Việt Nam đã giúp Campuchia “thoát nạn diệt chủng” 40 năm trước. Sưu tầm.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh, bảo vệ tốt biên giới Tây Nam Tổ Quốc (07/01/1979 -07/01/2019). Các Cựu TNXP cũng gian khổ và đã góp phần làm nên chiến thắng này. Nhóm Biên tập trang Web CLB Cựu TNXP xin giới thiệu loạt bài trên báo vnexpress.net online của nhiều tác giả.
Việt Nam đã giúp Campuchia “thoát nạn diệt chủng” 40 năm trước (4/1/2019).
Thủ tướng nói phán quyết mới đây về cựu thủ lĩnh tập đoàn Pol Pot, “một lần nữa khẳng định chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam”.
Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam - Việt Nam của tập đoàn Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước.
Đến ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom penh đã được giải phóng, người dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng. Thủ tướng Hun Sen sau đó đã khẳng định “thắng lợi có được là do lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia kết hợp với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam”.
Mời xem thêm chi tiết: Việt Nam đã giúp Campuchia “thoát nạn diệt chủng” 40 năm trước(4/1/2019).
Cuộc trốn chạy khỏi diệt chủng Pol Pot của người Campuchia hơn 40 năm trước (7/1/2019).
Hàng chục nghìn người dân Campuchia sợ hãi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot phải dắt díu nhau chạy sang Việt Nam tị nạn.
Quê ông Son là một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Svay Rieng, cách biên giới Việt Nam chừng 50 km. Trong trí nhớ của người nông dân, nơi ấy có cánh đồng lúa bao quanh, cuộc sống nghèo khó nhưng êm đềm. Nhưng mọi thứ đã đảo lộn khi tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary lên nắm quyền năm 1975.
Năm 1977, thiếu niên Lắc Son vừa tròn 17 tuổi. Chàng trai bị Khmer Đỏ bắt đi làm thủy lợi, cày cuốc... cùng hàng trăm thanh thiếu niên trong vùng. Đàn ông thì cuốc đất, đào hầm, đàn bà con gái thì tát nước, cấy lúa... “Mặt trời chưa mọc, bụng chưa ăn gì thì chúng đã bắt mọi người ra đồng làm. Ngày ăn được hai bữa trưa và chiều, mỗi lần một chén cơm”, ông Son kể.
Bị bắt lao động như khổ sai, nhưng người làng không ai dám kháng cự vì sợ làm phật ý sẽ bị giết. Son mới lớn nhưng đã hiểu chuyện, chỉ im lặng làm việc. Dưới ách cai trị hà khắc của Khmer Đỏ, nỗi sợ hãi bao trùm, cái chết treo lửng trên đầu ngôi làng vốn yên bình. “Có lần chúng nghi ngờ người anh họ của tôi ăn riêng, chia rẽ tập thể nên trói tay, bịt mắt đưa đi. Từ ngày đó, anh ấy không về nữa”, ông ngậm ngùi.
Hai năm sau khi Pol Pot nắm quyền, ngôi làng ngày càng tiêu điều, số người chết vì bị hành quyết tập thể, hoặc bị bắt đi lính ngày càng nhiều. Những người còn sống sức lực kiệt quệ, suy dinh dưỡng. “Không còn đường sống nếu ở lại, chúng tôi bàn nhau cách trốn sang Việt Nam để lánh nạn”, ông nói về quyết định của gia đình.
Mời xem thêm chi tiết: Cuộc trốn chạy khỏi diệt chủng Pol Pot của người Campuchia hơn 40 năm trước.
Ký ức của cậu bé Campuchia được bộ đội Việt Nam cứu từ “địa ngục” Khmer Đỏ (5/1/2019).
Trốn trong đống quần áo sau khi Khmer Đỏ tháo chạy, Norng Chan Phal được bộ đội Việt Nam tìm thấy và đưa đến bệnh viện.
Norng Chan Phal chỉ 8 hoặc 9 tuổi khi bị đưa đến Nhà tù an ninh 21, nơi giam giữ, tra tấn 17.000 người dưới chế độ Khmer Đỏ và thường được truyền thông gọi là “địa ngục trần gian”. Bố của Norng Chan Phal đã bị giam ở đây vào năm 1978, còn Norng Chan Phal cùng mẹ và em trai chịu chung số phận sau đó nửa năm, theo Guardian.
“Mẹ tôi khi đó bị ốm và không thể tự bước xuống xe tải. Chúng lôi mẹ tôi xuống và tát vào mặt bà nhiều lần”, Chan Phal kể lại.
Mẹ ông bị nhốt trong một buồng giam trên tầng hai trong khi ông và anh trai bị đưa đến khu bếp của nhà tù. “Tôi thấy mẹ nhìn chúng tôi qua cửa sổ. Tôi không bao giờ gặp lại mẹ kể từ đó”, ông kể.
Trong quãng thời gian ở nhà tù, Chan Phal chăm sóc vườn rau và phải ngủ gần chuồng lợn. Bữa ăn của hai anh em ông chỉ là những bát cháo.
Tháng 1/1979, khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ theo đề nghị của phong trào cách mạng Campuchia, tàn quân của Pol Pot hoảng loạn tháo chạy.
Mời xem thêm chi tiết: Ký ức của cậu bé Campuchia được bộ đội Việt Nam cứu từ “địa ngục” Khmer Đỏ.
Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Việt Nam trong lễ kỷ niệm 40 năm lật đổ Khmer Đỏ (7/1/2019).
Hàng chục nghìn người tập trung ở sân vận động tại Phnom Penh khi ông Hun Sen nhấn mạnh nghĩa cử của Việt Nam mãi được khắc ghi.
“Hôm nay chúng tôi tổ chức buổi lễ này để gợi lại những ký ức không thể quên về những tội ác ghê tởm nhất của tập đoàn Pol Pot”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm nay nói trước đám đông tại buổi lễ được tổ chức công phu trong sân vận động Olympic ở Phnom Penh với các vũ công truyền thống và các ban nhạc diễu hành, theo AFP.
Ông Hun Sen cảm ơn Việt Nam vì đã giúp đỡ Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ. “Việt Nam đã giúp đỡ để ngăn chặn sự quay lại của chế độ diệt chủng này, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Campuchia. Nghĩa cử này mãi mãi được khắc ghi”, ông nhấn mạnh và gọi ngày 7/1 là “ngày quốc khánh thứ hai” của Campuchia.
Mời xem thêm chi tiết: Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Việt Nam trong lễ kỷ niệm 40 năm lật đổ Khmer Đỏ.
Nhóm Biên tập trang Web CLB Cựu TNXP xin cám ơn báo vnexpress.net Online và các tác giả. Các số kế tiếp mời xem trực tiếp trên báo vnexpress.net.
Hình minh họa sưu tầm từ Internet của báo vnexpress.net. Xin cám ơn các tác giả.
|