CHUYỆN XỨ TUI. – Phần 1 – Tí Đô.
Anh đi TNXP năm 1975, thuộc đại đội 2 (trong 4 đại đội Thanh Niên Xung Phong đầu tiên của TP.HCM). Có thể nói, lúc đó anh còn trẻ, tên thật là Phạm Văn Truyền, nhưng vóc người to con, nên có biệt danh là Tí Đô. Hiện đang sống ở nước ngoài. Qua sưu tầm trên Facebook, xin trân thiệu bài viết “CHUYỆN XỨ TUI” của Tí Đô. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng từng kỳ và đặt lời tựa của bài theo trên Facebook. Xin cám ơn tác giả. NBT.
Quê tui nằm ở cuối cùng của dòng sông Cửu Long, nơi dòng sông đổ ra biển. Ở những nơi khác trên đất nước Việt Nam, khi nói đến một nơi nào đó người ta hay dùng từ vùng, miền. Riêng ở chỗ tôi người ta lạ dùng từ “ miệt” có rất nhiều định nghĩa cho từng miệt do các nhà nghiên cứu Nam Bộ đề ra. Tuy nhiên có thể tập trung vào các “ miệt” được đa số thồng nhất như sau:
- Miệt vườn: tất cả những nơi mà có trái cây ngon nhất đặc trưng nhất của nam bộ.
- Miệt đồng: Nơi đất trũng hơn để trồng lúa hoặc vùng nước nổi.
- Miệt biển: là vùng mà các cửa sông Cửu Long đổ ra biển, có lẻ như quê tui.
- Miệt dưới - Miệt Thứ: Vùng đất cuối cùng của đất nước.
- Miền trên: Vùng Sai gon
- Miệt ngoài: Có lẻ từ Biên Hoà - Đồng Nai trở ra. . .
(Luu ý: nếu gọi đồng bằng sông Cửu Long là miền tây lục tỉnh thì không chính xác nha, bởi vì lục tỉnh là chỉ phần đất nam kỳ thời vua Minh Mạng thôi. Lục tỉnh gồm 3 tỉnh miền đông là Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, 3 Tỉnh Miền Tây: Vĩnh Long, An Giang , Hà Tiên. Hiện nay Miền Tây có 13 Tỉnh, bắt đầu từ Long An và cuối cùng là Cà Mau).
Làng quê ở chỗ tui cũng khác với những nơi khác. Ở những vùng miền khác, làng được tập trung thành từng khu, có cây đa, có giếng nước đầu làng, có luỹ tre bao bọc quanh làng để bảo vệ. Chắc là do truyền thống phải tập trung đoàn kết để chống giặc, chống kẻ thù, chống thú dữ nên dân làng thường hay tập trung lai từng làng bản như vậy. Còn ở quê tui thì khác, ngoại trừ những người giàu có, chức sắc và tôn giáo trường học.. thì họ gom lại thành một chỗ trung tâm, còn lại những người dân thì sống xa nhau, con cái trong gia đình khi ra riêng cũng sống xa nhau chứ không ở bên cạnh nhà cha mẹ. Mỗi người chọn một cái xẻo hay cái gò gì đó rồi cất nhà, nhà nầy cách nhà kia có thể xa bằng tiếng hú. Quê tui mỗi khi cần gọi nhau, hoặc khi có hữu sự thì gọi nhau bằng tiếng hú, cho nên mới có câu nói “có gì thì hú 1 tiếng nha”. Khi có độ nhậu thì cũng ra sau hè cùng hú nhau 1 tiếng là xong. Chắc tiếng hú là tiếng dễ nghe và vang xa nhất nên ai cũng gọi nhau bằng tiếng hú. Thuở nhỏ sống với ngoại tui, mỗi khi nhà làm cơm xong, bà ngoại tôi thường đi ra mé ruộng hú 1 tiếng, thì chắc rằng ông ngoại và những ai khác đang ở ngoài đồng xa đều nghe và về ăn cơm. Sau nầy đến thời ông Diệm, ông Thiệu mới tập trung gom dân lại để vào ấp chiến lược.
Đó làng quê tui là vậy đó, phương tiện giao thông chủ yếu là đường thuỷ, cưới hỏi, đám tiệc đi lại đều bằng đường thuỷ, mùa nước lên thì nước mênh mông, lai láng. Trước năm 2000, từ Sai gon về đến quê tui chỉ hơn 200 cây số một xíu thôi, những để về đến nhà phải mất 2 ngày đường. Vì lệ thuộc vào con đò mỗi ngày chỉ chạy đúng 1 chuyến. Có lần tôi đã hết sức cố gắng đếm xem thử từ Cầu Bình điền về đến nhà phải qua bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ và thật là ngạc nhiên là phải qua tất cả 100 cây cầu lớn nhỏ (có tên). (Hết phần 1).
Nguồn: Facbook Ti Do - 28 tháng 10 lúc 02:31
Trung Trí sưu tầm đăng bài.
Hình minh họa sưu tầm trên internet và tư liệu, phụ chú thêm của NBT trang Web. Xin cám ơn các tác giả.
|