|
Truyện: ÔNG LONG XUNG PHONG (Phần 3) - Trần Việt Sơn
Truyện viết tiếp về cuộc sống đời thường của cựu TNXP và những tình cảm đồng đội giúp nhau trong cuộc sống. Xin giới thiệu truyện: ÔNG LONG XUNG PHONG - Phần 3 của tác giả Trần Việt Sơn.
NGHĨA TÌNH
Sáng nào cũng vậy cỡ 8 giờ là ông Long ra tưới cây kiểng và tỉa lá bắt sâu. Mà sao ngộ nghe, cây gì qua tay ông đều xanh tốt, từ mai đến nguyệt quế, còn các loại hoa thì ôi thôi đủ màu xanh đỏ tím vàng hồng trắng khoe sắc dưới ánh mặt trời. Có nhiều người hỏi ông có bí quyết gì mà cây cối tươi tốt thế, ông chỉ cười “tôi không dùng thuốc, chỉ dùng phân hữu cơ, và cốt lõi là trao cái tình cái nghĩa vào chúng, chúng sẽ trả cho mình sự rực rỡ xanh tươi”.
Chợt thằng Cường từ cửa đi vào, vừa đi vừa huýt sáo. Ông Long ngừng tay hỏi :
- Có gì vui dữ bây, nói nghe coi.
- Dạ …con vui lắm ông ngoại ơi, vợ con, em Mai có thai được 2 tháng rồi, cộng với con mới trúng số . Con đang chờ ông bán vé số tới để cho người ta chút đỉnh, ông ngoại ngừng tay đi, ông bà ngoại ăn gì chưa, con…
- Trúng có bao nhiêu mà cứ líu lưởi, để đó lo cho vợ đi. Còn chờ ông bán vé số cho chút đỉnh, theo ông thì điều nên làm, ổng quen hay lạ vậy con ?
- Ông này mới tới khu này, lạ lắm, ốm yếu, đi xe lăn, đặc biệt là ai mua vé số rồi cho thêm, ông ấy không bao giờ lấy, ủa ông ấy tới kìa ông ngoại.
Ông Long ngưng tưới cây, đi theo thằng Cường ra cửa. Một chiếc xe lăn trên đó có ông già ốm yếu đang từ từ dừng trước cửa nhà ông Long theo tiếng gọi của Cường. Ông Long nói nhỏ với Cường:
- Trời nắng gắt quá, con mời ông ấy vào nhà uống miếng nước, sẵn tao bắt chước mày mua vài tờ, coi như vừa giúp người ta vừa kiếm vận may.
Ông Long tiến tới phụ đẩy chiếc xe lăn, chợt ông la lớn với vẻ mừng rỡ:
- Ông …là…Minh Tồ, phải không ?
Ông già bán vé số kéo cái nón kết lên và nói:
- Ông …là ai mà biết tôi là Minh Tồ, không lẽ ông là … Long mụn ?
- Nó nè, Long mụn nè, mấy chục năm rồi còn gì, mà ông bị như thế này từ hồi nào vậy ?
- Chuyện dài lắm, cho miếng nước coi, ôm hoài ngộp thở muốn chết.
- Cũng cái tật cà rởn không bỏ, xưng hô tao mày như ngày xưa nghe (ông Long quay vào trong nhà), bà ơi lấy chai nước lạnh rồi ra đây lẹ lên.
Bà Hà đi ra, nhìn 2 ông già ôm nhau, nên ngạc nhiên hỏi:
- Ông anh đây là…
- Ông này là ông Minh, chính là người đi thay tôi trong chuyến tải đạn năm xưa ở chiến trường biên giới mà tôi từng kể cho bà nghe đó.
- Ông là Minh, Minh tồ hả, sao mà gặp lại bất ngờ thế này. Ông Long nhà tôi cứ ấm ức là biết làm sao gặp lại ông để cảm ơn .
- Cũng mày nữa (ông Minh uống nước rồi vổ vai ông Long thật mạnh), chuyện có gì đâu mà mày cũng kể cho vợ mày nghe, đồ nhiều chuyện. Chết, vé số còn nhiều quá, thôi tao đi bán tiếp , bửa nào rảnh tao ghé …
Ông Long đứng lên, ra vẻ giận:
- Mày không đi đâu hết, ở đây ăn cơm với vợ chồng tao, vé số hôm nay thằng cháu ngoại tao mua hết, hôm qua nó mua của mày trúng kha khá nên hôm nay nó khao.
- Mà tao … (ông Minh ngại ngần).
- Mày ngon về đi, tao xì bánh xe lấy gì mày về, có nghe tao không thì bảo ! Còn thằng Cường, phụ bà ngoại làm mâm cơm và mua một xị rượu cho tụi tao nhậu, (ông Long vừa nói vừa rơm rớm nước mắt), năm nào, vào cái ngày đó, tao cũng làm mâm cơm cúng cho mày, chắc chắn không bao giờ thiếu miếng khô cá tra, món mà mày thích …
Bửa cơm giữa những người bạn từng sống chết có nhau ở chiến trường không cao lương mỹ vị, chỉ đơn giản vài miếng khô nướng, canh rau bồ ngót và đậu que xào, sao mà ngon lạ. Ông Long nhìn bạn mình ăn mà khóc, ông ấy ăn như chưa từng ăn bao giờ:
- Mày ăn ngon không, tao múc thêm cơm nghe.
- Tao…ăn ngon lắm, vợ mày giỏi thật, ủa sao vợ chồng mày không ăn mà cứ nhìn tao, bộ miệng tao dính cơm hả.
- Cứ ăn cho no đi, mày lộn xộn quá, rồi lát nữa mày phải kể tao nghe mấy chục năm qua mày ở đâu, làm gì, tao cứ tưởng mày tiêu rồi từ đêm đó, đồ …, cái đồ… quỉ tha ma bắt mày đi.
Tàn bửa cơm, dọn dẹp xong, thằng Cường đi làm còn bà Hà thì đi ngủ, chỉ còn 2 ông già ngồi nhậu. Ông Minh nhìn ông Long rồi nhìn chung quanh, ông nhấp 1 ngụm rượu , hút 1 hơi thuốc lào rồi nói:
- Thấy mày như vầy, tao vui lắm, nhớ ngày xưa mày với tao thường ước ao sau này xuất ngũ có được mái nhà, vợ hiền, con ngoan. Riêng tao thì cuộc đời sao mà nhiều sóng gió, tới từng tuổi này mà trong tay chẳng có gì cả. Năm đó ai cũng tưởng tao tiêu rồi, bị tụi Pôn Pốt phục kích bất ngờ, tao bị trúng đạn vô chân ngay loạt đạn đầu tiên, rồi thêm 1 trái lựu đạn nổ cách tao chừng 10 m, tao bất tỉnh. Khi tỉnh lại, tao mới biết đang nằm ở bệnh viện. Thế là tao còn sống, mấy anh bộ đội đã cứu tao, nhưng mất đi 1 phần chân trái. Nằm bệnh viện 1 năm, tao ra viện và xuất ngũ luôn. Nhưng tao chẳng biết đi đâu vì bản thân là mồ côi mà, tao trở về chùa, được các sư cô giúp đỡ cho đi học nghề sửa đồng hồ. Làm nghề cũng tạm đủ sống, rồi tao có vợ, cô ấy cũng mồ côi như tao, làm nghề uốn tóc. Tưởng như hạnh phúc như trong mơ đã đến với tao , nào ngờ…
- Rồi sao nữa (ông Long nôn nóng) …
- Hai đứa tao có với nhau 1 thằng con trai, mà nó lại bị bệnh tim bẩm sinh, tốn biết bao nhiêu tiền mà cũng không qua khỏi. Vợ tao buồn rồi bỏ đi đâu mất tiêu, tao đi tìm khắp nơi mà không thấy. Một bửa nọ trên đường đi về nhà trọ, tao bị xe tải đụng, mất luôn 1 phần chân phải, giờ chỉ di chuyển được bằng chiếc xe lăn củ rích này thôi. Chổ tao ngồi sửa đồng hồ, nhà nước giải tỏa làm chung cư, tao chuyển qua bán vé số dạo khoảng vài tháng nay thôi, vô tình gặp lại mày …, tao…vừa vui lại vừa buồn …
- Buồn, buồn cái con khỉ, gặp tao rồi thì để tao lo tao giúp, tao không giàu tiền nhưng nghĩa tình trong tao bao la. Ờ, mà tao tức, tại sao năm đó mày cản không cho tao đi chuyến tải đạn đó, phải chi…
- Mày mới là vô duyên , khi nhận lệnh tải đạn đột xuất cho đơn vị bạn, tao băn khoăn dữ lắm vì cùng thời điểm đó, theo kế hoạch tao sẽ về tuyến sau để họp. Nhưng lúc đó, nhìn mày thì mới hết sốt rét, mặt vàng khè, với lại tuyến đường đó mày chưa đi lần nào, tao phải lấy quyền tiểu đội trưởng bắt mày ở nhà và tao sẽ đi thế. Tao nghĩ đi một chút rồi về đi họp có sao đâu, ai dè…
- (Ông Long ôm ông Minh), tao nợ mày 1 mạng sống Minh ơi … Mà bây giờ mày ở đâu ?
- Tao không có tiền mướn nhà, nên sống tạm trong … ống cống cạnh bờ sông.
- Trời ạ, thôi mày về đây ở với tao, nhà có 2 vợ chồng nên còn rộng lắm …
- Không (Ông Minh lắc đầu), tao khẳng định với mày là không. Tao biết là mày thương tao, tao cảm ơn ,nhưng tao không thể …, phiền phức lắm Long ơi.
- Tao bực rồi nghe, nếu mày không muốn thế thì sáng mai, mày cứ lại đây, tao sẽ có cách khác, cấm mày từ chối…
………….
Một tháng sau đó, trước cửa nhà ông Long xuất hiện 1 xe sửa đồng hồ, thợ không ai xa lạ, đó là ông Minh. Nhìn ông khỏe hẵn ra, khách hàng càng ngày càng đông, họ khen ông sửa hơi chậm nhưng chắc ăn, còn thiếu vật tư gì thì thằng Cường đi mua giùm. Ông Long thì thường xuyên bắc ghế ra ngồi chơi với ông Minh, hoặc qua nhà trọ ông mướn cho ông Minh gần đó xem coi có thiếu gì thì ông đem qua, cơm nước thì bà Hà lo chu toàn ngày 3 buổi. Nhiều người hàng xóm thắc mắc hỏi ông Minh là ai mà ông Long lo dữ vậy, ông Long chỉ cười:
- Không có ông đó thì bây giờ là đám giỗ thứ mấy chục của tôi rồi. Tôi nợ ông ấy 1 cái mạng sống, không có cái gì bù đắp được sự mất mát của ông ấy trong chiến tranh, nhưng giữa chúng tôi, những người TNXP năm ấy, nay là cái nghĩa cái tình với nhau lúc khó khăn. Giúp tiền thì không thể giúp hoài, tôi đâu phải đại gia, giúp ông ấy cái cần câu như là xe sửa đồng hồ như vậy thì có ý nghĩa hơn. Ông ấy sẽ vui vì tàn mà không phế, vẫn kiếm được đồng tiền lương thiện từ đôi tay và khối óc, mồ hôi. Vì hiểu rằng ông ấy sẽ không thích cái tiếng CHO, nên tôi luôn đùa rằng “mày cứ làm rồi tích cóp trả dần cho tao tiền cái xe đồ nghề, còn tiền cơm tiền nhà trọ tao cho vay không có lời, chừng nào dư dã thì trả, nhớ sửa đồng hồ cho gia đình tao là không lấy tiền, chịu không, mày mà tự ái không nhận sự giúp đỡ của tao thì coi chừng …, coi chừng tao xử đẹp à…”. (Còn tiếp)
Trần Việt Sơn
Hình minh họa sưu tầm trên internet và minh họa, phụ chú thêm của NBT trang Web. Xin cám ơn các tác giả.
|
|