|
CÓ MỘT NGÀY Ở BẾN CẦU TÂY NINH – Hà Thanh. Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ năm 2018, một cựu TNXP đã có bài viết hồi ký hay, tình cảm và rất xúc động. Xin trân trọng giới thiệu bài viết “CÓ MỘT NGÀY Ở BẾN CẦU TÂY NINH” của tác giả Hà Thanh. NBT.
CÓ MỘT NGÀY Ở BẾN CẦU TÂY NINH.
Kỳ 1: đã post lên facebook của Hà Thanh ngày 26 tháng 7 năm 2018.
Thật ra, tôi đã có nhiều ngày đến Bến Cầu, từ khi đồng đội tôi chưa có ai nằm xuống cho đến khi Khu tưởng niệm được hình thành, nghi ngút khói nhang ở xã Long Phước. Những lần đầu đến Bến Cầu là khi Tổng đội 4 của tôi chia mỗi Liên đội trong 4 Liên đội trực thuộc thành 2 Liên đội, một ở lại tiếp tục làm kinh tưới Ba Gia và một được thêm hai chữ "Biên giới" vào sau tên gốc để ra chiến trường phục vụ chiến đấu năm 1978. Hai Liên đội đến Bến Cầu, Bến Sỏi. Hai Liên đội đến Xa Mát, Kà Tum. (1). Tôi phụ trách quân lực của Tổng đội nên gắn với hậu cứ, chỉ vài lần đến với các Liên đội biên giới. Rồi khi một bộ phận trở về Củ Chi, bộ phận còn lại tiếp tục ở lại chiến trường, sau được phiên hiệu trở thành Liên đội 309 thuộc Tổng đội 3 biên giới (còn một đơn vị gọi là Đại đội độc lập (2) đã phục vụ cho đến những ngày cuối cùng của Tổng đội 3 BG nhưng tôi không còn nhớ sau này đổi tên hoặc sáp nhập vào đơn vị nào).
Đầu tháng 11/1979 tôi về Ban Quân lực - Phòng Kế hoạch Lực lượng TNXP Thành phố (922 Nguyễn Trãi Q5). Khi Phòng TC-LĐTL được thành lập năm 1980, tôi được phân công ở bộ phận chính sách. Năm 1981, tôi trực tiếp phụ trách công tác thương binh, liệt sĩ của Lực lượng TNXP Thành phố. Trong năm ấy (hay 1982, tôi tạm thời chưa nhớ chính xác), tôi được phân công làm và đi cắm bia bằng bê-tông cốt thép tại tất cả ngôi mộ của TNXP Thành phố trên các nghĩa trang dọc biên giới thuộc 2 tỉnh Lộc Ninh, Sông Bé.
Đoàn do tôi dẫn đầu đi thay mộ bia còn có Trần Bá Phúc, chung Phòng TC, vốn quân Tổng đội 3 (tự hào không hề té khi leo cây thốt nốt thời gian đi K. nhưng lại té chết vì leo cây dừa hái lá kết cổng đám cưới cho đồng đội sau này) và một nhóm quân số cỡ 1 tiểu đội thuộc Công trường Nhị Xuân (đơn vị Tổng đội 3 BG khi trở về). Trong đó, 02 cán bộ phụ trách nhóm Công trường Nhị Xuân nay cũng là những Facebooker khá siêng năng là anh Nguyễn Hồng Đức hay rôm rả và cô gái trẻ đẹp Hoàng Kim Oanh.
Chuyến đi bắt đầu cũng trong mùa mưa. Cũng may, sơ đồ mộ chí lúc đó viết, vẽ tuy đơn giản, có cái ghi trên giấy tập, có cái ghi trên giấy pơ-luya mỏng dính, nhưng khá rõ ràng, không quá khó tìm dù có hằng trăm ngôi mộ nằm rải rác trên khoảng một chục cái nghĩa trang, có nơi chỉ một cái, có nơi trên hai chục cái.
Nghĩa trang đầu tiên chúng tôi cắm, thay bia là Nghĩa trang Bến Cầu. Lúc bấy giờ nghĩa trang cũng khá nhỏ, nằm trên một cánh đồng, không có tường rào, không một cánh cổng. Khi chúng tôi đến, trời đã về chiều, nắng đã nhạt, tuy không mưa nhưng khá u ám. Một số ngôi mộ bị sạt, sụt đất, thấp gần bằng mặt đất. Hầu hết bia mộ ở đây chỉ là những mảnh gỗ viết chữ bằng sơn đỏ. Nhiều chữ đã bị nhòe theo thời gian. Tuy vậy, tôi nhớ hình như lúc ấy chúng tôi không hề thấy rợn, thấy sợ chút nào, vì nghĩ rằng những người nằm đó là đồng đội của mình, họ chỉ mới đi xa thôi chưa lâu. Kể cả khi có người dân địa phương hiếu kỳ đến xem chúng tôi làm việc kháo rằng trong hai cô Ngọc Mai, cô họ Võ linh thiêng lắm, chúng tôi cũng chỉ cảm khái và tiếp tục làm việc, không chút sợ hãi.
Kỳ 2 (đã post lên facebook ngày 27/7/2018)
Năm ấy, chúng tôi đến các nghĩa trang dọc biên giới Việt - Campuchia thuộc 2 tỉnh Lộc Ninh, Sông Bé để thay bia mộ không những cho liệt sĩ TNXP mà còn cho cả những TNXP chết trong thời gian đi phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam không được công nhận liệt sĩ. Chỉ có 5 hay 6 tử sĩ như vậy (tôi không còn nhớ chính xác vì đã quá lâu rồi). Chuyến thay mộ bia cho liệt sĩ TNXP năm ấy tạo cơ duyên cho một chuyến đi đáng nhớ khác (với tôi, là chuyến đi có ý nghĩa lịch sử) vài năm sau đó.
Tháng 9/1979, Tổng đội 3 biên giới trở về trong rừng cờ hoa và vòng tay thân thương của đồng bào Thành phố. Tuy nhiên, chiến sự trên chiến trường K. vẫn còn vô cùng ác liệt. Từ giữa năm 1979 đến cuối năm 1985, Khmer Đỏ với sự trợ giúp về lương thực, vũ khí của Thái Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức đánh du kích và đe dọa sự tồn tại của chế độ mới ở Campuchia do Đảng Nhân dân Campuchia lãnh đạo. Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, ngay sau đó Khmer Đỏ hoạt động mạnh trở lại và chiếm một số khu vực. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ mới và truy quét Khmer Đỏ. Vì thế, đầu năm 1983, Nhà nước và quân đội ta đặc biệt huy động thanh niên từ 27 tuổi trở xuống kể cả số người đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước đưa vào quân ngũ để bổ sung cho các đơn vị bộ đội, phần lớn đang chiến đấu ở K. Ban Chỉ huy LL.TNXP Thành phố lúc ấy có chủ trương động viên mỗi phòng nghiệp vụ chọn 01 người trong độ tuổi (27 trở xuống) đăng ký vào bộ đội. Khi anh Út Thanh (Đặng Công Thanh, Trưởng Phòng TC-LĐTL) vừa nêu vấn đề, tôi tình nguyện đăng ký đi ngay.
Sau hơn 3 năm phục vụ trong quân ngũ, tôi trở về công tác tiếp tại Phòng TC-LĐTL LL.TNXP Thành phố. Do trước đó, tôi là người phụ trách đoàn công tác thay bia mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang biên giới nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tôi được BCH LL giao cho lúc ấy là đi quy tập hài cốt liệt sĩ, tử sĩ TNXP về Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố (Nghĩa trang Lạc Cảnh phường Linh Trung quận Thủ Đức).
Tháng 8/1986 tôi đi cùng với chú Ngọc - Trưởng Phòng Thương binh - Liệt sĩ thuộc Sở Thương binh Xã hội (lúc ấy trụ sở ở đường Nguyễn Du Quận 1) đi lo thủ tục, nhờ Sở Thương binh Xã hội các tỉnh bạn hỗ trợ việc bốc hài cốt. Sở Thương binh Xã hội Tây Ninh đã nhiệt tình giới thiệu chú cháu tụi tôi đến Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh để cử một đội tham gia bốc hài cốt với đoàn chúng tôi. Mọi việc vô sùng suôn sẻ.
Tháng 9/1986, chúng tôi lên đường. Trên xe GMC do tài xế Phụng và phụ xế Sáu có tôi - phụ trách đoàn, anh Nguyễn Hữu Bình, chở theo khoảng 100 lít cồn công nghiệp, hơn 110 cái quách bằng sành và các đồ linh tinh khác trực chỉ Tây Ninh, bắt đầu chuyến đi bốc hài cốt. Đến Tòa Thánh Tây Ninh, một nhóm 10 đạo hữu chuyên lo việc mai táng, bốc cốt đã chờ sẵn. Nghĩa trang Bến Cầu lại là điểm đầu tiên chúng tôi đến.
Nói chung, chuyến đi rất thuận lợi vì tất cả các nghĩa trang cần đến tôi đã đến vài năm trước chẳng có mấy thay đổi. Nhóm đạo hữu Tòa Thánh Cao Đài cử đi rất hiền lành, vui tính và rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, tất cả bọn họ đều là người ăn chay trường. Vì thế, hàng ngày chúng tôi nấu cơm ăn phải chia ra thành các suất ăn chay và ăn mặn. Khi bốc cốt ở từng ngôi mộ, không cần được nhắc nhở, họ làm rất cẩn trọng, với tâm thế thành kính đối với hương hồn người đã khuất. Phần lớn hài cốt ở các ngôi mộ đã khô. Một số mộ có quan tài bị mục nát, chúng tôi phải mò mẫm, vê từ cục đất để chọn tìm lấy từng mẩu xương, rửa lại với cồn cho sạch gói vào tấm nylon rồi đưa vào quách sành. Có vài ngôi mộ có thời gian ngập nước trong mùa mưa (như ở Bến Sỏi) nên thi thể phân hủy chưa hết, chúng tôi rất vất vả để lấy và xử lý trước khi đưa vào quách.
Chuyến đi thành công tốt đẹp. Đến nay tôi chỉ tiếc một điều là từ đầu đến cuối việc làm này, chúng tôi không có điều kiện chụp lấy một tấm ảnh nào để lưu trữ và làm kỷ niệm, kể cả khi làm lễ ở Nghĩa trang Lạc Cảnh ít ngày sau. Từ đó đến nay, mỗi lần viếng đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố hoặc thắp hương ở Khu tưởng niệm tại Bến Cầu, tôi lại nhớ canh cánh về nhóm đạo hữu ấy. Vì vậy, tôi hằng mong có dịp đi tìm gặp lại nhóm đạo hữu Cao Đài đã sát cánh cùng chúng tôi, cùng Lực lượng TNXP Thành phố làm một việc có ý nghĩa cao đẹp từ 32 năm trước, để nói thêm một lời cảm ơn. Nỗi băn khoăn này có ai chia sẻ giùm tôi không?
Hà Thanh.
Ghi chú:
(1) Hai Liên đội đến Bến Sỏi, Bến Cầu. Hai Liên đội đến Xa Mát, Kà Tum. Đoạn này có điều chỉnh cho phù hợp, do Ngô Trung Trí nguyên Tổng đội phó TĐ4 và nguyên Liên đội trưởng LĐ 309.
(2) Đại đội độc lập của Tổng đội 4 này, được biết khác với 4 cánh quân của 4 Liên đội, đã phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam thuộc trận địa tỉnh Lộc Ninh. Đại đội trưởng tên Trần Tấn Phước.
Nguồn từ facebook: Hà Thanh (kỳ 1) Và CÓ MỘT NGÀY Ở BẾN CẦU - TÂY NINH (Kỳ 2)
Hình minh họa sưu tầm từ Facebook của Hà Thanh và Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|
|