|
TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG THANH NIÊN XÂY DỰNG CUỘC SỐNG MỚI. - Trung Võ. Hôm nay 07/11/2021, nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống TrườngThanh niên Xây dựng cuộc sống mới. Xin đăng lại vài dòng ghi vội kỷ niệm ngày xưa của anh, tác giả Trung Võ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. NBT.
Đêm rừng Vĩnh An - những khuôn mặt không quên.
Ngày ấy, sau khi trình quyết định tại 124 Nguyễn đình Chiểu, tôi được Thái Lương hướng dẫn tận tình đường lên Vĩnh An, cấp cho cái nón và đôi dép râu, bộ đồng phục màu xám rất đẹp mà rộng thùng thình.
Quá giang xe chở lương thực,ngừng ở ngã ba Dầu Giây ăn cơm rồi đi tiếp.
Từ cây số 96, xe rẽ vào rừng cao su, dốc Mít nài, khu kinh tế mới Vĩnh An. . . rồi tới bến phà. Ngồi đò qua sông, đi bộ chừng 4 cây số thì tới khu lán trại đầu tiên, có tiếng ê a học bài. Đây là Phân hiệu Thiếu Niên thuộc trường TN XDCSM TP.
Các khu còn lại đóng dài theo bờ sông La ngà (có người nói là sông Sài gòn nhưng tôi thích gọi La ngà hơn). Lần lượt là các khu 2,3,4,5,6 riêng khu 7 đóng bên kia suối 50.
Tôi về cơ quan Phân hiệu Tân phú (Vĩnh An), được phân công về phòng Tuyên huấn với Trưởng Phòng là anh 6 Nhã (Đỗ văn Nguyên),c ùng phòng có Nguyễn văn Biện, Dương Hồng, Trần việt Sơn. . . Ngoài ra có mấy học viên được rút lên để làm phong trào như vợ chồng Thư-Minh, Tâm việt kiều gốc Miên. . .
Dương Hồng nhỏ con, làm bổ túc văn hoá, tính tình kỹ lưỡng, hát hay và khỏe. Anh Biện thì hơi lớn tuổi, là lính trước 75, có tình nghĩa với anh em, chỉ có điều. . . lang ben nhiều quá, hi hi.
Tôi được phân công báo cáo 6 bài học chính trị cho học viên mới các khu. Cụ thể là bài: Đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta anh hùng (giờ mà kêu báo cáo,chắc thua). Ngày có lịch thì tôi cùng Trần việt Sơn đi xuống khu, mang theo loa tay xài pin. Báo cáo viên ngồi cái bàn nhỏ, người nghe thì ngồi dưới đất, mỗi đợt khoảng 200-500 người.
Rồi thì sau thời gian lạ nước lạ cái, tôi cũng quen dần với khung cảnh Vĩnh An, với cảnh trời mù sương sáng sớm, quen với những mái nhà tranh nền đất, những con đường rừng đầy ắp cây dầu con rái, bằng lăng, những cây cầy Kơ nia thơ mộng. Những bến tắm tập thể mỗi chiều, những sạp giường tre đập giập không êm như ở nhà. Quen với tiếng kẻng thể dục lúc 5 g sáng, quen với việc phải ăn nhanh và đừng mơ mộng khi ăn, vì ngó qua ngó lại thì đồ ăn sạch bách.
Lúc này tôi gặp anh Phan quý Hoàng, phó phòng Tuyên huấn vừa đi tập huấn về. Ảnh người Huế, dân Hương Trà hay Hương Điền gì đó, tánh điềm đạm, ít nói thâm trầm, ngâm thơ hay. Dạo gần cưới vợ, nghe ai bày hổng biết, đêm nào ảnh cũng đi săn lùng tắc kè, trời âm u mưa gió gì cũng đi,thiệt tình hết biết. Sau này ảnh là đại gia ở Nha Trang,có điều chỉ giao tiếp bạn bè qua tin nhắn, không nghe điện thoại được, bị nặng tai hoàn toàn không nghe được.
Khu cơ quan thì có anh Lực Văn phòng mà giờ không biết ra sao, có Vũ thị anh Khanh, Nguyễn Hồng Lam, Lê nguyên Cường, Hà Phước U, rồi thì cả Hoàng, Trần văn Danh, Cẩm Nhung, Thông, hữu Được, Sáng xịn. . . Anh Phạm đình Thái là Phân hiệu phó, TP hậu cần, một sinh viên văn khoa giỏi tiếng Pháp, vui vẻ hoà đồng với anh em, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc trong công việc, tiếc là ảnh mất sớm.
Do công việc, tôi cũng thường gặp các tướng lĩnh ở các khu như: Đỗ văn Trọng, Trần hữu Thạch,Trần chí Hiệp,Nguyễn cao Linh,Thanh Hoa,Trương hùng Dũng,Lưu Hoài Ngà, Nguyễn văn Thái, Huỳnh văn Nhiều, Đỗ Huỳnh Thâu. . . Anh em cư xử với tôi rất chân tình, tối có gì ngon cũng rủ độ. Mà thiệt tình lúc đó có những cơn đói lúc 11g,12g đêm, tụi tôi hay gõ cửa kho của Hồng Lam, lúc thì xin gạo, lúc con khô, nước mắm. . . Vậy mà cũng quất sạch bách nồi cơm, đúng là thời trai trẻ.
Đêm về khuya, cái lạnh Vĩnh An như xoáy vào da thịt, nó ngấm vào trong người không như cái lạnh Đà Lạt. Ở phiên gác đêm, bên đống lửa bập bùng, quấn thêm cái mền, chỉ có kéo bi thuốc Lào và uống miếng trà cô (nấu lâu nhiều lần châm nước) là tạm quên cái lạnh, tạm quên nỗi nhớ nhà, quên ánh đèn Sài Gòn.
Nhớ những đêm học viên đào trại vượt sông chết chìm, cứ nhìn cảnh vớt lên từng người để trên sạp tre, không bao giờ quên cuộc sống khắc nghiệt nơi đây.
Tôi cũng không quên những đêm cuối năm, sau chúc Tết giao thừa là cuộc vui chơi, múa tập thể suốt đêm của những chàng trai cô gái, âm thanh vang dội cả núi rừng.
Sau này bổ sung thêm nhiều cán bộ về như anh Ba Thái (Nguyễn minh Lân), 9 Trước, Lê văn Dinh, Lê đình Diệu. . . và tổ chức cơ quan cũng dần thay đổi cho phù hợp.
Nhớ da diết những ân tình ngày đó với Vũ Thắng, Lê hữu Phước, Võ phương Chi, Lê văn Dinh, chị Mỹ Liên, Quỳnh Nhi, Đỗ kim Nhuy, Cẩm Hồng, Minh Thắng, Tô thiên Vũ, Lợi Ken, Hùng Tài Vụ, Nguyễn văn Huân. . . và còn nhiều nữa không sao kể hết.
Đã hơn 40 năm, tôi vẫn nghe như đâu đây tiếng hát tập thể mỗi sáng sau khi chào cờ:
“Ta đi chân dép Bình Trị Thiên, vượt qua gian khó vượt suối băng ngàn, người thanh niên trẻ nào ngại nắng mưa, mồ hôi tuôn đổ dưới ánh mặt trời..”. Hay
“Ta hay hát vang câu ca chào mừng, từng đoàn thanh niên đi dựng xây đất nước..”.
Sự đời có thể đổi thay, hoài bão năm xưa có thể bị cuốn trôi không như mong muốn, nhưng vùng đất Vĩnh An vẫn mãi ghi dấu một thời đẹp nhất.
Sưu tầm từ Facebook: Nguyễn Văn Nghĩa - 7 tháng 11, 2020
Trung Trí sưu tầm đăng bài.
Hình minh họa sưu tầm trên internet và FB Nguyễn Văn Nghĩa, phụ chú thêm của NBT trang Web. Xin cám ơn các tác giả.
|
|