|
Kỳ 4 (kỳ cuối) Tập Chuyện: “Trượt qua miền ký ức” - Trung Võ. NBT giới thiệu tiếp 6 bài trong tập chuyện ký ức (bài 14 đến 19) của tác giả Trung Võ. Qua 4 kỳ, đã lượt đăng đủ các bài trong toàn tập. Đây là kỳ cuối, cám ơn các bạn đọc đã xem tập chuyện này.
Bài 14: Dakmil, còn nhớ không
Tản mạn gần cuối năm.
Khi tôi ở Vĩnh An, Tân Phú những năm 80.
Lúc này có chủ trương dọn sạch vùng rừng, một phần của chiến khu Mã Đà, chiến khu D.
Nhiều đơn vị đã tới đây để dọn sạch vùng rừng này theo chỉ đạo của UBND TP. LLTNXP đã thấy trước điều này nên năm 1983 đã điều động TĐ4 lên Dakmil. Còn Trường GDLĐCNN2, vì nhiều lý do nên việc chuyển quân chậm một chút.
Ban đầu năm 83, hai đại đội của anh Đặng Ngọc Triển và Đỗ văn Thiện được lệnh đi Daknong, kế suối Daktik, gọi là vườn mít Trần Lệ Xuân. Nơi đây mít bạt ngàn, tụi tui chỉ việc chờ mít rụng, lượm ăn thôi. Nhứt là mít tố nữ, rụng cái bốp, múi nào ra múi nấy, thơm ngon.
Anh em cũng đã triển khai xây dựng các nhà sàn dọc theo triền suối theo chỉ đạo cấp trên, nhìn chung là khang trang, thơ mộng. Nơi đây cũng là nơi anh em khỏe mạnh đã phải cõng nhạc sĩ Phạm trọng Cầu, sau khi xuống suối thì không làm sao lên được, vì triền dốc quá cao.
Trong lúc đó, ở Vĩnh An thì không khí lao động vẫn khẩn trương, vì cùng lúc với áp lực phải chuyển quân khi lòng hồ Trị An đã có các chuyên gia về Thủy Điện của Trung Ương và nước ngoài đổ vào.
Ban Chỉ Huy LLTNXP chỉ đạo: đưa một bộ phận lên Dakmil, chuẩn bị cho việc phát triển cây cà phê tại đây. Thế là một đại đội của anh Đỗ văn Thiện từ Daknong đi Dakmil, đóng quân tại lò gạch của TĐ4, do anh Tư Hiếu (Nguyễn Thái Hiếu) là Giám Đốc Lò gạch ngói phụ trách.
Thời gian sau, thì tui được phân công lên Dakmil, tìm chỗ đóng quân để chuyển Trường Giáo Dục Lao Động Công Nông Nghiệp 2 lên đây.
Sau thời gian khảo sát, băng rừng lội suối ở Dakmil, nơi có bài hát nổi tiếng Đêm Rừng Dakmil của Ns Nguyễn Đức Trung. Tui thấy việc không dễ dàng chút nào. Không huyền ảo như bài hát đâu. Lạnh khủng khiếp như từ trong xương ra, ngủ phải kế than củi mới đủ ấm, thực phẩm thì thiếu thốn, vì toàn bộ phải đưa từ Sài Gòn lên, phương hướng sản xuất thì không rõ, quan hệ với chính quyền địa phương rất khó khăn. Anh em TNXP từng ghé vùng này chắc không quên: uống cà phê sữa phải sắp hàng, bán khoảng 20 ly là hết. Ăn phở xong phải qua cửa hàng kế bên uống nước, dù là chung 1 Mậu Dịch Quốc Doanh. Muốn ăn ngon thì phải ăn chui, luồn lách trong các góc hẻm. Thị Xã Ban Mê còn te tua hơn.
Nhưng chấp hành cấp trên, tui vẫn tiếp tục khảo sát và báo về anh Nguyễn anh Tuấn, Hiệu Trưởng và Phòng Kế Hoạch Lực Lượng: đề xuất chọn nơi đóng quân cách TĐ4 khoảng 20 km đường rừng.
Anh Hai Nhựt (Lê thanh Hải) đồng ý.
Vậy là đêm 22/12/1984 sau buổi họp mặt truyền thống hằng năm của đơn vị, tụi tui xuất quân lên đơn vị mới. Cả đoàn xe gồm người, vật tư, hậu cần di chuyển miệt mài.
Xe qua Gia Kiệm, Hố Nai, Biên Hoà, vào TPHCM thấy không khí thiên hạ đón Nô en, đèn hoa giăng khắp lối, tụi tui, những thằng thanh niên còn tuổi ham chơi, cũng thấy man mác chạnh lòng.
Sau khi vượt nhiều cây số đường đất đỏ, sình lầy, dốc Ma Thiên Lãnh gần Thác Drây Sáp, Krong No, Daklak.. thì đoàn người xe cũng đến nơi vào chiều 25/12/84. Đã qua đêm Nô en. Lại bắt tay vào công việc mới.
Tổng Đội 6 TNXP Dakmil được thành lập vào tháng 2/1985.
Tụi tôi vẫn chọn ngày 22/12 hằng năm là ngày truyền thống của Trường 2 và TĐ6 Dakmil, dù cho vật đổi sao dời.
Gởi anh em TĐ6.Lê công Cẩn Lê Công, Đặng Ngọc Triển, Võ hùng Dũng, Lợi Ken, Nguyễn hồng Đức, Vũ chí Nam, Nguyễn thành Mỹ, Đặng bá Công Ðặng, Huỳnh Ngọc Sướng, Huỳnh văn Huỳnh Văn Long, Nguyễn văn Quốc, Phuong Chi Vo. . và tất cả anh em.
Giờ thì ai nhớ ai quên, cũng bình thường thôi.
Bài 15: Súng đạn
Gần Tết rồi ,có nhiều ý kiến nên nhập Tết ta vào Tết Tây. Tôi thì dở tranh luận nên tiếp tục chuyện súng ống cho các bạn nghe: Khi tôi còn ở Đại Học Khoa Học Sài gòn (lúc đó kêu bằng Khoa Học Đại Học Đường, trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn) thì tôi đã biết sơ về súng ống vì được cử làm Trung Đội Trưởng Trung Đội Học Sinh Bảo Vệ nhà trường (lúc đó không cho gọi là sinh viên) phụ trách 50 anh em, chia làm 3 tiểu đội với khoảng 10 AK, CKC, Carbine, vài ba băng đạn nên cũng hiểu ít nhiều về súng ống. Sau này về Vĩnh An tôi có dịp tập tành nhiều hơn vì là ở rừng (có nói sơ với các bạn lần trước). Đến khi được phân công lên Dak nông rồi Dakmil, chuyện súng ống cứ ám ảnh tôi hoài. Chuyện thầy Minh, Tiến Sĩ Địa Chất dẫn sinh viên đi khảo sát ở Suối Vàng, Lâm Đồng bị Fulro bắn chết. Rồi chuyện các kỹ sư Sở Giao Thông Công Chánh cũng bị bắn chết ở Quảng Phú, Dak nông do Fulro. Tôi rất lo sợ cho anh em TNXP mình. Sau này nghe kể: họ tức Fulro ban ngày là du kích, ban đêm họ bắn người Kinh, không biết đâu mà lần. Vì vậy khi lên Dakmil, đi đâu tụi tôi cũng súng đạn kè kè, kể cả khi vào uống rượu tại các buôn làng thì tôi cũng lận lưng cây K54, mặc dù họ đều là Bí Thư, Chủ Tịch cả đó. (Không có ý phân biệt gì chỗ này nghe, chẳng qua là cảnh giác thôi). Do vậy, khi đã ổn định đơn vị, việc đầu tiên là tôi ra làm việc với Ban Chỉ Huy Tỉnh Đội Daklak. Sau khi nghe tôi trình bày, họ đồng ý và đưa tôi xuống kho để chọn. Lúc đó tôi đi một mình nên lựa đại cây đại liên M30 và 1 cây trung liên Bar (băng đạn ở phía trên). Tôi đâu biết 2 cây này là từ thế chiến thứ 2, đại liên M60 mới là hiện đại, tốt hơn. Tỉnh cấp thêm 3000 viên đạn đại liên và 5000 viên AK, M16 còn nguyên trong thùng. Tôi bỏ lên xe Jeep và chở về đơn vị. Vài ngày sau tôi về gặp anh Sáu Luỹ, Chỉ huy phó TT của TNXP trình bày: Tỉnh cấp cho đơn vị vũ khí chống Fulro mà phải ra Đà Nẵng nhận, anh Sáu giúp cho. Thế là ảnh cấp cho TĐ 400 lít xăng để đi nhận súng, vì sau lưng phiếu xuất kho của Tỉnh Đội, tôi ghi thêm: nhận tại kho Quân Khu 5, Đà Nẵng. Mà thiệt tình lúc đó tôi cũng không biết Quân Khu 5 ở đâu. Bạn nào có quen anh Sáu (Huỳnh xuân Lũy) đừng méc lại chuyện này nghe, tôi về hưu rồi, ảnh lôi tôi ra kỷ luật như ông gì đó thì cũng mệt lắm. Từ đó anh em ở các cơ quan tỉnh biết tôi và Tổng Đội nên cứ vào đơn vị để nhờ phối hợp khi truy quét các buôn làng tìm Fulro.Còn các anh Cảnh Sát Hình Sự tỉnh thì xin đạn để đi săn (đạn đại liên cùng loại với Súng trường Garant M1, một phát là đủ cho Min (trâu rừng), bò tót gục liền. Mình cũng vì mối quan hệ nên cho một ít, chứ bây giờ chắc không dám đâu. Lúc đó anh Sáu Luỹ yêu cầu tôi chia bớt cho TĐ4, anh Tư Đạt TD Phó dẫn một tiểu đội từ Daksak qua với ba lô để mang đạn về, tôi chấp hành nghiêm túc. Giao thừa năm đó, đơn vị không có pháo đốt, tôi kêu anh em đem cây đại liên ra chỉa lên ngọn cây dầu bắn thử, sau một hồi khục khặc thì đạn đại liên cũng lên tiếng hơn pháo đại, an ủi phần nào những người xa nhà, giây phút thiêng liêng. Khi tôi ở Vĩnh An thì đêm giao thừa cũng cả ngàn ngừơi quây quần bên trò chơi, lửa trại, vui cùng đồng ddội mà quên đi nỗi nhớ nhà. Chắc là tôi hoài cổ, nhưng tôi không hình dung được, không có Tết ta, thì dân tộc mình ra sao. Kể chuyện nọ xọ chuyện kia vậy cũng mệt rồi, chuyện phối hợp tuần tra truy quét Fulro hẹn lúc khác. Tặng các đồng đội của tôi. Năm đó là năm Dần, 1986.
Bài 16: Anh Ba quen
Nhớ anh Ba Quen, người anh của tôi. Khoảng năm 1981, Tổng Đội 4 từ Kiên Giang đổ quân về Trị An, Mã Đà, Vĩnh An để làm nhiệm vụ khai thác trắng vùng này, chuẩn bị xây dựng đập Thủy Điện Trị An. Tụi tôi ra rước đợt 1 có khoảng 200 quân. Trong số này có anh Nghĩa Trắng, TĐ phó. Dương thị Minh Huệ, Đặng Ngọ và một số cán bộ mà lâu ngày tôi không nhớ tên. Vài ngày sau, tôi gặp anh Ba Quen (Nguyễn công Quen) Tổng Đội Trưởng, đồng hương với tôi. Anh Ba người thấp đậm, giọng nói trầm, có lúc sang sảng. Tụi tôi hỗ trợ TĐ4 đóng tạm gần đó một thời gian. Sau TĐ4 dời lên phía trên bến phà Vĩnh An, đóng quân độc lập, thuộc Lâm phần của Lâm Trường Vĩnh An. Do công việc, tôi vẫn thường xuyên qua lại với BCH TĐ4 để bàn về việc khai thác củi gỗ (lúc này TNXP được giao nhiệm vụ quét sạch rừng ,kể cả gốc cây và được nhận một tỷ lệ lâm sản khai thác được về TP bán sau khi giao nộp cho nhà nước). Anh Ba thường mời tôi ở lại ăn cơm, uống rượu. Và điều quan trọng là hay cho tôi mượn chiếc Jeep lùn xịn do Hải điên quản lý (xin lỗi các bạn, lúc đó còn có Hải củi, là anh em TĐ4 kêu nhe, hổng phải tôi). Có khi việc gấp ra bến phà, không có ai tôi lấy đại xe TĐ4 chạy, vì như các bạn biết, xe cũ thì chìa khóa nào ngó ngoáy một chút hoặc mò xuống nối dây điện cũng nổ máy, khi thì chở khách ra chợ Vĩnh An, khi thì chở anh Hai Sang vô tuốt Lý Lịch để đi săn. Anh em về méc, anh Ba biết tôi là thủ phạm, gặp tôi chỉ cười, cũng hên gặp người khác chắc ảnh ĐM rồi. Tật ĐM của anh Ba thì cả LL ai cũng biết. Có lần ảnh trong phòng họp Đảng Uỷ LLTNXP bước ra, gặp tôi ảnh xé xấp giấy cái rẹt, nói: ĐM tao chửi thề quen rồi, không bỏ được, cứ lần nào họp cũng góp ý, cái cc (xin lỗi các bạn).Té ra ảnh là Đảng Uỷ viên, họp Đảng Uỷ cứ bị chị Tư Đoàn, Nguyễn thị Út phê bình tật ĐM nên bực. Sau này TĐ4 chuyển lên Dakmil, hợp tác trồng cà phê với UBND huyện Dakmil tại xã Daksak. Các TĐ phó là anh Nghĩa, a Tư Đạt (Phan quang Hùng) anh Tư Hiếu (xưởng gạch), Lê đình Lộc, Huân Tước vv. Từ năm 1984 đơn vị tôi chuyển dần lên Dakmil, thành lập TĐ6. Anh Ba Quen, anh Nghĩa Trắng giúp tụi tôi rất nhiều, theo đúng nghĩa cơm áo gạo tiền trong lúc này. Năm 1985,86, đơn vị TĐ6 dần ổn định, tôi cũng hay đi bộ qua TĐ4 chơi với các anh, tối về đường rừng đi săn luôn. Ai ở Dakmil thì biết, không giống rừng Sông Bé, Vĩnh An Mã Đà, đây là rừng khộp, nhiều trảng tranh. Rất ít cheo, mà mễn nai chồn nhiều vô số, cũng là cải thiện đời sống anh em thôi. Năm 1986,TĐ4 được tỉnh giao nhiệm vụ tu bổ rừng: phát cây nhỏ lùm bụi để phòng chống cháy, và cho cây rừng phát triển. Anh Lê đình Lộc đã chỉ đạo đốn luôn rất nhiều cây cừ, đa số là cẩm lai, tập kết ra đường 14 chở về Saigon bán (TNXP sau khi tu bổ rừng xong, được phép chở một số củi, gỗ vớt dưới suối về bán). Lúc này thì mọi chuyện là nghiêm trọng, kiểm lâm bắt, lập biên bản, báo về tỉnh, tỉnh vào làm việc với tôi. Nói để các bạn rõ, đây là chương trình hợp tác giữa tỉnh Daklak và TP HCM, thành lập Lâm Trường Thanh Niên hơn 12 ngàn hecta. Tỉnh quản lý và cấp kinh phí, con người là của TNXP, tôi là GĐ Lâm Trường và việc anh em làm thuộc lâm phần của Lâm Trường Thanh Niên. Lãnh đạo tỉnh nói với tôi và lãnh đạo TĐ4:việc này là nghiêm trọng, chúng tôi phải làm việc với Đảng Uỷ TNXP về việc này, trứơc khi đưa ra pháp luật. Hôm sau anh Ba lên nghe tình hình ,chạy thẳng qua gặp tôi: Tâm ơi, mày phải giúp anh chớ mấy chả về gặp chị Tư Đoàn thì kẹt cho anh Ba mày quá. Tôi có hứa và bỏ công đi năn nỉ Chi Cục Kiểm Lâm, gặp anh YLy Niet Dam ,Phó Chủ Tịch Uỷ Ban ND tỉnh, sau sự việc êm xuôi, BCH LL không biết. Sau anh Ba về nghỉ, tôi thì làm nhiều nhiệm vụ khác nhưng thỉnh thoảng gặp ảnh, lần sau cùng thì ảnh còn nhận ra tôi nhưng không còn nói được. Tôi cũng phụ giúp chút ít để ảnh về nằm Nghĩa Trang Lạc Cảnh. Tôi viết những dòng này là để nhớ anh Ba, người thủ trưởng mà tôi kính mến,. Thơ văn của TNXP cũng không thấy ai nhắc ảnh. Buồn
Bài 17: Trở lại Vĩnh An Mã Đà
Lần này thăm lại các địa danh vùng Vĩnh An,Phú Lý, Thác Trau, Bà Hào, Lý Lịch, Rang Rang.. cũng xúc động. Vài dòng gởi anh chị em.
Tôi ở Phân Hiệu Tân Phú-Vĩnh An (Trường TNXDCSM) từ năm 77-80. Làm đủ việc do tổ chức phân công: nhân viên Phòng Tuyên Huấn, Phó Phòng Tuyên Huấn, Chỉ huy phó Công Trường 1 Khai Thác Lâm Sản. Anh Sáu Nhã là Phân Hiệu Trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Công Trường.
Tôi nhớ năm 1978, anh Đoàn Minh Cương, bí thư Đoàn có triệu tập anh em về lời kêu gọi của Thành Đoàn: bảo vệ biên giới Tây Nam. Nơi họp ở ngoài trời, cạnh nhà sàn gỗ cạnh bờ sông. Tại đây, anh Cương đã cắt máu mình, viết huyết tâm thư đại diện cho anh em xin tình nguyện đi biên giới Tây Nam. Nhưng chuyện đời đâu đơn giản, đi hết rồi ai làm nhiệm vụ ở đây, với gần 5000 con người, vì vậy TP không cho ai đi. Sau này, thỉnh thoảng nghe các cựu TNXP chê bai: mấy ông thì biết gì về chiến trường. Tôi chỉ cười.
Tôi nhớ vì đi ngang vùng đất cũ với các địa danh: thác Trau, bà Hào, sân bay Rang Rang, Lý Lịch.. Ở vùng này xưa kia cũng ồn ào với chiến dịch Cánh Đồng Bơ mà tham mưu trưởng là anh Nguyễn Xuân Hàm,với mong muốn cải tạo các trảng tranh ,rừng chồi nơi đây thành một vùng nông nghiệp trù phú, cung cấp nông sản cho thành phố. Nó gần như y chang mong muốn của thành phố trong chương trình 3 giảm giai đoạn 2000-2005 khi hình thành hàng loạt các Trung Tâm Cai Nghiện. Nhưng mơ ước, bản đồ, quy hoạch.. chỉ là kỷ niệm thôi.
Năm 1979, sau chuyến thị sát bằng trực thăng của chú Sáu Dân, thành phố chủ trương khai thác trắng vùng này để chuẩn bị cho lòng hồ Thủy Điện Trị An. Đơn vị vẫn hoạt động bình thường, vừa quản lý học viên vừa đảm bảo nhiệm vụ ngành lâm nghiệp giao. Lúc này anh Lê Thân đã được điều về Công Trường 2 Khai Thác Lâm Sản, cùng một số cán bộ trường như Nguyễn Trung Trực...và nhiều anh em nồng cốt khác, trực thuộc công ty khai thác lâm sản thành phố (lúc này anh Lê thanh Tâm , Hai Tâm làm giám đố, sau là anh Ba Đức, anh Trần Luận).Giám Đốc Sở Lâm Nghiệp là ông Phạm tự Do (Hùm xám Hương Sơn), sau là anh Tư Sang.
Năm 1980, UBND thành phố có quyết định 333 do ông Mai Chí Thọ ký. Theo đó, thành lập các trường Giáo Dục Lao Động Công Nông Nghiệp, đồng nghĩa với việc giải thể hệ thống trường TNXDCSM. Trong lúc các anh Sáu Quang, Năm Hiền.. đang loay hoay chưa biết tính sao thì năm 1981 thành phố có quyết định bàn giao hệ thống các trường TNXDCSM cho LLTNXP quản lý. Vĩnh An được đổi là Trường Giáo Dục Lao Động Công Nông Nghiệp 2, còn Xuyên Mộc là Trường 1.
Thật ra, ai cũng biết đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trường TNXDCSM đều là TNXP 75,76 được điều động qua, cùng với một số anh chị em Thành Đoàn và các nơi khác.
Lúc đó anh Phan Quý Hoàng (Phòng Tuyên Huấn) nói với tôi: Trường sẽ thành một Tổng Đội TNXP, mà là Tổng Đội bị kỷ luật. Rồi thì nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo TNXP lên đơn vị tôi: tìm hiểu hồ sơ cán bộ, tài chánh, xây dựng, sản xuất kinh doanh.. Tôi nhớ một lần họp, anh Út Thanh(Đặng Công Thanh) nói: tất cả các đ/c sẽ thuộc TNXP. Anh Sáu Nhã đứng lên nói, tui có quyết định Thành Đoàn điều về rồi anh. Thật ra lúc đó còn có anh Ba Thái (Hai Lê), Chín Trước.. và một số anh em từ Thành Đoàn nữa.
Đêm bàn giao: những ngày đó, đa số anh em cán bộ đều vác ba lô về LLTNXP để trình diện và xin xuất ngũ, chuyển ngành. Tới khi bàn giao, cả đơn vị đều vắng tanh, khu vực cơ quan hầu như không còn ai. Các khu đều nổ súng liên thanh, anh Út Thanh, Võ thanh Phong…không hiểu có chuyện gì. Một kiểu phản ứng của anh em hồi trẻ. Tôi, anh Trần văn Danh, anh Tám Ngữ (Hà văn Hùng) rút về một khu quản lý học viên, ngồi uống rượu tới sáng. Đêm đó anh Tám Ngữ hát bài: Tiếng hát trên sông Rin, lần đầu tôi nghe.
Vài ngày sau, lần lượt anh em đều vác ba lô lên lại đơn vị. Ai muốn xuất ngũ, huyển ngành phải làm thủ tục tại đơn vị gốc. Theo tôi nhớ, tất cả anh chị em đều được giải quyết theo nguyện vọng, hầu như đều về học Bổ Túc Công Nông ở Thủ Đức vì đều xuất thân từ TNXP. Nhiều bạn bây giờ đã thành đạt, thành công. Tôi thuộc số ở lại vùng này tới năm 1985, lúc đó là Trường Giáo Dục Lao Động Công Nông Nghiệp 2.
Tôi viết những dòng này để tặng anh em từng ở Vĩnh An, điều gì chưa đúng các bạn bổ sung hoặc cho qua.
Bài 18: Con đường đau khổ
Những ngày tháng 3.Nhớ con đường Tây Nguyên.
Với đa số anh em tụi tui, con đường từ Sài Gòn lên Ban Mê Thuột dài khoảng 360 km có thể tạm chia thành ba chặng Sài Gòn-Đồng Xoài, Đồng Xoài - Gia Nghĩa, Gia Nghĩa - Ban Mê, mỗi chặng khoảng 120 km, hồi đó quen kêu là Con Đường Đau Khổ. Tui không đo đếm chi ly đâu, chẳng qua xe Jeep lùn của Mỹ uống xăng dữ quá (22 lít trên 100km) nên mỗi lần đi đâu phải so đo tính toán thôi. Mỗi lần đi thì phải chở theo một phi xăng 200 lít (vì nó ngốn 22l/100km) vậy thì anh em ngồi chỗ nào ? Vì vậy sau này lãnh xăng ở cơ quan LLTNXP 922 Nguyễn Trãi, tui đều cho bán, đi dọc đường mua xăng lậu, mắc hơn chút nhưng tiện nhiều bề, có thể chở nhiều đồ.
Đoạn từ Sài Gòn lên Đồng Xoài chỉ có mấy chỗ bán đồ ăn. Ngã ba Sở Sao có quán Đôi, với món cháo lòng và quán cơm,đi tiếp thì vào Quốc lộ 14 với các địa danh Chánh Phú Hoà, Bố Lá. Nơi đây tôi và anh Phạm Tuấn Khanh phải ở trần, quần xà lỏn chui xuống gầm chiếc Jeep lùn để sửa chiếc xe dở chứng. Mà có đồ nghề, phụ tùng gì đâu mà sửa, hai anh em dầu mỡ lấm lem, đành kêu tài xế về LL cầu viện. Trời tối dần, ai bên là nhà dân cũng nghèo, không có điện đóm gì ráo, may có một nhà cho mình ngủ trên bộ ván sau khi tắm rửa và nấu cơm cho ăn.
Bữa sau, xe LL lên, tụi tui đi tiếp, tới Phú Giáo thì lúc đó chỉ lèo tèo 1, 2 quán cơm. Từ đây hết đường nhựa thì bắt đầu tập 1 của Con Đường Đau Khổ, đường đất đỏ, nắng thì bụi mịt mù, mưa thì lầy lội, dốc cao, ban đêm hai bên đường tối thui, dân tình chỉ chỉ đất đèn dầu vì chưa có điện. Giờ thì đi bằng phẳng vì người ta đã làm lại đường nhiều lần.
Tới Đồng Xoài thì le lói chút điện từ máy phát của thị xã. Tui nhớ kỷ niệm ở Đồng Xoài. Từ Ngã Tư quẹo phải qua hướng Bù Na có một quán cơm bán rất ngon, cơm canh cá đều đầy đủ, khổ nổi bà chủ chỉ tính theo tiền Việt Nam Cộng Hòa không tính theo tiền mới. Một dĩa cơm bà tính vài trăm ngàn, một mâm cơm vài chục triệu quy đổi là chuyện của con cháu bả, sau đổi tiền năm 85 nghe nói tới vài trăm triệu thì bả ngưng luôn vì không tính nổi nữa. Mỗi lần qua chỗ này tôi đều để ý tìm mà đâu mất tiêu.
Gần tới Bù Na thì cũng có tiệm cơm nhưng ít khi tui ghé trừ khi xe hư, lỡ đường. Đây cũng là nơi Sư đoàn Công binh đặt trạm gác, dốc đất đỏ rất cao, xe gì cũng phải xuống trình công lệnh, giấy tờ. Anh 7 Thanh cũng bị xét giấy tờ tại đây, lúc đó anh mang bốt đờ sô, đeo K59, áo bộ đội nói chung là không giống ai. Ảnh xuống xe mặt hầm hầm: Ai cho phép mấy ông lập trạm ở đây, tui chỉ có giấy Anh Hùng Quân Đội, hổng có giấy gì ráo. Mấy cha bộ đội xanh mặt lật đật mở ba rie và không có ý kiến ý cò gì.
Nãy giờ quên, đang tới tập 2 Con Đường Đau Khổ, tiếp nhen. Tới Bù Đăng thì là một thị trấn nhỏ nhưng có bán cơm có cà phê, cà pháo đủ cho người đi xa thư giãn chút, kéo bi thuốc lào. Đây cũng là nơi xếp Đặng Ngọc Triển Đội Trưởng đóng quân ở Vườn Mít Trần Lệ Xuân, do nóng ruột vì quân trốn nên đi truy bắt, mặc bộ đồ bà ba đen mang M16, quá giang đủ loại xe và đón xe đò về tới Thủ Dầu Một, ai cũng sợ vì không hiểu loại lính gì.
Trạm Cây Chanh (thật ra là Cai Chanh, vì không có cây chanh nào ráo) hung thần của thanh niên xung phong. Đây là Trạm kiểm soát liên hợp của tỉnh Đắk Lắk với đầy đủ công an, bộ đội, kiểm lâm, thị trường, thuế vụ… Không xe nào qua được, tất cả nông sản đều bị tịch thu. Anh Sáu Lũy mình hồi đó không biết ai tham mưu, gắn bảng số trắng đè lên bảng số xanh của chiếc Niva (lúc đó kêu là số ẩn tế, dành cho CA khi làm nghiệp vụ)Hậu quả là trạm không cho đi vì nói là tư sản cở bự. Còn tui. mỗi lần đem cà phê đậu xanh về làm quà đều phải giấu dưới chỗ ngồi.
Ngã ba Kiến Đức thì không có gì nói, ngoại trừ việc vào Trường 1 thời anh Phạm Tuấn Khanh, Nguyễn văn Nghĩa, Nguyễn văn Bảy.. đợi anh em đi săn về nhậu mà tôi sẽ kể lúc khác. Một kỷ niệm sau này ở đây nhưng tui cũng kể vì sợ quên. Năm đó Đảng ủy TNXP triệu tập tất cả cán bộ chủ chốt về học nghị quyết tại cụm Daknong, hầu như tất cả anh hào TNXP Daknong, Dakmil đều có mặt. Tui cùng anh Đoàn Thế Thọ mượn chiếc Volga duy nhất của tỉnh Daklak đi dự họp (các bạn cần nhớ, lúc đó chỉ Bộ Trưởng mới đi xe này). Về chỗ học, hình như tại Nông trường cây công nông nghiệp số 5, anh Nghĩa đen làm xếp, lúc đó đầy đủ căn tin, câu lạc bộ,hội trường.. gần đó là bản doanh của công ty Cao Su Daknong, rất hoành tráng. Còn sớm nên ông quại Đoàn Thế Thọ rủ qua thăm anh Cơ, hạt trưởng kiểm lâm. Chủ nhà mua bia Sài Gòn, tới giờ học thì lết bánh. Tui xúi anh Thọ: tướng anh ngon, anh vô báo cáo chị Tư Đoàn (Nguyễn thị Út) đi, tui ra xe nằm đây. Ổng vô báo: báo cáo chị Tư, anh Tâm sốt quá, để em đưa ảnh về Sài Gòn, chỉ ok, thiệt là hú vía và tụi tui dzọt lẹ.
Qua Nhơn Cơ thì nhiều kỷ niệm với các đại ca Hai Sang (chỉ huy phó LL), Lâm Quang Kiệt, Võ Văn Đệ , Ba Thung. Đây là nơi phát triển sớm nhất với các xưởng đủ thứ các loại của TNXP và cũng là nơi lập bến xe Nhơn Cơ - Sài Gòn đầu tiên với các loại xe microbus 12 chỗ của Mỹ nhưng lắp bánh có gai đủ sức vượt đèo dốc và sình lầy.
Rồi cũng sẽ tới cầu Daktik 1, 2 nơi Trường 2 đã có hai đội đóng quân trồng mía, sau này là sả Java mà các bạn đã từng ở đây đều biết.
Con đường đau khổ tập 3:
Thị xã Gia Nghĩa xưa là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Đức nơi có một chút Tây một chút Đà Lạt, một chút Sài Gòn. Nhiều con đường dốc với đồi thông thơ mộng. Qua khỏi nơi đây là bắt đầu hai bên vách đá cheo leo, thỉnh thoảng vài chỗ trồng thông, tới khu vực Daksong thì hoang vắng thực sự, chỉ có cầu và vài đèo dốc nhỏ.Tôi nghe ông Thoả, người miền Bắc, xưa là lính lái xe cho quân đội Pháp kể: xưa con đường 14 do Pháp làm, từ Sài Gòn lên tới Ban Mê Thuột, ổng lái xe qua lại con đường này nhiều nên rành. Lúc đó Pháp đã nghiên cứu về việc xây dựng vùng cao su tại đây, nhưng vì đồi dốc nhiều, không phù hợp.(Chú Thoả, ba vợ của Tám ghe, lò than Vĩnh An).
Rồi thì cũng tới rừng lạnh đúng theo nghĩa đen. Đi qua gần hai chục cây số đường dốc cao trong bóng tối âm u của cây rừng, dây leo chằng chịt không một bóng người.
Ngã ba Đức Mạnh thì có nhiều kỷ niệm. Kể một chuyện thôi. Lần đó tôi đi cùng anh Hai Sang về Sài Gòn, ghé Đức Mạnh ăn cơm, xong ra mua sầu riêng.Theo tôi, sầu riêng ở đây là ngon nhất. Anh Hai trả giá với bà bán hàng tới lui nhiều lần, bà này giọng chanh chua láu cá, thỏa thuận mua 10 trái thì thấy anh lựa trái này chê trái kia rồi thảy lên xe. Chạy một đoạn, tui đếm thì thấy 12 trái. Tui hỏi sao kỳ vậy anh Hai. ảnh nói bà già cà chớn quá tao trổ tài cho bả biết. Hết ý kiến.
Tới đây mỏi tay quá, thôi nợ lại các bạn chặng Dakmin - Tổng Đội 6 lần sau. (là Con đường đau khổ tập 4 đó)
Gần tới 28/3. Tặng các bạn từng ở Đaknong, Dakmil, Daklak khoảng 1980-1990. Trật trúng gì. Ai có lượt qua, xin góp ý.
Con đường đau khổ tập 4.
Ngã ba Đức Mạnh là địa danh nổi tiếng đối với TNXP thời ấy. Là nơi quần tụ các anh hào Huỳnh Ngọc Sĩ, Anh Ba Quen, anh Hai Sang, anh Nghĩa Trắng, anh Võ đình Bình .. vì sau khi làm việc với UBND huyện Dakmil, anh Đỗ Khắc Tiệp CT (sau là Viện Trưởng VKSND tỉnh Daklak), anh Trần Đình Long PCT (sau là Phó chủ nhiệm UB Pháp Luật QH).. cùng các ban ngành huyện thì anh em đều ghé đây để ăn cơm và thư giãn chút.
Như đã nói với các bạn ,quán cơm lúc này hiếm hoi mà nơi đây thì cơm ngon, lại ở ngã ba đường nên anh em đều ghé. Anh em Tổng Đội 4 thì cũng thường ra đây tìm món ngon vật lạ sau những ngày cày cuốc(!). Các bạn cứ tính: từ Sài Gòn lên đây gần 300 cây số, cột mốc tại ngã ba Đức Mạnh ghi 298 km, bây giờ thì cũng phải mất 6 tiếng, huống gì khi xưa. Nhưng đối với tụi tui thì đường còn xa lắm.
Một kỷ niệm tại đây: ăn cơm xong thì trời đã gần tối, chiếc xe Jeep bảng số 50-52 bổng nhiên gãy trục lái (gọi là ba đờ sốc hay ba đờ sông gì đó) chiếc xe đâm thẳng vào đuôi một xe lơ bồi chở gổ, nguyên cái đầu tôi thọc thẳng vào kiếng trước của xe, kiến bể nát và đầu tui thì máu me tùm lum. Tui bình tĩnh, lấy khăn rằn bất ly thân ra lau hết máu, rửa sơ alcool trong ba lô, quấn đại khăn rằn để cầm máu. Lúc này lái xe đã run lập cập, mặt mày xanh lét. Tui vào nhà dân xin đở cuộn kẽm và chui xuống buộc chỗ gãy dưới gầm lại. Xe vẫn chạy nhưng bẻ lái không được, tui liều mạng leo lên và lái đi vì lái xe vẫn còn run. Tới chỗ cần quẹo, tui phải de lui chạy tới nhiều lần thì mới bẻ lái chậm chậm và quẹo được. Tới được đơn vị thì đã 1g sáng. Nhớ đời.
Tiếp nha, từ Đức Mạnh tới Ngã Ba DakMâm khoảng 30 cây số, có những đoạn người Pháp để lại như chỗ DakGhềnh thì chạy tốt, còn lại thì cũng bò thôi vì bị cày xới lung tung. Quẹo tay phải chỗ DakMâm thêm 30 km thì mới tới chỗ đóng quân, sau khi đã qua dốc Ma Thiên Lãnh, thác Dray Sáp.. đường quanh co uốn khúc, nắng bụi, mưa nhão nhẹt, trơn trợt.. xe chỉ có nước bò theo nghĩa đen. Lúc đó ,qua khỏi thác khoảng 10 cây số quẹo trái là xã Nam Đà ,sau này là huyện Krongnô,TĐ6 có nhiều kỷ niệm tại đây với địa danh K 62.Vô tới đơn vị thì êm rồi, pha trà uống, nghe sơ tình hình rồi sáng mai bắt đầu ngày mới.
Từ chỗ Ngã ba DakMâm đi tiếp khoảng 20 cây số, sau khi qua cầu 14 là vào địa bàn thị xã Ban Mê Thuột, khi thấy cột mốc 353 km là biết đã tới. Cũng như nhiều nơi khác, lúc này vẫn chạy máy phát điện với những ánh đèn vàng, mờ mờ ảo ảo. Vẫn chế độ tem phiếu mà khi nhìn ra người quen, cô Mậu dịch có thể đưa cho bạn một miếng thịt ngon hay chỉ toàn là mỡ, xương. Tem phiếu ghi trọng lượng chớ đâu ghi phần gì của con heo. Có việc cần thì tui cũng nhờ giới thiệu mới mua được vé xe về Daknong hoặc Sài Gòn. Ăn cơm thì tìm nơi hóc hẻm bán chui, nếu không muốn mua phiếu ở cửa hàng Mậu dịch quốc doanh.(Khi tôi lên lần đầu, chủ tịch tỉnh là ông Phan tấn Trình)
Giờ trở lại, Ban Mê ,Dakmil, Daknong, Gia Nghĩa, DakGhềnh, Daksak, Đức Mạnh.. thay đổi nhiều quá. Hầu như cảnh cũ hiếm hoi mà người xưa thì đâu hết.
N/b: Giữ lời với các bạn về con đường 14 trong những ngày tháng 3, tới đây xin hết nha.
Bài 19: Thông tin liên lạc thời Dakmil
Tôi được phân công lên Dakmil, Daklak năm 1984 để làm tiền trạm xây dựng một đơn vị mới của TNXP. Cuối năm đó một phần đơn vị của Trường Giáo Dục Lao Động Công Nông Nghiệp 2 từ Trị An, Tân Phú,Vĩnh An đổ quân lên xã Dak Ghềnh, huyện Krông Nô, tỉnh Daklak vào đêm Noel năm 1984,24/12/1984.Năm 1985, TĐ6 Dakmil được chính thức thành lập. Lúc đó cán bộ khung gồm Lê công Cẩn, Đặng Ngọc Triển, Võ hùng Dũng. Anh em chủ chốt thì có Lợi Ken (Nguyễn tấn Lợi), Huỳnh Ngọc Sướng, Nguyễn thành Mỹ, Vũ chí Nam, Nguyễn hồng Đức... và nhiều nữa tôi không nhớ hết.
Tụi tôi lo xây dựng lán trại, cất nhà, tổ chức thành các đội và cùng lúc phải nhận quân từ LLTNXP đưa lên, lo cơm áo gạo tiền, mùng mền chiếu gối cho khoảng trên một ngàn người. Nhưng điều tôi lo nhất là thông tin liên lạc. Nói sơ để các bạn hiểu: Ra UBND xã phải lội bộ 12km đường rừng, đèo núi. Ra huyện Dakmil thì gần 100 km (30 km ra quốc lộ và thêm 50 km để về huyện, đó là đi xe của đơn vị). Ra thị xã Ban Mê Thuột thì cũng tương đương. Vì vậy chủ yếu dựa vào xe chở lương thực thực phẩm từ thành phố đưa lên theo tiêu chuẩn của TNXP, gởi công văn giấy tờ, báo cáo.. cũng theo mấy xe này. Kể dông dài để các bạn thấy việc thông tin liên lạc là rất khó khăn, xảy ra chuyện gì là phải cho xe Jeep chạy 400 km đường đất đỏ về LL để báo cáo hoặc xin ý kiến chỉ đạo,vì huyện và tỉnh chỉ phối hợp, không phải cấp trên của mình.
Có lần làm việc với Hạt Kiểm Lâm huyện Dakmil, tôi thấy anh em xài điện thoại dã chiến trong nội bộ toàn huyện, kiểu quay rẹt rẹt trong thời chiến, tôi khoái quá nên xin tỉnh trang bị một bộ cho đơn vị. Đây chỉ là điện thoại xài dây trong các đội với nhau, nhưng nhờ vậy tôi có thể liên lạc với các đội, các chốt bảo vệ mà không cần chạy tới chạy lui. Quan trọng là khi có khách lạ vào ,từ 6 km tôi đã biết vì bảo vệ ở cổng điện báo (nói các bạn đừng cười, thời đó Tổng Đội có một xưởng cưa, tỉnh cho phép cưa xẻ gỗ tận dụng (cây ngã đổ, cây vớt dưới suối, củi..) để đóng đồ gia dụng, bàn ghế cho đơn vị. Nhưng ai đã làm nghề lâm sản trong TNXP (anh Hai Sang, anh 7 Hưng, anh Lê văn Mùi, anh Đặng Nhứt, anh Nghĩa Đen...) đều biết mấy loại đó làm sao cưa được vì tỷ lệ thành phẩm rất ít, không làm được gì hết và giá thành rất mắc. Tôi kêu anh em lựa những cây dầu to nhất, kéo về xưởng và cưa xẻ cất doanh trại. Vì vậy mỗi lần kiểm lâm vào, anh em ngoài cổng báo liền, hơn 6 km mới vô tới thì trong này tôi đã cho dọn dẹp xong. Nhưng đó là liên lạc nội bộ, làm sao liên lạc kịp thời với BCH LLTNXP mới là đau đầu, may sao người quen giới thiệu với tôi đài Viễn Thông, khu vực đài phát tuyến trước 1975,gần ngã ba Ông Tạ. Tôi về trao đổi và họ đồng ý giúp. Tuần sau một đoàn khoảng 10 người chở thêm thiết bị lên đơn vị tôi lắp đặt: các anh dựng một cột ăng ten khoảng trên 60 mét, trang bị thêm nhiều máy móc. Phần đơn vị phải làm một phòng cách âm ngay phòng BCH Tổng Đội (tất nhiên rồi). Thế là cứ mỗi ngày 2 ca: 6g sáng và 4g chiều, bộ phận Tổng Đài ở Sài Gòn gọi cho tôi: Alô, Dakmil, Dakmil ...Sài Gòn gọi., hoặc Dakmil gọi Sài gòn Dakmil gọi Saigon, tiếng sóng ban đầu nghe éo éo nhưng khi đúng tần số thì nói chuyện được, mỗi lần nói thì tôi phải bấm vào nút, muốn nghe thì nhả ra giống như các bạn thấy trong phim lính xe tăng ,hoặc phi công nói với nhau vậy đó(hình như kêu bằng Walkie Talkie) hai người không nói cùng lúc được. Lúc đó tôi nhờ họ chuyển thông tin về TNXP và ngựơc lại. Những khi cần thiết tôi lại báo họ lên ca máy đột xuất vào những giờ khác, họ đều đúng hẹn, nhờ vậy tôi có dịp gặp anh Ba Thung Chỉ Huy Trưởng TNXP vài lần để báo việc khẩn. Tôi nhớ một lần cuối năm có giọng thánh thót: Dakmil ơi lúc này ở đó có lan rừng chưa, đem về cho Sài gòn nghe. Sau nhiều năm tôi vẫn ân hận vì không làm được điều này dù lan rừng Dakmil nở hoa trắng xoá và nhiều màu sắc. Tặng TĐ6 và bạn bè TNXP, những ai còn nhớ.
Hết
Trung Võ.
Đã đăng đủ toàn tập (19 bài).
Hình minh họa lấy trong tập chuyện của tác giả Trung Võ. Xin cám ơn tác giả.
|
|