|
CHUYỆN VUI TIẾU LÂM BUỔI SÁNG Kỳ 15 – Minh Hiền.
NBT: Chào buổi sáng vui vẻ ! Các chuyện vui được tuyển chọn kỳ này, là chuyện tiếu lâm dân gian VN vềnhững giai thoại về Ba Giai và Tú Xuất. Hai nhân vật nầy thường đi đôi với nhau, là những nhà nho "bất đắc chí", suốt năm kéo nhau đi khuấy động, trêu ghẹo, phá phách xóm làng cho hả nỗi căm tức, bất bình trước những bất công, tệ đoan, lố lăng của một xã hội loạn lạc ở buổi giao thời. Kỳ này gồm có: TÚ XUẤT CHƠI KHĂM TRẢ MIẾNG, BA GIAI XOAY TIỀN TIÊU TẾT, BẮC KỲ PHONG HỦI ĐOÀN... ĐẠI NÁO.
TÚ XUẤT CHƠI KHĂM TRẢ MIẾNG
"Thấy cô bán hàng áo quần ở dưới phố thường rất chua ngoa với mình, Tú Xuất muốn "trả miếng" cô ấy một vố cho biết tay.
Một hôm, Tú Xuất ăn mặc chỉnh tề, đầu chít khăn chữ nhất, chân đi giày hạ, mình choàng áo dài thâm, nhưng lại không vận quần. Rồi bảo đàn em đem võng lại, đợi trời bắt đầu tối nhá nhem, võng đến hàng cô ả để Tú Xuất vào mua đồ. Nhờ áo dài phủ ra ngoài, nên không ai biết là Tú Xuất không vận quần.
Tú Xuất lựa một cái quần đắt tiền nhất, mặc vào, dạo qua dạo lại xem hàng một vài vòng, rồi chậm rải ra về, không trả tiền, cũng không nói gì với cô bán hàng. Cô ả chạy theo níu lại:
- Ô hay, cái ông nầy mua quần rồi bỏ đi không thấy trả tiền.
Tú Xuất quắc mắng:
- Con bé này hay chữa! Ai mua hàng gì của mầy mà đòi trả tiền?
Cô ả cũng không vừa, túm ngay Tú Xuất lại, tru tréo lên, rồi cho người nhà mời ông trưởng xóm lại xử. Khi trưởng xóm đến, hai bên đôi chối mãi, người bảo mua quần mà không trả tiền, người bảo chỉ xem hàng chứ không mua gì cả.
Tú Xuất hỏi cô ả:
- Nếu bảo tôi mua quần thì mua cái quần nào, tôi đem dấu ở đâu? - Ông mua cái quần nầy, xong thì ông lại mặc ngay vào người ông đó.
Tú Xuất hỏi lại:
- Đừng nói bá vơ, cái quần nầy là của tôi, chớ không phải của cô. Cô nói sai thì chịu tội gì?
Theo lời yêu cầu của Tú Xuất, trưởng xóm cho người kéo quần của Tú Xuất xuống, thì thấy quả y chỉ vận có một cái quần mà thôi. Tú Xuất nói:
- Mặt mũi tôi thế nầy, khăn áo như thế kia, võng cán như thế nọ, mà tôi ở truồng đi dạo phố, xin hỏi trên có ông trưởng xóm, dưới có bàng quan các ngài đây, nghe có lọt lỗ tai không. Con bé nầy quen thói chua ngoa lâu rồi, nay sinh sự thì phải bị sự sinh.
"Cô bán hàng bị phạt vạ, Tú Xuất nghêng ngang ra về với cái quần mới trắng tinh."
BA GIAI XOAY TIỀN TIÊU TẾT
Tết đến, Ba Giai túng tiền, ra chợ dạo quanh, vừa gặp vợ chồng Nhiêu Vẽo đang mặc cả mua vại muối dưa. Mua xong, bác Nhiêu bỏ năm quan tiền vào vại, úp sấp lại, rồi bảo vợ ngồi lên trên, nói:
- Tôi đi mua gà, không đem tiền theo nhiều sợ kẻ gian chúng giật mất, nên để lại một ít trong cái vại nầy. Bu nó ngồi lên vại giữ, chờ tôi đi mua xong sẽ trở lại đây.
Khi bác Nhiêu trai đi khuất rồi, Ba Giai liền lượn qua, lượn lại trước mặt bác Nhiêu gái, giả vờ đánh rơi mấy đồng tiền. Bác Nhiêu gái thấy có người đi qua đánh rơi tiền, mừng quá, đứng dậy chạy đến nhặt. Thấy người ấy càng đi càng đánh rơi, bác Nhiêu gái mải mê theo nhặt, cố len cả vào chỗ đông người để kiếm xem còn đồng nào nhặt sót không. Trong lúc đó, Ba Giai đã len lại "đỡ nhẹ" năm quan tiền úp trong vại rồi đi quanh ra hàng gà xem có con nào tốt để mua, thì gặp bác Nhiêu trai tay mang một lồng gà đi về phía ao đằng sau chợ. Bác đặt lồng gà xuống vệ đường, rồi đi xuống ao rửa chân.
Ba Giai đến khoác ngay lồng gà ấy lên vai, rồi cũng xuống cầu ao rửa chân với bác Nhiêu. Vừa rửa Ba Giai vừa bâng quơ :
- Gớm! Trời mưa lầy lội quá, nhất là hàng gà thật dơ bẩn.
Thấy Bác Nhiêu ngoảnh lên nhìn, Ba Giai vội nói:
- Ấy! Bác cho tôi vịn một tý nào. Chợ Tết kẻ cắp như rươi, tôi phải đeo luôn lồng gà lên vai thế nầy, chúng nó mới không dám làm gì đấy!
Nghe Ba Giai nhắc đến kẻ cắp, Bác Nhiêu chột dạ, vội vàng quay lên bờ, thì thấy lồng gà biến mất rồi, nên hô hoán lên. Ba Giai hỏi:
- Ô hay! Thế lồng gà ấy của bác đấy à? Có phải ở trong có đôi gà không? - Đúng đấy! - Nếu vậy, tôi vừa thấy một thằng ở đây ra xách đi. Nó đi về phía đông. Cái thằng mặc quần áo nâu, nó rẽ vào xóm kia rồi!
Bác Nhiêu trai luống cuống, vừa chạy theo hướng Ba Giai chỉ, vừa kêu rối rít.
BẮC KỲ PHONG HỦI ĐOÀN... ĐẠI NÁO
Thân phụ của cô Yến là một quan Phủ tham nhũng, vơ vét của dân. Lúc về hưu cũng chứng nào tật ấy. Dân làng đều ghét.
Ba Giai có lần ghẹo cô Yến, bị cô nầy làm nhục cho một mẽ nên thân. Nhân dịp quan Phủ bị bệnh gì không biết mà mặt cứ sùi lên từng tảng ở trán, ở cằm, chạy chữa thế nào cũng không khỏi. Ba Giai liền thừa cơ trả thù, làm cho cô Yến phải ế chồng và quan Phủ phải mất tiền cho bỏ ghét.
Ba Giai đến xúi Hội Bắc kỳ phong hủi đoàn, kéo nhau hàng trăm người hủi, võng lọng, cờ trống đến nhà quan Phủ, quì xuống thưa rằng:
- Bẩm lạy Cụ Lớn, anh em chúng con chẳng may trời bắt mang số phận hẩm hiu, đến nỗi phải xa cách cha mẹ, lìa bỏ quê hương, đến tụ họp nhau thành một xã hội riêng biệt... Hội người hủi chúng con lâu nay hết sức xúc tiến các công việc xã hội, nên ngày nay đã thành cơ sở khả quan, có làng xã, có đình đài, có ngôi thứ, có đủ kỳ mục quan viên, chỉ còn thiếu một vị tiên chỉ là một chức vị cao quý nhất, cần phải chọn người có tài đức, mà tìm mãi chưa có... Dám xin Cụ Lớn nghĩ tình "đồng bệnh tương liên", vui lòng nhận cho chức vị cao cả ấy".
Thưa xong, chúng quỳ lạy và hoan hô cảm tạ. Quan Phủ từ chối mãi không được. Gia đinh ra dọa nạt, đánh đuổi cũng không xong. Hàng trăm người hủi cứ đứng lì đầy sân. Quan Phủ sợ nhất là nếu tai tiếng vở lở ra ngoài, dân làng biết được, đồn là bị hủi thật, thì đến chết được, đành đem tiền ra dụ dỗ, bảo rằng xin anh em cứ để quan Phủ ở nhà và xin tình nguyện nạp một số tiền lớn để thế mạng.
Chẳng hiểu có kẻ nào biết được chuyện nầy, bắn tin cho Cụ Án ở Hà Nam hay. Cụ Án sợ chết khiếp, không dám làm thông gia với quan Phủ, xin hồi hôn, không cho con trai cưới cô Yến nữa.
Minh Hiền – Sưu Tầm.
Nguồn: Truyện vui cười Ba Giai và Tú Xuất.
Hình minh họa sưu tầm từ Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|
|