|
Đại đội trưởng- liệt sĩ Ngô Đức Minh (Tiếp theo)
Phần 2: Ra biên giới
Giữa tháng 6/1978, đơn vị anh Ngô Đức Minh lên biên giới tỉnh Tây Ninh . Địa điểm đóng quân đầu tiên là ở bìa rừng Nhum huyện Bến Cầu, gần một đồn biên phòng và một trận địa pháo.
Chỉ sau một thời gian rất ngắn, đơn vị được tổ chức thành 3 trung đội 1, 2 và 3 chủ yếu làm nhiệm vụ yểm trợ hậu cần. Anh Ngô Đức Minh trực tiếp phụ trách trung đội 3. Anh phân công tôi đi cùng với Trung đội 2 do Đại đội phó Nguyễn Thanh Dũng phụ trách hành quân vào khu vực Ngã Ba Chớp bên trong tỉnh Soài Riêng, cách rừng Nhum gần 6 giờ đi bộ để phối thuộc với Trung đoàn 209.
Ở nông trường cũng như ở chiến trường, phẩm chất nổi bật của anh là tự bản thân luôn nêu cao ý thức tổ chức kỹ luật, giữ nghiêm kỷ cương của đơn vị và đòi hỏi cấp dưới phải chấp hành nghiêm mọi sự phân công và chỉ đạo. Anh rất quan tâm chú ý đến ngôn phong, tác phong, thái độ và hiệu qủa công tác của đội viên. Vài ngày trước khi hy sinh vào hạ tuần tháng 7, Đại đội trưởng Ngô Đức Minh có vào thăm chúng tôi vì đây là trung đội TNXP hoạt động độc lập, triển khai sâu vào đất Campuchia trong năm 1978, hơn 30km. Sau khi nghe báo cáo tình hình công tác, đời sống và tư tưởng của đơn vị, anh Minh động viên chúng tôi hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất cứ tính huống nào. Phần lớn đội viên đều thân thuộc với cái leng, cái cuốc và tiếng kẻng hiện trường thi công chứ nào có biết sử dụng vũ khí và có quen với tiếng súng, tiếng đạn bao giờ. Anh rất vui khi được biết trung đội trưởng Hùynh Ngọc Điều hướng dẩn nhiệt tình và anh em TNXP chịu khó học cách bảo quản và sử dụng vũ khí an toàn. Có lẻ sau khi quan sát số vũ khí hùng hậu mà Trung đoàn đã trang bị cho TNXP ( lựu đạn tấn công, mìn phòng thủ , súng chống tăng và mỗi người một súng AK) anh cảm nhận được tính ác liệt khó lường của chiến trường. Và dường như anh suy nghĩ căng thẳng hơn hơn khi được báo cáo rằng Trung đoàn muốn trang bị thêm súng cối 60 ly và trung liên RBD cho anh em TNXP. Không như những lần sinh hoạt đơn vị trên các công trình thủy lợi, lần này vào trong Chớp, anh phát biểu ngắn gọn và đến từng tiểu đội trò chuyện thân tình với anh em nhiều hơn. Anh Điều và tôi đều có chung một nhận xét: sao đơn vị mình phục vụ chiến đấu rất tốt mà anh Minh lại đượm buồn.
Trong những tháng mùa mưa của năm 1978, chỉ một lần duy nhất con lộ 241 nối liền biên giới Việt Nam đi qua Men Chay, Ngã Ba Tà I, Ngã Ba Chớp bị Khơme đỏ cắt đứt cho tới ngày hôm sau. Khi sư đoàn tổ chức phản công và vãn hồi an ninh trên con đường này thì chúng tôi mới được biết ngày đó- 22/7/1978- cũng chính là ngày trung đội 3 bị Khơme đỏ tập kích và tổn thất nặng nề. Quân số trung đội là 27 nguời thì 22 đ/c đã anh dũng hy sinh trong đó có 7 đ/c nữ, chỉ còn 3 người sống sót, nhưng có 2 người bị thương rất nặng. Riêng anh Ngô Đức Minh sau khi hy sinh còn bị giặc đốt xác. Cả đơn vị chúng tôi, ai ai cũng điếng hồn và có phần hoang mang trước tang tóc quá lớn này. Lên biên giới chưa đầy 2 tháng, trung đội 3 tuy ở tuyến sau đã bị tử vong gần như trọn vẹn, còn trung đội 2 chúng tôi ở tuyến trước ngày nào cũng nghe tiếng Đại bác và súng cối hạng nặng của Khơ me đỏ xé không gian, tiếng đạn nhọn rít và tiếng máy xe thiết giáp địch gầm rú. Vì vậy trong mỗi người đều phát sinh một cuộc đấu tranh tư tưởng căng thẳng “ ở lại hay đi về” để rồi xác định tiếp tục bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ đúng như lòng mong muốn của Đại đội trưởng Ngô Đức Minh.
Anh Minh và các đồng đội TNXP của mình nay đã về yên nghĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Bia tưởng niệm các liệt sĩ tại Phòng Truyền thống Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh và tại khu tưởng niệm ở bìa Rừng Nhum ghi trang trọng tên của anh Ngô Đức Minh và các liệt sĩ của trung đội 3 Đại đội 3 Liên đội 303 Tổng đội 3 biên giới ./.
Nguyễn Văn Nghĩa
(15/4-19/5/2010)
Mộ bia Liệt sĩ Ngô Đức Minh - Ảnh minh họa tư liệu của Liên Đội 303
|
|