KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa.
Liên Đội 311 là đơn vị trực thuộc Tổng Đội 3 Biên Giới (thuộc LLTNXP TPHCM) đi phục vụ chiến đấu, trang Web xin giới thiệu các bài viết của tác giả Nguyễn Văn Nghĩa. NBT.
Năm 1978, Liên đội Quyết Thắng (Tổng đội 6) đang xây dựng các khu kinh tế mới ở tỉnh Lâm Đồng, thì được lệnh tập trung về căn cứ Mũi Lớn cặp tỉnh lộ 8 huyện Củ Chi để huấn luyện quân sự trong một tháng. Lúc này, đơn vị được đổi phiên hiệu thành Liên đội 311 gồm 4 đại đội. Ban Chỉ huy gồm Liên đội trưởng Nguyễn Văn Dũng, các Liên đội phó Nguyễn Minh Châu (Chính trị), Nguyễn Ngọc Ba (Kế hoạch) và Vũ Thị Chương (Hậu cần).
Liên đội 311 về đóng quân ở khu vực biên giới Phước Vinh- Hảo Đước trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) và phối thuộc với Tiểu đoàn 2 - Đoàn 476 Công binh. Ở đây có một con đường đất mà hai là bên bạt ngàn cỏ tranh. Đường này cặp sông Vàm Cỏ dẩn tới một cái đầm lầy và bên kia đầm lầy là ngọn đồi nhỏ có vị trí xung yếu ở biên giới.
Chúng tôi nhận 2 nhiệm vụ mở rộng đường có sẳn và nối đường này với đường sẽ đắp mới qua đầm lầy bảo đảm cho xe vận tải chở lương thực, vũ khí chi viện cho bộ đội đang đóng quân trên đồi trong thời gian ngắn nhất:
- Mở rộng đường đất: phát quang cỏ tranh dày đặc hai bên đường, gia cố và mở rộng mặt đường trên dưới chục thước, đủ rộng để nếu có xe bị bắn cháy trên đường thì vẫn còn khoảng trống để xe khác vượt qua, đường và thời gian tiếp viện không bị gián đoạn.
- Đắp đường mới qua đầm lầy: đến giai đoạn này mới gian nan. Anh em phải chuyển đất về, đắp giống hai bức tường bằng đất, tát nước bên trong ra rổi đổ đất đắp thành bờ bao cao cở đầu người, đáy 9 mét, bề mặt rộng 6 mét, hai bên có ta luy hoàn chỉnh.
Trang bị để thực hiện nhiệm vụ này là toàn bộ dụng cụ lao động mà liên đội đã sử dụng trong thời gian xây dựng nhà ở khu kinh tế mới trước đó. Ban đêm, tổ chức canh gác (10 người một cây súng) bảo vệ mặt đường, tới sáng báo cáo kịp thời những vị trí nghi ngờ bị Khơme đỏ gài mìn để bộ đội tháo gỡ, bảo đảm đường không bị cắt, xe vận tải, bộ đội và TNXP di chuyển trên đường này không bị nguy hiểm. C phó chính trị Lê Ngọc Long cho biết, mãi sau này , anh em mới hiểu việc mở đường, đắp đường qua đầm lầy nằm trong kế hoạch nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của Khơme đỏ, trước khi tổng phản công trên toàn tuyến biên giới.
Liệt sĩ đầu tiên của Liên đội 311 trong quá trình làm đường, mở đường phục vụ chiến đấu ở biên giới là anh Ngô Chí Thành trúng mìn ngày 11/1/1979 trong rẫy mì gần hiện trường thi công. Cùng thương vong với anh Thành có một đồng đội khác. Anh này bị thương, cố sức bò ra ngoài rẫy mì. Theo tiếng nổ và tiếng kêu la thảm thiết của anh Thành “Anh Long ơi, vô cõng em ra”, C phó chính trị Lê Ngọc Long vẹt cỏ, lần theo dấu vết của người bị thương vừa bò ra, đi vào tận nơi ẳm anh Thành ra, Anh Thành bị gãy khuỷu tay phải, khủyu chân phải gần như đứt lìa, máu tuôn rất nhiều. Bên ngoài anh em chặt tre, lấy áo của mình làm cáng khiêng đồng đội ra đường. Anh Long theo xe bộ đội chở anh Thành vể bệnh viện và anh Thành mất tại đây.
Gần tết 1979, Liên đội 311 mới vào sâu trong đất Kampuchia theo yêu cầu nhiệm vụ của Đoàn 476. Chiến trường xa nhất mà Liên đội 311 tham gia là ở tỉnh Siêm Riệp. Liệt sĩ thứ nhì của Liên đội 311 là anh Nguyễn Văn Khương, hy sinh ngày 17/3/1979. Trên đường anh em TNXP đi tiếp lương cho bộ đội thì bị phục kích. Anh là B trưởng kiên cường ở lại bắn chống trả để anh em rút lui an toàn và rồi trúng nguyên trái B40. Ba ngày sau, bộ đội và anh em TNXP mới vào được trận địa đem anh về với đồng đội của mình.
Ở bên Kampuchia một thời gian thì LĐT Nguyễn Văn Dũng được điều động về Liên đội 304.
Nguyễn Văn Nghĩa.
Ghi chú: ghi theo lời kể của anh Nguyễn Văn Dũng và Lê Ngọc Long. Bài đã viết và đăng trên FB tác giả ngày 30/10/2018.
Hình minh hoạ sưu tầm trên Internet và của Nguyễn Ngọc Giao. Xin cám ơn các tác giả.
|