Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG
       Thông tin sinh hoạt  
       Văn-Thơ-Kể chuyện  
       Hướng dẫn sử dụng  
       Liên lạc - Góp ý  

Tuyến đầu – “miền đất” của những cây bút tài hoa - ĐOÀN XUÂN HẢI.

Tác giả đi TNXP ngày 27/3/1977, chịu cơm ấy nên ở và công tác liên tục đến 12 năm. Do có thời gian làm ở Tập san Tuyến Đầu TNXP, nên ông biết nhiều chuyện của người trong cuộc. Những cựu TNXP thời đó cũng yêu thích và tự hào với tập san của mình, đồng thời cũng được thanh niên thành phố tìm đọc sau mỗi kỳ phát hành số mới. Nó chỉ là tập san nội bộ, nhưng nhiều người quen gọi nó là Báo Tuyến Đầu. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đoàn Xuân Hải trong sách MỘT THỜI CHÂN ĐẤT sẽ ra mắt ngày 20/3/2021.

Phong trào Văn-Thể-Mỹ những năm đầu thành lập Lực Lượng TNXP TP.HCM có điều gì đó khá đặc biệt. Bên cạnh Đội Văn công TNXP gây tiếng vang lớn trong “làng ca khúc chính trị” của thành phố, một hoạt động khác có thể nói là “hiện tượng” trong việc truyền… lửa cho đồng đội cũng như một số người ngoài TNXP - đó là tập san Tuyến Đầu.

Tập san Tuyến Đầu được khai sinh bởi Tổng đội TNXP Xây dựng Kinh tế mới (sau sáp nhập với Tổng đội TNXP Thành Đoàn để thành lập Lực Lượng Thanh Niên Xung Phong TP.HCM), trụ sở chính tại 922 Nguyễn Trãi, Quận 5, TP.HCM. Cũng giống như hầu hết các ấn phẩm phục vụ công tác chính trị thời bấy giờ, tập san Tuyến Đầu (in ấn trên khổ giấy A4) hoàn toàn được bao cấp và chỉ lưu hành nội bộ, cấp phát miễn phí cho cán bộ - đội viên TNXP. Giai đoạn đầu (06.1977) Tuyến Đầu số 1 do anh Vũ Minh Thành phụ trách, trong ê kíp có sự tham gia của Đỗ Trung Quân, Hà Giang… Thời đó Đỗ Trung Quân ngoài chuyện đi cơ sở viết bài, sáng tác thơ - văn, anh còn kiêm luôn vẽ minh họa; anh Hà Giang thiết kế, vẽ bìa, vẽ minh họa.

Từ 1980-1982, tập san Tuyến Đầu mới thật sự khởi khắc và mang dấu ấn đậm nét đối với người đọc. Giai đoạn này, anh Nguyễn Thái Hiếu, Trưởng phòng Chính trị LL.TNXP là người chịu trách nhiệm về mặt xuất bản, còn việc tổ chức bài vở, biên tập, trình bày, in ấn, phát hành và tất nhiên là viết nữa, thuộc về những cây bút: Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Tôn Thất Tùng Lâm (Nguyễn Trung Đỉnh), Nguyễn Quang Minh… Tuyến Đầu lúc này đã chuyển từ khổ A4 sang A5 (13x19 cm), với giao động từ 116-132 trang. Đây cũng là thời kỳ Tuyến Đầu thu hút được sự cộng tác bài vở của nhiều cây bút bên ngoài: Bùi Chí Vinh, Kim Hạnh, Đào Chí Hiếu, Thanh Nguyên, Võ Thái Nguyễn, Bùi Thị Trinh, Lê Thị Kim, Lê Văn Nghĩa, Đoàn Thạch Biền và ba cây bút TNXP đã chuyển ngành: Trần Ngọc Châu, Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân; đồng thời cũng là giai đoạn phát huy khả năng viết của những cây bút TNXP còn tiềm ẩn: Đào Công Điện, Phan Tiến Trình, Phạm Trường Phục,… Tuyến Đầu thời kỳ này đã vượt ra ngoài khuôn khổ lưu hành nội bộ, góp mặt trên các sạp báo ở TP.HCM, được đông đảo bạn đọc yêu mến TNXP hưởng ứng. Cũng trong giai đoạn này có phóng viên ảnh chuyên nghiệp, nhà báo Phan Bá Đương chuyển từ báo Tin Sáng về làm chính thức tại Tuyến Đầu, bên cạnh đó phần trình bày do anh Hoàng Ngọc Biên phụ trách. Từ nội dung đến hình thức, Tuyến Đầu trong giai đoạn này được nhiều độc giả nhớ đến nhất. Đặc biệt, cũng trong thời điểm ấy Bộ Văn hóa - Thông tin đề nghị chọn Tuyến Đầu (cùng một số ẩn phẩm khác của Việt Nam) đem đi triển lãm trong Hội chợ Sách ở Tiệp Khắc.

Từ năm 1982 và những năm sau đó, các thành viên trong ê kíp thực hiện lần lượt chuyển ngành sang các tờ báo lớn ở TP.HCM: Nguyễn Nhật Ánh qua báo Sài Gòn Giải Phóng, Bùi Nguyễn Trường Kiên về báo Tuổi Trẻ, Tôn Thất Tùng Lâm gia nhập báo Thanh Niên, Nguyễn Quang Minh đầu quân báo Cao Su Việt Nam… nên Tuyến Đầu tạm thời ngưng hoạt động.

Sang năm 1983, Tuyến Đầu được khôi phục dưới sự điều hành của anh Vũ Minh Thành (Chủ nhiệm). Bộ sậu thực hiện có sự tham gia của: Đỗ Phi Hùng, Dương Kim Kết, Phạm Khiết (Phạm Trường Phục), Lê Văn Mai. Đến năm 1985, rồi 1986 người chịu trách nhiệm xuất bản là Huỳnh Xuân Lũy, biên tập gồm có Tạ Minh Quốc, Phạm Khiết, Dương Kim Kết, Lê Hồng Phong. “Sự trở lại” lần này cầm cự được vài năm rồi lại “gãy gánh”.

Mãi đến năm 1989, Tuyến Đầu mới được vực dậy lần nữa do anh Đỗ Phi Hùng đảm trách. Lần “tái xuất giang hồ” này rất tiếc không còn mang tên Tuyến Đầu nữa, Manchette đổi thành TNXP (có lẽ đây là ấn phẩm truyền thông duy nhất ở TP.HCM viết tắt tên gọi trên Manchette), in ấn trên khổ giấy A4 như thời kỳ đầu.

Có 2 nguyên nhân chính lý giải cho sự “thay tên đổi họ” lần này: Một là, do sự ràng buộc về cơ chế, muốn xuất bản báo chí phải được Bộ VH-TT cấp phép, trong khi LL.TNXP TP.HCM chỉ được xem như 1 đơn vị ngang cấp sở, nên chỉ thực hiện trong phạm vi “bản tin” mà thôi; bên cạnh đó (đây được xem yếu tố quyết định), không còn những người điều hành cũ, các cây viết tên tuổi cộng tác ngày càng thu hẹp dần. Tập san Tuyến Đầu trong giai đoạn 1980-1982 ngoài việc dành một số trang đưa tin về hoạt động của TNXP ở hiện trường, còn lại thiên về tính chất văn học. Những năm sau đó, tập san (do những người khác phụ trách) cũng kế thừa cách làm nêu trên – song, trong bối cảnh LL.TNXP TP.HCM đã bước sang giai đoạn làm ăn kinh tế thực thụ, “thời lãng mạn” với những đề tài thăng hoa, “bay bổng” đã lui vào dĩ vãng. Do vậy, chuyển sang Bản tin TNXP là vừa sức, phù hợp với hoàn cảnh thực tại lúc bấy giờ.

Tờ TNXP tồn tại đến 1993 thì… giải tán, ê kíp thực hiện cũng “tan đàn xẻ nghé”: Đỗ Phi Hùng được thuyên chuyển qua làm Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, Phan Tùng Châu đầu quân về báo Tuổi Trẻ, Đoàn Xuân Hải khăn gói sang báo Thanh Niên, Đào Công Điện về nhà mở lớp dạy Anh văn…

Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra một điều thú vị, đó là hầu hết những người làm báo xuất thân từ TNXP đều trở thành phóng viên chính thức ở những tờ báo lớn của TP.HCM và Trung ương. Điều này không phải ngẫu nhiên. Có thể giải thích bởi môi trường sinh động của TNXP đã tạo ra điều ấy cộng với tố chất sẵn có khi họ đi TNXP, vốn thuộc thành phần “tiểu tư sản trí thức” (sinh viên - học sinh - có người đã tốt nghiệp đại học), có nền tảng văn hóa và kiến thức. Sự “ngang tàng”, “khí phách”, “hào hoa” và khiêm tốn, nhưng phong cách làm việc nghiêm túc, rất có trách nhiệm đã giúp họ tích lũy vốn sống phong phú về nhiều mặt, trong đó có chuyện viết lách. Nhờ sự tích tụ ấy, nên khi rời khỏi môi trường TNXP, hầu hết các cơ quan báo chí ở TP.HCM đều mở rộng cửa chào đón họ. Trong số đó, báo Tuổi Trẻ được TNXP đầu quân đông nhất, gồm: Trần Ngọc Châu, Đỗ Trung Quân, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Nguyễn Đông Thức, Phan Tùng Châu; Kế đến là báo Thanh Niên: Tôn Thất Tùng Lâm, Nhã Bình, Đoàn Xuân Hải; Báo Sài Gòn Giải Phóng: Cao Vũ Huy Miên, Nguyễn Nhật Ánh; Báo Người Lao Động: Phạm Khiết; Đài Truyền Hình TP.HCM (HTV): Trần Văn Hưng…

Sự táo bạo, dám nghĩ dám làm và làm một cách thận trọng, có “đầu tư chất xám” đã giúp cho Tuyến Đầu không bị xơ cứng về nội dung, đơn điệu về trình bày như hầu hết các ấn phẩm “Lưu hành nội bộ” thường thấy. Vì lẽ đó, khi xuất hiện trên các sạp văn hóa phẩm, Tuyến Đầu (giai đoạn 1980-1982) đã xứng đáng trở thành một ấn phẩm văn hóa mang tính chuyên nghiệp, ngày càng được nhiều cộng tác viên tham gia viết bài, trong đó có nhiều cây bút không phải TNXP.

Cũng từ mảnh đất “ươm mầm những tài năng” này mà khá nhiều bài thơ đăng trên Tuyến Đầu (và một số báo khác) được phổ thành nhạc phẩm mang tính “kinh điển” của một thời khoác áo xung phong: Những bông hoa trên tuyến lửa (thơ Đỗ Trung Quân - nhạc Nguyễn Cửu Dũng), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh - nhạc Phạm Minh Tuấn), Trăng treo đỉnh đầu (thơ Cao Vũ Huy Miên – nhạc Lê Đức Du), Hương tràm (thơ Đỗ Trung Quân - nhạc Vũ Hoàng), Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen (thơ Nam Thiên - nhạc Trương Quang Lục), Đầu xuân ra sông giặt áo (thơ Nguyễn Nhật Ánh - nhạc Lã Văn Cường), Trên đường đời (thơ Nam Thiên - nhạc Lã Văn Cường), Nụ cười Duyên Hải (thơ Đỗ Trung Quân – nhạc Lã Văn Cường)…

Có một câu hỏi đặt ra là: Tại sao tập san Tuyến Đầu gây ấn tượng với độc giả mặc dù đó chỉ là một ấn phẩm thực hiện nhiệm vụ chính trị và mang tính lưu hành nội bộ? Câu trả lời nằm ở chỗ nội dung của nó. Tuyến Đầu chứa đựng “hơi thở của thời đại” với một thông điệp rõ ràng về lớp thanh niên Sài Gòn đã và đang “bỏ phố lên rừng”, dấn thân vào một môi trường gian khổ với tính thuyết phục cao và hợp lòng dân. “Thông điệp” ấy được truyền tải bằng lối viết chân phương, không “màu mè hoa lá hẹ”, diễn đạt dễ hiểu. Nhưng quan trọng hơn hết là những tác phẩm văn chương ấy thể hiện “tính chuyên nghiệp”, “có nghề” và “có tâm” của các cây bút mà điểm xuất phát đa số đều là dân nghiệp dư. Tuy không chuyên nhưng rõ ràng bút pháp có nội lực, để đến hôm nay phần lớn trong số họ đã “khẳng định tên tuổi” trên văn đàn, cá biệt có người trở thành tác giả best seller của Việt Nam.

Trong tiến trình 45 năm hình thành LL.TNXP TP.HCM, tập san Tuyến Đầu đã in đậm dấu ấn của mình với bạn đọc, xứng đáng được nhắc đến như một “sân chơi của những gã lãng tử”, họ đã mang đến cho giới văn học và báo chí nhiều điều thi vị từ chính trí tuệ, mồ hôi, công sức xuất phát từ một lý tưởng cao đẹp “vì một đất nước Việt Nam tươi sáng hơn ở ngày mai…” của chính họ và hàng vạn đồng đội của họ, từ 45 năm trước.

Đoàn Xuân Hải

Nguồn FB ngày 06/3/21: Có gì trong "MỘT THỜI CHÂN ĐẤT".


Hình minh họa trên Facebook của Nhóm "MỘT THỜI CHÂN ĐẤT". Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
THÔNG TIN VỀ HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG NHÂN KỶ NIỆM 48 NĂM THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG TNXP TP.HCM. (2024-03-20)
NGÀY 29.02.2024 DƯƠNG LỊCH LÀ MỘT NGÀY ĐẶC BIỆT (Leap Year) – Sưu tầm. (2024-02-29)
KÍNH CHÚC MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VN - Nhóm Biên Tập (2024-02-27)
KÍNH CHÀO NĂM MỚI – XUÂN GIÁP THÌN. (2024-02-05)
KỶ NIỆM 52 NĂM NGÀY NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ ẤN ÐỘ - Sưu tầm. (2024-01-07)
KÍNH CHÀO NĂM MỚI – NĂM 2024. (2023-12-31)
CHÚC MỪNG KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM. (2023-10-20)
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” CỦA ĐOÀN GIỎI - Sưu tầm. (2023-10-20)
KỶ NIỆM 33 NĂM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI (1/10/1991 – 2023) – Sưu tầm (2023-10-01)
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ NAM THIÊN ÔNG VĂN CHIẾN – Lê Minh Quốc (2023-09-25)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á