|
Ở ĐỒN ĐIỀN CAO SU MEMOT - KAMPUCHIA.
Đồn điền Memot thuộc tỉnh Kratié, gọi là rừng cao su Memot cũng đúng vì nếu chỉ đi bộ thì không biết đến bao giờ mới hết thấy cây cao su.
Cuối mùa mưa năm 1978. Ngày nào cũng mưa, mưa dầm rất lớn như không muốn tạnh. Hầm chiến đấu, công sự phần lớn đều ngập nước, nhiều cái sạt lỡ, đắp lại thì sạt lỡ tiếp. Anh em TNXP tải thương, tải đạn hết sức khó khăn. Không chỉ đạn dược, vũ khí, anh em còn tải cơm nước cho bộ đội thuộc Trung đoàn 4 của Sư 5 đang bám chốt ngoài chiến địa. Về mặt hậu cần, bộ đội và TNXP đều có suất ăn như nhau: cơm vắt , muối hột. Ăn cơm muối rau rừng chan nước suối- đúng như lời ca trong một sáng tác hát về tỉnh Tây Ninh thời kháng chiến.
Giữa rừng cao su, có nhiều cái trảng lớn cỏ hoang dày đặc, lút đầu người. Khi tải thương, tải đạn ra khỏi các hàng cây cao su, anh em phải băng qua một vài cái trảng cỏ nằm trong tầm tác xạ của địch. Thấy chỗ nào trên trảng cỏ bổng nhiên bị vẹt ra thành đường di chuyển thì Khơme đỏ tuôn liển nhiều tràn đạn xối xả ngay chỗ đó. Vì vậy, anh em không thể tải thương tải đạn trong tư thế đi nhanh hoặc chạy như trên đường bộ mà phải bò hoặc khom người sát đất mới đưa đạn dược, thương binh và tử sĩ qua trảng một cách chậm chạp và khó nhọc. Một sát thủ ghê gớm khác đối với anh em B2 là mìn. Ở Kà Tum, không ít TNXP thương vong vì mìn thì tại rừng cao su bên đất Kampuchia này tình hình vẩn không khác. Khi bò qua trảng cỏ tiếp đạn cho bộ đội của tiểu đoàn 2, một đội viên TNXP trúng mìn, một đội viên khác trúng đạn. Cả hai anh em này đều hy sinh tại chỗ. Đầu mùa mưa ở bên này biên giới, đơn vị chúng tôi đau đớn chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống trong lòng đất mẹ thì cuối mùa mưa bên kia biên giới, chúng tôi xót xa nghẹn lời khi có thêm anh em vĩnh viễn lìa xa đồng đội. Chiến trường phía tây nam đất nước thật sự quá ác liệt.
Để tránh tổn thất vì mìn, anh em nảy ra sáng kiến ban ngày tải đạn tải thương lần theo đường dây điện thoại của bên thông tin. Ban đêm anh em vẫn đi ra chốt và về theo cách này, có bộ đội thông tin dẫn đường. Nhưng trinh sát Khơme đỏ cũng đánh hơi được, tiếp cận đường dây điện thoại để gài mìn. Và, thêm một đội viên bị thương khi đang làm nhiệm vụ.
Sau hơn nửa tháng bám trụ trong rừng cao su Memot, chúng tôi theo Trung đoàn 4 quay về huyện Lộc Ninh thuộc tỉnh Sông Bé để chuẩn bị cho cuộc tổng phản công mùa khô cuối 1978 đầu 1979./.
Ghi theo lởi kể của anh Vũ Văn Sang, C phó C2 Liên đội 301(nguyên cán bộ Liên đội 6).
Nguyễn Văn Nghĩa - 16/8/2016
Đồn điền Memot còn gọi là rừng cao su Memot. Giữa rừng, có nhiều cái trảng lớn cỏ hoang dày đặc, lút đầu người. Có sát thủ ghê gớm đối với TNXP là mìn.
|
|