Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG
       Thông tin sinh hoạt  
       Văn-Thơ-Kể chuyện  
       Hướng dẫn sử dụng  
       Liên lạc - Góp ý  

ĐƯỜNG BIÊN GIỚI XUYÊN RỪNG NHUM – Nguyễn Văn Nghĩa

Đường biên giới xuyên rừng Nhum (Bến Cầu - Bến Sỏi - tỉnh Tây Ninh. Giáp ranh Svay Rieng - Campuchia). Đã có cuốn sách nào hoặc hồi ký nào nhắc đến ý nghĩa của con đường này trong chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam ? Các LĐ TNXP đi phục vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới Tây Nam đều có những kỷ niệm đẹp và rất tự hào.

Đây là con đường từ phía Bắc huyện Bến Cầu đến phía Nam huyện Bến Sỏi.

Những tháng đầu năm 1978 ở tỉnh Tây Ninh, Quân đoàn 4 bố trí 3 sư đoàn 7, 9 và 341 trên tuyến biên giới của hai huyện Bến Cầu và Châu Thành giáp với tỉnh Soài Riêng của Campuchia. Thời điểm này, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu đã quyết định phản công, đẩy chiến tranh ra xa biên giới nước ta, đưa chiến tranh sang lãnh thổ Khơme đỏ . Nhưng ý nghĩa của con đường này trong chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam theo chủ trương nói trên thì đã có cuốn sách nào hoặc hồi ký nào nhắc đến hay không.

Chuyện về con đường này đã lâu quá rồi. Anh Ngô Trung Trí, cựu Liên đội trưởng Liên đội 309, cho biết những thông tin liên quan con đường này, có cái còn tư liệu ghi chép, có cái chỉ nhớ mang máng và suy đoán theo tính hợp lý của lúc đó so với bây giờ.

Tôi có hỏi anh Trí và anh cho biết:

1-TNXP thành phố Hồ Chí Minh tham gia tuyến đường này từ khi nào ?

(*)Từ tháng 5 – tháng 7/1978, Liên đội 1 và Liên đội 4 – Tổng đội 4 phối thuộc với Đoàn 476 Công binh khẩn trương mở tuyến đường mới xuyên rừng Nhum từ Bắc Bến Cầu đến Nam Bến Sỏi (mỗi Liên đội ở một đoạn tuyến đường). Lúc đó bên bộ đội thông báo cho anh em TNXP biết một cách chung nhất là con đường này sẽ góp phần phòng thủ biên giới và bảo vệ tỉnh Tây Ninh.

2- Ban Chỉ huy Liên đội lúc đó gồm những ai ?

(**) BCH Liên đội 1 gồm Liên Đội Trưởng Lý Văn Tường và Liên Đội Phó Đời sống tên Nga ( không nhớ họ). Tôi không nhớ tên 2 Liên đội phó Kế họach và Chính trị.

BCH Liên đội 4 gồm Liên Đội Trưởng Ngô Dũng và Liên Đội Phó Đời sống Trần Thị Minh Thủy. Tôi không nhớ tên 2 Liên đội phó Chính trị và Kế hoạch.

Mỗi Liên đội có 2 đại đội, sáp nhập lại thành Liên đội 309 với 4 đại đội khi giao quân về Tổng đội 3 Biên giới.Tôi nhận nhiệm vụ Liên đội trưởng vào tháng 1/79. Quân số Liên đội 309, tháng 12/1978 là: 355 người (75 nữ).Quân số nữ được bố trí tập trung thành từng trung đội (B). Mỗi một B ở 1 đại đội (C) riêng (C3 và C4).

3- Hồi TNXP mới đến, công binh đã cơ bản mở đường rồi hay chưa ?

(***) Phía Nam Bến Sỏi có nền đường cũ,công binh mở rộng, gia cố, rải cấp phối trải đá đỏ, thi công kéo dài từ phía Nam Bến Sỏi về phía Bắc Bến Cầu. Ở đây TNXP làm những công việc thủ công mà xe cơ giới không làm được như vá đường, đào rảnh thoát nước 2 bên đường, . . .

Ở phía Bắc Bến Cầu còn rừng dày đặc , nhiều đầm lầy và vũng thả trâu. TNXP làm công việc: phát quang đốn cây rừng, tạo mặt bằng nền đường, đắp những vũng lầy mà nước ngập có khi tới ngang ngực…

Công cụ lao động do TNXP đem theo từ công trình thủy lợi ở Củ Chi và do bộ đội cung cấp.

4- Phía trong rừng Nhum gần biên giới K, hố bom nhiều lắm. Còn con đường mà TNXP và công binh đang thi công thì nằm trong những cánh rừng xanh gần sông Vàm Cỏ Đông. Lúc Liên đội 1+4 làm nhiệm vụ thì có gặp phải trường hợp thương vong nào vì bom mìn hay không?.

(****) Tôi nghĩ bên bộ đội đã cẩn thận rà phá bom mìn ở những khu vực mở đường nên suốt mấy tháng khai phá rừng làm đường không có trường hợp nào thương vong do bom mìn. Liên đội 1 và 4 cũng không được giao công việc tham gia rà phá bom mìn với công binh bởi lẻ TNXP đâu có ai được huấn luyện về kỹ thuật phát hiện và tháo gở mìn trái.

Sau Tết âm lịch (khoảng đầu tháng 2/79), Liên đội 309 đi K cùng Tiểu đoàn 1 Đoàn 476. Con đường mới xuyên rừng Nhum từ Nam Bến Sỏi đến Bắc Bến Cầu đã được mở rộng và gia cố, được rải cấp phối trải đá đỏ .Tuy vậy, con đường này vẫn còn một phần chưa thông ở phía Bến Cầu. Ở đây còn nhiều vũng lầy lớn nhưng xe tải quân sự vẫn chạy qua được dù rất chậm và dễ lật. Phần đường xuyên rừng chưa xong sau này đơn vị nào làm và trải nhựa thì tôi không biết.

5- Từ tháng 4 /1978, Quân đòan 4 đã mở chiến dịch đẩy lùi Khơme đỏ vào sâu hàng chục km bên trong đất K.Tháng 5 TNXP đến rừng Nhum. Anh em khi mới lên có hoang mang không?

(*****) Hai Liên đội 1 và 4 đỗ quân vào rừng Nhum từ hướng Bến Sỏi. Thời điểm này chiến sự không còn nguy hiểm nữa. Hơn nữa, con đường xuyên rừng chạy dài theo những vạt rừng gần sông Vàm Cỏ Đông, xa chiến trường cả chục cây số.

6- Cung cấp lương thực thực phẩm, bếp ăn, giaỉ quyết nước uống và vệ sinh phòng bệnh ở con đường xuyên rừng này được tổ chức như thế nào ?

(******)Nơi đóng quân của TNXP rải ra dọc theo đường từ phía Nam Bến Sỏi vào, chỉ ở đồng bằng, ruộng vườn, không ở trong rừng. Láng trại dã chiến che tạm bằng các tấm tăng bạt, núp dưới các tàn cây lớn, khá kín đáo, không dễ tìm thấy và không ồn ào như lúc đào kinh ở huyện Củ Chi. Thực phẩm, thức ăn chẳng có gì. Được cái là tiêu chuẩn 21kg gạo do bộ đội cấp, ăn cơm no, không ăn độn. Chợ xa quá, thỉnh thoảng bộ đội cho xe chở đi chợ(cũng ít lần).Ngoài mấy con rạch nhỏ trong ruộng vướn , anh em đào thêm giếng để có đủ nước ăn uống và sinh hoạt .Vệ sinh phòng bệnh: uống thuốc ngừa sốt rét theo tiêu chuẩn định kỳ là chính. Mỗi tuần hoặc tháng tùy loại thuốc được cấp, thường thì y tá đi phát thuốc và uống ngay tại chỗ lúc phát (cho y tá tận mắt thấy). Có thể nhờ vậy, mà ít người bị bệnh sốt rét rừng./.

Nguyễn Văn Nghĩa

Đã đăng FB ngày 1 tháng 12, 2021  · 

Ảnh 1: Con đường xuyên rừng Nhum sau này được tỉnh Tây Ninh nấng cấp thành đường ĐT 476 được ghi chú bằng những vòng tròn màu xanh lá trên bản đồ hai huyện Bến Cầu và Châu Thành.(Internet).

Ảnh 2 và 3: Anh Ngô Trung Trí, cựu Liên đội trưởng LĐ 309 (tư liệu đồng đội).


Hình minh hoạ của tác giả viết bài. Xin cám ơn tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
NHÂN NGÀY MÙNG 10 THÁNG GIÊNG NHẮC VỀ VĂN HOÁ NAM BỘ - Sưu Tầm (2024-02-18)
MỘT SINH HOẠT NGÀY MÙNG 5 TẾT GIÁP THÌN – Trung Trí (2024-02-14)
TƯỞNG NHỚ ĐỒNG CHÍ ÔNG VĂN CHIẾN (Cựu TNXP, nhà thơ Nam Thiên) – Trung Trí. (2023-09-30)
NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN XUÂN HẢI & TÔI - TRUNG TRÍ. (2023-09-15)
MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ ! – Sưu tầm (2023-05-22)
CHUYỆN THƠ VUI THƯ GIÃN CHỦ NHẬT - Trung Trí (2023-05-21)
ĐÓ LÀ SƠN NAM! - Trích Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải (2023-05-02)
MỘT CUỘC HÀNH QUÂN CHỚP NHOÁNG VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA – CAMPUCHIA – Trung Trí (2023-03-19)
THƠ TNXP: NHÀ EM TRÊN CAO NGUYÊN - ANH VẪN MƠ THẤY EM. (2023-03-09)
Thư giãn cuối tuần: TÊN EM LÀ THANH NIÊN XUNG PHONG - Trung Trí. (2023-03-09)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á