên bạn đồng đội làm thơ cũng có mặt. Miên cũng về từ hướng khác theo cánh quân của sư đoàn 4. Thọ phó phòng chính trị bảo tôi, Miên ra căn tin đãi cơm trưa, cụng ly bia lạnh tôi cười nói với Thọ: “tôi không chết, ông buồn không cha nội ?”. Miên cười nói: “bọn tôi trời đánh may ra chết, cỡ ông sao giết được tụi tui !”. Thọ sau này dính vào kỷ luật buôn bán gỗ lâm trường của TNXP , suốt ngày say xỉn, tay giáo sư thuộc thành phần trí thức bỗng biến thành …mà thôi, Thọ cũng đã chết cùng hỗn danh “thọ ống cống” vì khi nhậu nhẹt đổ bia rượu òng ọc vào miệng. Chết có nhiều cách chết, nhưng suy cho cùng cách nào cũng là chết cả. Giờ đây tôi thầm cảm ơn Thọ, sự trù dập đẩy tôi ra chiến trường lại mang về cho tôi một phần đời tuổi trẻ dù bi nhiều hơn tráng, nhưng chiến trường có giá của nó kẻ nào từ đấy đi ra nếu còn sống, thường sẽ thành thứ nung khó chảy. Thọ nhỉ, an nghỉ đi !
Tối đó tôi với Miên hai thằng rủ nhau ra khu ăn đêm Chợ Lớn, gọi là khu ăn đêm nhưng chỉ lèo tèo vài xe mì, hủ tíu, rượu đế, hột vịt lộn, khô mực. Say khướt tận khuya. Chợ Lớn khi ấy cũng còn xa sầm uất.
Sáng mai tôi sẽ lên lại Dương Minh Châu theo xe hậu cần chở lương thực. Miên về lại tổng đội của mình.
Nhiều năm sau nữa khi chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa, một khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP được xây dựng tại Bến Cầu – Tây Ninh. Một bài thơ của tôi, được biết đến nhiều ở thời kỳ ấy, được khắc trên tường đá nhà tưởng niệm như một phần lịch sử của những người thanh niên thành phố. Nhưng nó sẽ được đục bỏ khi tôi bước chân xuống mặt đường Sài Gòn tham gia phản đối Trung Quốc xâm lược uy hiếp biển đảo Việt Nam những năm 2011 - 2014…
Ra mặt trận Tây Nam tôi 24 tuổi
Cởi áo tnxp về lại Sài Gòn tôi 27 tuổi.

Đỗ Trung Quân.
Sưu tầm trên FB Đỗ Trung Quân, ngày 21.04.2020.


Hình minh họa sưu tầm từ FB Đỗ Trung Quân. Xin cám ơn tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
NHÂN NGÀY MÙNG 10 THÁNG GIÊNG NHẮC VỀ VĂN HOÁ NAM BỘ - Sưu Tầm (2024-02-18)
MỘT SINH HOẠT NGÀY MÙNG 5 TẾT GIÁP THÌN – Trung Trí (2024-02-14)
ĐƯỜNG BIÊN GIỚI XUYÊN RỪNG NHUM – Nguyễn Văn Nghĩa (2023-12-01)
TƯỞNG NHỚ ĐỒNG CHÍ ÔNG VĂN CHIẾN (Cựu TNXP, nhà thơ Nam Thiên) – Trung Trí. (2023-09-30)
NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN XUÂN HẢI & TÔI - TRUNG TRÍ. (2023-09-15)
MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ ! – Sưu tầm (2023-05-22)
CHUYỆN THƠ VUI THƯ GIÃN CHỦ NHẬT - Trung Trí (2023-05-21)
ĐÓ LÀ SƠN NAM! - Trích Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải (2023-05-02)
MỘT CUỘC HÀNH QUÂN CHỚP NHOÁNG VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA – CAMPUCHIA – Trung Trí (2023-03-19)
THƠ TNXP: NHÀ EM TRÊN CAO NGUYÊN - ANH VẪN MƠ THẤY EM. (2023-03-09)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á