|
GẶP LẠI VÀ NHỚ… - TRẦN VIỆT SƠN. Anh đã công tác nhiều năm ở Trường Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới (trực thuộc LLTNXP). Một trong nhiều thầy giáo đặc biệt giữa núi rừng. Những việc hoàn toàn có thực, chỉ những ai trong cuộc mới tin và về những giá trị xa xưa. Nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày thành lập trường, xin trân trọng giới thiệu bài ký “GẶP LẠI VÀ NHỚ… ” của tác giả Trần Việt Sơn. NBT.
Ngày 7/11/2020, sau những ngày đầy mưa bão, một buổi sáng ngập nắng vàng đón chúng tôi về họp mặt tại nhà hàng Phúc An Khang. Chúng tôi chính là những cán bộ đầu tiên của Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới, 1 ngôi trường mà nơi đó có những TNXP dùng tình thương giúp nhiều thanh niên lầm lỡ làm lại cuộc đời sau khi đất nước thống nhất.
Vẫn còn đó những lãnh đạo đầu tiên của chúng tôi, các anh tuy tuổi cao sức yếu vẫn cố gắng đến dự. Này là anh Tư Huy, vẫn giọng nói miền Trung đặc sệt, sang sảng, nhưng đầy ấm áp. Kia là anh Tư Thân, tính tình sôi động nhưng dứt khoát, và anh Tư Trung với cái chân đi khập khiễng nhưng vẫn vui tính như ngày nào. Tuy bây giờ mỗi người một nơi, mỗi ngành nghề mưu sinh khác nhau, nhưng khi gặp lại các anh, tất cả đều như sống lại những ngày xa xưa đó. Anh Tư Huy cười chỉ 1 anh đầu trọc lóc và nói “cái thằng nhỏ tuổi mà bày đặt tóc bạc, về Sài gòn có gặp lại học viên nào không?”. Anh kia cười “nhiều lắm, họ nói hồi đó ghét cái ông Chung chùa bảo vệ lắm, nhưng sau này nhớ lại, không nhờ anh bắt em lại thì lúc đó em đã chết mất xác đâu đó trong rừng rồi”. Cầm ly bia tiến lại 1 chị mặc áo hoa, anh Tư Huy vỗ vai “hoa hậu Xuyên Mộc đây rồi, nhưng hết mít ướt chưa em, hồi đó cứ thấy học viên bệnh là khóc, bị anh Tư la hoài có buồn không?”. Riêng anh Tư Thân thì ôm mừng 1 anh đi hơi chậm chạp “sao rồi, ở dưới chê mày rồi phải không, cố uống thuốc đều đặn nha, năm tới phải còn … để tới dự họp mặt, nghe chưa, không được cãi, tao nhớ mày là hay cự tao, lúc Trường gần hết gạo, mày cứ ngang bướng, nhường cơm cho học viên trong đội bốc xếp rồi ăn măng rừng luộc, hết ý với mày luôn!”. Quay qua tôi anh hỏi “lý lịch mày hồi đó có quậy đâu, sao mày rành hết muôn kiểu tiếng lóng của học viên vậy, hay là mày có chiêu gì nói tao nghe đi”. Tôi gải đầu “có chiêu gì đâu anh, hỏi học viên, họ thương mình nên nói hết à”. Riêng anh Tư Trung thì tâm sự “cũng nhờ có thời làm cán bộ ở Trường TNXDCSM, nên khi sau này khi chuyển qua công an, tao đã dùng kinh nghiệm thời đó chuyển hóa lấy lời khai của những tên tội phạm sừng sỏ lì lợm, hay những tên trùm giang hồ khét tiếng”. Nhưng nhìn qua nhìn lại, vẫn thấy thiếu thiếu, anh Chín Cang nè, anh Đoàn minh Cương nè, anh Sáu Nhã nè, và còn nhiều anh nữa…, biết làm sao !
Thời gian đó , chúng tôi đa số là những thanh niên mới rời ghế nhà trường, chả biết ăn chơi sa đọa là gì, mà lại được giao quản lý những tay bặm trợn, ghiền ma túy, gái bán hoa, thật là vô vàn nỗi gian nan. Thôi thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong tay chỉ có quyển sách THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY gối đầu giường, lấy tình thương của người với người làm kim chỉ nam. Sau 44 năm, chúng tôi đã đầu bạc chân run, có người đã vĩnh viễn ra đi như Trần Bẩm – Hà xuân Dũng – Nguyễn văn Thái – Ngô hoàng Xuân… Nhưng khi gặp lại, chúng tôi như trẻ lại. Có anh nắm tay 1 chị, dù biết có chồng chị ấy kề bên, vẫn thì thầm “em có biết hồi đó anh là người yêu em đầu tiên không, thế mà xuất ngũ về, thằng này vớt mất em, ôi chết trong lòng một ít , ư ứ ư …”. Chị kia chỉ cười và nói “ai biểu sinh hoạt Đoàn chung mà không chịu nói, cứ nhìn rồi nháy mắt, tui tưởng ông bị đau mắt, chứ có hiểu gì đâu, giờ già rồi, thôi nghe, đồ quỉ nè”. Rồi có 1 anh nhỏ con lại khều tôi “anh nhớ em không, Thành giao liên nè”. À thì ra cái thằng nhỏ tuổi nhất đơn vị đây mà, vậy mà đã 60 rồi đấy. Thành tiếp lời “em bây giờ đỡ rồi, vất vả nhưng thu nhập khá, bữa nào anh tới chơi, em đãi 1 chầu bột luộc chấm bột quấy, đặc sản một thời của anh em mình, anh còn nhớ không?”. Tôi chợt rùng mình “thằng quỉ sứ, nhắc món đó là tao sợ tới già, 1 cái răng cửa đi du lịch cũng vì nó, đãi món khác nghe!”. Rồi chúng tôi cùng ôn lại cách giáo dục học viên không giống ai thời đó, thuốc men không đầy đủ, không châm cứu, chỉ hướng dẫn họ lao động, rồi chơi thể thao, hát ca nhảy múa, cán bộ thì ngủ chung bám sát tâm tình thủ thỉ, phân tích cái sai cái đúng, hướng họ về con đường tươi sáng hạnh phúc bên gia đình, thế mà lại thành công ngoài mong đợi. Tôi còn nhớ 1 bà mẹ đã ôm 1 cán bộ và khóc “các con đã sinh ra con của mẹ lần thứ hai, nếu không thì mẹ đã mất nó vĩnh viễn vì ma túy”. Rồi có 1 cô gái rất đẹp khi lên thăm nuôi 1 anh học viên thuộc dạng giang hồ cộm cán, cô ấy đã tuyên bố chắc nịch “anh cố học tập tốt nghe, em …chờ. Nghe lời mấy anh cán bộ ở đây, nhớ khi ra Trường, đám cưới tụi mình phải mời mấy ảnh đó, quên là em giận à !”. Có 1 bà mẹ khác, lúc đầu lên thăm con, thường xuyên đem bột Bích chi (ăn để chống phù thủng), rồi khi nghe anh con trai kể là ở đây không có còng tay chân, không bị giam trong phòng kín, còn cho đi lao động trồng rau trồng khoai và cả hoa nửa , bởi vậy nên anh ta không bị phù thủng gì cả mà còn lên được 3 kí lô, bà mẹ đã mừng và khóc.
Thế đó, hơn 44 năm rồi mà chúng tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời ấy, cái thời mà thành phố mới thống nhất có biết bao chuyện mất trật tự trị an xảy ra hàng ngày, vô cùng hạnh phúc và tự hào khi chúng tôi đã góp thêm những viên gạch xây dựng lại 1 xã hôi bình yên cho thành phố. Là tiền thân của các Trường cai nghiện sau này của LL TNXP, chúng tôi vui vì những lớp cán bộ trẻ sau này đã giỏi hơn chúng tôi về nhiều mặt, từ tư chất chính trị, được huấn luyện bài bản kết hợp với những tiến bộ trong y học, họ đã giúp nhiều lớp học viên xa rời những áng mây đen, trở về với bầu trời đầy nắng và hoa.
Chúng tôi rồi đã đang và sẽ già, nhưng những công sức của chúng tôi hy vọng đừng ai quên. Một lúc nào đó, chúng tôi luôn ước sẽ có 1 bộ phim truyện hoặc tài liệu nói về thời gian nan ấy của chúng tôi, những cán bộ TRƯỜNG THANH NIÊN XÂY DỰNG CUỘC SỐNG MỚI.
TRẦN VIỆT SƠN
Hình minh họa do Trần Việt Sơn cung cấp. Xin cám ơn tác giả.
|
|