LÁ CỜ CẮM TRÊN DINH ĐỘC LẬP NGÀY NÀY 48 NĂM TRƯỚC – Sưu tầm.
Hôm nay, 30/4/2023, kỷ niệm 48 năm Ngày Thống nhất đất nước. Lúc 11 giờ 30, ngày 30/4/1975 đơn vị mũi nhọn của cánh quân cách mạng đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Lá Cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Dinh Độc Lập là dinh của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà (một nhà nước đã từng tồn tại miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến lúc đó kết thúc). Quân Giải phóng miền Nam đã tiến vào dinh thự và Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ngay sau khi bị bắt giữ.
Tác giả lá cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, là do ông Huỳnh Tấn Phát thiết kế và được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975. Ngày 20-12-1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.
Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Với ý nghĩa: nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh dương) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.
Thơ Tố Hữu
Lá cờ nửa đỏ nửa xanh
Màu đỏ của đất màu xanh của trời
Ngôi sao, chân lý của đời
Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay.
Càng nhìn ta, lại càng say
Biển Đông lồng lộng gió lay ngọn cờ . . .
Thông qua việc tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòangày 30/4/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng đã tuyên bố khẳng định Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức thực hiện chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, sau năm 1975, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã kế thừa lãnh thổ, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tư cách thành viên tại các tổ chức quốc tế (WHO, ILO, UNESCO, ICAO, IAEA, IMF, Ngân hàng Thế giới,…). Tất cả những kế thừa này của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều được thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế và Công ước về kế thừa quốc gia đối với Điều ước quốc tế năm 1978.Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; Quốc hội thành lập Nhà nước, Chính phủ, thống nhất, đồng thời quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam. Điều đó thể hiện hai miền Nam, Bắc đã được thống nhất, non sông thu về một mối.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, là Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Ông có chức danh này liên tục đến năm 1969). Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) là Thủ tướng Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976), Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1982-1988).
Trung Trí – Sưu tầm.
Hình minh hoạ sưu tầm trên Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|