|
Truyện ngắn: LÝ “CUA” XẾP CÀNG ! - Trần Việt Sơn
… Giang hồ mà, ai mạnh hơn liều hơn cộng với vài ngón võ là đã có thể xưng hùng xưng bá. Tôi còn hơn thế, cái tánh ngang như cua của tôi đã giúp tôi chỉ trong một thời gian ngắn sau khi bỏ nhà đi bụi, đã bước lên bậc cao nhất của giang hồ: đại ca. Từ lúc sinh ra chắc có lẽ đã có trong người tôi cái máu ngang ngược của ba, một tay anh chị có tiếng là sát thủ ở quận 4, dù sau đó ông đã ngã xuống chính vì cái máu ngang ngược ấy.
Lớn lên không được đi học ngày nào, bỏ nhà đi bụi sau khi mẹ bị xốc ma túy mà chết. Tôi nghĩ lúc đó mà không có cái tính ngang như cua có lẽ bây giờ là đám giổ lần thứ mấy chục rồi cũng nên, tôi là Lý Cua.
Rồi đến năm 1977, tôi bị bắt, đưa vào cái nơi gọi là Trường TNXDCSM (1). Tôi lúc đầu cũng bất ngờ vì ở tù gì mà kỳ cục, không bị còng hay giam giữ trong những phòng giam chật chội lạnh lẽo mà được ngủ giường có mền gối đàng hoàng trong những căn nhà tranh thoáng mát. Hàng ngày, còn được ra tập thể dục, ăn sáng rồi mới đi lao động đốn cây- tre, trồng khoai trồng bắp, chiều về còn được đá banh – đá cầu, tập văn nghệ… . Cán bộ thì cũng trẻ, thậm chí có người còn nhỏ hơn tôi đến 5-6 tuổi, nghe nói họ từ cái tổ chức TNXP (2) gì đó chuyển qua, người nào cũng đen thui chắc nịch. Nhưng dù gì thì bản thân tôi đã quen sự tự do nên cũng hơi khó chịu với những bản nội qui rồi qui định này nọ. Cộng với một số đàn em cũng bị hốt lên đây, tôi, Lý Cua mà, không lẽ xếp càng ở nơi này sao, phải cho họ biết Lý Cua này là ai, chứ không thì tụi đàn em nó khinh thường, phải vậy thôi…
Một buổi sáng nọ, khi tiếng kẻng kêu dậy tập thể dục, tôi muốn ngủ nướng thêm một chút nữa, vì đêm qua trời mưa không khí thì mát, anh em trong tiểu đội đi ngang lay tôi nhưng tôi không màng. Một lát sau, cán bộ tiểu đội vào hỏi:
- Anh Lý có sao không, đau cái gì báo cho tôi biết ?
- Mệt, hôm nay không muốn đi lao động, chỉ muốn ngủ thôi, được không cán bộ?
- Được thôi, anh muốn nghĩ thì cứ nghĩ, nhưng về sau có gì đừng trách tôi nhé !
Cảnh cáo hả, thằng này đếch sợ nghe. Vậy là khỏe, tha hồ ngủ. Cở 8 giờ, y tá đơn vị đi cùng một bảo vệ xuống lay tôi dậy:
- Anh Lý , nghe nói anh mệt nên tôi xuống khám cho anh đây, nào ngồi dậy đi.
Lở rồi nên tôi cứ nằm như là mệt mỏi lắm. Anh y tá hết đo huyết áp rồi khám phổi, khoảng 10 phút sau, anh ấy cho tôi 1 viên thuốc rồi phán làm tôi hết hồn:
- Phải mổ thôi, nặng lắm rồi, anh Lý chịu khó ăn cháo 3 ngày, chờ Bác sĩ thành phố lên.
Tôi hoảng , bật ngồi dậy:
_ Tôi…mà ăn cháo 3 ngày chắc tôi chết, mà…bệnh gì mà phải mổ vậy cán bộ ?
Anh y tá chỉ cười nhẹ rồi bỏ đi, đã vậy còn nói với lại “ báo anh nuôi rồi đó, ăn cháo giỏi nghe cho mau hết bệnh”.
Đến trưa, cán bộ tiểu đội về:
- Sao, hết mệt chưa, ăn cháo chưa, bệnh sợ lao động của mấy anh tụi tôi rành quá mà, chiều đi khiêng tre về nghe.
- Tôi…hết mệt rồi, tôi không ăn cháo nữa đâu, tôi sợ mổ lắm, tôi…
Nửa muốn xin lổi, nửa thì tự ái vì cái tên Lý Cua, tôi cứ ấp úng. Anh cán bộ vổ vai tôi:
- Thôi bỏ đi, anh biết làm vậy là sai chưa, thế là được rồi, phải cố gắng lên, anh em làm được mình làm được, còn mổ hả, anh y tá nói giởn đó.
Dù là thua trong vụ đó rỏ ràng nhưng tôi vẫn tức, đường đường là một đại ca mà thua trí những người mà tuổi đời nhỏ hơn tôi xa lắc.
Tối đó, cán bộ khi họp còn nói anh em nào chưa biết chữ, thì mổi tối sẽ được học bổ túc văn hóa. Tôi rỏ ràng là không biết chữ, nhưng bây giờ đi học thì quê chết, tụi đàn em còn coi tôi ra gì. Biết được suy nghĩ của tôi, anh cán bộ ôm vai tôi nói:
- Tôi biết anh sợ quê khi đi học phải không, không biết chữ mới là quê đó, mai mốt muốn viết thư về gia đinh làm sao đây, nhờ bạn bè hoài kỳ lắm. Hơn nữa thầy giáo là tôi chứ ai đâu mà ngại.
- Nhưng tôi còn ai đâu mà viết thư …
- Thì …viết thư cho bồ, cho vợ, viết đơn xin việc làm khi ra trường và còn nhiều chuyện khác (anh cán bộ nói tiếp), cái chữ rất là quan trọng, tôi muốn tất cả anh em ở đây sau này ai cũng biết chữ, tạo bất ngờ cho gia đình, đồng ý không ?
Cả tiểu đội ai cũng giơ tay đồng ý, riêng tôi, tôi cũng giơ tay nhưng rụt rè không thoải mái lắm. Hai tuần sau đó , vào giờ học bổ túc văn hóa , tôi tức vì hôm trước thầy giáo cho tôi chỉ có 6 điểm bài làm ở nhà trong khi ai cũng điểm 8 – 9 , tôi quyết định cho mọi người biết Lý Cua này là ai. Nói là làm, bước vào giờ học, tôi liền đứng lên nói:
- Thưa thầy, lý do gì mà bài làm của tôi chỉ có 6 điểm, tôi đề nghị kêu anh nào điểm 9 lên bảng viết thi, rồi thày chấm tại chổ, ai hay hơn biết liền.
- Cho điểm cao hay thấp là tôi, chữ đẹp thì điểm cao, xấu thì điểm thấp, ý anh Lý nói là tôi không công bằng nên đề nghị như thế phải không? Ai cũng muốn chữ mình viết phải đẹp, nhưng vẫn lệ thuộc vào bẩm sinh và rèn luyện, lớn lên ra đời đâu phải ai cũng viết chữ đẹp đâu, quan trọng là viết rõ ràng và kèm theo là phải biết đọc và hiểu. Tôi hiểu anh Lý muốn gì, nhưng cố gắng thì ngày mai – tuần sau – tháng tới anh sẽ viết đẹp thôi, đừng tự ái và kiêu ngạo với cái quá khứ đã qua. Tôi lúc nào cũng công bằng nhưng không vị nể hay sợ ai mà bẻ cong cái công bằng đó.
Vậy là tôi lại thua thêm một lần nữa trước người cán bộ làm thầy giáo kia, mặt Lý Cua này không biết lấy cái gì che cho đỡ quê. Tôi quyết không nhịn, cái tính ngang ngạnh của tôi không cho tôi chịu thua ai, tụi đàn em còn coi tôi ra gì nữa.
Được 1 tháng, chúng tôi bắt đầu tập đốn cây về làm cột nhà. Anh cán bộ chỉ dẩn rất kỷ, nào là lựa loại cây, khi chặt phải coi chiều gió tàn cây, nếu không cẩn thận thì có thể nguy hiểm. Tôi buổi sáng chỉ được phân công kéo cây ra, chặt nhánh nên hơi khỏe, tới chiều thì đổi lại đi tìm cây mà đốn. Tôi thì cứ quan niệm đốn cây là đơn giản, coi chiều gió tàn cây chi cho màu mè, thấy cây thẳng là đốn thôi. Khi mở miệng cây 1 bên rồi, có 1 thằng làm kế đó nói vọng qua:
- Ông Lý ơi , ông làm sai rồi đó , bỏ cây đó đi , lát anh cán bộ chặt dùm cho.
- Kệ tao, để coi ai đúng.
Rồi tôi tỉnh bơ bước qua chặt tiếp bên đối diện, chợt cây nghiêng gốc xoay tròn và theo chiều gió ngã về hướng tôi đứng. Tôi hoảng hồn quăng rựa rồi chạy, chợt thấy hình như có ai xô tôi về phía trước, cây ngã xuống đúng ngay chổ tôi vừa chạy qua. Tôi quay lại, hình như dưới tàn ngọn cây là cái áo của anh cán bộ, tôi la lên “anh em ơi, cán bộ bị cây đè”. Rồi thì người chặt nhánh người nâng cây lên kéo anh cán bộ ra. Trong đám đông có người hơi am hiểu nên nói với sự tức tối:
- Tại ông Lý hết, anh cán bộ chỉ cách đốn cây rỏ ràng rồi, hồi nảy tao cũng nhắc nhở mà ương bướng không nghe. Lúc đó anh cán bộ mà không kịp chạy tới xô ông ra thì ông tiêu đời rồi. Không nói nhiều nữa, không có băng ca ở đây, anh em mình thay nhau cõng anh ấy về y tế, lẹ lên.
Tôi lúc đó không cần suy nghĩ gì hết, nói liền “tao làm tao chịu, để tao cõng cán bộ về”. Dù vết thương của anh cán bộ không nghiêm trọng lắm nhưng cũng phải đưa về thành phố để chụp X quang và tiện theo dõi sức khỏe. Tôi, phải nói là hối hận và áy náy vô cùng, cũng từ cái tính ngang như cua không chịu nghe ai mà sinh ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Anh cán bộ, tuy mặt ngoài khó chịu, nhưng rất dễ thương, lo lắng chăm lo cho anh em học viên như người thân, nhiều lần tôi thấy anh ấy thức trắng đêm theo dõi 1 học viên nào đó bị lên cơn sốt, còn riêng đối với tôi sai nhiều lần như thế mà không bao giờ anh ấy la mắng hay bêu rếu trước mọi người. Anh ấy đi nằm viện, dĩ nhiên sẽ có người thay thế, nhưng tôi và anh em trong tiểu đội vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Tôi nhớ lại lời của anh nói ngày đầu tôi và 1 số anh em khác mới lên Trường TNXDCSM …
“Tôi và các anh cùng là thanh niên, tuổi trẻ mà ai mà không tránh khỏi sai lầm, quan trọng là dám nhận sai rồi đứng lên đi về phía trước. Đừng thấy tôi là cán bộ mà anh em sợ, nói hươu nói cuội cũng nghe mà không ý kiến, chúng ta cứ trao đổi nhau thẳng thắn thế nào là đúng sai. Các anh phải suy nghĩ về một tương lai phía trước, nơi ấy có gia đình- người thân- người yêu đang chờ đón các anh về với một diện mạo và suy nghĩ khác xa thời quá khứ. Trước mắt, các anh cứ lao động tốt, đừng ngang ngạnh kiêu ngạo rồi phát sinh ra những hành động thiếu suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến quá trình cải tạo ở đây. Trái đất tròn, 5-10 năm nữa, chúng ta có thể gặp lại nhau, nhưng không phải như thế này, mà phải trong hoàn cảnh vui hơn, các anh phải là những công dân tốt cho xã hội”.
……..
Và bây giờ, tôi vẫn là Lý, nhưng mất chữ Cua rồi nghe. Ra trường, tôi học nghề sửa xe gắn máy, từ ngồi lề đường, tôi đã có 1 tiệm riêng, tuy nhỏ nhưng thu nhập đủ sống nuôi vợ nuôi con. Vô tình, anh cán bộ khi xuất ngũ gặp lại tôi, anh ấy mừng lắm và dù không khá giả, anh ấy cũng thường xuyên giúp tôi mọi chuyện. Không biết từ hồi nào tôi đã bỏ được tính ngang ngạnh như cua, và luôn xốn xang trong lòng mổi khi thấy cái thẹo dài ở chân trái anh cán bộ ấy. Thế mà mổi lần tôi nhắc lại chuyện cây ngã năm ấy, anh ấy lại la tôi “nhắc hoài, gãy có 1 xương thôi, còn đá banh được mà ”.
Trần Việt Sơn
Chú thích:
(1) Trường TNXDCSM: Trường Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới.
(2) TNXP: Thanh Niên Xung Phong.
Hình minh họa sưu tầm trên internet và kho ảnh TNXP. Xin cám ơn các tác giả.
|
|