|
Kỳ 2: THUỐC TRỊ BÁ BỆNH VÀ BỆNH LÁC - KÝ ỨC C1 TNXP – PHẦN 2 - TRẦN VIỆT SƠN.
Sau ngày giải phóng 30/4/75, có thể nói đời sống xã hội thiếu rất nhiều thứ. Hoàn cảnh TNXP sống bao cấp lại càng thiếu thốn, nhất là thuốc chữa bệnh. Dưới đây, là một số kỷ niệm của tác giả và của đồng đội. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Trần Việt Sơn. Nhóm biên tập đặt lời tựa của bài, để tiện đọc. Xin cám ơn tác giả. NBT.
THUỐC TRỊ BÁ BỆNH
Thời 75 mới giải phóng thống nhất đất nước, vấn đề thuốc trị bệnh phải nói thẳng là cực kỳ thiếu thốn, đối với chúng tôi, ngày đêm lao động vất vả dãi nắng dầm mưa, ai mà không bệnh này cũng bệnh kia, nổi bật là cảm nắng trúng nước nhức đầu… Trong đơn vị cũng có 1 y tá là chị Ba Diệu, ngoài những thứ bông băng thuốc đỏ, tủ thuốc gần như trống trơn. Nhưng có 1 điều lạ là bất cứ đứa nào lên khai bệnh, chị cũng tươi cười cấp duy nhất 1 loại thuốc nâu nâu bắt uống tại chổ, rồi sau đó ai cũng khỏe ra hết hẳn. Không biết đó có phải là do chúng tôi còn trẻ sức đề kháng mạnh hay đó là loại thuốc thần dược nào đó. Tò mò tìm hiểu, rồi hỏi, rồi mới thấy dù bất cứ bệnh nào, chị Ba cũng cho 1 loại thuốc giống nhau, nó có tên là XUYÊN TÂM LIÊN. Công nhận chị rất khéo, nói theo thời đại bây giờ là chị dùng liệu pháp tâm lý, đứa nào bị bệnh chị cũng đều động viên và xoa dịu “uống thuốc đi cho mau hết, về ngủ một giấc thì khỏe ngay, thanh niên gì mà yếu xìu, đứa nào khai bệnh hoài là trốn lao động hư lắm”. Không biết do thuốc hay do lời động viên, nhưng đó đúng là thuốc trị bá bệnh cho chúng tôi !
LÁC ÔI LÀ LÁC !
Ở đơn vị chúng tôi thời đó cứ 10 người nam là hết 8 bị lác, nó là loại bệnh xuất hiện ở vùng kín hay vùng nhạy cảm. Nguyên nhân chính là do ở dơ và ẩm ướt, nó tạo nên những khoanh tròn nhầy, sau đó lan rộng ra làm ngứa không chịu nổi, ác một cái là càng ngứa càng gãi vết lở càng lan rộng chứ không hết. Môi trường lao động của chúng tôi đa phần là ở trong rừng, thời tiết thì làm sao biết trước, đang trời nắng mồ hôi đổ nhễ nhại trời lại bất ngờ mưa to, đứa nào cũng ướt nhẹp từ ngoài vô trong. Khi nắng lên lại làm tiếp cho đạt chỉ tiêu, chiều về có khi mệt quá để nguyên bộ đồ ăn cơm xong là ngủ luôn. Cứ thế làm sao không bị lác, có đứa về thành phố nghe người ta bày mua 1 loại thuốc tên Bộ Lư, đem lên xức thì thấy có lý dù xức vào thì rát ơi là rát, nhưng rồi cũng bị lại. Vô tình bửa nọ có thằng khi hút thuốc lào bị say ngã té, nước trong ống đổ ra đầy quần hôi không chịu nổi, nhưng vô tình thằng đó mấy ngày sau lại mừng rỡ la lên “tao bớt lác rồi, nhờ cái nước hôi hám đó tụi bây, làm thử giống tao đi”. Hết đứa này rồi đứa kia thử, cứ bịt mũi lấy tay không thoa thuốc lên chổ bị lác. Tôi thì không bị, nhưng khi hỏi thì thằng nào cũng nói là hiệu quả hết chổ nói. Từ đó, mổi lần cầm ống lên để hút thuốc lào đều phải đổ nước vào vì bao nhiêu nước tụi bạn đã đổ hết ra để xức lác.
TRÀ RỂ TRANH VÀ HÀ THỦ Ô
Lúc đầu, cắt tranh để đan thành tấm lợp nhà, chúng tôi chỉ từ mặt đất lên khoảng 2 tấc mới cắt, phần gốc không để ý đến. Sau đó, để có mặt bằng làm doanh trại và đường đi, lãnh đạo chỉ thị đào cả gốc tranh vì có cắt sát gốc đi nữa thì nó sẽ vẫn mọc trở lại. Thế thì đào, rễ của cỏ tranh rất nhiều, nếu đào mà bỏ sót thì không được, vậy là rễ chúng tôi đào lên, lúc đầu gom lại từng đống rồi đốt. Một số người dân trong vùng đi ngang thấy như vậy nên nói “tụi bây phí của, cái rễ này nấu nước uống thì mát lắm, nếu không xài thì cho tao “Nghe có lý, anh Văn thiện Hữu (anh nuôi) nấu thử, rồi khi nguội anh em cùng nhau uống, đúng là ngon. Từ đó thay vì uống nước chín thì nay đổi qua uống loại nước này nếu ai muốn ngon hơn thì thêm chút đường. Ngoài ra, trong đám cỏ tranh, còn 1 loại thuốc quí mà ít ai biết, đó là HÀ THỦ Ô. Loại này, cả củ rễ, dây và lá đều là thuốc quí (về sau này mới biết). Dây và lá thì phơi khô, còn củ rễ thì đào lên xắt lát cũng phơi khô, nấu nước uống thì hơi đắng, màu thì giống nước trà, uống vào làm trong người khỏe khoắn mát gan đở nhức đầu. Cần nói thêm 1 chút về vấn đề đào củ rễ, lúc đầu chúng tôi cứ lấy cuốc và dao, nhưng những bác thợ rừng cười và chỉ dẫn “nói về vị thuốc, phải nhớ mộc kỵ kim, tức là đào nó không được dùng cái gì bằng kim loại, mà phải dùng tre hoặc cây vót nhọn, đào như thế mới giữ được vị thuốc, đào như tụi bây thì còn đâu chất bổ dưởng . Hèn chi, khi chúng tôi đào lên, củ rễ đổi màu qua xám xịt không trắng trẻo như ban đầu. Nhưng cũng từ lúc uống giải khát bằng loại nước nấu với rễ tranh, hay hà thủ ô, ai cũng đi tiểu đêm 2 – 3 lần rất khó chịu mất giấc ngủ, và riêng đối với những người nam thì lại xảy ra 1 chuyện vô cùng phiền phức (đêm ngũ bị bắn máy bay, ướt quần!), …thôi vì lý do tế nhị tôi không nói ra đâu, xấu hổ lắm !
TÁC GIẢ : TRẦN VIỆT SƠN (CỰU TNXP ÁO XANH C 1 -75).
Mời xem thêm:
KÝ ỨC C1 ÁO XANH (Kỳ 1): THẰNG ĐÓ LÀ VIỆT CỘNG! - TRẦN VIỆT SƠN. (2018-08-23)
KÝ ỨC C1 ÁO XANH (Kỳ 2): ĐI XUYÊN MỘC BÀ RỊA - TRẦN VIỆT SƠN. (2018-08-23)
KÝ ỨC C1 ÁO XANH (Kỳ 3 – Hết): NHỮNG BIỆT HIỆU VUI - TRẦN VIỆT SƠN. (2018-08-23)
Hình minh họa sưu tầm từ Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|
|