|
Vài Mẫu Chuyện Về Bác Hồ với Ngày Quốc khánh 2-9-1945 - Sưu Tầm.
Nhân ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta. Xin trân trọng giới thiệu vài mẫu chuyện về Bác Hồ. Người lãnh tụ, một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân: Câu chuyện về chiếc áo Bác Hồ mặc ngày 2/9/1945. Câu chuyện về "Đồng bào ta đi vệ sinh” ngày 2/9/1945. Nhóm Biên tập.
Câu chuyện về chiếc áo Bác Hồ mặc ngày 2/9/1945.
Tại Viện Bảo tàng Cách mạng có trưng bày những hiện vật liên quan đến thời điểm lịch sử ngày 2/9/1945 gồm: chiếc micro Hồ Chủ Tịch sử dụng trong Lễ tuyên ngôn Độc Lập, một số kèn đồng mà đội quân nhạc cử Quốc ca tại quảng trường Ba Đình… Và đặc biệt có bộ quần áo Bác Hồ đã mặc trong ngày lễ khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.…
Vào khoảng những ngày 26, 27 tháng 8, tức là khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá. Bà Trịnh Văn Bô bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ trong tủ của nhà chúng tôi có rất nhiều vải (vì là nhà buôn vải vóc), tôi lấy ra mấy súc ka ki để may cho anh em. Ngoài ra trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà ông Bô chưa dùng, nên tôi lấy ra cho các anh mặc tạm trước. Ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy… nhưng tầm người như Ông Cụ không hợp bộ nào cả…”. Gần sát ngày đại lễ, ông bà Trịnh Văn Bô đã chọn riêng loại vải kaki của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh - nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói: - Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt… Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của Xtalin nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó, cũng không có cà vạt mà oai vệ. Bác mỉm cười nói: “Nhưng mình có phải là Xtalin đâu”. Cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh mời ông Phú Thịnh- chủ hiệu may có tiếng ở Phố Hàng Quạt tới và trình bày: - Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ lý nhà tôi. Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc dè dặt nói: “Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù?”. Ông Phú Thịnh ngắm nghía tấm ảnh Xtalin rồi nói: “Kiểu tướng soái này oách lắm nhưng không hợp với các cụ người nhà mình. Thôi được tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với Cụ”. Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến, cười ý nhị nói: “Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý… khác thường”- Ông Vũ Đình Huỳnh cười đáp lại tình cảm tinh tế của ông thợ may. Hôm sau, lựa lúc Bác tập thể dục, tắm buổi sáng xong, ông Vũ Đình Huỳnh đem bộ quần áo mới vào. Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: “Được, thế này là hợp với mình”. Ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui và thầm mỉm cười nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa, ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng và ngạc nhiên vinh dự khi “cụ lý” mà mình may quần áo cho lại chính là chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đọc Tuyên ngôn Độc Lập tại Vườn hoa Ba Đình để khai sinh ra một quốc gia mới – Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sưu tầm
Nguồn và toàn bộ câu chuyện: Câu chuyện về chiếc áo Bác Hồ mặc ngày 2/9/1945.
Câu chuyện về "Đồng bào ta đi vệ sinh” ngày 2/9/1945. (1)
Thực hiện trách nhiệm và quan tâm đến Dân, từ chuyện lớn đến nhỏ ! (1)
Hà Nội giành chính quyền thành công, ngày 25-8-1945, Bộ Chính trị đón Bác về Phú Gia. Chiều ngày 26 tháng 8, đồng chí Trường Chinh cho xe ô tô bí mật đón Bác về Hà Nội. Sau khi đi qua đê Yên Phụ, xuống dốc Hàng Than, qua Hàng Giấy, rẽ phố Hàng Mã, xuống Hàng Cân, đồng chí Trường Chinh đưa Bác đến số nhà 35 cuối phố, (căn nhà này còn có lối cửa trước là 48 Hàng Ngang) Bác đi lên gác hai. Ngôi nhà Bác đến là của gia đình ông Trịnh Văn Bô, nhà 3 tầng. Tầng 1 gia đình vẫn bán hàng, tầng 2 Bác ở, tầng 3 gia đình ở. Khi Bác đến, chủ nhà chỉ biết đó là một người đàn ông, dáng thư sinh, mặc quần sóc, áo sơ mi nâu, đội mũ bạt. Bác đến được một ngày thì ngày 27 tháng 8, lúc đó đã 7 giờ tối, đồng chí Trần Đăng Ninh đến gặp tôi bảo: "Đi công tác đột xuất". Tôi hỏi lại: "Đi có lâu không?" Anh Ninh trả lời tôi ngắn gọn "Lâu, mang theo 2 bộ quần áo thay đổi". Anh Ninh trả lời rồi kéo tôi đi luôn. Chúng tôi đi bộ qua các phố, khoảng 9 giờ thì tới số nhà 48 Hàng Ngang. Trên đường đi anh Ninh nói nhỏ: "Đồng chí được chọn làm Thư ký cho Cụ". Vì không biết rõ là Cụ nào tôi thành thật hỏi lại: "Thưa anh, Cụ nào?". "Cụ Nguyễn Ái Quốc". Vừa nghe thấy vậy, tâm trạng tôi lâng lâng, phấn khởi và tự hào nhưng pha lẫn nỗi lo lắng không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Anh Ninh dẫn tôi lên gác 2, tại đây tôi gặp anh Khang và anh Trân. Lúc này, tôi thấy Bác đang họp ở phòng bên. 10 giờ xong việc, tôi được anh Ninh dẫn đến trước mặt Bác báo cáo.
. . . .
Một lần nữa, Bác bảo tôi: "Chú lấy giấy bút ra đây" rồi đọc cho tôi chép bằng tiếng Pháp lời kêu gọi của Bác gửi nhân dân Pháp. Đấy là việc đầu tiên được Bác giao, nên tôi chú ý chép hết sức cẩn thận và đưa cho Bác xem lại. Xem xong, Bác bảo: "Chú học ở đâu mà dốt thế, bài ngắn thế mà 3 lỗi đấy, chú học đến đâu rồi?" Nghe Bác hỏi, tôi báo cáo: "Thưa Cụ, cháu mới học đỗ Ditslomt Trường Bưởi, đang học năm thứ nhất tú tài thì mật thám Pháp lùng bắt nên bỏ trốn, cháu bỏ học lâu rồi , nên bị quên ạ". Nghe tôi trình bày, Bác nhẹ nhàng bảo: "Chú biết Bác học đến đâu không? Bác học không bằng chú, nhưng lại sửa lỗi được cho chú, chú biết tại sao không? Vì chú học không liên tục, Bác thì liên tục". Ngày 28 tháng 8, thấy Bác ngồi bên phòng làm việc viết liên tục, tôi sang hỏi Bác, Bác bảo: "Bác đang thảo Tuyên ngôn độc lập". Bác ngồi viết trên chiếc bàn trước đây chủ nhà dùng làm bàn ăn, sau Bác mượn để làm bàn hội họp. Hàng ngày, Bác vẫn đến Bắc Bộ Phủ làm việc, tối về 48 Hàng Ngang viết Tuyên ngôn Độc lập. Bác tập trung viết đến ngày 29 tháng 8 cơ bản xong. Ngày 30 tháng 8, Bác đọc cho tôi viết lại ngắn gọn và sạch sẽ. Sau khi đọc lại Bác đưa cho đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… xem góp ý kiến. Mọi người đều tán thành, đây cũng là bài viết Bác tâm đắc nhất, mà viết trong thời gian ngắn. Tối 30 tháng 8, Bác bảo tôi phác họa toàn cảnh Quảng trường Ba Đình.
Nhìn phác thảo, Bác hỏi: "Thế đồng bào ta đi vệ sinh ở chỗ nào? Nghe Bác hỏi vậy, tôi cũng bất ngờ và hứa với Bác sẽ tới Ban Tổ chức hỏi lại. Bác bảo: "Nếu như không có nhà vệ sinh, sẽ rất mất trật tự, mất vệ sinh. Hồi Bác hoạt động ở Hương Cảng, công nhân đình công, nhưng không được giải quyết họ đã phóng uế, vứt rác bừa bãi. Lần sau họ lại đình công, vì sợ tình trạng như lần trước, nên chính quyền Anh đã phải giải quyết ngay". Sau đó Bác chuyển sang bảo tôi dặn Ban Tổ chức: "Nếu như hôm đó mưa, sẽ kết thúc sớm để các cụ, các cháu không bị ốm, giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào". Chiều 2 tháng 9, tôi cùng ngồi xe ô tô với Bác ra Quảng trường Ba Đình. Khi đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập đến đoạn: "Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, đồng bào ta chết đói hơn 2 triệu người…" thì cả Quảng trường im lặng, Bác tưởng mình nói giọng xứ Nghệ đồng bào không nghe rõ, nên dừng lại và hỏi "Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?". Bác vừa dứt lời thì thấy tiếng đáp lại: "Có… có… có…" rung động cả Quảng trường. Tình cảm của vị Chủ tịch hoà với đồng bào cả nước. Đọc xong Tuyên ngôn, Bác về Bắc Bộ Phủ và tiếp tục họp bàn phương hướng hành động của Chính phủ. Phương hướng lúc này đề ra là phải diệt giặc đói, giặc dốt rồi mới đến giặc ngoại xâm.
Sưu tầm
Nguồn và toàn bộ câu chuyện: Bác Hồ với Ngày Quốc khánh 2-9-1945.
Ghi chú: (1) Lời tựa này, diển giải của Nhóm Biên tập trang Web.
Mời xem thêm các mẫu chuyện về Bác Hồ:
- 17 câu truyện về Bác Hồ.
- 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo TW, Nxb CTQG - 2007)
Hình minh họa sưu tầm từ Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|
|