Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG
       Thông tin sinh hoạt  
       Văn-Thơ-Kể chuyện  
       Hướng dẫn sử dụng  
       Liên lạc - Góp ý  

“Tao lớn hay nó lớn?” và những chuyện ngày xưa… Bút ký của HUỲNH THANH

Đây là bài viết đã đăng trong cuốn sách "Một Thời Chân Đất", Nhà XB Tổng Hợp TPHCM, quý 1/2021. Tác giả Huỳnh Thanh, cựu TNXP Tổng đội 4, đóng tại Đăk Mil. Được sự chấp của tác giả, bài viết được tái đăng vì nhu cầu văn hóa TNXP và của Bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu và chân thành cám ơn. NBT.

HUỲNH THANH

Huỳnh Thanh gia nhập TNXP tháng 8 năm 1984 - đơn vị TĐ.4, đóng tại Đăk Mil. Đơn vị TNXP được cho là xa thành phố nhất. Đơn vị anh ở trong rừng sâu, thuộc xã Đăksac, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Lăk. Năm 1988 xuất ngũ. Làm bảo vệ tại cửa hàng Liên hiệp Xã Quận 10. Sau đó, nghỉ về nhà làm việc tự do cho đến nay.

“Những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn và cuộc sống của TNXP mà mình đã trải qua, nhiều chuyện xảy ra trên địa bàn đóng quân tại Đăk Mil. Anh em đồng đội cùng chia sẻ vui buồn, có khi chỉ một “bi” thuốc lào cũng chia ba, chia bốn; thỉnh thoảng có chút tiền lên căn-tin, gọi một phin ly cà phê mà cả năm bảy cái đầu chụm vô, châm nước sôi liên tục… Những đêm dài lạnh giá cùng nhau sưởi ấm bên bếp lửa hồng, những ký ức về Đăk Mil nơi không dễ gì quên được, tới giờ này tôi vẫn rất tự hào rằng, mình đã từng là TNXP. Nếu có thể có dịp đi lại thì tôi vẫn luôn chọn TNXP”

 

“Tao lớn hay nó lớn?” và những chuyện ngày xưa…

Bút ký của HUỲNH THANH

Mãi gần một tuần lễ sau, mình mới biết được tên của thủ trưởng Tổng đội (TĐ) 4 là Nguyễn Công Quen, anh em trong TĐ.4 thường gọi là chú Ba Quen, hay anh Ba Quen. Vốn gốc là dân Nam bộ, nguyên là bộ đội chuyển ngành sang thanh niên xung phong (TNXP), những năm đầu mới thành lập, tánh tình vốn nóng nảy, thấy việc bất bình là chú nói ngay, vốn dĩ là dân-bộ-đội nên chú hành xử mọi công việc như trong quân đội.

Trong quá trình làm lãnh đạo chú có hai khuyết điểm (mà đôi khi chú cũng tự phê bình). Thứ nhất, là có cái tật ưa dùng tiếng “đệm”, nóng lên chú làm một hơi la phan… tiếng đệm, mặc dù mới trong buổi họp bước ra, được đồng đội nhắc nhở và chú hứa khắc phục (!?).

Khuyết điểm thứ hai là cái tật mê bóng đá và những hệ lụy liên quan đến môn thể thao này. Mặc dù lớn tuổi rồi không đủ sức khỏe để vờn với trái banh, nhưng chú lại mê cái môn thể thao này như “người nghiện” vậy. Chuyện kể rằng, khi chú chuyển công tác đến đơn vị mới. Dù cho ở đâu cũng vậy, chú liền xuống các đại đội (C) hỏi ban chỉ huy: “Có đứa nào biết đá banh banh không bây?”, rồi sau đó không lâu một đội bóng được thành lập. Nhiệm vụ duy nhất của đội bóng là ăn rồi tập đá banh. Khi chú thấy đội-gà-nhà đạt được phong độ cần thiết, chú liên hệ với địa phương nơi đơn vị đóng quân, rủ đá giao hữu với đơn vị bạn. Dù đá tranh giải hay chỉ là giao hữu, thì cái tật xấu của chú là thích… thắng người ta. Nếu đội bóng nhà thắng thì muốn gì được đó, chú cưng như trứng mỏng, bồi dưỡng tối đa, đi - về tàu xe nghênh đón rộn ràng, nhưng lỡ trận nào thua thì coi như đội nhà te tua…! Khi còn đóng quân ở Kiên Giang, cái xứ mênh mông sông nước, kinh rạch chằng chịt, đội bóng lúc đó đi đá giao hữu với địa phương, hiệp đầu thua 2-0, sang hiệp hai được chừng 20 phút lại để lọt lưới thêm 2 trái nữa. Thấy phần thua nắm chắc trong tay, chú lặng lẽ ngoắc tài công lại và kêu nổ máy chở mỗi mình chú về đơn vị, bỏ lại đoàn quân thất trận. Cả mấy chục mạng băng đồng, lội kênh tự tìm đường về đơn vị.

Đội bóng về tới nơi thì mệt bở cả hơi tai, thở không ra hơi, thì thấy “ngài” chủ-đội-bóng đang đứng trước cổng tổng đội, tay cầm cái radio cười ha hả: “Đá dở thì đi bộ về là đúng rồi, có mệt dữ không mấy đứa?”. Giận hờn vì thua người ta, nhưng một mặt chú hối cần vụ của chú: “Dọn cơm ra cho mấy đứa ăn lấy lại sức!”.

“Cái tật” thương lính của Chú Ba ai ở TĐ.1, rồi TĐ.4 mà chẳng biết. Có một lần tiểu đội (A) của mình thi đua do C tổ chức, A Trưởng vốn muốn “lấy điểm” nên gọi anh em trong A dậy lúc 5 giờ sáng để tranh thủ đi làm sớm. Cả A lầm lũi đi ra hiện trường, lúc ấy ông mặt trời vẫn còn ngủ say. Muốn tới được hiện trường phải đi ngang qua tổng đội bộ, lúc ấy chợt gặp chú Ba đang cầm cái radio nghe đài (chú có thói quen là dậy sớm nghe radio và đi giáp vòng tổng đội bộ để kiểm tra) bắt gặp một đám quân đang đi tới. Chú hỏi: “Mấy đứa nào vậy bây?”. “Dạ! Tụi con ở C.401”, “Đi đâu giờ này?”, “Dạ, đơn vị đang thi đua cho nên cán bộ A bắt phải tranh thủ đi làm sớm”. Chú quát: “Mấy đứa vô liền, không có thi đua gì hết, tầm bậy…!”. Có một bạn mạnh dạn nêu ý kiến: “Dạ, nhưng mà tụi con sợ đại đội không chịu, kỷ luật tụi con!”. “Vô nói với cái “thằng” C trưởng là tao lớn hay nó lớn?”. Câu nói “tao lớn hay nó lớn” chú thích “xài” lắm, nghe riết đã đi vào bộ nhớ của anh em cho đến ngày hôm nay.

Nay chú đã đi xa, rất xa nhưng những chuyện về Chú Ba Quen vẫn in đậm vào ký ức một thời làm lính TĐ.4 - đơn vị mà Lực lượng TNXP thường gọi là “Những cánh chim bay không mỏi” một thời ngang dọc.

Tôi gia nhập vào TNXP thuộc TĐ.4, được biên chế vào C.401, được phong cho cấp bậc là… đội viên của A.1, gồm 15 thành viên (trong đó đa số là quân đi hồi năm 1982). Lúc trước TĐ.4 còn đóng quân ở Trị An, làm công việc dọn trắng lòng hồ thuỷ điện, khi quá trình công tác của tôi được một tháng, cán bộ A họp giao ban xong về báo lại với tôi: “Tối nay anh được tham gia gác đêm”. Tâm trạng mình vừa mừng vừa lo, không biết gác ở đâu? Tình hình chung quanh có ổn không? Tàn quân fulro lợi dụng đêm khuya thanh vắng có mò tới phục kích không? Điều lo không kém là thú dữ có chui ra “rình mồi” không?

Nhưng nỗi lo đặc biệt nữa là, có ma không?

Không biết bao nhiêu câu hỏi cứ hiện ra trong đầu tôi - một đội viên, mà quá trình chỉ mới có một tháng tuổi quân. Những thắc mắc trên tôi không biết (không dám) hỏi ai, cứ lẫn quẩn trong đầu. Cứ kệ đi, tới đâu hay tới đó. Mở hàng cho mình bằng một phiên gác đêm gây ấn tượng sâu sắc, là ca gác từ 1 giờ khuya cho đến 2 giờ khuya. Chốt gác là đầu C, cách cái A mình cư ngụ chừng 8 mét. Đúng giờ được đốc canh ca gác gọi dậy và đưa ra chốt gác với lời dặn dò: “Có gì xảy ra thì bắn báo động nha, tui sẽ ra yểm trợ cho. Nhớ không được bỏ chốt hoặc ngủ gục đó nha!”.

Đón chào mình ngay giữa đêm khuya thanh vắng, bầu trời Đăk Mil không mây, bầu trời quang đảng, nhìn rõ những vì sao nhấp nháy. Có điều sương đêm sao mà lạnh, sương xuống ướt hết cái áo mặc trên người. Đêm khuya vắng lặng, chỉ nghe tiếng gió thổi lùa qua đám lá mía nghe xào xạc, lạnh cả sống lưng!

Một mình ngồi giữ rừng khuya. Càng sợ thì các câu chuyện về ma lại cứ hiện ra trong đầu.

Có câu chuyện rằng, những nơi rừng rú mà người dân tộc cư ngụ, có một loài ma rất ghê, đó là ma-lai-rút-ruột. Đêm khuya thanh vắng loại ma này thường hay xuất hiện, nó bay lòng vòng chỉ duy nhất có cái đầu mang theo chùm ruột. Nó bay đi bay lại, kiếm người nào còn thức khuya sẽ ập tới… hớp hồn. Chính vì vậy cho nên đồng bào dân tộc thường làm nhà sàn và trồng trước nhà được trồng hàng cây xương rồng, nhằm “đối phó” với con ma này - vì khi nó bay tới nhà sẽ bị hàng cây xương rồng toàn gai nhọn giữ chùm ruột của nó, thì nó sẽ không bay được tới nhà mà phá.

Câu chuyện này mình đã được nghe kể hồi nhỏ xíu, sao bây giờ nó lại hiện ra trong đầu, rõ mồn một (!?). Đột nhiên lại thấy sao mà giống như thiệt, mà là cảnh thiệt người thiệt chứ đâu phải là giả đâu? Thì mình đang ở rừng, ở gần buôn người dân tộc, trời thì tối thui không nhìn thấy gì, chỉ còn nhờ hai lỗ tai đang tận dụng sức nghe hết công suất. Tự dưng nghĩ, nếu con-ma-lai-rút-ruột thiệt sự hiện ra thì mình sẽ xử lý thế nào? Sống lưng anh buốt, cầm chắc cây AK thủ thế, coi bốn bề chung quanh có động tĩnh gì không? Bỗng nghe tiếng nói…! Chết điếng, thiếu điều muốn ngất xỉu. Hóa ra, tiếng nói ấy không phải của con ma, mà của anh chàng đốc canh gọi: “Thôi đi vô đi ông gì đó ơi, hết giờ gác rồi. Anh em mình vô ngủ tiếp thôi”.

Một phiên gác đêm nhớ đời, với một đội viên mới tò te là mình, trong đêm rừng Đăk Mil.

Số của mình thiệt là cái số phải xa gia đình và xa cả thành phố nơi mình sinh ra. Đơn vị TĐ.4 và TĐ.6 - hai đơn vị đóng quân xa nhất của Lực lượng TNXP, mà cái C.403 mà mình mới nhận quyết định vào công tác lại là đóng quân xa nhất của TĐ.4, đơn vị tọa lạc trên đường đi qua TĐ.6, bốn bề là rừng dày đặc, chả biết đường nào về quê mẹ cả, cái C toàn là đực rựa. Nguyên một ngày trời không thấy người dân hình dáng ra sao, kể cả người dân tộc; họa hoằn một đôi khi người dân tộc cởi voi đi qua Nam Nung thăm bà con, mèn ơi buồn ơi là buồn. Đôi khi đi vào rừng đốn lồ ô, kiếm được một giò lan rừng đẹp, định tặng cho người nữ nào mà mình gặp mặt đầu tiên, vậy mà chẳng có một bóng hồng nào xuất hiện, đành phải để giò lan trong A cho đến khi hoa tàn, nhụy tan.

Uổng thiệt, vào năm 1986 nhận được một tin dốt dẻo là đợt quân mới bố sung cho đơn vị, có mấy người nữ tình nguyện gia nhập vào TNXP, mấy cô gái này là quân tình nguyện hẳn hòi, chứ không phải là quân thu gom hoặc thanh-niên-ba-chống nhe.

Nhớ mấy đợt quân thu gom ở thành phố đưa lên toàn là thứ dữ không, hút thuốc như ăn gỏi, ăn nói phang ngang bửa củi, tay cô nào cũng đầy vết sẹo do dụi đầu thuốc lá đang cháy, của những lần phê thuốc hoặc dấu kim tiêm ma túy, nước da thì mét mét, vẻ mặt mệt mỏi, toát lên vẻ sắc lạnh bất cần đời. Ai mà làm cán bộ A của mấy cô ấy thì sụt hết mấy ký trong chớp nhoáng.

Từ khi nghe tin nữ TNXP tình nguyện lên, trong C hình như có thay đổi lớn. Các chàng trai ăn nói nhỏ nhẹ hơn, hết gào thét cãi nhau um sùm, điều đặc biệt là hiện tượng dùng tiếng đệm “mất tích” một cách đầy bí ẩn, ngoại hình các chàng trai được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, râu cạo nhẵn nhụi, chải đầu sau khi tắm xong. Thời gian trước đó không hề có chuyện này. Mấy anh chàng rất ư chịu khó tắm rửa sau giờ lao động, ăn cơm chiều xong là rủ nhau ra ngoài TĐ.6 uống cà phê, dù trong đơn vị có căn-tin. “Ngoài TĐ.6 cà phê ngon hơn!” - đó là kiểu chống chế chứ cà phê nào mà chẳng vậy, chủ yếu mấy chàng ra ngoài ấy là để nhìn những cô TNXP mới lên mà thôi.

Nghĩ lại đúng là bài hát mà nhạc sỹ Nguyễn Cửu Dũng phổ từ bài thơ Những bông hoa trên tuyến lửa của nhà thơ Đỗ Trung Quân “Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá, cô gái Việt Nam đẹp đến lạ lùng. Ơi những bông hoa nở giữa chiến trường”. Dù rằng, những cô gái TNXP bây giờ đã không phải ra chiến trường lửa đạn, không còn phải mặc áo vá, song nét đẹp của các cô Việt Nam thì bao giờ cũng vậy, đẹp đến lạ lùng.

Xin chân thành cảm ơn các đồng đội nữ ngày xưa đã tạo ra nhiều thay đổi cho anh em TĐ.4 năm nào. Xin ghi nhớ mãi mãi.

H.T


Hình minh họa đúng như trong sách “Một thời chân đất” đã in. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
NHÂN NGÀY MÙNG 10 THÁNG GIÊNG NHẮC VỀ VĂN HOÁ NAM BỘ - Sưu Tầm (2024-02-18)
MỘT SINH HOẠT NGÀY MÙNG 5 TẾT GIÁP THÌN – Trung Trí (2024-02-14)
ĐƯỜNG BIÊN GIỚI XUYÊN RỪNG NHUM – Nguyễn Văn Nghĩa (2023-12-01)
TƯỞNG NHỚ ĐỒNG CHÍ ÔNG VĂN CHIẾN (Cựu TNXP, nhà thơ Nam Thiên) – Trung Trí. (2023-09-30)
NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN XUÂN HẢI & TÔI - TRUNG TRÍ. (2023-09-15)
MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ ! – Sưu tầm (2023-05-22)
CHUYỆN THƠ VUI THƯ GIÃN CHỦ NHẬT - Trung Trí (2023-05-21)
ĐÓ LÀ SƠN NAM! - Trích Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải (2023-05-02)
MỘT CUỘC HÀNH QUÂN CHỚP NHOÁNG VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA – CAMPUCHIA – Trung Trí (2023-03-19)
THƠ TNXP: NHÀ EM TRÊN CAO NGUYÊN - ANH VẪN MƠ THẤY EM. (2023-03-09)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á