Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

Kỳ 2: Tui đi thanh niên xung phong - Nguyễn Quốc Thắng.

Đổ quân xuống Lê Minh Xuân được mấy ngày, cũng chưa ổn định chỗ ở với công việc thì anh C trưởng (hình như anh Bộ .?) nhận thông báo của Ban Chỉ huy trên tuyển vài người khỏe mạnh để theo mấy anh bên thủy lợi lên rừng đốn cây về làm cọc tiêu phục vụ cho đo đạc, cắm mốc ...

Tui cùng 2 đứa học sinh lớp 12 trường Nguyễn An Ninh cũng bự con, (tụi nó đi TNXP 3 tháng rồi về - được cộng điểm thi), một đứa tên Phương, một đứa tên Hùng ... Tụi tui được chở bằng xe zíp về trạm canh nông ngay chân cầu Thị Nghè lên xe molotowa cùng với 3 anh, trong đó 1 là tài xế, 2 anh còn lại chắc là chuyên viên thủy lợi, hướng Tây Ninh trực chỉ ... Tới chiều tối thì tới nơi, nghe mấy ảnh nói ở đây là qua khỏi Xa Mát ... Ở đây có chừng hơn chục nóc nhà, có lẽ chỗ mấy anh trong chiến tranh đã từng ghé qua, thấy đa số dân ở đây đều quen biết với mấy ảnh. Theo hướng dẫn của mấy ảnh, tụi tui dọn vô một căn nhà phên tre, lợp tôn, cũng rộng rãi, lót chiếu ở một góc nhà xong lên cơm nước với mấy anh cùng gia đình chủ nhà...
Rừng ngay sát bên nhà, sáng dậy, sau khi ăn sáng xong là bắt tay liền cho kịp thời gian.
Mấy ảnh gởi gạo nhờ gia đình nấu dùm cơm nước, cũng đạm bạc thôi, chủ yếu là cá khô, canh rau rừng ... Dân ở đây cũng vậy thôi, mà bếp gia đình họ còn hẻo hơn bếp tập thể nhiều, thấy họ nấu một phần cơm mà tới hai phần củ mì. Vậy mà tụi tui lại khoái cơm độn khoai mì, đổi với mấy đứa nhỏ ăn thiệt là ngon miệng ... Để rồi sau này không thích, không muốn ăn độn mà vẫn phải ăn mấy năm trời.
Trừ anh trưởng đoàn chạy tới lui chỉ huy, anh lái xe cùng một anh còn lại cộng với 3 đứa tui: 5 người, 3 người chặt, 2 người cưa ... 3 người, mỗi người một cái rựa xà vô bìa rừng lựa cây nào suông, thẳng, nhắm ở trên cao khoảng 2 , 3 mét, đường kính cở 7, 8 phân, dưới gốc tối đa 1 tấc đường kính là được, chặt rong sạch sẽ đem ra cho 2 người cưa khúc ra 1m chất lên xe.
Chỉ tới trưa ngày thứ 3 là đầy xe, lên xe về ...
Hồi đó ngồi đằng sau thùng xe, trên đống cây thoải mái, không bị phạt gì hết.
Gạo đem theo còn lại cũng 7 , 8 kg, anh trưởng đoàn tặng cho gia chủ, khỏi nói họ mừng muốn khóc ... Thời nào cũng vậy, dân ở biên giới mà nằm ngay cửa khẩu hoặc nơi sầm uất giao thương, du lịch ... thì đời sống kinh tế dễ thở, sung túc, còn nếu ở những nơi hẻo lánh trên đường biên, nhứt là ở giữa rừng như hơn chục nóc nhà ở đây thì thật là vất vả lo liệu kế mưu sinh. Chúng tôi ở đây công tác chưa trọn 3 ngày nhưng khi rời đi, mọi người rất là lưu luyến ...
Sau này qua mấy anh thủy lợi, thì được biết chỉ đến cuối năm 75 thôi thì khu xóm nghèo đó đã di tản đi đâu mất sau khi Khờ Me đỏ trở mặt bắt đầu phá phách, giết hại người dân VN ở vùng biên giới và không biết dân xóm này có bị thiệt hại nhân mạng không ..? ..
Thay vì ghé về sở thủy lợi chủ quản, xe chạy ghé luôn nông trường Lê Minh Xuân.
Sau đó 3 đứa tui theo mấy anh thủy lợi cũng hết cả chục ngày.
Mấy ảnh đo đạc phóng tiêu, còn 3 đứa tui vác mỗi đứa một bó chừng một chục lóng đã vạt đầu sơn ký hiệu đi theo hể mấy ảnh kêu đóng xuống chỗ nào thì tụi tui thay phiên nhau đóng xuống chỗ đó ... Kênh A, kênh B, kênh C ở nông trường Lê Minh Xuân là do nhóm thủy lợi này phóng tiêu đo đạc để rồi không lâu sau đó người ta đưa xà lan xe múc vào thi công 3 con kênh này.
Lúc này nhân sự, công việc, nói chung là kế hoạch lao động sản xuất của nông trường Lê Minh Xuân còn manh mún, thụ động và lan man ... Đến như lán trại, chỗ ở cho lực lượng TNXP còn chưa ổn định.
Tụi tui phụ làm công việc thủy lợi xong về trình diện anh Năm Hồng với anh Tám Đông (Nguyễn An Dân ), mấy ảnh bố trí tụi tui vô tổ vác mía. Dân họ thu hoạch họ bó cứ 10 cây một bó bỏ ngoài ruộng mía, tổ phải chuyển hết về nơi tập kết, chỗ mà xe tải vào được để chở đi lò đường.
Bây giờ tui cũng không nhớ rõ ai chỉ huy cái tổ vác mía đó, nhưng ác thay lại nhớ rất rõ có 2 người mà tui làm chung nhưng giờ đã chết từ lâu, một là chị Nguyễn Ngọc Vân: đã chết hồi năm 1977 đang lúc là C phó C 3 TNXP nông trường Phạm Văn Cội Củ Chi. Hai là Kiện tướng Mai Thị Thu Vân (nghe nói tự tử vì chuyện riêng), kiện tướng Thu Vân một thời nổi đình, nổi đám trên báo chí đoàn thể, Thanh niên xung phong (75 - 76).
Vì là thời vụ nên tụi tui cũng vác chừng một tuần là hết mía... Anh Tám Đông cho phép tụi tui về nhà 3 ngày, xong ai ở C nào thì về C đó ... Tui thuộc biên chế C 2, mà C 2 đang đóng quân ở đầu kênh B gần sông Chợ Đệm. Lúc này cả 3 con kênh: A , B , C đều đang được thi công từ hướng Nam - Bắc tức khởi đầu từ hướng Chợ Đệm. Lúc này muốn vào chỗ C 2 đóng quân thì chỉ đi tàu đò từ chợ Đệm vào, chứ không có con đường nào khác, vì lúc đó kênh B mới chỉ thi công chừng hơn cây số, còn lâu mới thông tới tỉnh lộ 10. Thế nên mấy ảnh cho về nhà rồi lên thẳng Chợ Đệm về đơn vị tiện hơn.
Hơn nữa cho tụi tui về nhà 2 , 3 bữa cũng giống như liệu pháp tâm lý thưởng phép làm cho tụi tui hết sức phấn khích...
Ba ngày sau, từ nhà ở Văn Thánh , tui đi mấy chặn xe buýt tới Chợ Đệm rồi đi tàu đò tuyến Chợ Đệm - Lý Văn Mạnh, tới đầu kênh B lên bờ đi bộ vô mấy trăm mét là tới lán trại của C2 ...
Tui còn nhớ lán trại là 3 dãy nhà ráp lại thành chữ U, mái và vách thì lợp bằng lá dừa chằm, bên dưới là giường tre liên kết giáp với nhau thành giường tập thể, dưới đất lấp xấp nước, vách nhà chỗ kín , chỗ hở ...
Lúc này thì tui đã nhận dạng được xếp của mình: Chính trị viên C2 là anh Nguyễn Ngọc Tâm, C trưởng là anh Võ Văn Đệ , C phó là Nguyễn Quý Ninh.
Nhiệm vụ của C2 là đắp bờ bao con kênh B. Xáng múc đất quăng lên 2 bên bờ, TNXP bang ra tạo hình, thành con đê bao, cũng là con đường dọc bờ kênh sau này.
Lao động cỡ một tháng thì được lệnh rút về ... Thoạt tiên toàn bộ C 2 đi bộ men theo con kênh B về lại khu vực cầu Bình Minh & Hoàng Hôn. Thời tiết cuối năm không có mưa, đường đất khô ráo cũng dễ đi ... Còn toàn bộ “gia tài” của C2 như cuốc xẻng, nồi chảo, cây lá của lán trại ... Được tải bằng chiếc ghe bầu mượn của dân, phải đi 2 chuyến mới chuyển hết đồ đạc. Tui, C phó Quý Ninh cùng một người nữa chèo chống dọc con kênh B cũng 4 , 5 cây số, có đoạn chưa thi công nên luồng lạch hẹp té thiệt là vất vả.
Ban chỉ huy C chọn tui phụ chèo chống chiếc ghe vì bởi biết tui đã từng là ngư phủ bất đắc dĩ với lại trong một tháng lao động ở kênh B, chiều chiều thấy tui thể hiện là “kình ngư” dưới nước, thông thạo việc “nước” nên mới chọn mặt gởi “Xuồng” ...ha ha ...
Khi tới chiều tối thì xong xuôi, ghe cũng đã trả lại cho chủ. Tui còn nhớ rõ, tụi tui là những người ăn cơm chiều cuối cùng, cá lóc khứa từng khoanh kho & canh thơm, do đầu bếp Phạm thị Thúy Nga và Lâm thị Ngọc Diệp, tui ăn đến 7 , 8 chén cơm ... Đây là bữa cơm ngon thứ 2 trong đời tui từ trước đến giờ ...
“Quá cảnh” khu vực cầu Bình Minh & Hoàng Hôn có mấy ngày, toàn bộ C2 được lệnh di chuyển về khu vực Ông Phật cô đơn, sát bờ kênh Xáng (kênh Thầy Cai). Hóa ra C1 và C3 đã hội quân ở đó trước rồi.
Thời điểm này chỉ còn lại có 3 C thôi, và ở quây quần kế bên nhau, mỗi C một lán trại đằng sau Ông Phật Cô Đơn, trên mép bờ kênh Xáng.
Theo trí nhớ của tui thì ban chỉ huy liên C áo nâu lúc đó gồm các anh: Nguyễn Hoàng Trúc tức 7 Trúc , anh Võ Đình Bình tức Ba Bình, anh Nguyễn An Dân tức Tám Đông ...
Chỉ huy các C gồm :

C1 - Anh Nguyễn Văn Hoa (Ba Hoa) : Chính trị viên
Anh Phan Tấn Lân : C trưởng
Anh Tạ Ngọc Quảng : C phó

C2 - Anh Nguyễn Ngọc Tâm : Chính trị viên
Anh Võ Văn Đệ : C trưởng
Anh Nguyễn Quý Ninh : C phó

C3 - Anh Trần Lượng : Chính trị viên
Anh Ngô Kim Chúc ( Nguyễn Tự Chúc ) : C trưởng
Anh Đoàn Minh Cương C phó

Đặc biệt toàn bộ 56 anh chị em sinh viên Văn khoa đều nằm hết trong C 3.
Sau khi về hội tụ ở đây rồi thì chuyện lao động, học tập, thể dục thể thao hoặc đi lại rất tiện lợi.
Liên C áo nâu còn nhận thêm 2 đợt quân: một đợt vào cuối tháng 10, một đợt vào cuối tháng 12 ... Mỗi đợt chừng 1 , 2 chục người.
Lúc này công việc của liên C áo nâu là làm cỏ thơm, mía ... Một số người được chia thành nhiều tổ đi đo đạc thống kê đất đai, vườn tược, nhà cửa của những hộ dân trên, trong và ven nông trường để phục vụ cho việc quy hoạch của nông trường.
Thành đoàn muốn Liên C áo nâu tham dự hội diễn văn nghệ mừng Xuân toàn Thành, mùa Xuân đầu tiên ... Được tổ chức vào ngày 27 , 28 / tháng Chạp âm lịch - trước Tết Nguyên đán 2 ngày.
Thành đoàn cử xuống 5 , 6 người, tuyển mỗi C mười mấy em TNXP “sáng tài” một chút để tập ca, tập múa ... Đơn vị Liên C áo nâu đăng ký một tiết mục hợp ca với một tiết mục múa.
Trong 5 , 6 người tập dượt cho tnxp có nam, có nữ, nhưng tui chỉ nhớ có anh Mai, người thấp lùn, đến bây giờ cũng có thỉnh thoảng gặp ảnh, anh cũng không thay đổi, chỉ già đi - tất nhiên ... Nhìn là nhận ra ngay mặc dù cũng gần 45 năm.
Kế bên lán trại của Liên C áo nâu ở mé ngoài, có một khoảng sân rộng cỡ 2 phần 3 cái sân bóng đá (cũng là nơi chiều chiều TNXP liên C áo nâu ra đá banh, đánh bóng chuyền ...) nên rất thích hợp cho việc tập múa.
Còn nửa tháng là tới hội diễn, tụi tui được chuyển về sở thông tin văn hóa đặt tạm ở nhà hàng Lion bây giờ sát bên khách sạn Caraven, ngó qua bên hông hội trường quốc hội cũ tức nhà hát thành phố bây giờ.
Mục đích chính về thành phố ăn tập là để tiện việc cho các bậc cây đa, cây đề uốn nắn, chỉnh sửa dùm các động tác kỹ thuật ... Đội ca múa nhạc liên C TNXP áo nâu hân hạnh được bác nhạc sĩ Xuân Hồng uốn nắn, chỉnh sửa động tác múa và chỉnh sửa giọng hợp ca.
Năm đó 2 tiết mục ca và múa của TNXP được giải khuyến khích. Có lẽ không hay lắm, nhưng vì là của TNXP, cũng là để động viên tinh thần nên ban Tổ chức tặng giải khuyến khích chăng .?

(Còn tiếp)

Nguyễn Quốc Thắng.

Mời xem tiếp: Kỳ 3: Tui đi thanh niên xung phong - Nguyễn Quốc Thắng.

 


Hình minh họa sưu tầm từ kho tư liệu ảnh của LLTNXP TPHCM. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
THƠ: CÓ BAO GIỜ... - Trần Việt Sơn (2024-04-05)
TRUYỆN NGẮN NHỮNG MÓN QUÀ TẾT VÔ GIÁ (Kỳ 2) - Trần Việt Sơn. (2024-01-10)
TRUYỆN NGẮN NHỮNG MÓN QUÀ TẾT VÔ GIÁ (Kỳ 1) - Trần Việt Sơn. (2024-01-09)
THƠ : SAO EM KHÔNG VỀ... - Trần Việt Sơn (2023-09-24)
THƠ: KHÔNG GIỠN À NGHE ! - Trần Việt Sơn (2023-05-28)
NHỮNG ĐỒNG ĐỘI CŨ CỦA TÔI ƠI ! - Thiên Thanh (2023-03-28)
Truyện ngắn: HÃY TIN TÔI - Trần Việt Sơn (2022-07-05)
THƠ : HÃY ĐỂ CHO EM... Trần Việt Sơn (2022-06-30)
THƠ : HÃY ĐỂ CHO ANH... - Trần Việt Sơn (2022-06-26)
THƠ: NGÀY TRỞ VỀ - Trần Việt Sơn (2022-05-18)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á