Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ lớn của Việt Nam.
Theo thông báo của Bộ LĐ-TB-XH, công chức, viên chức đi làm ngày thứ bảy (ngày 25-4) để nghỉ ngày thứ tư (ngày 29-4). Như vậy, trong dịp nghỉ lễ năm 2015 sắp tới này, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Sẽ được nghỉ liền 6 ngày, từ ngày 28-4 đến hết ngày 3-5. Đây cũng là kỳ nghỉ lễ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 dài nhất từ trước tới nay. Câu lạc bộ Cựu TNXP xin giới thiệu vài thông tin về lịch sử:
* Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ lớn của Việt Nam.
Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng được dân Việt trong cũng như ngoài nước đều kỷ niệm.
Ngày giỗ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.
Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 Tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 Tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Ngày 10 Tháng 3 từ đó được dùng cho toàn quốc. Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975.
Đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
- Năm 2001, tại Nghị định 82/2001/NĐ-CP ngày 6/11/2001 của Chính phủ về nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài quy định cụ thể sau:
1/ Năm chẵn (năm có chữ số cuối cùng là 0) Bộ văn hoá thông tin và UBND tỉnh tổ chức lễ hội, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà ước, Quốc Hội, Chính Phủ, UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.
2/ Năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là 5) UBND tỉnh tổ chức lễ hội, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính Phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
- Năm 2007, chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày nghỉ lễ chính thức của người lao động hàng năm.
UNESCO đã công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại".
Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
* Ngày giỗ Tổ Hùng Vương có từ bao giờ?
Tại sao nhân ta lại chọn ngày mồng Mười tháng Ba làm ngày giỗ Tổ? Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” nằm trong một bài ca gồm 4 câu. Hai câu tiếp theo ở cuối bài là “… Khắp miền truyền mãi câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Đó là một bài ca mà từ cú pháp đến thi pháp đều khá mới mẻ. Đặc biệt, ý tứ của câu cuối cùng khá gần gũi với những sáng tác trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, thường dùng chủ đề Hùng Vương và Đền Hùng để cổ vũ niềm tin vào vận mệnh non sông.
Xem xét các bia kí, đặc biệt là hai tấm bia ở Đền Thượng trên núi Hùng, sự thực về lịch sử ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba có thể tóm tắt như sau: Tấm Hùng miếu điển lệ bi do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi Các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”.
Phần thứ hai của văn bia Hùng miếu điển lệ bi dành cho việc quy định “Đệ niên kỉ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”.
Như vậy, đến đây có thể nhận ra: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc tế” (Quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
Với tinh thần kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhất là ý thức về nguồn, với tuổi gần trăm năm, chung cội được tăng cường mạnh mẽ trong điều kiện lịch sử hiện tại. Mồng Mười tháng Ba đã trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc VN.
Mời xem thêm;
Phim tài liệu khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ . Phim dài 20’56” , trên youtube online
Minh Hiền – Sưu tầm (Nguồn tự điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Ảnh minh hoạ sưu tầm từ Internet
|