|
Thầy giáo đặc biệt giữa núi rừng - Thúy Hằng.
Anh đi TNXP năm 1975, thuộc đại đội 1 (đại đội TNXP đầu tiên của TP.HCM (sau ngày 30/4/75)). Có thể nói, lúc đó anh còn khá trẻ, còn lạ lẫm với cuộc sống tập thể trong quân ngũ. Anh đã công tác nhiều năm ở Trường Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới (trực thuộc LLTNXP). Một trong nhiều thầy giáo đặc biệt giữa núi rừng. Anh thầm lặng góp công sức, giúp nhiều học viên (tệ nạn xã hội) làm lại cuộc đời. Giá trị của nghề giáo theo khuôn đúc xã hội xưa đã giảm đáng kể, nên suy nghĩ về tính chất “cao quý” của nghề giáo ở TNXP chỉ còn là một cảm giác hoài cổ về những giá trị xa xưa. Anh có khả năng văn nghệ, viết thơ, . . . Trên trang Web này có nhiều bài viết của anh. Anh Trần Việt Sơn vừa được nhận Giải B - Văn. Thi viết về “Ký Ức TNXP” do Chủ tịch Hội Cựu TNXP TPHCM tổ chức và trao giải ngày 13/7/2020. Câu Lạc Bộ Cựu Thanh Niên Xung Phong xin trân trọng giới thiệu. NBT.
Bài này được trích từ báo Thanh Niên Online - 14/07/2020. Có tựa bài: “Vì chúng tôi là thanh niên xung phong” – Tác giả Thúy Hằng.
Thầy giáo đặc biệt giữa núi rừng.
Ông Trần Việt Sơn năm nay 62 tuổi, những ký ức về năm tháng là thanh niên xung phong ở Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) luôn in đậm trong tâm trí. Sau năm 1975, khi vừa học xong lớp 11, ông Sơn tham gia thanh niên tự vệ Sài Gòn-Gia Định. Sau đó, nhận được lời phát động tình nguyện tham gia Thanh Niên Xung Phong khai hoang phục hóa, xây nhà của người dân kinh tế mới, ông lên đường.
Đó là ngày 20.7.1975, chiếc xe chở đơn vị áo xanh C1 thanh niên xung phong Thành đoàn lên đường tới Thủ Đức, vào Trường huấn luyện thanh niên xung phong. Giữa tháng 9.1975, đơn vị của ông Sơn (lúc này là A2 B2) di chuyển lên ấp Thạnh Sơn 4, xã Phước Bửu, Xuyên Mộc.
“Toàn rừng núi thôi. Những bài học đầu tiên chúng tôi được các anh đi trước dạy lại là dựng lán để ở, cắt cỏ tranh, đốn tre. Các anh ở Biệt động thành như Bảy Dũng, Mười Thanh, Năm Thiện, Chỉ huy trưởng thanh niên xung phong Thành đoàn Ba Tung huấn luyện cách cho chúng tôi cách ở rừng…”, ông Sơn kể.
Sau Tết 1976, ông Sơn được điều về Sài Gòn, rồi được đưa đi học về quản lý phạm nhân. Sau đó trở về Xuyên Mộc, ông Sơn là một trong những cán bộ đầu tiên của Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm vụ là quản lý những thanh niên nghịch ngợm, “giang hồ” từ trong thành phố chuyển tới, ông Sơn dạy họ chữ, hát những ca khúc cách mạng, hướng dẫn họ chặt cây dựng nhà…
Trò chuyện gần gũi, hướng họ sống thiện, yêu lao động bằng chính tấm gương của mình, ông Sơn dần lấy được tình cảm của nhiều học viên. Có một kỷ niệm mà ông Sơn luôn xúc động: “Lúc đó là 11 giờ đêm, một học viên chạy tới, ôm tôi khóc. Anh ấy nói: “Nhờ cán bộ mà lần đầu tiên tôi viết được thư 3 câu về cho mẹ. Đó là 3 câu “Gởi mẹ. Con khỏe, mẹ đừng lo. Cán bộ vui lắm”. Rất nhiều năm sau này, một lần tình cờ ông Sơn gặp được anh thanh niên “giang hồ”, khi đó, anh đã lấy vợ, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Bình Phước.
“Vì chúng tôi là thanh niên xung phong. Những năm tháng không thể nào quên ấy dạy cho tôi rằng không sợ khó, chỉ sợ mình không dám làm, cái gì muốn hãy học và làm cho bằng được”, người bây giờ là phụ trách đội văn nghệ Hội Cựu thanh niên xung phong Q.1, TP.HCM bộc bạch.
Thúy Hằng
Ý kiền của Trần Việt Sơn: Tin trên báo Thanh niên ngày 14/7/2020, phóng viên viết nên có gì hơi quá các bạn bỏ qua dùm .!
Nguồn bài trên báo Thanh Niên Online 09:00 - 14/07/2020: “Vì chúng tôi là thanh niên xung phong” - Thúy Hằng.
Hình minh họa của Báo Thanh Niên online và Nhóm biên tập trang Web. Xin cám ơn các tác giả.
|
|