Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CẶP GÀ TRỐNG - Đào Công Điện.

Hai con gà thi nhau gáy ầm ĩ sau nhà càng làm tôi thêm nôn nóng, mong cho Tết đến sớm sớm. Cứ nghĩ đến trưa ba mươi xuất hiện trước cửa nhà mình, với cặp gà lủng lẳng trên tay là bụng dạ tôi nở ra từng khúc ruột. Chớ còn gì nữa! Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ tôi đem về cho ông bà một món gì, chỉ toàn mang đi. Nghĩ mà thương, hôm tôi lên đường, nhà còn con vịt mái đang đẻ, bà già cũng xách ra cắt cổ kho mặn, vô lon gô cho tôi. Mà tôi có phải là hiếu tử gì cho cam, báo cha báo mẹ từ mới lọt lòng cho tới ngày đi TNXP.

Hai con gà, hai con gà giữa trưa ba mươi Tết sẽ chứng minh tấm lòng của tôi đối với đấng sinh thành. Chắc chắn hai người sẽ cảm động lắm, có thể sẽ khóc nữa nếu nghe tôi thuật lại những ngày “nằm gai nếm mật” để có được cặp gà. Bốn tháng trời cắn răng chịu đủ mọi lời dèm pha để đạt được cái mục đích cao quí này.

Lúc đầu là sáu con cả thảy. Tôi dành dụm cả tháng nhu yếu phẩm để đổi lấy sáu mống gà Mỹ con này. Đem về tới đơn vị, vừa nhìn thấy bầy gà có đứa tuyên bố liền: - Gà công nghiệp, nuôi dưới đất sẽ chết toi hết! Kệ, tôi lầm lì đốn tre về xây dựng cơ ngơi cho sáu con gà. Tôi sẽ chứng minh cho toàn thể cán bộ, đội viên trong liên đội biết rằng tôi là người phát kiến ra kỹ thuật chăn nuôi táo bạo này: nuôi gà công nghiệp như gà ta. Đại đội phó kế hoạch nhìn mấy con gà ái ngại giùm tôi, khuyên tôi nên tìm giống gà nội địa mà nuôi đảm bảo hơn. Tôi lý luận một mạch: gà công nghiệp nuôi chuồng thịt ăn không đậm vị, nhưng đem nuôi đất thị sẽ ngọt như gà ta, lại mềm, lớn con, nặng ký. Tôi tính thầm, ít nhất cũng còn ba con, mỗi con ba ký là ít.

Thế là thời gian rỗi rảnh sau giờ công tác của tôi không còn nữa. Tôi đành phải giảm dần dần một số thú vui, kể cả món cờ tướng là thứ giải trí ruột của tôi. Tất cả cho sản xuất mà lị. Sáng, trời chưa tỏ hẳn, phấn đấu dữ tợn lắm tôi mới chui ra khỏi cái giường ấm áp, tranh thủ trước giờ tập thể dục, đi đào cho chúng một lon trùng; trưa, sau giờ lao động, đứa nào cũng chỏng cẳng ngủ, lấy sức thì cái thằng tôi lại phải hùng hục bửa mấy ổ mối cứng còn hơn bê tông cốt sắt; tối, đứa thì ôm đàn hát, đứa thì nằm khèo kể chuyện tiếu lâm, chỉ cái thằng tôi nằm dỏng tai nghe ngóng động tĩnh ngoài chuồng gà, lúc này chuột bọ dữ lắm, mất cảnh giác là ôm hận ngay. Nhưng sự “hy sinh” cao quí nhất cho đàn bà có lẽ là những chén cơm trích ra từ mỗi bữa ăn của tôi. Phải nói đây là một hành động phi thường, vì cả đơn vị đang thời gian ăn độn. Mỗi bữa, một đứa có khi không đến ba chén. Tôi lại là một “danh thủ làm bàn” trong vấn đề ăn uống mới khổ chứ. Vậy là các món đặc chế lần lượt ra đời nào là: măng le luộc muối, gỏi rau tàu bay, mướp nướng và vô số kể những món ăn chưa có tên tuổi đã lần lượt được tôi thử nghiệm một cách lì lợm. Nhìn tấm thân tre miễu và lối ăn uống của tôi, cuối cùng cả tiểu đội đã mở một cuộc họp, trọng tâm vấn đề là giải tán trại gà của tôi, để lúc khác nuôi, đứa nào cũng nhao nhao tán đồng ý kiến trên. Tôi, một mình một ngựa, tả xung hữu đột cứu lấy bầy gà. Biên bản buổi họp tốn gần hết quyển tập trăm trang. Cuối cùng thì tôi đã thắng, thắng một cách oanh liệt. Bầy gà vẫn còn và tôi vẫn… nhịn cơm. Thiếu cơm, đêm nào ngủ mơ cũng thấy mình đi ăn đám cưới. Mắt nhắm mà miệng cứ nhai nhóp nhép, nhiều khi mở cứ đọc vanh vách tên mấy món ăn. Sáng dậy, cả tiểu đội xúm lại tra hỏi vặn vẹo đủ cách. Bí quá tôi huỵch toẹt hết mấy giấc mơ đẹp của mình ra. Thế là cả đám bò lăn ra đất mà cười bằng đủ thứ giọng. Không hiểu giai thoại nầy có được truyền khẩu sang mấy cô bên C nữ chưa, sao mỗi lần chạm mặt, “cô ấy” cứ cười cười. Ôi! Cái nụ cười duyên dáng mà bí hiểm đó cứ làm cho đầu cổ mặt mày tôi đỏ ké lên như mồng của mấy chú gà trống đang bắt đầu tập gáy vỡ lòng mỗi sáng sớm.

Mấy tháng trời trôi qua, bầy gà rốt cuộc còn lại đúng hai con đến tuổi cập kê, hai con trống. Bốn con gà kia đã theo giòng họ nhà gà về chín suối bằng bốn nghịch cảnh khác nhau. Con thứ nhất có lẽ là đứa mang giòng máu tiểu tư sản của giống gà nuôi chuồng nặng nhất, từ ngày đầu đem về đây nó từ chối không đá động gì tới thức ăn, dù là những món sơn hào hải vị tôi lặn lội mang về: những con mồi ngon nhất thế giới, những nắm nhọng ong non béo hơn nước cốt dừa… vậy mà con gà đành lòng chết đói trong lúc anh em nó mổ đồm độp vào những thứ lần đầu tiên mới được thưởng thức. Con thứ hai chết hoàn toàn do lỗi của tôi, cửa chuồng đóng không kỹ, một đêm tối trời, một tên chuột bành trướng nào đó đã đột nhập, tiếng la thất thanh làm tôi tỉnh dậy và cửa chuồng còn vướng ít “lông tơ nhuốm máu”. Tính hiếu động bồng bột của thanh niên đã giết chết con gà giò thứ ba của tôi, số là gần nhà tiểu đội có một hố bom, ếch, nhái tụ tập định cư ở đấy, một buổi trưa chàng gà nhà tôi trông thấy đám nòng nọc đang trửng giỡn dưới nước, không sợ gì đến cái sức lực đang lớn của chàng và cùng với cái ham muốn được nếm thêm mùi vị món lạ, nó đã nhảy xuống nước, lòng tôi buồn rười rượi khi nhai miếng sau cùng món gà giò nướng xì dầu xả ớt thơm điếc mũi. Lại những lời ra tiếng vào, nào là nào là, nào là… một triệu cái nào là, mặc kệ, tôi cứ gia công tẩm bổ cho ba con gà còn lại. Và cái chết đến với con gà thứ tư đúng vào ngày nó tập gáy, những tiếng đầu tiên, sự ra đi của nó đúng nghĩa của sự hy sinh – của nó lẫn của tôi – một thằng trong tiểu đội lên cơn sốt rét, nó sút người lẹ ghê gớm, xanh như tàu lá, có lần tôi bắt gặp nó nhìn bầy gà của tôi với cặp mắt… với cặp mắt rất khó diễn tả, đó không phải là cặp mắt của nhà chăn nuôi, không phải của thi sĩ, không phải của họa sĩ, nhưng cặp mắt đó làm tôi liên tưởng đến cặp mắt thằng em trước tô cháo gà bốc khói rắc tiêu hành, tôi hiểu mình phải làm gì. Cả tiểu đội vừa thổi, vừa khen tôi nấu cháo gà ngon nhất nước, đề nghị sau này sẽ chuyển về nấu ăn ở nhà hàng Soái kình Lâm. Bầy gà còn lại hai con. Hai con gà trống thi nhau gáy ầm ĩ. Lòng tôi sung sướng như một nghệ sĩ đứng chiêm ngưỡng chiến công đầu tay của mình. Sự thành công của tôi cộng với hiệu quả của nồi cháo gà hôm nọ đã triệt tiêu toàn bộ những quan điểm “phản động” trong tiểu đội. Có đứa lại còn lục lọi ôm về cả chồng sách nói chuyện nuôi gà. Đại đội phó kế hoạch mấy lần đến vấn kế tôi về cách thức lai tạo giống. Chuồng gà mọc lên như nấm mối gặp mưa, mỗi tiểu đội hai ba cái, thậm chí mỗi đứa một cái chuồng riêng. Dịch nuôi gà lan cả đến mấy đội lân cận. Đương nhiên tôi trở thành một nhà cố vấn tín nhiệm. Danh giá vô cùng! Nhưng thật ra trong bụng tôi ghim một niềm vui lớn hơn nhiều. Tôi chờ ngày ba mươi Tết… Nhưng.

- Toàn Liên đội cắm trại trăm phần trăm, ăn Tết tại đơn vị. Lời tuyên bố dõng dạc của Liên đội trưởng trước hàng quân buổi sáng chào cờ đã làm sụp đổ khối Kim tự Tháp ước mơ được dựng lên trong lòng tôi ròng rã bốn tháng trời nay. Tôi ngậm ngùi gặm nhấm nổi đắng cay đang ngự trị trong lòng. Lúc này có lẽ thủ môn Sumakhơ cũng thông cảm với tôi khi anh vào lưới nhặt trái bóng duy nhất ghim vào khung gỗ đội mình vào phút thứ tám mươi chín. Phép thường niên đã sử dụng rồi. Trong miệng không có cái răng nào hư để đi viện, Hậu cần đã đi chợ từ hôm qua, chẳng còn phương tiện nào để gửi món quà vô giá về nhà. Suốt một đêm trằn trọc, cứ đi ra thăm hai con gà rồi lại đi vào. Chơi như vầy đâu có được. Chỉ còn cách duy nhất: dù, sáng mồng hai lên sớm chắc cũng không đến nỗi nào: đau xé lòng đó. Sáng ba mươi sẽ ra bến xe.

Trời còn lờ mờ, tôi vác ba lô, xách cặp gà, đã được cột mỏ cẩn thận, vòng ra ngã tắt sau suối chuẩn bị thực hiện lần vi phạm nội quy kỷ luật đơn vị lần đầu tiên trong cuộc đời TNXP của mình. Vừa thả bộ xuống dốc, nghe có tiếng đốn tre bôm bốp bên bờ suối. Bữa nay là ba mươi Tết rồi, ai đốn tre làm cái gì? Núp vô đám sim gần đó, tôi vẹt lá nhìn qua. Thì ra thằng Chín, tiểu đội phó A tôi, nó đang chặt cây về làm cây nêu cho đại đội, sợ ra trễ mấy đại đội khác chặt mấy cây ngon. Đại đội tôi có truyền thống giật giải trồng nêu hai năm liền toàn Liên đội rồi mà. Nhìn nó đốn, tôi chửi thầm, Thằng này ngu thiệt, tre bi lớn đem về là thua cái chắc và tôi nhớ, tôi còn để dành mấy chục cây rất chiến đấu bên kia suối, rất chắc ăn. Cái vụ này phải giúp nó mới được. Thua năm nay là mất mặt cả đám. Tôi tháo ba lô đặt nhẹ vào trong bụi, kế bên cặp gà, vén tay áo lên, ngụy trang kỹ lưỡng, không còn vết tích gì của một “kẻ đào tẩu”. Tôi vẹt lá bước ra. Sau một bài về cách thức trồng nêu Tết và những kinh nghiệm chọn cây: phải thẳng láng bóng, cao, đặc biệt của tôi giảng giải. Chín cúi đầu khâm phục hoàn toàn. Thế là hai đứa luồn vào kho dự trữ nêu của tôi hè hụi róc gai, tỉa nhánh. Cuối cùng là hai cây nêu có tầm vóc nhất đã được hạ xuống. Đường về đội toàn là dốc lên, hai cây tre lão này thì rất có ký lô. Không thể để nó thồ về một mình được. Hơn nữa, đây là công trạng của mình, phải cho tụi nó biết chớ. Hai đứa hè hụi gần hai tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Phải công nhận rằng: lòng kiêu hãnh của tôi đối với mọi người không có gì lố bịch, đây là hai cây nêu đẹp nhất toàn cầu! Tôi định quay ra suối tiếp tục hành trình thì có tiếng thằng Thịnh gọi, thằng này là cán bộ phong trào đại đội, nhưng quân sư của nó chính là tôi. Vừa gặp mặt, nó đã đưa thuốc lá mời tôi. Có chuyện rồi đấy. Đã gần hết buổi sáng rồi, không biết hành trang tôi để ngoài bờ suối ra sao nữa. Cuối cùng tôi phải gật đầu đồng ý “chuốc” lại vở kịch tự biên của đại đội chuẩn bị hội diễn trưa nay. Nói là tự biên cho có vẻ truyền thống, chứ thực chất chính tôi là chủ xị mọi khâu. Tôi vù liền ra suối. May quá, còn nguyên. Tôi cho hai con gà uống nước, chuẩn bị đi. Khổ nỗi không có tôi biết đâu tụi nó không làm ăn gì được, quậy tèm lem ra đó thì bể quá. Thành công thì là của tập thể, còn xụm bà chè thì lại là của cá nhân mình. Thôi, trưa về cũng được. Tết nhứt xe có tăng cường mà. Tôi vác ba lô, xách gà luồn ngã tắt trở về đội.

Vở kịch thành công ngoài sức tưởng tượng. Những chi tiết hành động đều gãi đúng chỗ ngứa. C trưởng C nữ, chị Ba Thôi nổi tiếng là nghiêm cũng phải cười đến nấc cục. Hứng tình vì thắng lợi của đội mình trong hội diễn, đại đội trưởng của tôi đã đốt luôn một phong pháo rôm rả giữa hội trường. Anh Hai Sao, Liên đội trưởng, đích thân đến bắt tay và đề nghị tôi chép lại để đánh máy gởi về đội Văn công Lực lượng. Tôi choáng váng cả người nhưng cố làm ra vẻ tỉnh táo. Nhiều đôi-mắt-có-lông-mi-dài-hơn-con-trai chiêm ngưỡng tôi một cách đầy thán phục, mặc dù hàng ngày vẫn trông thấy tôi ở trần trùi trụi đốn cây, hay chạy lăng quăng theo mấy con gà. Nhưng tất cả đều mất giá trị trước hai viên kim cương, hai giọt nước mắt cam lồ, hai vì sao của Đôđê, nói chung là hai con mắt thật đẹp liếc nhìn tôi với tỉ lệ cao hơn hết trong buổi trưa này – đôi mắt của “cô ấy”. Thời gian qua mà tôi giống như một chiếc đồng hồ chết máy. Cái tiết mục nối tiếp không còn sức hấp dẫn đối với tôi nữa. Hôm nay “cô ấy” không mặc quân phục mà lại diện áo bà ba trắng điểm hoa cà tím, cái màu thường làm cho giới nghệ sĩ xúc động, mà tôi tự xác nhận rằng mình là một người cực kỳ nghệ sĩ. Gần cuối buổi hội diễn, tôi đã ngồi gần bên “cô ấy” một cách rất là từ tính. Sau hội diễn, cả đơn vị lần lượt ra về, “cô ấy” không về. Tôi cũng không về. Giây phút trang nghiêm đó kéo dài tưởng chừng vô tận. Gió chiều thốc lên từ bốn hướng rừng vương theo một mùi hương khiến cho các thi sĩ có thể làm ra cả chục tập thơ. Nhưng đối với tâm hồn trần tục của tôi, tôi chỉ nhận ra mùi xà bông thơm, những cục xà bông nhét vào trong ba lô cho thơm quần áo và chỉ được sử dụng vào những thời điểm có ý nghĩa như Tết chẳng hạn.

Chuyện rất nhiều, nhưng tôi không nhớ gì cả, cuối cùng tôi nhớ đến cặp gà trống của tôi, những con gà trống chưa bao giờ được đứng gần gà mái vì những cục đất tàn nhẫn của tôi một ông chủ tháo vát, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến vỗ béo và ăn thịt, chưa bao giờ để ý rằng hai con gà của mình đã đến tuổi yêu đương của nó. Tôi ấp úng mời “cô ấy” về đội tôi. Trên đường về pháo ở mỗi đội đều đã nổ đỏ trước cổng. Vừa về tới đội, Chín chạy ra báo cho tôi biết hai con gà đã lẻn sang đám gà mái ở đội bên cạnh, điều không bao giờ xảy ra khi có mặt tôi. Tôi nhìn “cô ấy” cười cười, rồi nói:

- Kệ nó, Tết mà!

Đào Công Điện


Bài viết do Ông Văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á