Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG
       Thông tin sinh hoạt  
       Văn-Thơ-Kể chuyện  
       Hướng dẫn sử dụng  
       Liên lạc - Góp ý  

MÙA CÁ ĐỒNG Ở U MINH THƯỢNG- Nguyễn Huân Tước.

Cá đồng là loài cá nước ngọt tự nhiên, sống di trú. Mùa mưa là mùa sinh sản của cá đồng, chúng không thể sinh sản ở vùng nước sâu, có dòng chảy ; môi trường sinh sản lý tưởng phải là vùng nước nông không quá 40cm, đủ ấm và đầy ánh sáng. Do đó những đồng ruộng, đồng năn, đồng cỏ, lung, bàu... sau khi đã kiệt khô trống trãi mùa khô, khi mùa mưa về nước đã lấp xấp... thì chúng từ thượng nguồn từ dưới sông rạch vượt lên đồng, lung để sinh sản và các thế hệ cá nầy sẽ sinh sống và trưởng thành. Khi mùa khô đến chúng lại quây trở về thượng nguồn.

Loại cá đồng thường thấy là cá lóc, cá rô, cá sặc, cá chạch,cá thác lác... đều có vẩy; chỉ có cá trê và cá chốt là cá da trơn có râu. Hầu hết chúng sinh sản theo chế độ quần hôn. Chỉ có cá lóc là chế đội một vợ một chồng, cả hai cùng nuôi con. Mùa mưa, tùy theo thể trạng cá nhỏ vài trăm gram hay cá to hơn 1kg , mà ổ cá lóc làm bằng cỏ, mạ, lúa... có đường kính từ 20cm đến 80cm. Cá nở ra màu đỏ tía gọi là ròng ròng, lớn cỡ ngón cẳng cái gọi là cầu cửng, to cỡ 100gram gọi là cá tràu, to hơn nữa mới gọi là cá lóc. Ròng ròng lớn lên nhạt màu dần và tự rã bầy, cha mẹ chúng có thể đẻ lứa mới với nhau, hoặc thành lập cặp sinh sản mới. Cá lóc có thể đẻ con liên tục 3 tháng tới tháng 8 âl. Cá sặc bướm là loại cá hiền nhất, cái miệng bé tí chỉ ăn rong rêu, cá cái chỉ đẻ trứng và cá đực thụ tinh trứng trong bọt và nuôi con. Ở những nơi có tổ cá sặc bao giờ cũng sôi động vì nó luôn rượt đuổi những kẻ rình rập ăn trứng ăn con của nó, nhưng chúng cũng đành bất lực khi bầy ròng ròng đi qua, nó phải trốn chạy để ko bị cá lóc ăn thịt, khi quay về thì tan hoang, nhưng chúng ko bỏ cuộc, lại tiếp tục phun bọt gầy dựng ổ cá mới.
U minh Thượng là rừng ngập phèn, sông rạch tiếp giáp lại gần biển. Mùa mưa, rừng tràm là nơi lưu trú lý tưởng và cung cấp nhiều thức ăn cho cá đồng sinh sống, nhưng mùa khô thì rất nghiệt ngã... ! Khi lũ đổ về, nước trong rừng đổ ra, cả một vùng nước mênh mông không còn ranh giới ruộng đồng, lung bàu hay rừng gì nữa... lũ cá đồng tha hồ tung tăng.
Tôi về KG công tác vào mùa nước nổi 1977, công việc đi mượn lúa cũng nhàn hạ. Vì muốn được trãi nghiệm giăng câu ban đêm rừng U minh, tôi đã được hai anh ( anh 3 và anh 5, đậm chất nông dân, tuổi ngoài 25, rắn rỏi phong trần ) là thợ giăng câu chuyên nghiệp cho đồng hành.
Như đã hẹn, 14g chiếc xuồng đã ghé rước tôi từ ngã 3 kinh thứ 11 và Lung môn để vào rừng. Cả 3 chúng tôi vui vẻ nói chuyện cùng nhau, trên dọc đường đi chúng tôi cũng hái một mớ rau muống, bồn bồn, bông súng và ghé lên gò hái một ít trái giác. Bến đỗ của chúng tôi là căn chòi bằng cây tràm, mái lớp cây sậy, rộng 4m2 ở giữa rừng sậy dày đặc. Trên sàn chòi có tấm tôn thiếc và 3 cục gạch ống để kê nấu ăn. Chúng tôi nhanh chóng bắt tay làm bửa cơm chiều. Anh 3 chèo xuồng đổ lợp, thăm lưới bén đem về một mớ cá lóc và cá rô, món canh chua cá rô đặc sản giàu đạm, cùng với mấy con cá lóc nướng trui chấm muối ớt đã hoàn thành và nồi cơm cũng vừa bắc lên bếp. Chúng tôi bắt đầu rai rai, rượu đế được rót ra chén, anh 3 nói : Ở dưới nầy uống rượu bằng muỗng canh không hà, bắt buộc phải húp nghe cái " rột " mới được à nghen. Mới đầu mình cũng hơi choáng, sau cũng êm. Giữa rừng sậy mênh mông nước, gió mùa thu nhè nhẹ thoảng hương tràm, cơm ngon canh ngọt rượu mềm môi và những câu giọng cổ... làm chúng tôi lâng lâng say ngủ lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy thì đã hơn 5g chiều, chúng tôi nấu cơm và kho cá cho buổi tối và bắt đầu giăng câu.
Dụng cụ câu rất đơn giản, mỗi bộ câu có 2 lưỡi câu. Đó chỉ là sợi dây cước dài 80cm, ở 2 đầu dây thắt sẵn 2 vòng tròn rộng vừa ngón tay, cân đối cách vòng tròn đó 20cm, người ta buộc vào sợi cước dài 3cm có lưỡi câu. Khi tới chỗ nào cần đặt câu, hai anh chỉ cần chặt cây sậy, cặm xuống đất cách nhau 80cm, tròng dây câu vào hai đầu cây sậy, tra mồi vào là xong. Hai anh rất chuyên nghiệp, không đầy 1g đã xong 100 dây câu, mồi câu thường là con trùn, dế nhủi cá trê rất khoái khẩu; còn cá chốt sống làm mồi dành cho cá lóc.
Trời chạng vạng là cá đi ăn, chúng tôi luân phiên nhau một người nghỉ, hai người thăm câu. Với chiếc đèn bảo vừa đủ sáng, giữa đêm đen tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng cá quẩy mắc câu mà thôi. Hết đổ lợp, thăm lưới bén, rồi gỡ cá mắc câu, có khi vừa mắc mồi xong chưa kịp lui xuồng lại gỡ cá tiếp. Được bao nhiêu cá cứ bỏ vào khoang xuồng, rồi sau đó bỏ riêng từng loại cá vào sọt tre treo hai bên mạn xuồng. Công việc quây đều và thu họach được nhiều cá làm chúng tôi thích thú và không hề thấy mệt mõi. Khi ánh trăng lưỡi liềm đã lên ( có ánh sáng cá sẽ ko ăn mồi nữa ), chúng tôi thu hồi dụng cụ câu, trở về chòi nghỉ ngơi ăn cơm, chờ sáng về, đem cá ra chợ bán. Đêm ấy thu hoạch cũng trên 15kg cá các loại. Một cuộc trãi nghiệm thật là thú vị.
Tháng 10 âl, gió bấc thổi về trời thoáng trở lạnh, lũ cá trê, cá chốt da trơn và có râu rất nhạy cảm nên nhanh chóng bôn tẩu ra sông, lần lượt cá lóc, cá rô và các loại cũng tháo chạy theo quy luật. Biết quy luật đó người ta đắp bờ ngăn chặn, dùng vó đặt ở các dòng kinh để đón bắt cá ra sông, nhưng chỉ được phần nhỏ mà thôi. Cuối tháng 10 hoặc chậm lắm là đầu tuần tháng 11 âl có trận mưa cực lớn, gọi là mưa tiễn cá; đó là cơ hội cuối cùng cho cá rút ra sông.
Cuối tháng 11 âl, người ta thấy hàng dài cá đồng tập kết dọc bên hai bờ sông sau khi đã vượt ra khỏi dòng kênh, chuẩn bị trở về thượng nguồn. Đó là điều bắt buộc vì sông sẽ nhiểm mặn và sẽ bị bọn cá nước lợ nước mặn dữ dằn như cá phi, cá chẽm tấn công.
Mùa khô nước rút nhanh, các dòng kênh đã sắc phèn màu vàng chanh, chua đến tởm kinh, dòng sông đã bị nhiểm mặn.
Tại rừng U minh, sự thật có những anh chị trẻ trâu như cá tràu, cá sặc, cá rô cứ mãi mê vào rừng hái hoa bắt bướm mà mắc cạn không hay... đã vội chui vào gốc cây tràm ngã, những hố bom, ae Tnxp phát hiện mừng húm, một hố nước gốc tràm cũng bắt được mấy kg cá. Hố bom thì ko có cái nào to và sâu cả, do lớp bì thực vật quá dầy, xốp và đàn hồi như nệm nên bom ko công phá được, mùa mưa chỉ sâu tới gối, mùa nắng thì nhanh chóng cạn khô, cá lóc ốm đói chịu trận, ae bắt được cả bao bố, con cá nào đầu cũng chờ vờ dài thòong ốm nhách. Ae mà ko bắt, chúng cũng chết khô, vị mùa khô rừng còn bị cháy âm ỷ sâu đến hàng met, người còn bị phỏng nữa là.
Tại J 36 tôi tìm được vài hố sâu do bộ đội đào năm xưa, loi nhoi toàn là cá rô nước sâu 30 cm, tôi bắt đem về vài chục con, chỉ nhỏ bằng ngón tay, đầu to mắt sâu và chỉ có da bọc xương. Quan sát kỹ thì con cái luôn có 2 cái trứng màu cam, nhỏ như hai hạt lúa. Tôi hiểu chúng đã trưởng thành và sẽ sanh sản. Tôi thả hết vào ao của Lđ mới đào sâu có 20cm nước.
Tháng 4 âl lịch 1978 mùa mưa đã bắt đầu.
Mưa ở thượng nguồn nước đã đổ về, các dòng sông con kênh đã nhạt, phèn đã rửa, cá đồng đã tập trung, cả vùng độ ẩm tăng cao, vài cơn mưa đầu mùa đã làm cho đất nở ra, các hố hang đã đầy nước hồi sinh tất cả những con cá còn sống sót. Gần cuối tháng 4 âl một cơn mưa lớn như trút nước khắp vùng, đồng khô đã ngập nước, lũ cá dưới sông ào ạt vượt lên đồng, lũ cá còn sót lại cũng tràn ra chúng bắt đầu cho mùa sinh sản mới.
Cái ao hôm nào thả cá rô ốm đói, hai tháng sau dày đặc cá rô bí. Sáng nào tôi cũng thả bèo, bỏ cám cho chúng ăn mà lòng rất vui. Thế rồi một đêm, cơn mưa lớn nước tràn bờ, ao bị ngập... sáng hôm sau mặt ao lặng như tờ.
Sau 40 năm, nguồn cá đồng không còn phong phú như ngày xưa nữa, lượng phù sa về đồng bằng sông Cữu Long đã giãm từ 23 triệu tấn hằng năm chỉ còn 7 triệu tấn do vấn nạn thủy điện của các nước ở Thượng nguồn, do đó nguồn lợi chất lượng thủy sản và độ phì nhiêu cũng giãm đi rất nhiều. Bây giờ cá đồng nhiều nhất là do nuôi công nghiệp mà thôi.
N H T 04.3.18

Nguồn FB: Tuoc Nguyen Huan


Hình minh họa sưu tầm từ Facebook của Tuoc Nguyen Huan. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
NHÂN NGÀY MÙNG 10 THÁNG GIÊNG NHẮC VỀ VĂN HOÁ NAM BỘ - Sưu Tầm (2024-02-18)
MỘT SINH HOẠT NGÀY MÙNG 5 TẾT GIÁP THÌN – Trung Trí (2024-02-14)
ĐƯỜNG BIÊN GIỚI XUYÊN RỪNG NHUM – Nguyễn Văn Nghĩa (2023-12-01)
TƯỞNG NHỚ ĐỒNG CHÍ ÔNG VĂN CHIẾN (Cựu TNXP, nhà thơ Nam Thiên) – Trung Trí. (2023-09-30)
NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN XUÂN HẢI & TÔI - TRUNG TRÍ. (2023-09-15)
MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ ! – Sưu tầm (2023-05-22)
CHUYỆN THƠ VUI THƯ GIÃN CHỦ NHẬT - Trung Trí (2023-05-21)
ĐÓ LÀ SƠN NAM! - Trích Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải (2023-05-02)
MỘT CUỘC HÀNH QUÂN CHỚP NHOÁNG VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA – CAMPUCHIA – Trung Trí (2023-03-19)
THƠ TNXP: NHÀ EM TRÊN CAO NGUYÊN - ANH VẪN MƠ THẤY EM. (2023-03-09)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á