Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CON CHIM E THẸN - TRẦN NGỌC CHÂU.

Nhà báo Trần Ngọc Châu, thời trai trẻ từng tham gia TNXP (C Trưởng, Nhân viên Ban Chính trị Tổng đội 4, . . . ). Sau này, chuyển công tác làm nhà báo, Trần Ngọc Châu từng làm nguyên Tổng biên tập kênh truyền hình FBNC, nguyên Phó Tổng biên tập Saigon Times Group (phụ trách The Saigon Times Weekly). Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông đã từng đăng trên báo Tuyến đầu TNXP khoản năm 1980-90. NBT.

    Gặp Thủy ở bệnh xá liên đội, Khang thấy quen quen nhưng không dám hỏi. Chính Thủy đã giúp Khang nhớ ra:

- Lúc đồng chí mới đến liên đội, tôi nhớ ngay – đúng là cái anh chàng Khang, một cây Anh văn của lớp mười hai C ngày xưa.

Khang ngó chỗ khác, tránh cái nhìn giễu cợt của Thủy… Anh chợt đập tay lên trán, cười lớn:

- A, trí nhớ của tôi tệ thật. Giu-li Thủy đây rồi. Hèn chi…

- Hèn chi… cứ nhìn trân trân người ta. May mà trí nhớ của tôi không tệ như đồng chí, chứ không thì…

- … thì bệnh nhân sẽ khổ vì cái phương pháp châm cứu của đồng chí y tá chứ gì.

Thủy cười: - Đồng chí cũng biết thế à?

- Cả liên đội ai cũng ngán mấy cây kim to tướng của đồng chí đấy…

Thủy che tay lên miệng cười, cái răng khểnh mà Thủy muốn giấu khiến Khang càng nhận ra nét quen thuộc của Giu-li Thủy ngỗ nghịch và duyên dáng ngày nào. Nhưng đều anh nhớ nhất, có lẽ không phải những cử chỉ bề ngoài của Thủy. Giu-Li Thủy chính là tác giả bài luận Anh văn cao điểm nhất trong lớp mười hai văn chương lúc đó. Anh còn nhớ rõ cái đề hóc búa mà ông thầy ngoại ngữ của mình: “What is happiness?” – thế nào là hạnh phúc? “Happiness is a shy bird. If you hunt it, it will fly away” (*) – Chính Giu-Li Thủy đã nhập đề như thế – cái nhập đề mà lúc ông thầy đọc lên, Khang ngạc nhiên và thích thú vì anh đã bắt gặp một tâm hồn đồng điệu… Khang đã mang cái quan niệm hạnh phúc ấy trong nhiều năm trời, cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng.

Tiếng Thủy cắt ngang dòng suy nghĩ của Khang:

- Bây giờ mình gọi nhau là đồng chí “Đồng chí” – nghe hay quá hả? Tôi khai tử chữ Giu-Li Thủy rồi nhé. Bây giờ phải gọi  là đồng chí Thủy – Thủy y tá, nhớ chưa?

Thủy cười, nheo nheo con mắt, Khang không tìm thấy một nét nào trên khuôn mặt ấy là dấu vết của một tâm hôn bi quan chán đời ngày xưa. Đôi mắt to thông minh và cái mũi hếch bướng bỉnh khiến Thủy vừa có vẻ dễ tính, vừa có vẻ nghiêm nghiêm… Chợt Thủy đứng dậy lấy những ống tiêm, những cây kim khá to, những lọ thuốc bỏ vào cái túi màu xanh bạc.

- Tôi phải ra hiện trường – Thủy nói – Hôm nay thì thao tác kỹ thuật, sợ có người xỉu.

- Chà, tôi cũng phải xỉu một lần mới được.

- Để được bầu làm kiện tướng hả?

- Đâu có, để được thấy hạnh phúc của Thủy chứ. Những người bị xỉu được Thủy cứu tỉnh đều nói, những lần như thế Thủy vui lắm, như chính Thủy được cứu tỉnh vậy – Khang cười, nói tiếp: - thế là “con chim e thẹn” của Giu-Li Thủy ngày nào, bây giờ Thủy đã săn được rồi đấy.

- Đồng chí cũng vậy mà… Phải không? – Thủy cười theo Khang, lấy tay hất mái tóc dài ra phía sau đôi vai tròn, rồi nói:

Đồng chí cứ nằm đây nghỉ. Bệnh xá liên đội không thiếu thuốc chữa bệnh cho đồng chí đâu. Đừng lo, ráng khỏe ra mà thi đua với anh em…

Tình yêu của họ bắt đầu như thế.

Hai năm thanh niên xung phong qua đi rất chóng. Cho đến bây giờ những con kinh thẳng tắp như những sợi chỉ thêu lên mặt đất, Khang vẫn không hết ngạc nhiên. Anh thán phục đồng đội và tự thán phục mình…

Nhưng nhìn gương mặt ngày càng sạm nắng của Thủy, đôi mắt chừng như  đã sâu hơn và những quần thâm thường xuyên xuất hiện phía dưới đôi mắt to, đen – hậu quả của những đêm thức trắng lo lắng cho các đồng chí bệnh – Khang cảm thấy mơ hồ một nỗi ái náy không yên. Nỗi áy náy lớn dần và bắt đầu tỏa bóng tối xuống tâm hồn Khang…

Vài đồng chí trong liên đội lục đục chuyển ngành hoặc xuất ngũ. Thỉnh thoảng, những đơn xin phép kết hôn được gởi đến ban chỉ huy liên đội. Người ta bắt đầu lo toan hạnh phúc riêng, mặc dù những công trình lớn vẫn còn kêu gọi họ bước tới.

Thủy thấy trong mắt Khang những thoáng e ngại đứng trước những tảng đá ong, những hố bom ngập nước. Không, Khang phải là người ngại khó. Khang càng không phải là kẻ bỏ cuộc. Thủy tin tưởng ở sự suy nghĩ chín chắn của người yêu. Ngày xưa, lúc còn học với Khang, Thủy vẫn thích nhìn cái ánh sáng ấy rất họa hoằn. Bây giờ thì Thủy đã được nhìn thấy nó thường xuyên, Thủy không muốn nó tắt đi, dù chỉ trong một thoáng.

Khang thì khác. Trong đầu anh một bức tranh về hạnh phúc bắt đầu được phác thảo với những sắc màu rực rỡ. Anh sẽ xin cưới s. Anh chuyển ngành về dạy học, cái nghề mà ngày xưa anh rất ghét nhưng bây giờ, trong chế độ mới, anh có thể yêu được. Còn Thủy với cái bằng y tá của mình, rất dễ dàng xin về sở y tế. Họ đã có một quá trình rèn luỵên gian khổ trong thanh niên xung phong. Bây giờ, cả hai đều có được điều kiện sống gần nhau, xây dựng một hạnh phúc, dù không to lớn gì, nhưng chính là điều mà Khang nghĩ đã đến lúc anh cần thiết. Rồi ra ai cũng phải lo toan như anh, vun xới cho hạnh phúc của mình. Khang thấy anh không có gì đáng trách khi nghĩ đến điều đó. Nhưng anh vẫn không dám nói với ai, nhất là với Thủy. Tại sao mỗi khi anh được biểu dương trước liên đội là Thủy vui sướng tưởng chừng cô có thể bay lên được? Cô cười nói với mọi người, cô nhìn anh với đôi mắt ấm áp và biết ơn. Trong đôi mắt vừa ngây thơ, vừa tư lự, trong nụ cười tròn với chiếc răng khểnh (bay giờ Thủy không còn che tay mỗi khi cười), Khang thấy hạnh phúc, nếu có, hình dáng cũng giống như nụ cười và ánh mắt ấy là cùng…

Khang vừa bước lên từ lòng kinh sâu đang ngoác cái miệng  đầy những bậc tam cấp như những cái răng khổng lồ bướng bỉnh. Chiếc mũ tai bèo ướt nhão nhiệt, nhỏ ròng ròng một thứ nước bùn đỏ sẫm lên cái thân trần của anh. Thấy mấy người đang xúm quanh cái máy nổ hỏng. Khang bực mình hét lớn:

- Nhanh lên chứ. Nước ngập cả “độ lòng” rồi kìa. Hút nước không xong thì làm ăn gì được?

Không ai trả lời khiến Khang càng bực, anh chạy tới giằng lấy cái tay quay:

- Đưa đây thử coi.

- Đó! – Người đội viên phụ trách máy bơm cũng bục mình không kém gì Khang.

Khang nghiến răng quay một hồi. Máy vẫn không nhúc nhích, Khang muốn lả người. Hơi thở anh phì phì như một con ngựa nhọc mệt. Khang lấy tay quẹt mồ hôi trên má, yên lặng, đi lại chỗ đại đội anh đang thi công.

- Đồng chí Khang, đồng chí Khang! Khang quay lại, Thủy đang chạy về phía anh. Chiếc khăn trắng buộc chéo như một con chim xòe cánh trên mái tóc dài  đen nhánh của Thủy. Chỉ tiếc cái áo thanh niên xung phong bạc màu – Khang chợt nghĩ – và nghe một nỗi xót xa… Lẽ ra Thủy không nên lao vào chỗ khó khăn này.

- Anh Khang ơi! – Thủy đưa cho Khang mảnh giấy nhỏ, vừa thở , vừa nói:

- Chị Hương nhắn anh về gấp liên đội gặp chị ấy, Gấp lắm.

Khang cầm tờ giấy, liếc nhanh…

- Thủy về liên đội không? – Khang hỏi.

- Không, em chờ dứt điểm. Với lại em tham gia chạy khí hậu với C ba đấy.

- Chà, giỏi dữ. Em muốn đạt kiện tướng chắc – Giọng Khang thoáng chút mỉa mai. Anh không dám nhìn thẳng vào mặt s.

- Đâu có. Em còn phải lo cho mấy đồng chí bịnh nữa. Dễ gì mà kiện tướng. – Thủy cười, cái răng khểnh mọi khi vẫn làm Khang thích thú, bây giờ, lại là điều khó chịu của Khang.

- Anh về đây.

- Ờ, nhanh lên đi, chị Hương đợi anh ở văn phòng liên đội đó!

Nói xong, Thủy chạy bay xuống chỗ C ba đang thi công. Khang nhìn theo Thủy. Anh khẽ lắc đầu.

Tháng trước, Khang được đề bạt làm đại đội phó. Anh vẫn công tác tốt, nhưng cái ý nghĩ xin chuyển ngành vẫn làm anh không yên. Khang nghĩ mình có quyền đòi hỏi như thế, nhưng đồng thời một câu hỏi khác vẫn dài vò anh: Phải chăng anh đã mất hết lửa, phải chăng anh đã bắt đầu ngại khó khăn, gian khổ?

Khang bước vào văn phòng liên đội. Liên đội phó Hương đang nóng ruột chờ anh.

- Đồng chí ngồi đi – Hương nói.

- Thôi, đứng nói chuỵên cũng được. Người tôi đầy bùn thế này.

Hương cười: - Ồ, ghế cũng dơ lắm rồi. Ngồi đại đi.

Hương lôi ra một xấp giấy. Khang nghĩ: chắc đơn xin xuất ngũ, chuyển ngành gì đây. Hương đẩy xấp giấy về phía Khang:

- Đồng chí xem đi. Đơn anh em gửi về Ban chỉ huy liên đội yêu cầu được đi chiến đấu.

- Nghĩa là…

- Nghĩa là họ muốn ra chiến trường, muốn chuyển qua bộ đội.

Khang nhìn qua những tờ giấy. Những chữ ký đỏ sẫm ở cuối những lá thơ ngả màu vàng đập vào mắt anh – Những chữ ký bằng máu. Biên giới phía Bắc đang sôi sục… Tim Khang nhói lên. Má anh nóng bừng. Anh hổ thẹn chăng? Trong khi đồng đội của anh đòi chiến đấu, thì anh lại đòi xuất ngũ. Họ yêu cầu được ra phía trước, anh lại cho mình cái quyền lùi lại phía sau. Thế mà anh là một cán bộ đại đội đấy.

- Tôi đã bàn với các đồng chí trong Ban chỉ huy, tối mai chúng ta sẽ làm lễ đăng ký xin đi chiến đấu.

Bên tai Khang lùng bùng những chữ “chiến đấu” “chiến đấu”… Những âm thanh ấy lớn dần thành những tiếng sấm, khiến Khang muốn bịt tai lại. Tay anh mân mê những tờ đơn… Không nhìn Hương, anh nói:

- Đơn vị chúng ta làm kinh tế. Chúng ta xin đi chiến đấu làm gì. Ở đây cũng chiến đấu vậy.

Dường như không chú ý vẻ bối rối của Khang, Hương nói:

- Đành rằng ta làm kinh tế, nhưng trước hết phải bảo vệ tổ quốc đã. Giặc đến… thì ta không còn gì để mà làm cả. Hơn nữa, trong khi chờ đợi ra phía trước, chúng ta ta phải tạo một không khí lao động thời chiến mới được.

- Tôi cảm thấy chúng ta nặng hình thức trong việc tổ chức đăng ký… Thực sự thì Khang đang nghĩ đến việc anh sẽ từ chối đăng ký trong buổi lễ tối mai. Như vậy thì uy tín của anh không còn gì cả. Như vậy nghĩa là anh sẽ bị bóc trần ra trước tập thể. Anh không thể bào chữa được gì, dù anh có lý luận giỏi mấy đi nữa.

Hình như Khang không nghe rõ câu nói của Hương, trước khi anh bước ra khỏi văn phòng liên đội:

- Chúng ta không sợ hình thức nếu chúng ta có nội dung thực sự. Hơn nữa đây là yêu cầu của anh em… Bây giờ tôi lên lực lượng có việc, chiều mai mới về. Đại hội đồng chí được phân công trang trí cho buỗi lễ tối mai đó. Nhớ chuẩn bị ngay từ bây giờ đi…

*

Từ chiếc loa ngoài sân liên đội vang một bài hành khúc, rồi giọng khàn khàn của Hương:

- Đại đội một đăng ký trước. Các đồng chí giữ trật tự. Từng đồng chí tự tay ký tên vào quyết tâm thư này. Những tiếng xôn xao của đám đông tràn vào văn phòng đại đội, nơi chỉ còn hai người – Thủy và Khang.

Thủy mở lớn đôi mắt đỏ hoe, sắp khóc, nhìn thẳng vào đôi mắt tối sẫm, mệt nhọc của Khang:

- Đấy, anh thấy không? Mọi người hăng hái, vui vẻ xin đi chiến đấu trực tiếp, còn anh thì…

- Thôi – Khang xằng giọng – Em đừng lên lớp anh nữa. Ở đâu anh cũng phục vụ cách mạng cả.

- Anh nói dối – Thủy hét lên – Anh đang nghĩ đến anh thì có. Anh không nghĩ đến việc phục vụ cách mạng đâu.

Bên ngoài người ta đọc tên từng đồng chí ký: Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Ái, Nguyễn Văn Ri… - những cái tên quen thuộc giờ đây lại trở nên xa lạ với Khang. Phải chăng, anh không còn xứng đáng đứng chung một danh sách với họ?

Thủy đứng phắt dậy:

- Thôi, anh nghĩ lại đi. Em yêu anh, nhưng em sẽ đăng ký đi chiến đấu như các bạn. Em không muốn mình là kẻ đào ngũ.

Khang chụp lấy bàn tay nhỏ nhắn của Thủy:

- Tất cả những điều anh làm là vì hạnh phúc của chúng ta.

- Không phải… Chỉ là vì một mình anh thôi. Anh nghĩ lại đi.

Thủy rút tay mình ra khỏi bàn tay đẫm mồ hôi của Khang, chạy bay về chỗ đăng ký…

Dường như Khang ngồi tại chỗ một lúc lâu, sau khi Thủy ra khỏi văn phòng. Chợt anh lặng người đi, khi nghe từ máy phóng thanh, vẫn cái giọng khàn khàn của Hương:

- Đồng chí Nguyễn Thị Thủy – y tá liên đội… Như vậy, một trăm phần trăm đại đội một và Ban tham mưu liên đội đăng ký trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới. Hoan hô.

- Hoan hô! Hoan hô!

Âm thanh ấy ùa vào chỗ Khang ngồi như một luồng sóng dữ dội. Anh nhìn tờ đơn xin chuyển ngành mà anh vừa  đưa cho Thủy đọc lúc nãy, thấy rõ chữ ký ngoằn ngoèo của mình giờ đây, như một vết mực đen… Đã sắp đến đại đội hai của anh. Một đồng chí đại đội phó lại từ chối tiến ra phía trước. Lẽ nào, Khang ơi! Rõ ràng không phải anh muốn ở lại vì những công trình chưa hoàn tất. Thủy nói đúng, anh đã tự dối mình. Anh chỉ nghĩ đến cái hạnh phúc của riêng anh. Ngày xưa, anh đã đồng ý với Thủy khi cho rằng hạnh phúc là “con chim e thẹn”, không thể nào săn được. Hôm nay, anh tưởng, anh sẽ giữ được “con chim e thẹn” ấy, khi nhốt nó trong cái lồng ngực vị kỷ của mình…

Thủy và những đồng đội của anh ngoài kia cũng trẻ như anh, cũng ước mơ hạnh phúc, nhưng không phải chỉ riêng cho họ…

- Đồng chí đại đội phó, sắp đến đại đội  mình rồi – Khang nhận ra cái giọng của người đội viên giữ máy bom mà anh đã gắt hôm qua ngoài hiện trường.

- Rồi, đồng chí ra trước đi – Khang nói nhỏ. Đợi cho người đồng đội đi khuất, Khang chộp tờ đơn trên bàn xé vụn. Anh bước ra sân, ném mạnh nắm giấy trong tay, vội vã đến chỗ đăng ký.

Trần Ngọc Châu


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên Internet và kho ảnh TNXP. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á