Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

NHỮNG CUỐN SÁCH NGOÀI TRỜI - Lưu Thị Lương.

Lời giới thiệu: Vào những năm 1977, các Liên đội TNXP đóng quân, đào kinh ở vùng ven TP.HCM, được xe Thư Viện phục vụ khá bất ngờ và độc đáo. Nơi đóng quân TNXP được cất, là những láng trại rơm, lá tạm bợ thiếu thốn và thời đó không có được sách báo như bây giờ. Thư Viện là một chiếc xe lớn (cở xe khách 30 đến 50 chổ), được thiết kế chuyên dụng như phòng đọc sách, toàn là sách và kệ để sách. Lãnh đạo Thành phố đã cho chiếc xe ấy đến đậu tại trung tâm của mỗi Liên đội TNXP. Thời gian phục vụ là một vài tháng. Sau giờ lao động, TNXP đến chiếc xe đó xem và tìm sách đọc. Có thể ngồi đọc sách tại chổ hoặc mượn về láng trại, bao giờ đọc xong thì đem trả. Mỗi xe Thư Viện có vài cô nhân viên nữ phục trách quản lý. Hết thời gian phục vụ xe Thư Viện được về lại Thành phố, phục vụ nơi khác. Câu chuyện bên dưới đây là liên quan đến “cái thư viện lưu động ấy”. Xin trân trọng giới thiệu. NBT.

Lúc chúng tôi đi ngủ thì trời mưa.

Mưa lớn. Qua cửa kính, thấy rõ từng lằn chớp ngoằn ngoèo, sáng lóa. Nguyên kéo mền đến cổ, chắc lưỡi than:

- Mưa như vầy là ngày mai đường xá trơn tuột cho mà coi. Đi đứng như mắc nợ với đất. Nó cứ níu lôi, trì kéo hoài.

Tôi nghĩ ngay đến Thỏa.

- Ừ! Còn cái anh chàng kia thì sẽ té thêm một cái nữa.

Nguyên khẽ đập tay lên má tôi:

- Nhớ kỹ vậy?

- Hồi nào đâu?

Chúng tôi cười thành tiếng. May mà đêm nay bác Ba đi ngủ trong trại “với anh em cho vui” chớ không thì ông đã rầy rà” “Tụi bay nói chuyện cả ngày chưa đã sao? Đêm hôm mà cứ rù rì, rù rì, kệ cha cái tánh khó ngủ của tao”.

Nguyên lại chắc lưỡi. Nó có tật chắc lưỡi để biểu lộ cả vui lẫn buồn.

- Mà anh ta coi bộ cũng đẹp trai. Có cái răng nanh nhọn hoắt, hễ cười là nó nhe ra coi… trữ tình hết sức.

- Trữ tình là sao?

- Là làm cho người khác ngó thấy phải xốn xang cõi lòng. Thí dụ như…

Nguyên bỏ lửng câu nói. Nó cười cái giọng của mấy ông vua trong tuồng cải lương khi gặp điều khoái chí. Tôi đạp nó một cái, rủa:

- Đồ quỷ.

Tôi nghe, không mắc cỡ nhưng khẽ mỉm cười trong bóng tối. Rảnh rang thì chọc nhau chơi, ai mà chẳng vậy, chớ tôi với Thỏa thì nào có “mắc mớ” gì.

Tôi làm thư viện, còn anh ta là người mượn sách. Mà ở đây thì có biết bao nhiêu người mượn sách, đếm không hết. Muốn biết, phải tra sổ sách, giấy tờ.

Nhưng Nguyên chọc tôi cũng có lý do. Bởi vì so với tất cả bạn đọc tới thư viện thì anh ta có đặc biệt hơn. Một phần do cái tên, một phần do loại sách anh ta chọn đọc. Thêm một phần nữa là do chúng tôi với anh ta có một chút chuyện buồn cười dễ nhớ.

Anh ta có cái danh tánh, mà theo tôi thì đáng để phải cười ngay khi vừa mới nghe.

Hôm đầu tiên thư viện mở cửa phục vụ “ quý bạn đọc”, nói theo cách thông thường thì, cái tên Nguyễn Dị Thỏa đã “đập thẳng vào mắt” tôi. Quên mất người mang tên đó đang đứng chờ làm thủ tục mượn sách, tôi buột miệng kêu ngạc nhiên:

- Tên dị thật!

Cũng lém lỉnh như bao nhiêu chàng Thanh niên Xung phong dễ thương khác đến cái thư viện này, vừa nghe tôi kêu, anh ta đã nhanh nhẹn giải thích:

- Tên tôi chính ra không phải kỳ cục như vậy đâu. Tại mấy cha bàn giấy làm khai sanh không biết mắc cái gì mà đem chữ o để trước chữ a, thành ra nó mới bị như chị thấy đó. Mà chị có biết dị thảo là gì không?

Ngắm nghía dáng vẻ con người đang tiếp chuyện, biết rằng có thể đùa chơi, tôi đáp:

- Dạ biết chớ. Dị thảo là nói theo chữ nho, còn suy ra tiếng ta thì có nghĩa là loại cỏ kinh dị... à quên... dị  hợm... xin lỗi, tôi muốn nói là kỳ cục.

Anh ta cười, chịu thua.

Đó là chuyện  của “một phần do cái tên”. Kết quả là cả thư viện ( tức là Nguyên và tôi) xếp anh ta vào loại bạn đọc đáng chú ý.

Còn “một chút chuyện buồn cười giữa chúng tôi với anh ta” thì xảy ra vào một hôm đến hạn trả sách.

Tôi nhận lại cuốn sách, chưa kịp lật sơ qua để kiểm tra coi có rách nát hay mất mát trang giấy nào không, theo đúng thể lệ của thư viện, thì người đem trả đã nói một thôi dài:

- Cho tôi xin lỗi mấy chị nghe. Mà nó bị lấm lem như vầy có sao không chị? Tại tôi đang đọc dở dang, nên mang luôn ra hiện trường, chờ giờ nghỉ trưa đọc tiếp. Mà cũng tại mê quá, quên rửa tay nên nó mới dính đất vô sách như vậy. Tôi xin hứa là từ rày không làm vậy nữa. Hễ tôi tái phạm thì mấy chị cứ giam thẻ tôi, không cho mượn sách nữa. Nghe mấy chị.

Chúng tôi đã đồng ý để anh ta mượn tiếp, kèm theo nhiều lời dặn dò phải cẩn thận. Anh ta cám ơn rối rít, rồi tung tăng đi tìm cuốn khác.

Nguyên khều khều, ra dấu cho tôi nhìn theo. Độc giả đặc biệt của chúng tôi vừa nghiêng ngó tìm sách, vừa chùi chùi hai bàn tay. Nhắm chừng chùi ở hai ống quần trước đùi chưa đủ, anh ta cho tay vòng ra phía sau mông xoa xoa như vừa mới bị đánh đòn. Rồi lại trở ra phía trước, lần này bàn tay leo lên ngực, nắn bóp hai túi áo. Chúng tôi hiểu, bạn đọc này vừa buông cuốc leng xuổng xẻng ra là vào thư viện luôn. Sợ lại mắc lỗi làm dơ sách, nên anh ta mới lau chùi hăng hái cỡ đó.

Hồi tưởng tới khúc này, tôi phì cười, thúc cùi chỏ vô hông Nguyên, nhắc nó:

- Ê. Nguyên. Còn nhớ chuyện anh chàng Dị Thỏa mượn sách hôm trước không?

Cả hai đứa cùng cười vang lên như đang xem phim Sạc-lô. Nguyên hào hứng kể lại:

- Mới hôm bữa nọ đó mà quên sao được. Anh chàng ta vừa mượn xong thì nghe tiếng kẻng gọi về ăn cơm. Quýnh quáng chạy qua cầu khỉ, trợt chân lọt  tõm xuống dòng kênh, ướt mèm từ đầu tới đít như bị mắc mưa.

Đang cười đau bụng, Nguyên đột ngột tung mền ra, nhỏm dậy kêu hốt hoảng :

- Chết mồ ! Như vậy là sách của mình bị nhúng nước rục rời hết rồi còn gì. Ê. Mà bữa nay đã hết hạn mượn rồi, sao không thấy ghé. Ngày mai, mi đi kiếm chàng, đòi lại cuốn sách nghe chưa.

Tôi cũng ngồi lên:

- Tại sao lại ta mà không phải mi?

- Tại mi nhớ. Nhớ tên. Nhớ chuyện. Nhớ mặt. Thuộc lòng loại sách anh chàng mượn.

Nguyên nhái giọng tôi

- A a a . Sao anh cứ đọc mấy cuốn lý luận này miết vậy? Bộ anh thích viết văn hả ? Chàng ta viết văn đâu chưa thấy mà thấy mi sắp làm thơ. Nào là, ở chỗ này nhìn thấy mặt trời mọc lên, rụng xuống thiệt là đẹp... ẹp... Nào là, mỗi lần nhìn Thanh niên Xung phong qua cầu khỉ là thấy con người như cái bông đang nở ra từ mặt đất. Ôi... những con người băng ngang qua thử thách của thiên nhiên... 

Tôi đập một chân xuống sàn, hét:

- Ngu… yên !

Nói theo kiểu Thanh niên Xung phong thì Nguyên cũng bị “chạy chỉ” rồi. Vì tôi đã chẻ đôi cái tên “không hao hụt “ của nó thành một câu nạt nộ. Nó nằm xuống, quay lưng lại, nói cho đỡ ...sượng ( như củ khoai mì).

- Thôi. Ta ngủ đây. Ha. Không biết giờ này anh chàng Thỏa đang nằm mơ thấy cái gì gì.

Tôi đập luôn hai cái chân một lượt:

- Ngủ đi cho người ta nhờ.

Cơn mưa kéo dài, rả rích. Giờ này, ở bên ngoài ếch nhái, ễnh ương, giun dế, bù tọt... đang kêu râm ran như một bản hợp xướng êm dịu. Tôi muốn mở cửa để nghe, nhưng sợ nước mưa tạt vào nên thôi.

Tôi nằm nghiêng theo kiểu con tôm kho, nghe tiếng Nguyên thở đều đều ngon giấc. Chắc là trong khu trại bên kia bờ kênh, giờ này, những người con trai con gái sau một ngày lao động nắng gió, cũng đang ngủ say sưa như nó.

Tối nay là ngày thứ mười lăm, tôi không ngủ ở nhà mình. 

Đã qua một nửa thời gian quy định cho cái thư viện lưu động tới phục vụ ở nông trường này. Sách chồng chất trong chiếc xe tải nhỏ. Quản thủ thư viện làm việc, ăn ngủ trên xe.

Chỉ có tôi bỡ ngỡ lạ lùng, còn bác Ba và Nguyên thì không. Nguyên đi làm  trước tôi, từng đem thư viện tới tận vùng biên giới, nơi bộ đội đóng quân.

Bấy lâu nay, tôi làm ở “phòng đọc”. Vốn đã quen với những chiếc áo trắng học trò, mới chuyển qua “phòng mượn”, đi chuyến đầu tiên tránh sao khỏi lạ lùng. Trước những gương mặt sạm nắng, tôi đã luống cuống đến độ đánh rơi mất hết kiểu cách đối xử kiêu kỳ. Ở đây, tôi không còn nghiêm chỉnh đứng sau quầy gỗ, lạnh lẽo đọc tên người mượn sách, và ném kèm theo tấm thẻ ghi số chỗ ngồi. Tôi trở lại tính hiền lành tự nhiên của mình, ai chọc ghẹo cũng làm thinh, mắc cỡ. Tôi nhỏ nhẹ và cười tươi tắn với mọi người, rất thật tình.

Cái gì đã khiến tôi thay đổi như thế ? 

Tay chân tôi hồng hào, mịn màng. Còn tay chân “bạn đọc” thì mỗi ngày có thêm vết chai, vết trầy. Tuổi tôi và họ chênh lệch nhau không đáng kể, nhưng tính số lần dãi dầu mưa nắng, gian khó thì tôi chỉ có một con số không to tướng, không có gì để so đọ. Tôi chỉ nghĩ ngợi đến thế thôi. Và tự biết mình phải làm thế nào cho xứng đáng.

Không phải một mình Thỏa làm sách bị vấy bẩn. Lác đác hôm này hôm nọ cũng có người bối rối, lúng túng khi đem trả sách.

Gần đây nhất là cuốn kỹ thuật chăn nuôi vịt. Nhiều trang bị dính  lọ nghẹ đen thui, che mất cả chữ , vì anh nuôi vừa nấu bếp vừa nghiên cứu cách nuôi vịt  để có thêm chất bổ, cải thiện bữa ăn.

Khi nhận lại sách, tôi chỉ biết nói hãy cẩn thận hơn, ráng bảo quản sách cho tốt để các anh em khác còn đọc.

Còn Nguyên thì nói đến quyền làm chủ tập thể. Nó nhắc tôi, đem đi sách tốt mà đem về sách hỏng thì ai chịu trách nhiệm ? Nguyên cũng nói tôi phải học tập cách làm việc của nó: chan hòa với bạn đọc nhưng phải giữ nguyên tắc, để rút kinh nghiệm cho chuyến đi sau.

Nguyên đã nói nhiều, bây giờ nó bắt tôi thực hành. Tôi phải đi tìm Thỏa, đòi lại sách đã quá hạn mượn trả.

Khổ chưa? Tôi biết là tôi sẽ bảo với Thỏa “ Anh cứ đem sách lại trả, không sao đâu”. Và cũng biết, nói như thế chẳng khác gì động viên anh ta tiếp tục làm dơ sách mượn của thư viện.

“Phải nguyên tắc chứ, miễn không cứng nhắc là được” Nguyên thường nhắc tôi như thế. Tôi biết chắc nó có cách xử sự với Thỏa, nhưng nó buộc tôi phải tự tìm ra “cho quen”.

Mà tôi thì chưa quen.

 *

 Ban chỉ huy nông trường đề nghị. Còn một tuần chót, thư viện hãy ra phục vụ ngay tại nơi bạn đọc đang làm việc.

Ra hiện trường ! So với bác Ba và Nguyên, những người đã đi, đã biết nhiều, thì tôi là người hưởng ứng hăng hái nhất.

Ra hiện trường. Nơi có những con đường bằng nước  đang được khơi dòng, nơi có những líp khóm vừa mới đắp thẳng băng, hứa hẹn một vụ thu hoạch thắng lợi.

Ở đó, tôi sẽ tìm gặp được người bạn đọc đặc biệt của thư viện.

Từ hôm bị trượt chân lọt xuống dòng kênh tới nay, Thỏa không đến mượn sách nữa. Cuốn đó, anh nhờ một người bạn đem trả, ngay sau hôm Nguyên ra lệnh cho tôi phải đi đòi. Sách đã được “đại tu” ém rất kỹ, nhưng vẫn cứ phồng phều như mỗi trang giấy là một miếng bánh tráng mè nướng.

Người bạn kể:

- Thằng Thỏa phải đi kiếm bàn ủi, đè riết mới được thẳng như vậy đó. Nó lỡ hứa với mấy chị nên không dám mượn sách nữa. Mà có phải là nó cố ý làm hư  đâu. Hôm đó nó đã đói run người rồi, lại thêm cái cầu ốm nhách khó đi, sách văng  xuống nước. Nó nhảy theo chụp cuốn sách, báo hại mấy điếu thuốc trong túi thấm nước, điếu nào điếu nấy nở to bằng ngón tay cái.

Tôi kiểm lại sách theo đúng thủ tục.

Giữa hai trang giấy phồng sộp, cứng còng là một nhánh cỏ dại ép khô. Lá vẫn còn màu xanh, nhiều bông màu tím nhỏ li ti.

Cái gì vậy? Tôi nghe nóng bừng vành tai, gấp vội cuốn sách lại.

Tôi hỏi Thỏa lấy sách ở đâu mà đọc, người bạn cười “thì đọc ké đứa này, đứa kia”. Cám ơn người bạn xong, tôi nhắn Thỏa cứ ra mượn sách tiếp, thư viện không nói gì đâu.

Nhưng vẫn không thấy mặt Thỏa.

Vì náo nức đi, nên vừa tập thể dục buổi sáng xong tôi đã hối Nguyên sửa soạn để lên đường cho sớm. Nguyên nhìn vào mắt tôi mà cười:

- Mắc cỡ quá! Thư viện là cái xe, lái xe đi thì nó tới nơi, chứ có cần sửa soạn gì đâu. Mi cứ việc trau chuốt cho đẹp lên. Nhưng ta báo cho biết trước là ở ngoài đó, người ta bận làm túi bụi, không ai rảnh hơi mà ngắm đâu. Xí quên. Có cái anh chàng lọt xuống nước đó.

Tôi chưa kịp phản đối thì Nguyên đã bỏ chạy.

Tôi chỉ bâng khuâng một điều. Nếu gặp Thỏa thì tôi sẽ nói gì? Nói cứ lại mượn sách thì đã nhờ người nhắn rồi. Anh ta không đến thì không có cái để  đọc, ráng chịu. Nói vậy thôi, Thỏa vẫn nhờ người bạn hôm ấy mượn  giùm. Tôi biết, vì đã thuộc nằm lòng loại sách Thỏa đọc. Có lần tôi còn chọn sẵn sách, người bạn chỉ việc cầm về cho Thỏa. Anh ta vẫn được đọc sách đều đặn, mà không cần phải gặp tôi.

Nhưng sao lại gởi kèm theo cuốn sách bị hỏng một nhánh cỏ dại nở hoa? Một ngụ ý xin lỗi nhẹ nhàng, đầy chất thơ chăng? Gởi cho thư viện, gởi cho cả tôi với Nguyên. Hay là chỉ gởi riêng cho tôi thôi ?

Nghĩ hoài đầu óc rối tung. Càng khó hiểu. Biết đâu nhánh cỏ ấy anh ta để dành cho bộ sưu tập thực vật của riêng mình, mà vô ý để bừa bãi? Hay gởi cho ai đó mà để nhầm lẫn ? Hay của người bạn kia để quên ?

Thôi. Cứ nghĩ cọng cỏ nhỏ nhoi ấy không dính dáng gì đến anh ta, đến tôi là xong. Và tốt hơn hết là đừng nên đi tìm anh ta. Tôi sắp về, sửa soạn cho nhiều chuyến đi khác nữa, biết đâu còn có những nơi hay lạ hơn ở đây, và có thể sẽ gặp thêm rất nhiều người thích đọc sách lý luận văn học.

Thôi nhé. Ừ, đừng thèm đi kiếm.

Tôi cứ nghĩ loanh quanh như vậy hoài, từ lúc lên xe đi đến lúc ra tới hiện trường.  

Giờ nghỉ trưa, mọi người ùa đến thư viện cười đùa thật vui. Tôi nói với Nguyên, tiếc sao mình không ra đây ngay từ những ngày đầu. Nguyên bảo bây giờ thì tôi rất xứng đáng được thừa hưởng cái tên của nó. Phải do yêu cầu công tác chứ. Ngu… yên.

Mượn sách xong, mọi người tỏa ra các hướng. Tôi nói Nguyên ở lại trực. Còn tôi đi vòng vòng coi cho biết.

Tôi đội cái nón vải rộng vành lụp xụp che xuống mặt để tránh nắng, đi đếm thử xem có bao nhiêu người đọc sách. Nhiều quá. Sức hấp dẫn diệu kỳ của sách. Phía bên bóng mát của chiếc xe thư viện. Trong một hóc đất đào dở dang như miệng hang. Giữa giàn khổ qua xanh um... Chỗ nào cũng có người đang cắm cúi với một cuốn sách.  

Và trời đất ơi. Tôi thấy. Có hai cái ki xúc đất dựng đứng lên thành một cái vòm. Có một cuốn sách đang mở rộng trong đó, và một người thì quì gối, đưa lưng ra nắng, đưa đầu vào cái bóng mát sáng tạo độc đáo ấy mà đọc.

Không nén nổi tò mò, tôi rón rén ngồi xuống, gọi khẽ:

- Anh gì ơi, làm ơn cho tôi…

Cuốn sách gấp lại, người đọc lấy đầu ra, đôi mày nhíu lại.

- Hả?

Tôi kêu “ý” nho nhỏ trong miệng.

 Thỏa ! Như thế này là tôi tự đi tìm anh ta rồi. Tôi đỏ mặt, trong lòng đổ thừa tại nắng.

- Tưởng ai. Hóa ra là anh. Tại tôi thấy lạ nên lại coi. Anh mê đọc sách đến thế là cùng. Xin lỗi đã làm phiền anh. Tôi đi nghe.

Tôi chưa kịp đứng lên, Thỏa đã kêu, lắp bắp:

- Ngà. Chị Ngà. Chị ở lại chơi.

Anh gật gật đầu với tôi, mong tôi đồng ý đứng nán lại, để nghe anh nói.

-  Cũng không có gì đâu. Cho tôi xin lỗi chị vì đã không ra mượn sách theo lời chị nhắn. Hôm nay, biết xe thư viện ra đây mà tôi cũng không đến. Chị biết đó. Tôi đã hứa thì phải giữ lời. Vì vậy...Chị thông cảm cho tôi nghe.

Tôi lắc đầu. Vành nón rũ xuống lắc theo. Bây giờ mới thấy, nón rộng vành có nhiều lợi thế. Nó che giấu dùm những nét biến đổi của gương mặt.

- Dạ. Có chi đâu anh. Anh cứ xin lỗi hoài làm tôi mắc cỡ lắm.

Tôi ngó xéo qua chỗ khác, mím môi lại trước khi nói

- Mà không đến thư viện anh vẫn có sách đọc đó thôi.

Vành tai tôi nghiêng về phía Thỏa nghe tiếng anh cười. Tiếng cười nhỏ, trong veo, khoái chí vì được người cho mượn sách nói trúng “tim đen”.

Vẫn ở bên vành tai nghiêng đang dần dần nóng bừng lên, mà tôi cứ đổ thừa tại nắng, tôi nghe tiếng Thỏa nhẹ như cơn gió hiếm hoi giữa buổi trưa này.

- Ngà có biết tên cọng cỏ kẹp trong cuốn sách bị ướt không? Ở đây, cỏ dại mọc đầy, chẳng biết tên. Tôi đặt đại nó là Dị Thảo.

Tôi quay lại, kêu lên :

- A. Thứ cỏ kỳ cục.

- Nhưng coi nó ngộ lắm phải không?

Tôi cười. Thỏa lật lật cuốn sách trên tay, giống như tôi kiểm soát ở thư viện. Anh nói chậm như đọc từng tiếng:

- Ngà … có … thích cọng cỏ đó không?

Tôi giả bộ chăm chú xem xét cái vòm che nắng, mà Thỏa tự chế ra để đọc sách cho mát. Vậy là anh ta gởi cho tôi sao ? Lay lay cây cọc chống, tôi nói thật tình:

- Tôi thích ngắm cây cối khi còn xanh tốt.

- Để hôm nào thư viện dọn đi, tôi sẽ gởi cho Ngà cọng khác. Bảo đảm về tới thành phố vẫn còn tươi.

Tôi dạ rất nhỏ, không biết Thỏa có nghe không.

Đã tới giờ làm việc. Tôi chào Thỏa rồi đi như chạy, bỏ mặc anh đằng sau đang hấp tấp tháo gỡ cái vòm đọc sách.

Tôi xoa tay lên chóp nón trên đầu. Sao mà nắng dữ vậy? Có phải nắng làm mặt tôi nóng bừng bừng?

Lưu Thị Lương


Hình ảnh sưu tầm từ internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á