|
Phong Tục Rước Ông Bà Về Ăn Tết và Đưa Tiễn Ngày Mùng 3. – Ama Tri. Đối với người Việt Nam, chữ hiếu được xem là một trong những đức tính quan trọng hàng đầu, là thước đo phẩm chất của con người. Và một trong những cách thể hiện cho trọn chữ hiếu đó là việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Thường vào buổi trưa ngày 30 tháng chạp (hoặc ngày 29, nếu năm tháng chạp thiếu), khi mọi công đoạn dọn dẹp chuẩn bị đón Tết gần như hoàn thành, nhà nhà bắt đầu tổ chức lễ “rước ông bà, tổ tiên”, cha mẹ và những người thân đã mất về cùng gia đình ăn Tết. Trên bàn thờ bày biện mâm cơm, mâm ngũ quả, bình hoa, các loại bánh mứt, trà, rượu... Có hai loại không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết là bánh tét và cặp dưa hấu to, tròn (hoặc bưởi). Mâm cơm rước ông bà ngày Tết thường có các món như: thịt kho hột vịt, khổ qua hầm, gà luộc xé phai, cá hấp, đồ xào…Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà các loại thức ăn trên mâm cơm cúng rước ông bà có thể khác nhau, nhưng có một món không thể thiếu, đó là món thịt kho hột vịt.
Sau 3 ngày chung vui cùng con cháu, trưa ngày Mùng 3 Tết, các gia đình sẽ bày ra một mâm cơm để tiễn “ông bà” thành phần như đã rước về lại cõi vĩnh hằng.
Tuy nhiên, tùy vùng miền và hoàn cảnh đặc điểm của gia đình mỗi nơi, mâm cỗ mâm cơm, cách cúng chay mặn, khấn vái, đốt vàng mã, . . . có khác. Thực tế là có gì cúng nấy, những năm khó khăn, thời bao cấp chỉ có cơm và rau, nước tương, nước mắm, . . . cũng cúng được. Có lòng thành kính, cái Tâm mới là chính.
Phong tục thờ cúng và rước ông bà ăn Tết và đưa về lại cõi vĩnh hằng là nét đẹp văn hóa truyền thống. mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc VN.
Ama Tri.
Hình minh họa sưu tầm trên internet và chế tác thêm của NBT. Xin cám ơn các tác giả.
|
|