Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong trào viết thơ  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

Đi qua chiến trường 5 tỉnh trên đất Campuchia.

Là cựu TNXP xuất thân từ C5 – Liên đội 6, anh đã  trải qua vị trí chỉ huy đại đội ở các đơn vị Liên đội Cơ động 3, Liên đội 5, Liên đội Lê Minh Xuân và Liên đội 301. Sau đây là ghi chéptheo lời kể của C phó Vũ Văn Sang, C2 Liên đội 301.(Bài tham gia chuyên mục "Chuyện bây giờ mới kể").

                  Tôi ra chiến trường biên giới phía tây nam đợt đầu tiên tháng 5/1978. Không chỉ đoàn viên đầu tàu xung phong mà rất nhiều đội viên là quần chúng cũng hăng hái đăng ký lên đường ra trận. Khí thế lúc đó hừng hực, hơn hẳn lúc ra quân chinh phục tuyến kinh lửa trên đất thép thành đồng Củ Chi. Nhưng đợt này chỉ những đoàn viên được BCH Liên đội phê chuẩn mới được đi. Tại lễ xuất quân, Liên đội phó chính trị Dương Thị Việt Thu phân tích tình hình và nhiệm vụ mới của TNXP thành phố, động viên cán bộ đội viên giữ vững tư tưởng tiến công, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước thân yêu. Khẩu hiệu “ quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm” vang rền cả một góc nông trường Lê Minh Xuân. Hàng trăm anh chị em TNXP – kể cả những người được đi và chưa đi - giương cao cánh tay phải rắn chắc thề giữ vững biên giới phía tây nam. Gần như tất cả cán bộ đội viên của liên đội 5 đều tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa này diển ra ở đầu kinh B trước sân trụ sở của nông trường trong ánh nắng ban mai dịu dàng, dưới bóng mát của những cây bạch đàn xanh mượt. Ai ai cũng rộn ràng, phấn khởi và đương nhiên cũng không ai lường được TNXP sẽ phải hứng chịu thương vong  ngay những ngày đầu ở trận tuyến.

                 Xe vận tải quân sự của Trung đoàn 4 ( Sư đoàn 5 - Quân khu 7 ) chở  chúng tôi  lên vùng biên giới Xa Mát của  tỉnh Tây Ninh. Tôi là đại đội phó phụ trách tác chiến, anh Lê Văn Xóm là chính trị viên và anh Dương Văn Mai là đại đội trưởng. Anh Xóm là một cán bộ chính trị nhiệt tình, sâu sát, khéo nắm bắt diển biến tư tưởng của anh em và chịu khó lắng nghe ý kiến của cán bộ, đội viên. Mỗi khi  công việc chung được thực hiện không đúng yêu cầu, trước hết anh tự xét bản thân mình có khuyết điểm hay thiếu sót gì hay không trước khi phê bình hoặc kiểm điểm cấp dưới. Ưu điểm nổi bật của anh là nghiêm khắc với bản thân.        

               Rừng dầu  biên giới Xa Mát- Kà Tum thêm rậm rạp bởi cây cỏ và rau rừng. Từng trung đội hoạt động riêng lẻ, mỗi người được trang bị tiểu liên AK, trải quân  dài theo những con suối có rất nhiều cá, phải tự lo nấu ăn và nước uống. Phía bộ đội cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm nhưng các trung đội đều phải cải hoạt để có thêm rau xanh và thực phẩm tươi. Dáng tiến công của ngừơi đội viên TNXP trên chiến trường biên giới  Kà Tum lúc đó là đầu đội nón tai bèo, bao xe đạn mang trước ngực, súng AK cầm tay , một bên thắt lưng là cái võng cuộn lại, một bên là gói cơm vắt trộn chút xíu muối. Trên lưng có khi đeo cái vĩ tre mang 4 trái đạn B.40 hoặc B.41, có khi là cái balô chứa từ 3 tới 4 trái đạn cối , hoặc 2 hộp đạn AK.

            Ngay trong những ngày đầu ở mặt trận biên giới, TNXP đã phải đối mặt với tính ác liệt của chiến trường. Tiếng súng đủ loại chát chúa bên tai, tiếng đạn đại bác gầm rít, tiếng mìn nổ ngay dưới chân, tiếng rên la đau đớn của những đồng đội bị trúng đạn. Một xe vận tải chở TNXP ra chốt trúng mìn nổ tung. Nhiều anh em thương vong. Tiểu đội trưởng Võ Thành Công và một đội viên hy sinh trên đường mòn xuyên rừng vì đạp phải mìn của Khmer đỏ. Ra biên giới chưa đầy tháng, đại đội của tôi đã phải chịu đựng tổn thất nặng nề. Thực tế dữ dội của chiến trường khiến cho khó thể còn ai lạc quan như lời hát trong các bài hành khúc  “ ta đi giữa mùa xuân trên đường ra trận” hay “ ta lên đường phơi phới tuổi hai mươi”.

             Tôi không nhớ đã vượt biên giới vào tháng mấy nhưng chắc chắn là trong năm 1978, chúng tôi đã cùng với bộ đội Trung đoàn 4 vượt trảng Lệ Xuân qua đất Kampuchia và đóng chốt ở  một khu đất  trồng rất nhiều cây  ăn trái như sầu riêng, măng cụt, bưỡi. Sau đó, Đại đội 2 TNXP đã có mặt tại đồn điền cao su Mimot của Tỉnh Kratié. Tại đây chúng tôi có thêm nhiệm vụ  là tham gia chốt chặn cùng với bộ đội. Riêng công tác liệt sĩ do trung đội của anh Bùi Đức Tuấn đảm nhận. Ngày nào cũng sáng đào huyệt, chiều và tối chôn tử thi. Chiến trường lúc đó tàn khốc đến nỗi có khi anh em TNXP làm không kịp chuyện hậu sự. Mỗi ngày trực tiếp chứng kiến và chăm sóc những cảnh tang thương, chết chóc riết rồi nhiều anh em ăn cơm không nổi, sức khỏe suy yếu  lại bị sốt rét rừng tấn công phải chuyển về quân y của Sư đoàn. Đến tận nơi động viên anh em, tôi không khóc mà nước mắt cứ tuôn trào.                  

               Năm 1979, chúng tôi không vào Nông Pênh mà theo sư đoàn 5 lên thẳng Kompong Chàm. Sau đó được lịnh rút về nước, di chuyển qua Lộc Ninh rồi được lịnh cơ động lên  Battambang và cùng với bộ đội trấn giữ một chốt quan trọng tại  Sisophon  không xa mấy biên giới Thái Lan. Từ thị trấn biên thùy này, chúng tôi quay về phục vụ chiến đấu trong trận đánh sân bay Siêm Riệp. Tại cầu Sông Tê gần sân bày này, 2 máy bay khu trục cánh quạt của Khmer Đỏ oanh tạc ,  sau một hồi  bắn phá rất dữ dội  chúng bị bắn cháy và rớt nổ tung trên mặt đất. Kỷ niệm nhớ nhiều nhất  là Tết 1979, anh em TNXP và bộ đội sư đoàn 5 đón giao thừa trên một ngọn núi ở Pailin thuộc tỉnh Pursat. Chung quanh  là những đồn diền cà phê trải dài ngút ngàn với những dàn tưới rất hiện đại. Ở đây, chiến sự tuy vẫn còn tiếp diển nhưng đã tạm thời lắng dịu do thế trận thắng lợi chung trên tòan đất nước Campuchia. Chúng tôi được hưỡng nhiều ngày yên tỉnh và được tạm thời nghĩ ngơi. Lúc này, anh em chúng tôi có được một niềm  vui mới : uống cà phê trong khoang xe thiết giáp M 113 đang cơ động ra các chốt và nhâm nhi trà ngon, qua tặng của anh em bộ đội. 

               Sau khi bàn giao địa bàn Pailin cho Sư đoàn 2 của Quân khu 7 ( tôi không nhớ tháng mấy), Sư đòan 5 và anh em TNXP trở lại chiến trường Sisophon ở biên giới Thái- Kam puchia cả tháng trời trong cái nắng chói chan của mùa khô 1979. /.

                                                                        Nguyễn Văn Nghĩa


Ảnh minh họa từ Internet



CÁC TIN TỨC KHÁC :
THÁNG TƯ VỀ NỖI NHỚ MIÊN MAN ... !!! Hoang Son (2023-04-20)
KÝ ỨC MỘT THỜI THANH XUÂN SÔI NỔI: Nhớ một người con gái... Đào Đình Tuấn. (2023-02-15)
Thơ THAY LỜI TRI ÂN MỪNG NGÀY HỌP MẶT - Ngọc Hương (2022-05-07)
HẠNH PHÚC ĐÊM XUÂN - Cindy Huong (2022-01-10)
MÓN QUÀ DÀNH CHO ANH NGÀY QUỐC TẾ ĐÀN ÔNG - Cindy Huong (2021-11-19)
TÌNH HỒNG TẶNG ANH – Cindy Hương (2021-11-06)
THƯ GỬI CHO ANH MÙA DỊCH - Cindy Huong. (2021-07-16)
Thơ: THIÊN THẦN ÁO TRẮNG – Biendenkk. (2021-07-13)
KỶ NIỆM MỘT THỜI ĐOÀN VIÊN TRONG THANH NIÊN XUNG PHONG - Cindy Huong. (2021-04-18)
TẢN MẠN CÙNG VỚI ĐỒNG ĐỘI - Phan Tùng Châu (2021-03-28)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á