|
Lãng như... cái đìa!
Bữa nhậu được bày ngoài sân trong hơi lạnh mơn man của những ngày giáp Tết. Cái đống un tỏa khói dìu dặt, mùi rượu nếp thơm nồng ... Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi hương thật kỳ diệu. Chưa bao giờ tôi thấy một mùi hương nào lại khiến người ta ngất ngây như vậy ...
Nghe lời dỗ ngon, dỗ ngọt của Kháng, anh bạn thân quê ở Cà Mau, Tết năm nay, tôi và Thu Hương, người yêu của Kháng quyết định về miền Tây ăn Tết một lần cho biết. Quê Kháng ở huyện “Trời Thần” mà tôi chỉ nghe nói chớ chưa từng đặt chân đến. Chính vì vậy, cái gì cũng lạ lẫm, cũng đáng được ghi chép từ chuyện đàn bà uống rượu bằng chén, đàn ông vừa nhậu vừa đờn ca tài tử suốt thâu đêm, hàng xóm vừa gặp lần đầu đã gọi mình là “chí cốt”... Nhưng mê nhất đối với một gã trai Sài Gòn như tôi là cái khoản tát đìa. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ được trãi qua những giây phút hứng khởi như cái hôm theo Kháng đi bắt cá.
Sáng hôm đó, trời lành lạnh. Tôi mặc quần đùi, áo thun dài tay, mang dép lẹp xẹp theo Kháng ra ruộng. Trông bộ dạng tôi, anh bạn nhăn mặt:
“Thôi đi cha nội, đi tát đìa mà cứ làm như đi picnic không bằng”.
Vậy là tôi cởi áo, lột dép, vừa đi vừa đánh bồ cạp, bàn chân thì đau điếng vì không quen đi chân không. Ra tới nơi, tôi thấy rất đông người đang ở đó. Hình như mọi việc sắp xong; nước trong đìa đã được tháo cạn ... Tôi chỉ cái vũng nước bự tổ chảng, nằm thoi loi giữa ruộng hỏi Kháng:
“Ê, sao giữa ruộng khô lại có cái vũng nước nằm chình ình ở giữa vậy?”.
Anh bạn cười cười: “Bởi vậy mới có câu... lãng như cái đìa”.
Đúng là sự hiện diện của cái đìa có phần... lãng xẹt, chẳng giống cái thứ gì giữa mênh mông, đồng đất ấy nhưng với người miền Tây nói chung và dân Cà Mau nói riêng. Cái đìa đã gắn bó với cuộc sống của họ từ mùa nước nổi cho đến khi các dòng sông khô kiệt. Khi ấy nguồn nước ngọt dự trữ để xài qua suốt mùa khô trông cả vào những chiếc đìa được bà con đào rải rác giữa đồng. Còn nếu như nơi nào không thắt ngặt chuyện nước nôi, thì những cái đìa chính là những chiếc lu thiên nhiên khổng lồ để rộng cá dành cho ngày giỗ, Tết. “Khoảng tháng chín, tháng mười âm lịch, mùa nước lên cũng là lúc những cánh đồng vừa gặt xong, cá tôm theo con nước tràn vào ruộng kiếm ăn ... Đến gần Tết, nước rút, lũ cá tôm lại bị dồn hết xuống đìa. Lúc đó, mình chỉ việc tháo nước ra bắt cá hoặc kéo lưới ...”. Anh bạn tôi giải thích cặn kẽ bằng giọng điệu của một thầy giáo đang giảng bài cho một cậu học trò lớp ba.
Sau khi tát xong cái đìa. Nước trong đìa chỉ còn lấp xấp. Lũ cá lóc nhảy đùng đùng; cá mề vinh, cá thác lác, cá sặc, cá rô ... từng bầy ... từng bầy kéo nhau chạy loạn xạ; mấy con tôm càng búng tanh tách, khoe cái càng bằng ngón tay út bám đầy rêu ... Tôi mê quá la đến khản cổ trong khi Thu Hương lại nhảy tưng tưng và vỗ tay ầm ĩ. Mấy anh thanh niên đang bắt cá dưới đìa đưa tay ngoắc ngoắc. Mê quá, tôi đánh liều lội xuống. Bùn ngập đến đầu gối khiến tôi chới với suýt té. Hôm đó tôi cũng bắt được 2 con cá lóc, mấy con cá sặc, bắt hụt 1 con lươn và hồn xiêu phách lạc vì chụp trúng một con rắn bông súng. Đổi lại, tôi đã có những kỷ niệm thật khó quên với vùng đất và con người ở xứ ấy. Bữa tát đìa hôm ấy, chúng tôi thu về hơn hai tạ cá tôm đủ loại. Bác Tư, ba của Kháng chia đều cho mọi người sau khi đã lấy ra gần một chục con cá lóc bằng bắp tay, một rổ tôm càng, mấy con rắn bông súng để chuẩn bị cho bữa nhậu chiều hôm đó. Cá lóc nướng trui; tôm càng lớp nướng, lớp hấp nước dừa, mấy con rắn thì nấu cháo đậu xanh ... Bữa nhậu được bày ngoài sân trong hơi lạnh mơn man của những ngày giáp Tết. Cái đống un tỏa khói dìu dặt, mùi rượu nếp thơm nồng ...
Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi hương thật kỳ diệu. Chưa bao giờ tôi thấy một mùi hương nào lại khiến người ta ngất ngây như vậy ... kể cả mùi bùn. Và cái đìa đối với tôi không còn ... lãng xẹt nữa. Giờ đây nó đã trở thành một biểu tượng gắn liền với vùng đất phương Nam thấm đẫm tình người ấy...
Lệ Thủy
Đom Đóm sưu tầm từ internet.
Nguồn: Chuyện Phụ Nữ - Người Lao Động – Online năm 2013
Hình ảnh chỉ thể hiện tính minh hoạ của bài viết và sưu tầm từ Internet. Xin trân trọng cám ơn các tác giả và nhân vật trong hình.
|
|