CẨM HỒNG ĐƯỢC GẶP BÁC KHÊ RỒI!
Câu chuyện mà Cẩm Hồng sẽ kể lại dưới đây được bắt đầu từ năm 1976. Hồi ấy, Cẩm Hồng 18 tuổi, là Thanh niên xung phong đóng quân ở Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong một lần nghỉ phép Cẩm Hồng về thăm Má ở Củ Chi. Tối đó hai mẹ con nằm nói chuyện và mở radio nghe. Bất chợt má nhỏm dậy nhắc:
- Con mở radio to lên, giờ này có cái ông nào đang nói chuyện hay hết sức!
Má còn khen thêm: “Ông già rồi mà nói chuyện âm nhạc có duyên lắm, thuyết phục lắm!”
Cẩm Hồng tức cười ghê mà không dám nói gì. Hai má con cứ vặn tới vặn lui cái nút volum nơi cái radio, âm thanh rè rè khi được khi không, lát sau nghe hơi rõ ràng. Từ trong máy thu thanh một giọng đàn ông ấm áp đang nói về hát đối đáp của nam nữ qua những làn điệu dân ca ở vùng Nghệ - Tĩnh. Câu chuyện của người đàn ông kể rất hấp dẫn. Từ trong radio thỉnh thoảng dậy lên những tràng vỗ tay rào rào của người nghe!
Đang đến độ hấp dẫn nhất thì radio kêu rẹt rẹt rồi mất sóng. Hai má con tiếc chưng hửng! Tuy vậy má vẫn cười nói với Cẩm Hồng:
- Đó con nghe chưa! Ổng nói hay lắm mà!
Không hiểu sao, câu chuyện đứt quảng trên đài phát thanh hôm ấy cứ ám ảnh Cẩm Hồng mãi, theo suốt Cẩm Hồng suốt 37 năm qua.
Mãi cách đây gần 5 năm, khi Cẩm Hồng tập tễnh sử dụng máy vi tính mới biết được người đàn ông nói chuyện “có duyên” trên Đài phát thanh hôm đó là Giáo sư Nhạc sỹ Trần Văn Khê một người rất nổi tiếng hiện đang ở Pháp.
Tận thâm tâm Cẩm Hồng luôn cám ơn buổi nghe đài vô tình ấy đã gieo vào tâm hồn Cẩm Hồng một ấn tượng ngọt ngào về dân ca và nhạc cổ truyền. Từ đó Cẩm Hồng cứ mang một điều ước tưởng như viễn vông: “ Làm sao trong đời được một lần gặp mặt người nói về văn hoá truyền thống dân tộc như có ma lực ấy!”
Đầu xuân Quý Tỵ, cũng tình cờ vào một trang mạng, Cẩm Hồng biết thông tin Bác Trần Văn Khê đã về định cư tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà Bác ở đường Huỳnh Đình Hai. Cẩm Hồng liền xin địa chỉ nhà bác ở Báo Tuổi Trẻ rồi ngày 20/2/2013, cọc cạch đạp xe từ Quận 11 đến trước nhà của Bác. Cốt đến chỉ để xin bác nhận cho lời cám ơn trễ tới hơn ba chục năm của hai má con thôi.
Không gặp được bác vì bác rất bận nhưng khi trở về nhà, vô Facebook của Bác, Cẩm Hồng đánh bạo nhắn tin xin gặp bác, tin nhắn có đoạn cuối:
“Dù biết Bác bận trăm công ngàn chuyện nhưng con vẫn cứ trông ngày nào đó sẽ có tin: “Cháu Hồng ơi ! Bác sẽ cho con vài phút…” Con kính chúc Bác sức khỏe, chúc mọi người mạnh giỏi. Chào thân ái !
Con tên là Nguyễn Thị Cẩm Hồng.
Cẩm Hồng để lại email, số điện thoại trên Facebook của bác và chờ đợi, hy vọng…
…13 giờ 11 phút Ngày Chủ nhật 24/2/2013:
Chuông điện thoại nhà Cẩm Hồng đổ. Đầu dây gọi có tiếng phụ nữ:
- Có phải cô Cẩm Hồng đó không ạ? Em là Thanh Thúy phụ trách trang mạng nhà Gíao sư Trần Văn Khê, đã nhận được email của chị xin được gặp Gíao sư, em sẽ chuyển, nếu Thầy đồng ý, em sẽ thông báo cho chị qua email.
Thú thiệt là từ khi gửi email đi, Cẩm Hồng không bao giờ nghĩ sẽ có hồi âm. Mà cũng đúng thôi, Cẩm Hồng chỉ là một người rất bình thường, đâu có lý do gì để một Người rất nổi tiếng như Bác ấy quan tâm.
23 giờ đêm, Cẩm Hồng như có linh tính, dậy mở Yahoo, đèn báo có tới 4 thư mới và điều không ngờ đã xảy đến: Có một email của Bác Trần Văn Khê. Những dòng tin ngắn ngủi nhưng mang đến cho Cẩm Hồng một niềm vui vô bờ bến:
Cháu Hồng mến.
Bác có đọc thư của cháu viết, rất chân tình. Sáng thứ Ba cháu có thể đến nhà Bác lúc 8 giờ30. Bác bận lắm, nhưng có thể gặp Bác trong nửa giờ. Chúc cháu mạnh khỏe. Bác TVK’’. *
Sáng thứ ba 26/2/2013, theo lời hẹn cho phép của Giáo sư, hai mẹ con Cẩm Hồng tìm đến nhà Giáo sư - Nhạc sỹ Trần Văn Khê.
Hai mẹ con hồi hộp khi được anh Bình (bảo vệ) dẫn vào phòng khách nhà Giáo sư, lúc ấy là 8 giờ 25 phút. Cửa sau bật mở: Anh Bình và một phụ nữ đang đẩy chiếc xe lăn. Giáo sư ngồi trên xe, môi có sẵn nụ cười. Cẩm Hồng thấy Giáo sư thật gần gũi, dễ mến không như những gì đã tưởng tượng khi chưa được gặp Giáo sư. Thật tự nhiên, Cẩm Hồng chạy vội đến khoanh tay:
- Dạ! con chào Bác !
Con gái đi cùng chào Giáo sư theo mẹ. Giáo sư cất giọng trầm ấm, ân cần hỏi:
- Con tên Cẩm Hồng, phải không ? Con ngồi đi!
Giáo sư quay sang phía con gái Cẩm Hồng:
- Ngồi đi cháu!
Hai mẹ con Cẩm Hồng líu ríu nghe lời Bác, hình như lúc này tâm trạng của Cẩm Hồng bị ‘‘đơ’’rồi, cứ toe miệng cười !
Câu chuyện với Giáo sư xoay quanh chi tiết trong một chương trình phát thanh dân ca và nhạc cổ truyền của Đài tiếng nói Việt Nam cách đây 35 năm mà Cẩm Hồng đã kể. Giáo sư vui vẻ nhắc lại:
- Hồi đó, chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài tiếng nói Việt Nam phát chủ đề về Hát Phường vải. “Hát phường vải”, hay “Ví phường vải” là một làn điệu dân ca, thể loại đối đáp giao duyên của vùng Nghệ An, Hà Tỉnh.
Giáo sư nói thêm:
- Khi tham gia hát phường vải, ngoài ý nghĩa hát đối đáp giao duyên phải thể hiện sự cần mẫn, trí tuệ, khoe sắc, đua tài của trai gái. Các giai điệu ứng đối, sáng tác, thường có các ông đồ đi cùng hỗ trợ. Đây là một môn nghệ thuật, một món ăn tinh thần độc đáo của người dân xứ Nghệ…
Giáo sư giải thích:
Ngày xưa ở vùng thôn quê xứ Nghệ, một vùng rất nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải ven sông Lam, có một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đó là Hát phường vải. “Hát phường vải” được tổ chức tự nhiên khi các cô gái đang quay xa, xe tơ dệt lụa trong nhà thì bên ngoài các chàng trai đến hỏi xin hát đối đáp, giao duyên.
Thường thì các cô ra một câu hát ví để các chàng đối lại, nếu đối được thì các cô mời vào uống trà. Trong nhà, các cô thường mời trước một ông đồ nho đến làm quân sư, ông đồ soạn ra các câu hát đố cho các cô hát.
Tương truyền có một lần tại một đám hát phường vải ở Nam Đàn - Nghệ An, một ông đồ gà cho các cô đưa ra câu hát đố:
“Sách rằng Nghiêu hữu cửu nam
Đan Chu là một còn tám chàng tên chi ?”
Tạm dịch:
Vua Nghiêu có chín con trai
Đan Chu là một, tám người tên chi?
Đây là một câu đố khó, vì sử sách cổ chỉ đề cập đến chi tiết Vua Nghiêu (vị vua huyền thoại của Trung Quốc cổ đại) không nhường ngôi cho con trai là Đan Chu mà nhường ngôi cho vua Thuấn một người ngoại tộc đức độ. Sử sách cũng chỉ nói khi nhường ngôi cho vua Thuấn, Vua Nghiêu sai cả 9 người con sang hầu hạ vua Thuấn để học phép chăn dân trị đời mà không nêu tên tám người con Vua Nghiêu tên gì.
Trên thực tế, bên nam không thể trả lời được câu hát đố và coi như thua, phải xấu hổ mà ra về. Tuy nhiên, đúng lúc đó, bên nam có một người bước ra cất tiếng hát đáp trả:
“Các cô là phận nữ nhi,
Một Đan Chu đã đủ hỏi làm chi tám chàng?”
Nghe xong câu hát, các cô phục tài nhanh trí chuyển tình thế từ bại thành thắng của bên nam, liền mời các anh vào uống trà và hát hò ứng đối đến khuya.
Chàng thanh niên nhanh trí đó chính là Phan Bội Châu. Sau này là một danh sĩ và là nhà cách mạnh nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Giải thích xong, Giáo sư cười sảng khoái. Thấy Giáo sư gần gũi, lúc ấy Cẩm Hồng mới lấy hết can đảm thưa:
- Bác ơi ! Câu hát ví “ Một Đan Chu đã đủ…” trong chương trình dân ca mà bác dẫn chuyện năm ấy nó cứ theo con suốt. Con cám ơn Bác, bỡi sau này con lấy chồng và cũng có lúc tim con nó xao xao nhưng chợt nhớ đến lời thẩm bình của bác cho nên con cứ … “một Đan Chu là đủ” thôi Bác ạ.
Nói xong Cẩm Hồng cứ lo mình đã lỡ lời. Nhưng Giáo sư vui vẻ cất giọng trầm ấm:
- Bác cám ơn con mới phải, vì lúc ấy con chỉ là một thiếu nữ còn trẻ mà nghe bác, một người xa lạ, sống ở nơi xa xứ nói như thế mà nhớ và sống theo, cũng mấy chục năm rồi phải không con ? Bác mừng vui vì bác nói có người nghe theo …”
Vui chuyện, Bác kể hiện nay Bác được Nhà nước ưu ái lắm nên Bác cố hết sức truyền lại những gì Bác biết được của mấy chục năm qua vào cái thư viện mà Bác đã mang từ nước ngoài về.
Hai mẹ con cứ ngẩn người ra nghe Bác nói, Bác hỏi thăm chuyện tuổi tác, chồng con, công việc… Khi con gái Cẩm Hồng nói là đang đi làm gia sư tiếng Anh, Bác Khê khen: giỏi! Bác hỏi thăm má Cẩm Hồng và tính ra Bác lớn hơn Má chín tuổi.
Đến thăm bác, Cẩm Hồng mang theo hai thứ để làm quà tặng bác: một cái khăn len choàng cổ, tự tay Cẩm Hồng móc và chiếc huy hiệu Thanh niên xung phong.
Khi Cẩm Hồng tặng bác huy hiệu Thanh niên xung phong, Bác nói đùa:
- Bác đâu có là Thanh niên xung phong?
Cẩm Hồng cười:
- Bác là Thanh niên xung phong danh dự của con!
Nghe Cẩm Hồng trả lời, Bác cười rất to!
Cẩm Hồng có mang theo quyển Nhật ký liền xin bác ghi vào đó cho vài dòng làm lưu niệm. Bác tươi cười cầm bút viết:
“Cẩm Hồng thương mến, hôm nay gặp con sau khi hơn 37 năm trước con đã nghe Bác nói chuyện về hát ví Phường Vải trên đài phát thanh, con rất vui khi gặp lại người diễn giả khi xưa bằng xương bằng thịt. Và sau câu chuyện con tặng Bác Huy Hiệu Thanh Niên Xung Phong.
Bác cám ơn và chúc con sức khỏe dồi dào thân tâm an lạc, vạn sự như ý.
Bác Trần Văn Khê” .
Sắp đến giờ phải chia tay bác, thật bất ngờ, Bác nói:
- Lại đây bác hun hai mẹ con nào!
Cẩm Hồng mừng quýnh, bác lần lượt hôn hai mẹ con. Cẩm Hồng chợt nhớ đến má, liền thưa với bác:
- Bác ơi ! hun thêm con một cái nữa để con đem về cho Má con nha!
Bác cười:
- Ý trời trời !
Hai mẹ con cười sung sướng ngất ngây.
Trước lúc tiễn hai mẹ con Cẩm Hồng ra về, bác Khê còn mừng tuổi cho hai mẹ con mỗi người một bao lì xì đỏ chói!
Khi anh bảo vệ đẩy xe lăn đưa các vào nhà sau, tự nhiên Cẩm Hồng có cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng trong người.
Về tới nhà, Cẩm Hồng điện ngay cho má, rồi mới dám khoe tùm lum cho mấy người thân. Ai cũng mừng cho em được lộc mới đầu năm gặp người nổi tiếng.
Cẩm Hồng không thể ngờ Giáo sư - Nhạc sỹ Trần Văn Khê, thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật, Thành viên của hàng chục Hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế danh tiếng hàng đầu thế giới khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức; Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vẻ vang nước Việt trên toàn cầu lại là người bình dân đến thế. Ông đồng ý tiếp Cẩm Hồng, một công dân bình thường, một cựu thanh niên xung phong đã từng yêu mến ông từ hơn 35 năm trước.
Nguyễn Thị Cẩm Hồng
Ảnh của tác giả Cẩm Hồng cung cấp. Chú thích ảnh của NBT Web.
|