|
Kỷ niệm 45 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 (1968 – 2013)
Lời NBT: Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, xin giới thiệu một số tài liệu lịch sử đã thông tin trên website của Thành Đoàn TP.HCM. “ Đúng 2 giờ đêm ngày 30/01/1968 rạng ngày 31/01/1968 (đêm mồng một rạng mồng hai Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam), Biệt động nổ súng vào các mục tiêu đã chỉ định: Tòa Đại Sứ Mỹ, Đài Phát thanh, Dinh Độc lập, Bộ Tư lệnh Hải quân...”
Đây là dịp tưởng nhớ đến sự chiến đấu anh dũng, hy sinh vì Độc lập – Tự Do – Hạnh phúc của Tổ quốc. Vui Tết hôm nay vẫn nhớ về truyền thống chiến đấu của lớp Ông, Cha, Anh, để tiếp tục giử gìn Độc lập – Tự Do – Hạnh phúc ấy.
Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 25 tháng 10 năm 1967, Trung ương Cục miền Nam đã họp và ra Nghị quyết về tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, mật danh là "Nghị quyết Quang Trung", hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn.
Nhằm tập dượt lực lượng quần chúng chuẩn bị nổi dậy phối hợp với mũi tiến công vũ trang, Ban thường vụ Thành Đoàn chủ trương tổ chức các cuộc tập hợp quần chúng thanh niên với quy mô hàng vạn người. Đại hội Văn nghệ HS SV mừng Tết Quang Trung do Tổng hội Sinh viên và Hội đồng Đại diện Sinh viên Sài Gòn phối hợp tổ chức vào ngày 26.1.1968 với sự tham gia của 21 phân khoa đại học, 53 trường trung học và Đoàn Văn nghệ Bừng Sáng tại sân trường Quốc Gia Hành chánh Sài Gòn, đã qui tụ trên 12.000 thanh niên, sinh viên, học sinh.
Đúng 2 giờ đêm ngày 30/01/1968 rạng ngày 31/01/1968 (đêm mồng một rạng mồng hai Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam), Biệt động nổ súng vào các mục tiêu đã chỉ định: Tòa Đại Sứ Mỹ, Đài Phát thanh, Dinh Độc lập, Bộ Tư lệnh Hải quân...
Các lực lượng chủ lực mũi nhọn của phân khu Gò Môn từ hướng Bắc và Tây Bắc đánh vào Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Thiết giáp (Trại Phù Đổng), Bộ Chỉ huy pháo binh (trại Cổ Loa, Nỏ Thần) ở Gò Vấp và chiếm ngã năm Bình Hòa, Cây Thị (sân bay Tân Sơn Nhất), lực lượng đặc công và cánh phân khu 2 chiếm được một phần sân bay, triển khai về hướng trường đua Phú Thọ, Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2), Bà Hạt, Nguyễn Kim, Nguyễn Tri Phương, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương...
Hướng Nam, phân khu Bình Tân - Nhà Bè tiến vào theo ba cánh ở các hướng quận 6, quận 8, Nhà Bè. Đây là hướng vào sâu nhất, đặc biệt là cánh từ Phú Định, quận 6( Bộ Chỉ huy Tiền phương đóng ở đấy), thọc vào đến Lò Gồm, hãng rượu Bình Tây, đường Tháp Mười, Hậu Giang, Chợ Thiếc, Minh Mạng. Cánh quận 8, quận 4 đánh nhau ác liệt với địch ở cầu Nhị Thiên Đường, Bến Đá, Hàng Thái...
Hướng Đông và Đông Bắc (phân khu Dĩ An – Thủ Đức) mũi nhọn xuống đến Hàng Xanh, khu vực cầu Sơn (nay thuộc Bình Thạnh)...
Trong đợt 2 bắt đầu từ đêm 4/5 rạng ngày 5/5/1968: lực lượng chủ lực đã phát triển sâu hơn đợt 1, khu vực ta chiếm lĩnh ngày càng nhiều hơn như Gò Vấp, Gia Định, Cây Quéo, cầu Băng Ky, Bình Lợi, cầu Sơn, Bình Hòa, ngã năm Chuồng Chó. Ở phía Nam các khu Khánh Hội, cầu Tân Thuận, quận 7, quận 8, cầu chữ Y, Phạm Thế Hiển, Âu Dương Lân. Phí Tây khu vực Cầu Tre, Bình Thới, Phú Thọ Hòa, Trường Đua, Bà Hạt, ngã tư Bảy Hiền, Vườn Lài. Mũi quận 6 vào đến Minh Phụng, Hậu Giang, Trần Quốc Toản, Sư Vạn Hạnh, mũi Phú Lâm đến Nguyễn Trãi, Phùng Hưng, Đồng Khánh, Khổng tử, Tổng Đốc Phương, Nguyễn Văn Thọai, chợ An Đông, Bình Tiên, Bình Tây.
Trong nội thành lực lượng cánh Hoa vận nổi dậy đánh chiếm Tòa hành chánh quận 5, lực lượng các cánh cũng làm chủ ở một số khu vực , nhất là quận 6,7,8...
Theo CHÚNG TA ĐÃ ĐỨNG DẬY – NXB TRẺ 2012)
Nguồn website của Thành Đoàn TP.HCM:
http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?news_id=16619
Bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn tháng 01 - 1968, bên trong đã bị các chiến sĩ Biệt động, quân cách mạng chiếm đóng. (Ảnh: Internet)
|
|