|
NHỚ MỘT THỜI Ở ĐẮC NÔNG - Nguyễn Thành Nhân Bộ đội xuất ngũ, về đi TNXP, từ học Anh văn và trở thành người chuyên dịch tiểu thuyết tiếng Anh. Một tấm gương vượt khó đáng nễ. Nay anh đã về nẻo chân mây cuối trời. Đăng lại bài viết của anh đã ghi lại những tháng ngày TNXP ở Đắc Nông. Xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Thành Nhân cùng bạn đọc. NBT.
Hồi ấy, tôi cầm 10.000 đồng tạm ứng đi đường của Lực lượng và tấm giấy giới thiệu, một mình quảy ba lô ra bến xe miền Đông, đi tới một nơi chưa từng biết.
Giám đốc Nông Trường Cao Su Số 5 lúc đó là anh Nghĩa đen.
Ở Nông trường bộ, tôi gặp một đứa em trong xóm tên là Thắng, lúc ấy cậu ta là trợ lý giám đốc. Cậu ta tròn mắt nhìn tôi, hỏi, Anh có điên hông mà đi nghĩa vụ mấy năm ở Campuchia về được đã phước lắm rồi, sao lại chạy lên đây chi zậy?
Tôi cười, và đáp qua loa. Biết nói làm sao cho cậu ta hiểu được. Vì sinh kế một phần. Vì tôi chán cuộc sống ở phố thị bon chen, nhớ núi nhớ rừng phần khác.
Lúc bấy giờ Nông trường số 5 có 3 đại đội (C), một C trồng sả và nghệ, một C quản lý học viên tệ nạn xã hội, còn C tôi sắp về là C12 thì mới đổ quân vào sâu trong rừng, cách nông trường bộ 7 km để trồng cà phê thí điểm. Thắng hỏi tôi, anh muốn về C trồng sả, nghệ hay C trồng cà phê. Tôi suy nghĩ giây lát, rồi chọn cà phê. Cà phê mới lâu dài, sả nghệ chỉ là cây thời vụ, ấy là suy nghĩ đơn sơ của tôi lúc ấy.
Từ Nông trường bộ, theo hướng dẫn của Thắng, tôi lại quảy ba lô một mình về đơn vị. Đường qua 3 cái dốc, cái dốc cuối cùng, Thắng bảo, anh em kêu nó là Dốc Ná Thở. Quả là ná thở thiệt tình. Tôi lên đó đúng ngày 2/9/1988. Mùa mưa. Con đường rộng cỡ một chiếc rưỡi Molotova thành một con rắn sình lầy ngoằn ngoèo qua đồi qua lũng. Tôi lên tới đơn vị, lúc ấy cất nhà gần một cái thác nước cũng khá to. Đêm mùa mưa, tiếng thác ầm ầm như tiếng sấm.
Ở Đắc Nông, đa số anh em thương và nể tôi, khi biết tôi mới từ Campuchia về năm trước. Lúc tôi mới lên, mỗi ngày, tụi tôi ra rẫy “đánh bồn”. Bồn là hố đất hình vuông mỗi cạnh 1 m, cuốc sâu xuống 6 tấc. Để sau đó xuống cây cà phê giống. Tôi nhớ lúc ấy hình như đánh được 90 bồn thì được chấm một công/1000 đồng. Cơm mỗi ngày 3 bữa 900 đồng. Bình quân sức tôi mỗi ngày 2 đến 3 công, tùy hên xui chỗ nhận làm có sót gốc le hay không. Có vài thằng kiện tướng đánh tới 5 công/ngày. Ấy là nói thời kỳ đầu.
Tôi ở gần một tháng thì có kế hoạch cho đội viên nhận khoán. Mỗi người nhận tùy theo sức, một đến hai mẫu. Cây giống, phân, phương tiện tưới nông trường lo, đội viên nhận khoán lo chăm sóc phần của mình. Khi thu hoạch cà phê sẽ chia theo tỷ lệ, tôi nhớ mang máng là nông trường = 7 phần, người nhận khoán = 3 phần. Lâu quá, không nhớ chắc.
Tôi đã để ý một mé đất xuôi theo suối, cạnh một khu nhà mồ của người dân tộc, tụi tôi gọi là khu Mã Thượng. Tôi chắc mẻm sẽ nhận khoán 2 mẫu mé đó. Nguyện trọn đời làm một nông dân. Nhưng số Trời đã định, chạy đâu cho khỏi. Tôi ở đó hai tháng mấy thì sốt rét tái phát. Nặng hơn hồi ở bên Campuchia. Đơn vị thì thuốc men không đủ, vì hầu như thằng nào cũng dính, không nhẹ thì nặng. Nhưng số bị nặng ít thôi. Thế là tôi phải ngậm ngùi quay lại Sài Gòn. Vĩnh biệt giấc mơ thơm mùi hoa cà phê!
Rừng Đắc Nông khi ấy còn dày đặc lắm, ngoài khoảng đất được máy ủi ủi sạch để khai thác, xung quanh vẫn là rừng thăm thẳm. Tôi đã từng đi xuôi dòng suối tới chỗ người dân tộc tắm voi mỗi chiều. Nói chuyện tắm, nhớ lại chuyện này cũng lý thú. Mấy năm lính chiến mà tôi, nói chung là tất cả bọn lính chúng tôi chưa bao giờ tắm truồng. Trừ một lần duy nhất ở cánh rừng cạnh cứ Ampil, thấy mưa đầu mùa khoái quá nên lột hết cho nó sướng.
Ở Đắc Nông, cứ ra tới con thác là thằng nào cũng cởi quần ra, đứng tồng ngồng dưới những làn nước xối ào ào. Như tôi nói, tôi lên đó đúng mùa mưa dầm. Nước suối chảy rất mạnh. Cái thác đó cao cỡ hơn 10 mét, đổ xuống, muốn cảm giác mạnh thì nhào vô dòng thác đứng chút xíu, ngộp thở lại chạy ra.
Và hoa! Phong lan nhiều, đủ loại. Khi tôi về, tôi móc theo ba lô đủ mọi giò lan lớn nhỏ. Có thằng bạn tặng tôi một giò lan thủy tiên, tôi về cột vào cây dâu tằm trước nhà. Cây dâu này to lắm, tôi trồng từ hồi 14, 15 tuổi gì đó. Lúc tôi về cái gốc của nó cũng cỡ hơn gần năm tấc đường kính. Tết đó hai nhánh của giò thủy tiên nở hai chùm dài thượt, đẹp hết chỗ chê!
Nguyễn Thành Nhân
Nguồn sưu tầm trên FB Nguyễn Văn Nghĩa- 30 tháng 11, 2020
Hình minh họa và chú thích do Nguyễn Văn Nghĩa cung cấp. Xin cám ơn các tác giả.
|
|