Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG
       Thông tin sinh hoạt  
       Văn-Thơ-Kể chuyện  
       Hướng dẫn sử dụng  
       Liên lạc - Góp ý  

Kỳ 2 Tập Chuyện: “Trượt qua miền ký ức” - Trung Võ.

NBT giới thiệu tiếp 5 bài (bài 4 đến 8) trong tập chuyện ký ức của tác giả Trung Võ. Sẽ lần lượt đăng đủ 19 bài toàn tập.  

 

Bài 04: Xe cộ Thanh niên xung phong

Bữa nay cũng hơi vui, thôi thả trôi vài dòng ký ức với bạn bè TNXP: Hồi đó khi anh Nguyễn anh Tuấn từ TĐ3 về trụ trì Trường 2, Vĩnh An thì đơn vị đã có một chiếc xe Jeep ca pô thấp do tôi lấy từ sân 129 Đinh Tiên Hoàng. Lực Lượng mới điều anh Trương Chính mới học lái xe về. Lần đưa xếp Lý Mùi về Bùi hữu Nghĩa, Q5. Ông Chín de xe đụng nên xếp Tuấn kêu tôi lái, tôi chấp hành và bị điều động làm lái xe một thời gian dài. Tôi còn nhớ, lái một đoạn dài thì xếp Tuấn lại châm cho cho tôi một điếu Saigon xanh hoặc Sa mít, quá đã. Sau LL điều về một Jeep ca pô bầu màu xanh, bảng số 50-52, kèm tài xế là Trần văn Xuân, chồng hoa khôi Bich Thuan Bui bây giờ. Nghe nói bác này ngày xưa lái Trường Huấn Luyện, xe còn chút xăng nên bơm lên không được, bác nhớ học cấp hai xăng nhẹ hơn nước nên đổ nước vô cho xăng nổi lên. Hậu quả là xe kéo về 47-49 Xưởng của LL để đại tu. Tài xế LL có anh Trương Nghiệp, tay lái run run mà thấy tội, ảnh lái chiếc Ford Fronco, kế bên là một bi đông đựng nước màu trắng, làm vài hớp thì tay lái êm như lụa. Có anh Nguỵ Minh lái chiếc Jeep CJ 5, loại xịn ngày xưa, 6 máy mà nuốt xăng như quỷ. Anh Hiếu Tây lai thì lái chiếc Ford 12 chỗ màu xanh, có sơn chữ LLTNXP oai phong lẫm liệt mà lên Đà Lạt toàn đẩy, mấy cô má đỏ môi hồng Đà Lạt cười rúc rích: TNXP gì toàn đẩy xe. Anh Quang lái chiếc Jeep lùn A2 bảng số 50-53 mới đặc biệt, anh này sợ ma nên rất ngại đi đêm, có lần tưởng ảnh đưa cả đoàn xuống sông Bé vì người ta phá cầu cũ xây cầu mới mà không biết. Nếu không thì năm đó TNXP có đại tang rồi. Mà nghe xầm xì, ảnh có cái đó bự lắm. Một lần Quang chở BS Đấu đi công tác, hổng hiểu sao mà ủi cổng 922 cái rầm, BS Đấu xuống xe và nói: thôi cậu gấp quá thì đi trước đi. Anh Đạm thì lái chiếc Toyota Corolla màu xanh, chủ yếu chở chị Tư Đoàn, mà ông quại này cũng nổ dữ lắm. Hồi đó Trạm Xá Nhị Xuân được Unicef viện trợ chiếc Land Cruser màu trắng, oai phong lẫm liệt. BCH LL điều về 922 và đổi cho Nhị Xuân chiếc Toyota năm một ngàn chín trăm hồi đó, anh Sáu Luỹ nói với tôi: xe Land Cruiser chạy dầu thì làm sao đi cấp cứu được, đổi xe chạy xăng là đúng rồi. Sau này tôi về Nhị Xuân thì xe cấp cứu này đã vào viện bảo tàng. Ngược lại chiếc Land Cruiser thì quá ngon, quá mới, là nỗi thèm thuồng của dân ở rừng chúng tôi hồi đó. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới anh Kiệt, anh Trần Thanh, anh Bé. Anh Kiệt thì theo xếp mình từ hồi Renault 4, sau là Cortina, rồi Niva và sau này là xe màu đen, chống đạn. Chuyện là ký ức, gởi đồng đội đọc chơi. Có trật hoặc thiếu là do năng lực người viết có vậy thôi. Chuyên đề bữa nay là: xe cộ TNXP.

Bài 05: Chị Huỳnh Thị Sự

Năm 1982, Trường Giáo Dục Lao Động Công Nông Nghiệp 2 (tiền thân là Phân hiệu Tân Phú -Trường TNXDCSM Thành Đoàn). Lúc đó xếp cao nhất của LLTNXP là anh Bảy Thanh chỉ đạo: phải di dời lên Daknong. Vậy là anh Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng tổ chức một đội tiền trạm đi trước. Đội tiền trạm gồm bộ khung chỉ huy do Đặng Ngọc Triển đứng đầu, kèm theo Trợ lý Kế hoạch, Hậu cần, Tài vụ, Bảo vệ và khoảng 100 quân. Trong số này nhiều anh em là huynh đệ với tôi, nên tôi xúi Nguyễn Toàn Nhẫn, nhân viên kế hoạch lên xin phép chị Huỳnh Thị Sự, Phó Hiệu Trưởng, là người ký chỉ thị cấm uống rượu trong toàn đơn vị. Ông Nhẫn (anh em quen kêu là Tàn Nhẫn) lên gặp, gãi đầu: “Báo cáo chị, ngày mai anh em chia tay, chị cho phép anh em uống chút rượu chia ly”. Mà cũng đúng, từ Vĩnh An lên Daknong 400 cây số chớ đâu ít ỏi gì. Chị Sự nói: “Cho mấy ông một lít thôi nghen”. Vậy là ngon rồi, tụi tôi kéo ra một doanh trại cách xa cơ quan nhậu, mồi màng thì cũng cá sông, rau trồng, gà nuôi... nói chung thì hoành tráng. Tôi nhớ thì có đủ anh hào lúc đó: Nguyễn Văn Hùng (sau ở Khu Nam Sài gòn), Đặng Ngọc Triển, Lương Hoàng Tùng, Nguyễn Hoàng Minh, Lê Văn Mùi, Đỗ Sĩ Quốc Việt, Phan Quý Hoàng, Nguyễn Triều Chánh, Trần Văn Danh..  và nhiều anh em nữa. Khi hết rượu, lại giao cho Toàn Nhẫn đi mua. Khổ nỗi lúc đó mới 3, 4 giờ chiều, mà chỗ bán rượu thì phải đi ngang cơ quan. Chị Sự thấy ông Nhẫn xách cái can đi lơn tơn, ngoắc vô: “Tui chỉ cho một lít mà”. Ông Nhẫn nói: “Thì hồi trưa chị nói mỗi lần một lít”. Xếp đuối lý, cho qua luôn. Uống thêm nữa tui nói: “Ông làm ơn đi vòng sau lưng cơ quan kìa và lấy can 10 lít mua một lần thôi”. 
Khi hết mồi thì Minh say (Nguyễn hoàng Minh -308) nói với tui: “Anh Tâm để em”. Thế là Minh rượt bắt gà, con gà chui vô rừng chồi. Minh phóng theo mắc kẹt trong đó luôn. Hậu quả là tụi tui phải chui vô, kéo Minh ra. Gà đâu không thấy, chỉ thấy trầy sướt tùm lum. Nhưng sáng hôm sau, việc chuyển quân vẫn tiến hành nghiêm túc theo kế hoạch. Anh em xây dựng đội 1 ở khu vực Vườn Mít Trần Lệ Xuân, xã Daktik, Daknong không chê vào đâu được. Sau này, tui có tìm thăm anh Nguyễn Toàn Nhẫn nhiều lần ở Gò Vấp nhưng không được, có thể ảnh đã mất lâu rồi. Ôi, rừng xanh Vĩnh An, Trị An, Phú Lý, Thác Trau.. giờ là lòng hồ Trị An hùng vĩ, mà nhiều người xưa năm cũ bây giờ nơi đâu. (Viết theo ký ức, có nhầm lẫn anh em trong cuộc cảm thông nghen).

Bài 06: Thắp một nén hương lòng.

Trong TNXP, có 2 người anh mà tôi quý mến. Hai anh đều là những người dày dạn vì đã từ chiến trường về. Theo trí nhớ của tôi, cả hai đều là Đại Uý quân đội, được phân công về TNXP để tăng cường lực lượng.

Tôi gặp 2 anh lần đầu ở Vĩnh An, khi thay mặt lãnh đạo công bố Quyết Định của UBND TP về việc chuyển giao đơn vị qua TNXP năm 1980.

Lúc đó anh Đặng Công Thanh (Út Thanh) là TPTCCB, anh Nguyễn Thái Hiếu (Tư Hiếu) là TP Chính Trị.

Hai anh không giống nhau về phong cách vì người thì quê miền Trung, người thì miền Tây. Nhưng điểm chung là điềm đạm, nói ít và dứt khoát nhưng tình cảm, xen lẫn tiếu lâm với đám trẻ như tụi tôi.

Sau này, do công việc tôi gặp hai anh thường xuyên, anh Tư Hiếu được phân công là Bí Thơ Chi Bộ do đơn vị chưa đủ đảng viên.

Khác với anh Út, anh Tư rất xuề xoà khi anh em rủ nhậu,v ui và nhậu tốt.

Những năm về sau, anh Út là Chỉ huy phó, trọng trách nhiều. Còn anh Tư, không hiểu sao lại về giám đốc! Lò Gạch Ngói Dakmil, Daksak là TĐPhó TĐ4 khi anh Ba Quen là TĐT. Hai cọp ở một rừng nên xảy ra va chạm là tất yếu. Có lần hội nghị ở 922 tôi phê bình thẳng: cả 2 anh đều không làm gương cho thế hệ trẻ. Giờ nghĩ lại ân hận vì còn trẻ, háo thắng nên không hiểu hết về tâm trạng của các bậc đàn anh lúc đó.

Nhà anh Tư số 165 Tô hiến Thành, do quân đội cấp, trước tôi vẫn ghé thường xuyên cà phê cà pháo, sau ảnh xây lên mấy tầng lầu có rủ tôi ghé chơi. Tôi nghĩ thầm trong bụng: anh xây vầy thì vài năm nữa sao leo lên nỗi,mà đúng vậy.

Khi anh Tư từ TĐ4 qua Dakmil, thèm thuốc nên ảnh kéo mấy bi thuốc Lào. Lê công Cẩn thấy tội nghiệp nên mua cho gói thuốc con mèo.

Giờ thì anh Út đi xa lắm rồi vì một nguyên do tào lao của đất Sài Gòn. Nay thì tới anh Tư, cũng là quy luật cuộc đời thôi.

Thắp nén nhang tưởng nhớ anh Tư Hiếu, người anh của tôi.

Bài 07: Nhiệm vụ thôi

Kể tiếp chuyện đời xưa. Năm đó xếp Nguyễn anh Tuấn, Hiệu Trưởng Trường GDLDCNN 2 thuộc LLTNXP TP kêu tôi đi mua bò về nuôi để cải thiện đời sống anh em và lập trại chăn nuôi. Tôi ra gặp chú Ba Vàng, dân bộ đội về, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 5, Phó Giám Đốc Lâm Trường Vĩnh An, quê gốc An Giang. Chú cho biết: bò Miên ở An Giang nhiều, rẻ. Tụi bây đi thì tao giới thiệu bạn tao giúp. Tôi cầm thư giới thiệu mà phấn khởi, vậy là ngon rồi. Anh Tuấn cử tôi, Hùng Tài Vụ và Nguyễn kim Minh đi. Đến Long Xuyên, tụi tôi xin gặp Chú Mười Việt (Giám Đốc Công An An Giang). Ổng nói sao các bạn biết không: Mấy ông về nói với Ba Vàng, Công An không làm chuyện mua bán bò. Vậy là tiu nghỉu đi về. Tôi liều mạng vào UBND tỉnh trình bày, sau khi nghe xong chị kỹ sư nông nghiệp đồng ý cho tôi giấy giới thiệu về Huyện Tịnh Biên, Tri Tôn để tìm nguồn thu mua. Tụi tôi trình giấy giới thiệu với Giám Đốc Công Ty Thương Nghiệp huyện Tịnh Biên, chị GĐ tên Phượng đồng ý và bố trí cho 3 anh em ở nhà khách huyện. Lúc này UB huyện đâu cũng súng ống, B40, RPD, Đại Liên, lựu đạn chứ không yên tĩnh, còn chiến tranh mà. Trong thời gian chờ họ gom bò, tụi tôi có dịp qua Tân Châu, Hồng Ngự nhờ vậy mới biết lụa Tân Châu. Xếp Tuấn giao đi mua bò cái có thai (bò đẻ) trong khi Tỉnh chỉ cho mua bò thịt, vì bò cái sinh sản là nguồn, tỉnh không cho xuất. Sau cùng thì mọi việc cũng xong, tôi lại phải vào Sở Nông Nghiệp, UBND tỉnh năn nỉ, trình bày. UB cấp cho giấy phép chở về Vĩnh An, Trị An thành lập trại chăn nuôi, do anh Nguyễn xuân Hoà (đã mất) và anh Nguyễn hồng Đức phụ trách. Điều an ủi là, bò đẻ liên tục lớp bán, lớp cho và cải thiện đời sống anh em. Tôi ghi ký ức này để các bạn gốc TNXP thấy: TNXP không chỉ lên rừng xuống biển... mà còn phải đi mua bò trong thời ngăn sông cấm chợ. Mà nói vài câu các bạn hình dung thôi chứ thiệt ra chua lắm. Chuyện xảy ra khoảng 81-82, có gì chưa đúng thì bạn Hùng Tài Vụ (Khu Nam Sài Gòn) thông cảm và chỉnh sửa

Bài 08: Một thời quậy

TNXP, nhớ nhiều cũng khổ. Bạn bè của tôi lúc này post nhiều bài hay về tình đồng đội, bữa nay tôi ghi vài ký ức về miền đất Vĩnh An, Phú Lý, Mã Đà, Đồng Nai.

Chuyện1: Lúc đó khoảng năm 1979, dòng sông La Ngà cuồn cuộn chảy qua chỗ đơn vị tôi, chiều nào anh chị em cũng phải xuống tắm ở đây (đâu có chỗ nào khác). Bữa đó đoàn làm phim của Đài Truyền Hình TP lên giới thiệu và xin quay một phim tại đây.Anh Sáu Nhã (Đỗ văn Nguyên) đồng ý cái rụp. Kịch bản nói về những thanh niên lầm lỡ và bây giờ được giáo dục. Đạo diễn là Lê Trí, phụ tá là Lê Hiền. Anh Lê Trí trước đây là cận vệ của ông Trần bạch Đằng (là ảnh nói). Chuyện phim xoay quanh cuộc đời của một nhân vật có thật ở đơn vị tôi: Oanh Solo, có tài nhảy đầm rất nhuyễn và hát cũng hay. Trong phim Oanh Solo hát bài Đi về đâu hỡi em (lâu quá không nhớ chính xác). Anh Sáu Nhã có tham gia trong phim. Tôi có gặp và nhậu với anh Lê Trí vài lần. Còn bây giờ không biết ảnh và Oanh Solo ở đâu. Đây là phim đầu tay của đạo diễn Lê Trí, mang tên: Câu chuyện bên dòng sông La Ngà.

Chuyện thứ 2: Lần này là đoàn phim hùng hậu từ Hà Nội vô, Hãng Phim Truyện Việt Nam với dàn diễn viên trứ danh như Huy Công, Minh Đáng, Nguyễn chánh Tín. . cùng vô số nhân viên phục vụ, tụi tôi phải lo cơm nước gần chết. Nhưng mà vui, trong phim có cảnh bảo vệ truy xét một đối tượng nữ (là diễn viên Lan Chi, người Việt lai Ý) cô này giận quá giựt áo xuống, thấy cả bộ ngực. Mà anh em TNXP lúc đó còn trẻ nên thằng nào cũng chen nhau rình coi mà còn la ó, bình phẩm. Cô diễn viên vừa quê vừa giận nên khóc. Sáng chào cờ, trước hàng quân, xếp Nguyễn anh Tuấn sạc cho một trận: Người ta là nghệ sĩ, mấy ông có coi thì im miệng, sao lại vừa coi vừa la là sao. Tôi nhớ phim này nhiều vì kính phục nhân cách của diễn viên Huy Công, đạo diễn Khắc Lợi. Ngoài ra cũng vì nhiều bạn tôi tham gia đóng phim, trong đó có Lê công Cẩn, phó ban Chính Trị. Phim mang tên: Miền đất không cô đơn, năm 1981. Tôi còn nhớ nhiều bởi còn đi săn với Lê Trí, Huy Công, Minh Đáng về làm mồi nhậu, vậy thôi.

NB: Cô Lan Chi sau này có vào vai Hélene Falfani trong bộ phim Ván Bài Lật Ngửa.

Trung Võ.

Đón xem kỳ 3, sẽ đăng tiếp.


Hình minh họa sưu tầm từ kho tư liệu ảnh của LLTNXP TPHCM. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
NHÂN NGÀY MÙNG 10 THÁNG GIÊNG NHẮC VỀ VĂN HOÁ NAM BỘ - Sưu Tầm (2024-02-18)
MỘT SINH HOẠT NGÀY MÙNG 5 TẾT GIÁP THÌN – Trung Trí (2024-02-14)
ĐƯỜNG BIÊN GIỚI XUYÊN RỪNG NHUM – Nguyễn Văn Nghĩa (2023-12-01)
TƯỞNG NHỚ ĐỒNG CHÍ ÔNG VĂN CHIẾN (Cựu TNXP, nhà thơ Nam Thiên) – Trung Trí. (2023-09-30)
NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN XUÂN HẢI & TÔI - TRUNG TRÍ. (2023-09-15)
MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ ! – Sưu tầm (2023-05-22)
CHUYỆN THƠ VUI THƯ GIÃN CHỦ NHẬT - Trung Trí (2023-05-21)
ĐÓ LÀ SƠN NAM! - Trích Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải (2023-05-02)
MỘT CUỘC HÀNH QUÂN CHỚP NHOÁNG VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA – CAMPUCHIA – Trung Trí (2023-03-19)
THƠ TNXP: NHÀ EM TRÊN CAO NGUYÊN - ANH VẪN MƠ THẤY EM. (2023-03-09)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á