Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

Kỳ 3: Tui đi thanh niên xung phong - Nguyễn Quốc Thắng.

Làm lính lác cũng có cái sung sướng của lính lác ... Hội diễn vừa xong , thu dọn đồ đạc thì có xe chở thẳng về Lê Minh Xuân ... Nhưng chỉ 2 ngày sau, ngày 30 tết, trừ cán bộ C ở lại trực doanh trại, còn tất cả “lính lác” đều được đi phép Tết một tuần lễ ...

Khi hết phép, hết Tết, khi tất cả về đơn vị đầy đủ thì chỉ nửa tháng sau, chính xác là ngày 20/2/1976, toàn bộ C 2 TNXP áo nâu được xe chở lên xã Phạm Văn Cội 1 huyện Củ Chi (lúc này chưa lập nông trường). C 1 và C 3 thì không biết về đâu .?
Xin nói thêm ở chỗ này, về quân số : Từ lúc xuất quân ngày 30/8/75 xuống nông trường Lê Minh Xuân đến thời điểm này ( 20/2/76 ), các C đã hoán chuyển, trao đổi, xáo trộn quân số, kể cả cán bộ C nhiều lần. Ví dụ 56 anh chị em sinh viên văn khoa, mới đầu thuộc C 3, sau nhiều lần tách nhập thì cũng rải đều, có mặt đủ ở các C. Khi C 2 điều chuyển lên Củ Chi vẫn có khá nhiều anh chị em văn khoa trong “đội hình” ...
Từ một vùng ngập trũng quanh năm ở Lê Minh Xuân, đột nhiên thay đổi cái rột qua môi trường khô ráo của vùng đất: “Đất thép thành đồng”, thoạt đầu tạo ra cái cảm giác thích thú: đôi chân được giải phóng ... Nhưng sau này mới thấm thía được thứ đất gì mà mùa nắng cứng như xi măng  mới hiểu được cái nghĩa đen của câu: đất thép thành đồng.
Khi vào đến nơi cần đến thì thấy người ta đã cất sẵn 2 bên đường rất nhiều nhà, cứ cách chừng 10m là một căn nhà cột tre, mái tranh cỡ 4 × 6m trống huơ trống hoác, đằng sau mỗi nhà một cái giếng, cái có nước, cái khô rang.
Đón và sắp xếp cho chúng tôi là anh Ba Hòa.
Anh Ba Hòa tự giới thiệu tên là Phạm Văn Thằng, trong chiến tranh là du kích ở khu vực xã Nhuận Đức Củ Chi. Vài tháng sau giải phóng, anh được tổ chức phân công qua phụ trách một đơn vị TNXP, chắc có lẽ vì sức khỏe anh không còn thích hợp cho công việc của người lính trong quân đội: anh bị thương tật ở bàn tay phải, sau khi vết thương lành thì mấy ngón tay bị co rút lại. Qua lời anh nói, thì ra trước đây vài tháng anh là chính trị viên của C1 TNXP tập trung áo xanh Xuyên Mộc, rồi vì nguyện vọng xin chuyển về công tác ở địa phương cho gần gia đình, cũng một phần vì lí do sức khỏe ...
Sau này có lẽ do cơ duyên ngẫu nhiên, tui có thời gian làm đội phó đội sản xuất đội 11 giãn dân, quản lý vừa công nhân vừa nhân khẩu gia đình công nhân lên tới 4 , 5 trăm người, trong đó có mấy người em vợ của anh. Sau này qua mấy người em vợ, nghe nói anh mất đã lâu.
Anh Ba Hòa hướng dẫn tụi tụi cưa cắt, chẻ tre làm giường chỏng. Tre tàu, tre gai, lồ ồ đổ đống ở văn phòng ban quản lý kinh tế mới tận ngoài ngã ba Bàu Lách cách hơn 2 cây số.
Mấy cái giếng phải nạo vét lại mới có nước, có nước rồi mới đào hố, cắt tranh dại mọc khắp nơi gần đó bỏ xuống hố nhảy xuống dậm, ngào cho đều, đem từng lọn máng lên rui, mè đan sẵn để trét, tô vách nhà.
Một căn nhà như vậy bố trí 1 tiểu đội là vừa vặn.
Sau này khi thành lập liên đội thì mới cất lán trại lớn, mới đủ cho các ban bệ.
Nội cái việc lo chỗ ở không cũng hết mấy ngày ...
Nhưng cũng chỉ mươi ngày, nửa tháng thì C2 được chia làm 2, phân nửa ở lại, phân nửa chuyển lên xã Phạm Văn Cội 2 (PVC), tức nông trường An Phú bây giờ. Các “Sĩ quan” C2 như anh Tám Đông, anh Quý Ninh đều chuyển lên PVC2 hết, ở lại PVC1 chỉ toàn là lính lác, trong đó có tui với hơn 30 anh chị em.
Khi C2 chuyển từ Lê Minh Xuân qua Phạm Văn Cội 1 thì 2 anh Nguyễn Ngọc Tâm và Võ Văn Đệ: Chính trị viên và C trưởng được Thành đoàn giữ lại để sau này bố trí làm cán bộ khung cho các liên đội khác, nên không chuyển cùng C2 đi Củ Chi ...
Lúc này công việc chủ yếu của chúng tôi là gia cố lại các căn nhà mà có lẽ trước đó ban Kinh Tế Mới thuê người ta dựng đại trà ... Nạo vét lại một số giếng chưa đạt yêu cầu.
Anh Ba Hòa hướng dẫn nữ thì đánh tranh, nam thì chẻ hom, chẻ lạt, tranh tre có sẵn ngoài kho, chỉ việc cử người tải vô ...
Nghe “hơi hám” có vẻ sẽ đón thêm quân nữa đây .!?!?
Đúng vậy, trước mắt, ngày 10/3/1976 đã đón khoảng 5, 6 chục TNXP thuộc quận đoàn Bình Thạnh do anh Phạm Văn Ngẫu dẫn đầu , lên sáp nhập với hơn 30 quân tnxp áo nâu tụi tui , thành lập C1 TNXP đầu tiên của đất Phạm Văn Cội.
Đến ngày 28/3/1976, một cuộc ra quân vô tiền khoáng hậu diễn ra tại sân vận động Thống Nhất, hơn 1 vạn thanh niên xung phong làm lễ xuất quân đi khắp các nông trường của thành phố.
Phạm Văn Cội cũng nhận được trên dưới 500 quân cùng một C tại chỗ thành lập nên liên đội 8 với biên chế 6 C ... Lúc này tui mới được lên chức C trưởng C1.
Ngày 28/3/1976 liên đội 8 TNXP chính thức hình thành ...
- Liên đội trưởng là anh : Đặng Nhứt
- Liên đội phó chính trị là anh : Phạm Văn Ngẫu
- Liên đội phó thi công là anh : Nguyễn Đắc Quới
- Liên đội phó hậu cần là chị Trần Kim Oanh
Sau này, cũng giống như nhiều đơn vị khác, liên đội 8 cũng thay đổi, chia cắt, tách, nhập, bổ sung và ... giải thể.
Anh Hai Sang (Phan Hồng Quân - Tiết Hồng Quân) và anh Trần Lượng đã từng là Liên đội trưởng Liên đội 8 một thời gian .
Đến cuối nâm 1977 thì Liên đội 8 TNXP giải thể, một số anh chị em chuyển công tác về ban khai hoang, về Lực lượng TNXP, về các liên đội cơ động. Một số xin xuất ngũ ...vv .. Số còn lại vào biên chế trực thuộc nông trường Phạm Văn Cội làm cán bộ công nhân viên chức.
Riêng tui, tui gắn bó với nông trường Phạm Văn Cội cho đến năm 1990, vì tương lai, vì sự phát triển của các con, gia đình tui mới chuyển về thành phố cho đến giờ ...
Trong 5 năm rưỡi, vừa là TNXP, vừa là cán bộ viên chức nông trường, cũng như bao nhiêu người: Cũng sân si, cũng chống đối, đấu tranh, cũng kèn cựa, mâu thuẫn, cũng bị trù dập lên bờ xuống ruộng ... Bỏ qua bao nhiêu cái thị phi đời thường đó ... Chỉ còn đọng lại những kỷ niệm là đáng nhớ...
Hồi những năm 70 sau giải phóng, ai cũng biết tình hình lương thực thiếu thốn trầm trọng, nhất là qua năm 76, nguồn lương thực gối đầu không có ... Cả nước ăn độn, tùy địa phương, tùy đơn vị mà độn nhiều hay ít ... Những đơn vị tập thể như TNXP, tuy rằng tiêu chuẩn cao hơn các ngành khác, nhưng cũng không thấm vào đâu bởi vì toàn là thanh niên lứa tuổi 20, lứa tuổi tiêu tốn năng lượng nhiều nhất nên ai lúc nào cũng cảm thấy thiếu đói ... Hồi đó, mỗi lần đi phép hoặc có dịp gì về thành phố, có 2 chỗ tui thường ghé, trước là số 84 Xô Viết Nghệ Tĩnh Quận 3, nơi văn phòng Lực lượng TNXP thuở ban đầu đặt tạm ở đó và sau này là số 8 Hoàng Hoa Thám Bình Thạnh, nơi đại bản doanh của ban khai hoang, nơi quản lý các Lực lượng TNXP trên các nông trường ... Hai nơi trên là nơi các TNXP thường xuyên ghé vào, thứ nhất coi có xe nào về đơn vị mình để quá giang, thứ hai cũng là mục đích chính: ăn ké một hai bữa cơm ... Một kỷ niệm ăn chực thiệt dễ thương ...
Hồi đó trong C1 tui ở Phạm Văn Cội có một anh đội viên, tụi tui ưa kêu là anh Bảy Phệ ... Có lẽ ảnh là người lớn tuổi nhứt liên đội, tầm 40 tuổi, cũng vui tính ... Sau những giờ lao động, học tập, hội họp là lúc thư giãn ... Nhiều người nói anh Bảy bói toán hay lắm, tui thì không bao giờ tin những chuyện mơ hồ, mò mẫm như vậy, nhưng cũng vui vẻ để ảnh xủ một quẻ ... Anh bói cho tui đủ thứ, trong đó ảnh nói sau này tui cưới vợ, vợ tui nhỏ hơn tui 6 tuổi ... Nghe chơi cho vui vậy rồi thời gian cũng bẵng đi ...
Ít lâu sau, sau khi vô biên chế công nhân, viên chức nông trường, tui được điều chuyển về đội 11 giãn dân làm cán bộ đội sản xuất, lương của tui được: 59 đồng rưỡi - mức lương khá cao so với mặt bằng thời điểm đầu năm 1978 đó.
Thời điểm này tui có quen với một cô công nhân trong đội sản xuất , qua thời gian tìm hiểu thấy cũng tốt, hiền, gia đình cũng lề lối ...
Khách giang hồ cũng cảm thấy gối mỏi chân chồn: “Ngựa hoang muốn về tắm chốn ao làng ...” Muốn rũ bỏ phong sương, người lữ khách cũng muốn dừng chân để tìm nơi ấm cúng ...
Qua lại một thời gian, bên đó người ta cũng muốn gặp người lớn để bàn chuyện hôn nhân ... Thời điểm giữa năm 78, tui cũng dành dụm được gần 100 đồng, vì có động cơ cưới vợ nên mới tiết kiệm, dành dụm chứ không thì cũng xả láng tháng nào xào tháng đó ...
Giá vàng đang giao động trên dưới 200đ/lượng vàng 24. Khi má tui lên bàn chuyện cưới xin thì hai bên thống nhất trong tháng 12 sẽ tổ chức lễ cưới, ngày giờ cụ thể sẽ thống nhất sau ...
Lúc này thì mới giữa năm thôi nên má tui nói để má tui mượn 100 đồng này làm vốn buôn chuối, khi gần tới đó má tui trả lại ... Tui nói bề nào thì cũng nhờ má sắm sửa nữ trang chứ tui có biết gì ... Tui lấy ni nhẫn cưới rồi nói tới gần đó má mua thêm luôn các thứ dùm ...
Lúc này tui liên tưởng đến lời phán quẻ bói ngày nào của anh Bảy Phệ, tui cười thầm đắc ý: Anh nói trật lất rồi anh Bảy ơi ... Vợ tương lai của tui chỉ nhỏ hơn tui có 4 tuổi thôi, trong khi ảnh bói là 6 tuổi ...
Nhưng ở đời có ai học được chữ ngờ..? Có khi hoàn cảnh của một con người chỉ được (hay bị) thay đổi vào phút 89 ...
Gần tới giờ G thì vàng bỗng dưng lên giá phi mả, tháng 6 đến tháng 10/78 giá ổn định trên dưới hai trăm đ/lượng 24 kara, qua đầu tháng 11 chốt ở mứt giá 2 ngàn VN đồng /lượng ...
Một trăm đồng , 3, 4 tháng trước mua được 5 chỉ, bây giờ còn mua được có 5 phân.
Nhưng chưa hết ... Đúng là “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, đang sốt ruột vì giá vàng thì tui nhận thêm “hung tin” ... Sau mấy tháng ra vô Long Khánh - Sài Gòn buôn chuối, vì không có kinh nghiệm nên hư hao, lỗ lã, thâm thủng, cuối cùng là má tui cụt vốn ... Bây giờ 1 phân vàng cũng không có tiền để mua. “Thôi rồi tình duyên của con đi theo mấy buồng chuối của má rồi má ơi !” ... Tui rên lên thảm thiết khi nhận được tin xấu ...
Bây giờ tiền đâu mà cưới vợ .? Hồi đó làm gì có ngân hàng đâu mà mượn .? Chỉ có mấy cái hợp tác xã tín dụng tiết kiệm, làm sao mà mượn được ... Cho dù có ngân hàng thì muốn mượn cũng phải có cái gì thế chấp .! Còn mượn bạn bè TNXP .? Đứa nào cũng “vô sản” , tụi nó “vả” gần chết lấy gì cho mình mượn .?
Gần tới ngày “hoàng đạo”, nhà gái hối thúc đàng trai chốt lại thủ tục và ngày giờ ... Tui giờ chết đứng như ông Từ Hải, quýnh quá, không biết tính làm sao .?
Làm sao cũng phải tính làm sao ... Sau mấy ngày suy nghĩ, tui gặp em nói chuyện hoãn đám cưới lại, em chỉ biết khóc, còn tui thì ậm ừ ... Vì sĩ diện mà tui không nói thật lí do ...
Hơn năm sau em lấy chồng, người cùng địa phương, hiện vẫn sống tại nông trường Phạm Văn Cội nhưng mãi mãi em vẫn không biết được tình đầu của em dang dở là do ..giá vàng.! Thiệt là khôi hài (hay bi hài).
Hồi đó quan hệ nam nữ rất là trong sáng, nắm tay là dữ lắm rồi chứ không “quỷ quái” như bây giờ ...kkkkk Nên khi nhớ lại cũng không áy náy lắm ...
Ít lâu sau tui cũng lập gia đình với bà xã hiện giờ .!
Nhưng điều ngạc nhiên là bà xã tui nhỏ hơn tui đúng 6 tuổi, đúng như quẻ bói năm nào anh Bảy Phệ “xủ” cho tui ... Thật là vi diệu ... Sau này tui muốn tìm lại anh Bảy để cảm ơn anh đã phán một quẻ bói dù là trò chơi vô tình hay ngẫu nhiên nhưng đã bói ra cho tui một người vợ .
Dù trong mấy chục năm qua cũng có lúc cải vả, giận hờn, to tiếng ... Nhưng nói chung là một người vợ tuyệt vời, đã đẻ cho tui một gái, một trai thật ngoan, chúng nó không vướng vào tệ nạn xã hội nào và đều học hành đến nơi đến chốn. Dù không giàu có, dư dả hơn ai nhưng tui tự hào và hãnh diện với gia đình mình, tui muốn gặp anh để cảm ơn vì điều đó.
Nhưng bóng chim tăm cá ... Không biết anh trôi dạt về đâu, còn hay đã mất ... Nếu tính thời gian thì giờ nếu còn sống anh cũng đã trên 80 tuổi ...
Cuộc đời của mỗi con người có rất nhiều kỷ niệm ... Có những kỷ niệm nhẹ nhàng dễ thương, có những kỷ niệm sâu sắc đậm đà, cũng có những kỷ niệm xốn xang dữ dội ... Cũng muốn kể lể thêm vài kỷ niệm nhưng hồi ký cũng đã quá dài và cũng mệt mỏi rồi, xin hẹn mọi người vào dịp khác vậy ...

Cảm ơn mọi người đã bỏ thời gian theo dõi và ủng hộ ...

Hết .

NGUYỄN QUỐC THẮNG

CỰU THANH NIÊN XUNG PHONG ÁO NÂU LÊ MINH XUÂN & LIÊN ĐỘI 8 PHẠM VĂN CỘI.

Mời xem tiếp: Kỳ 1: Tui đi thanh niên xung phong - Nguyễn Quốc Thắng.

Mời xem tiếp: Kỳ 2: Tui đi thanh niên xung phong - Nguyễn Quốc Thắng.


Hình minh họa sưu tầm từ kho ảnh của LLTNXP TPHCM và Facebook tác giả Nguyễn Quốc Thắng. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
THƠ: CÓ BAO GIỜ... - Trần Việt Sơn (2024-04-05)
TRUYỆN NGẮN NHỮNG MÓN QUÀ TẾT VÔ GIÁ (Kỳ 2) - Trần Việt Sơn. (2024-01-10)
TRUYỆN NGẮN NHỮNG MÓN QUÀ TẾT VÔ GIÁ (Kỳ 1) - Trần Việt Sơn. (2024-01-09)
THƠ : SAO EM KHÔNG VỀ... - Trần Việt Sơn (2023-09-24)
THƠ: KHÔNG GIỠN À NGHE ! - Trần Việt Sơn (2023-05-28)
NHỮNG ĐỒNG ĐỘI CŨ CỦA TÔI ƠI ! - Thiên Thanh (2023-03-28)
Truyện ngắn: HÃY TIN TÔI - Trần Việt Sơn (2022-07-05)
THƠ : HÃY ĐỂ CHO EM... Trần Việt Sơn (2022-06-30)
THƠ : HÃY ĐỂ CHO ANH... - Trần Việt Sơn (2022-06-26)
THƠ: NGÀY TRỞ VỀ - Trần Việt Sơn (2022-05-18)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á